Tâm lý trẻ dậy thì có sự thay đổi rất phức tạp, đặc biệt ở giai đoạn này trẻ cũng dễ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý tuổi dậy thì. Nếu không được quan tâm và hướng dẫn đúng cách thì có thể khiến trẻ rơi vào khủng hoảng, dẫn tới nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.
1. Làm sao để nhận biết trẻ dậy thì
Trẻ dậy thì là bước thay đổi lớn về cả thể chất và tinh thần. Thông thường tuổi dậy thì ở bé gái là từ 8 - 13 tuổi và bé trai thì thường muộn hơn, khoảng từ 9 -14 tuổi. Tuy nhiên độ tuổi dậy thì ở trẻ cũng có sự thay đổi phụ thuộc vào nhiều yếu tố như dinh dưỡng, tình trạng sức khỏe và giới tính...
Trước khi nắm bắt được tâm lý của trẻ, cha mẹ cần nhận thấy những thay đổi trên cơ thể trẻ, vì điều này dễ nhận biết hơn khi trẻ bước vào độ tuổi dậy thì.
Thay đổi thể chất ở bé gái:
- Ngực bắt đầu phát triển: Dấu hiệu đầu tiên và dễ nhận biết nhất là sự phát triển mạnh mẽ của ngực về cả kích thước lẫn hình thái.
- Lông mu và lông nách bắt đầu mọc rậm.
- Sau đó một khoảng thời gian thì trẻ bắt đầu xuất kiện kỳ kinh nguyệt đầu tiên. Đau bụng kinh có thể xảy ra với biểu hiện khác nhau ở từng trẻ, có thể đau bụng dữ dội hoặc âm ỉ vùng bụng dưới.
- Mồ hôi và tuyến bã nhờn tiết ra nhiều hơn.
- Chiều cao tăng mạnh, trung bình khoảng trẻ có thể tăng từ 8 - 10cm mỗi năm, cho đến khi đạt được chiều cao của người trưởng thành.
- Bé gái sẽ thường tăng cân, vùng mỡ tập trung nhiều ở cánh tay, đùi, lưng trên.
Đối với bé trai:
- Biểu hiện đầu tiên đó là ở sự tăng kích thước của tinh hoàn và da bìu trở nên mỏng hơn, đỏ sậm.
- Lông mu mọc quanh vùng gốc dương vật.
- Sau khoảng một năm dậy thì, cơ thể bạn trai có thêm nhiều thay đổi như dương vật và tinh hoàn lớn hơn và da bìu sẫm màu hơn.
- Trẻ có thể có mộng tinh (tình trạng phóng tinh trùng một cách vô thức khi đang ngủ)
- Cơ vùng ngực trẻ lớn phồng lên nhẹ.
- Giọng nói thay đổi rõ rệt hơn, thường có xu hướng trầm hơn.
- Xuất hiện mụn nhiều hơn.
- Trẻ sẽ trở nên cao nhanh và mạnh hơn. Thông thường, chiều cao trẻ trai có thể tăng từ 8-10cm mỗi năm trong quá trình dậy thì và có thể tăng được 10-15cm trong giai đoạn dậy thì.
2. Những thay đổi tâm lý trẻ dậy thì?
Ngoài những thay đổi có thể nhận biết được trên cơ thể trẻ. Thì tâm lý trẻ dậy thì cũng có những sự thay đổi đáng kể:
- Trẻ bắt đầu khám phá bản thân: Trẻ trong độ tuổi dậy thì thường cảm thấy khao khát tìm ra được bản sắc cá nhân, do đó trẻ sẽ thường có xu hướng làm quen thêm nhiều bạn mới cũng như muốn có thật nhiều trải nghiệm về các mối quan hệ khác nhau. Nhiều bạn có thể thay đổi từ tính cách rụt rè sang tò mò, hoạt bát và muốn làm quen thêm nhiều bạn mới.
- Độc lập và có chứng kiến của bản thân hơn: Trẻ trở nên tự lập hơn, chúng thích làm việc một mình và có trách nhiệm hơn trong công việc. Trẻ thích đưa ra chứng kiến của bản thân về sự việc xảy ra hoặc biểu hiện rõ ràng bằng việc chúng thích đấu tranh dữ dội để bảo vệ được ý kiến của mình và không chịu nghe lời người khác. Sự riêng tư và những không gian cá nhân cũng trở nên cực kỳ quan trọng đối với trẻ ở giai đoạn này. Có thể một sự xâm phạm vào không gian riêng tư của trẻ trước đây không có biểu hiện gì, nhưng ở giai đoạn này trẻ có thể phản ứng dữ dội và gay gắt hơn...
- Chúng cảm thấy tò mò về giới tính: Tâm lý bé trai tuổi dậy thì và bé gái có xu hướng quan tâm tới giới tính. Chúng bắt đầu nhận thấy sự khác biệt giữa cơ thể mình và cơ thể của bạn khác giới, sự thay đổi sinh dục thứ phát của cơ thể, trẻ bắt đầu tò mò về các vấn đề về giới tính, tình dục và có thể sẽ bắt đầu hẹn hò, có mối quan hệ tình cảm với bạn khác giới. Có thể nếu không được giáo dục giới tính thì có thể dẫn tới quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn...
- Quan tâm về ngoại hình: Trẻ trở nên nhạy cảm hơn về ngoại hình của mình, trẻ cũng bắt đầu biết quan tâm tới quần áo mặc mỗi ngày và dễ cảm thấy tự ti, lo lắng những nhược điểm về ngoại hình của mình.
3. Rối loạn tâm lý tuổi dậy thì
Bên cạnh sự phát triển tâm lý trẻ em tuổi dậy thì hết sức phức tạp và khó nắm bắt, trẻ ở giai đoạn này cũng có nguy cơ cao hơn gặp phải tình trạng gọi là rối loạn tâm lý tuổi dậy thì. Điều này, nếu không được cha mẹ quan tâm và điều chỉnh đúng cách thì có thể làm cho trẻ có những hành vi gây ra hậu quả đáng tiếc. Những rối loạn tâm lý tuổi dậy thì có thể gặp phải bao gồm:
- Rối loạn cảm xúc
Những biến đổi tâm lý khiến cho các em nhạy cảm hơn, cảm xúc cũng dễ thay đổi hơn. Rối loạn cảm xúc gây nên những thay đổi bất ổn về tinh thần như lúc thì hưng phấn, lúc thì bị ức chế một cách nhanh chóng hoặc ngược lại, khiến trẻ nhanh buồn nhanh vui. Biểu hiện khác của rối loạn cảm xúc là chán ăn, mất ngủ, gầy sút, hoạt động chậm chạp, mất tập trung, hay quên, vẻ mặt không tươi tắn... Các em dễ bị phản ứng thái quá trước những lời chọc ghẹo của bạn bè, hay suy diễn đến những trạng thái tiêu cực...
- Căng thẳng quá mức và trầm cảm
Ở độ tuổi nhạy cảm này trẻ thường dễ bị áp lực từ học tập, từ gia đình, bạn bè... kể cả những suy nghĩ tiêu cực về vóc dáng hay trình độ cá nhân, những mong muốn vượt quá khả năng bản thân và gia đình... cũng dẫn đến tình trạng stress. Khi rơi vào trạng thái stress, trẻ cảm thấy thường xuyên mệt mỏi, lo âu, đau đầu, suy nghĩ tiêu cực, giấc ngủ không yên... Chính vì vậy, kết quả học tập của các em thường giảm sút, sức khỏe cũng thường yếu hơn so với các bạn bình thường.
Trầm cảm là một dạng rối loạn tâm thần dễ mắc phải ở lứa tuổi dậy thì do chúng có những thay đổi từ lượng hormon trong cơ thể, cảm thấy có những áp lực từ xung quanh, học hành, bố mẹ, thầy cô, bạn bè... Trẻ trầm cảm có thể xuất hiện các triệu chứng như trẻ hay buồn bã, không quan tâm tới mọi thứ xảy ra xung quanh mình và cả với bản thân, dễ mệt mỏi, rối loạn giấc ngủ, tiêu cực, sống thu mình, ngại giao tiếp với bạn bè và người thân và tự cô lập mình với thế giới bên ngoài. Nguy hiểm nhất là stress và trầm cảm ở tuổi dậy thì còn có thể dẫn đến hành vi tự tử.
- Rối loạn hành vi
Một số em em tự nghĩ mình kém cỏi, tự ti. Điều này không chỉ khiến trẻ e dè, ngại tiếp xúc, không thích bộc lộ, nghi ngờ khả năng của bản thân... còn khiến các em dễ rơi vào trạng thái stress, mệt mỏi thường xuyên, thừa cân... Ngoài những điều đó các em dễ bị tác động từ sách báo, phim ảnh bạo lực, những văn hóa phẩm đồi trụy và từ bạn bè xấu. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những rối loạn hành vi và có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng như gây thương tích cho người khác, trộm cắp, đua xe mạo hiểm...
4. Cha mẹ cần làm gì để giúp trẻ dậy thì
Ai cũng phải trải qua quá trình dậy thì, có thể chính bố mẹ cũng đã từng có quá trình dậy thì bùng nổ cảm xúc. Nên hãy hiểu cho tâm lý trẻ em tuổi dậy thì, chúng cần trải qua giai đoạn này để trưởng thành hơn, bạn hãy học cách để có thể hướng dẫn trẻ đi đúng hướng và cố gắng thật kiên nhẫn với trẻ hơn. Dưới đây là một số biện pháp giúp cha mẹ có thể giúp trẻ dậy thì vượt qua được giai đoạn thay đổi tâm lý tuổi dậy thì:
- Nếu bạn đã quên những gì có thể xảy ra ở giai đoạn dậy thì. Bạn cần học cách để hiểu được trẻ đang phải đối mặt với những gì trong giai đoạn này. Điều này sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn, thấu hiểu cho con mình hơn.
- Học cách bình tĩnh nói chuyện với trẻ: Làm cha làm mẹ là một điều gì đó rất tự nhiên, là bản năng nhưng thực tế để trở thành bố mẹ một cách tốt nhất thì chúng ta cũng cần học cách làm cha làm mẹ. Khi trẻ ở tuổi này trẻ có thể phản ứng một cách dữ dội khiến bạn cho răng trẻ hỗn láo, hư hỏng... bạn có thể sẽ đưa ra những lời mắng khiến trẻ càng phản ứng dữ dội hơn. Những lúc này, bạn hãy cố gắng bình tĩnh, hãy nhớ trẻ đang ở giai đoạn khủng hoảng. Nếu trẻ thực sự làm sai hãy giải thích hành động đó của trẻ là sai và phạt trẻ đúng quy định. Còn nếu trẻ không sai, bạn hãy vứt bỏ cái tôi của mình và xin lỗi trẻ nếu bạn đã tránh nhầm trẻ. Cố gắng nói chuyện với trẻ nhiều hơn, có thể hiểu hơn về những suy nghĩ và áp lực mà trẻ gặp phải.
- Trấn an và giải thích rõ những gì trẻ đang gặp phải: Một trong những việc quan trọng mà bố mẹ cần làm là trấn an và giải thích cho con hiểu rằng dậy thì là một trong những giai đoạn tự nhiên, khoảng thời gian rất kỳ diệu và cần thiết để trẻ có thể phát triển trưởng thành toàn diện. Ngoài ra, bố mẹ có thể dạy cho con những thay đổi trên cơ thể khi dậy thì để khi gặp phải trẻ không bị hoang mang và cần hướng dẫn trẻ để trẻ có các kỹ năng chăm sóc, bảo vệ bản thân khi cần thiết. Đặc biệt, nên giáo dục giới tính cho trẻ, vì giai đoạn này trẻ rất tò mò về điều đó.
- Cho trẻ không gian riêng tư: Cha mẹ cũng nên dành cho trẻ sự riêng tư phù hợp. Một nghiên cứu về tâm lý bé trai tuổi dậy thì cho thấy, trẻ nam đôi khi tìm hiểu cơ thể mình thông qua biện pháp thủ dâm, đây là điều hoàn toàn bình thường. Do đó, ba mẹ hay người lớn trong gia đình hãy tập thói quen gõ cửa trước khi vào phòng trẻ và tạo cho trẻ không gian riêng, không để những trẻ khác hay người lớn tự ý vào khi trẻ chưa đồng ý.
- Hãy dùng những lời nói tích cực để khen thưởng trẻ: Hãy tán dương những cố gắng, thành tích và cả những hành vi tích cực của trẻ. Đừng tiếc lời khen cho trẻ, đây là những vitamin cho tâm lý của trẻ, khiến trẻ cảm thấy vui vẻ hơn và suy nghĩ tích cực hơn.
- Định hướng hoặc giúp trẻ tránh xa những điều tiêu cực, văn hoá phẩm đồi trụy, giải thích những hành vi không đúng để trẻ hiểu được đúng sai hơn. Cố gắng khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động xã hội, tập luyện thể dục thể thao...
- Dành nhiều thời gian cho con: Ai cũng có những công việc hay mối quan hệ riêng tư cần dành ra nhiều thời gian. Nhưng bạn cần biết giai đoạn này của con bạn cũng chỉ có 1 mà thôi, nếu bạn bỏ qua đến khi quá muộn thì việc uốn nắn trẻ sẽ khó hơn hoặc những vấn đề tâm lý đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ. Hãy cố gắng tạm gác vấn đề riêng tư hay công việc dành nhiều thời gian để ở bên, động viên con hơn.
- Nhận biết sớm những bất thường về tâm lý của trẻ: Giai đoạn này trẻ có thể dễ gặp các vấn đề về rối loạn tâm thần. Cha mẹ cần nhận biết sớm những vấn đề này để trẻ có thể được tiếp nhận điều trị sớm và tránh những sự việc đáng tiếc.
- Nếu trẻ có những dấu hiệu dậy thì sớm hay dậy thì muộn cũng cần cho trẻ đi khám sớm để được có biện pháp điều trị hợp lý.
Như vậy, thông qua bài bạn đã có cái nhìn tổng thể về giai đoạn dậy thì ở trẻ. Tâm lý tuổi dậy thì rất phức tạp, không trẻ nào giống trẻ nào. Cho nên, chìa khoá để cha mẹ có thể giúp con vượt qua giai đoạn này một cách tốt nhất chính là kiên nhẫn và thấu hiểu để có thể nắm bắt được tâm lý tuổi dậy thì ở con của mình làm bạn với con và hỗ trợ con kịp thời, đúng lúc.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.