Tam cá nguyệt thứ tư là thời kỳ giữ vai trò vô cùng quan trọng và ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ sơ sinh trong ba tháng đầu tiên. Đây là khoảng thời gian giúp trẻ thay đổi và dần thích nghi với thế giới đầy lạ lẫm ở bên ngoài bụng mẹ.
1.Thế nào là tam cá nguyệt thứ tư?
Tam cá nguyệt thứ tư là thuật ngữ dùng để chỉ khoảng thời gian được tính từ ngày đầu tiên sau khi trẻ được sinh ra cho đến khi vừa tròn 3 tháng tuổi. Đây chính là giai đoạn mà trẻ sơ sinh thay đổi và phát triển mạnh mẽ nhất, đồng thời làm quen và thích nghi dần với thế giới bên ngoài tử cung của người mẹ.
Trẻ sẽ bắt đầu phải học nhiều thứ để có thể tự điều chỉnh phù hợp với điều kiện môi trường bên ngoài, bao gồm âm thanh, ánh sáng, mùi hương, cảnh vật và những cảm giác vô cùng mới lạ. Do đó, các bậc cha mẹ không nên bỏ qua giai đoạn tưởng chừng dư thừa này, vì nó sẽ quyết định cũng như thúc đẩy sự phát triển của trẻ trong những giai đoạn tiếp theo.
Để trẻ dễ dàng thích nghi hơn với môi trường bên ngoài, mẹ hãy dành nhiều yêu thương và sự chăm sóc cho con trong vòng 3 tháng đầu sau sinh.
2.Tam cá nguyệt thứ tư quan trọng với trẻ như thế nào?
Phần lớn, sự thay đổi và thích nghi với môi trường bên ngoài tử cung của một đứa trẻ sơ sinh sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự quan tâm cũng như tình yêu thương mang lại từ người mẹ.
Ngay từ lúc vừa mới chào đời, trẻ sơ sinh chỉ có bản năng kiểm soát được các cử chỉ của mình, nhưng sự phát triển về mặt giác quan vẫn còn bị hạn chế. Sự hạn chế này bao gồm tầm nhìn, hoặc khó phát ra âm thành từ chính bản thân.
Tam cá nguyệt thứ tư chính là thời kỳ thuận lợi nhất để bé thay đổi và quen dần với môi trường xung quanh dưới sự hỗ trợ nhiệt tình từ bố mẹ. Lúc này não bộ và hệ thần kinh của trẻ đang trên đà phát triển mạnh mẽ và có thể hấp thu mọi thứ một cách nhanh chóng. Hơn nữa, các kết nối trong não bộ của trẻ sẽ trở nên chặt chẽ hơn khi não được kích thích thường xuyên. Đây cũng là thời gian mà mẹ nhận thấy những thay đổi rõ nét nhất từ trẻ.
3.Những thay đổi của trẻ trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư
Khóc: mẹ sẽ nhận thấy đây là quãng thời gian mà trẻ khóc nhiều nhất. Đây là một dấu hiệu bình thường của sự thay đổi ở trẻ khi tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Thông thường, trẻ sẽ có xu hướng khóc nhiều nhất vào khoảng 5-6 tuần đầu sau sinh, sau đó tần suất khóc sẽ giảm dần khi trẻ được tròn 3 tháng tuổi.
Trẻ có thể khóc vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như muốn giao tiếp với bố mẹ, cần sự giúp đỡ, quan tâm và chăm sóc từ bố mẹ, báo hiệu đang đói, cảm thấy khó chịu, hoặc giải tỏa sự căng thẳng. Những lúc như này, bố mẹ cần tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao con khóc nhiều và làm thế nào để trấn an cũng như giúp trẻ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn.
Ngủ: vào kỳ tam cá nguyệt thứ tư, trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, đặc biệt là trong những tuần đầu. Khi đó, trẻ sẽ có ít cảm giác về ngày so với ban đêm. Cho đến khi được 6-8 tuần tuổi, trẻ sẽ dần ngủ ít hơn vào ban ngày và dành nhiều thời gian hơn để ngủ vào ban đêm, đôi khi trẻ có thể thức dậy đòi bú lúc nửa đêm.
Thực chất, khi trẻ ngủ là lúc để cho não bộ hoạt động và thực hiện nhiệm vụ xử lý các thông tin mà trẻ nhận được từ môi trường bên ngoài lúc còn thức. Bé sẽ mất khoảng vài tuần đến vài tháng để có thể tự điều chỉnh giấc ngủ của mình sang ngủ nhiều vào ban đêm.
Sau một vài tuần đầu tiên, bạn có thể bắt đầu dạy trẻ sự khác biệt giữa ngày và đêm, sau đó dần dần thiết lập một lịch trình ngủ hợp lý.
Vào ban ngày, bạn nên cho trẻ ngủ ở một không gian sáng sủa và không có tiếng ồn ào xung quanh. Ngược lại, vào buổi tối, bạn hãy cho trẻ ngủ ở một không gian tối hoặc có ánh sáng dịu nhẹ để trẻ dễ đi vào giấc ngủ.
Khi trẻ được một tháng tuổi, bạn có thể thiết lập một số thói quen đi ngủ cho trẻ, chẳng hạn như hát, đọc sách trước khi đi ngủ, hoặc đơn giản là một nụ hôn chúc ngủ ngon. Thực tế, việc hát hoặc đọc sách cho trẻ nghe trước khi đi ngủ là một việc làm vô cùng hữu ích. Trẻ có thể cảm thấy thích nghe giọng nói của bạn, và đây cũng chính là bước khởi đầu của việc tiếp thu một ngôn ngữ.
Cho bú: dù là đang bú bình hay bú mẹ thì trẻ vẫn sẽ no rất nhanh (do dạ dày nhỏ) và có xu hướng bú thường xuyên hơn trong những tuần đầu tiên. Theo thời gian, trẻ sẽ bú nhiều hơn tại một thời điểm nhất định trong ngày, vì vậy các lần cho bú sau sẽ ngày càng ít hơn, kéo dài hơn và không còn cảm thấy ngẫu nhiên như trước.
Việc cho bú theo yêu cầu của trẻ sẽ là cách chăm sóc tốt nhất dành cho bé. Ngoài ra, việc cho con bú cũng giúp điều chỉnh nguồn sữa mẹ phù hợp hơn với nhu cầu của trẻ.
Một số dấu hiệu cho thấy trẻ đang muốn bú mẹ, bao gồm mút ngón tay, khóc, há miệng hoặc quay đầu. Thực chất, việc cho trẻ bú không đơn thuần chỉ giúp trẻ hết đói mà đây còn là cơ hội tốt để mẹ âu yếm, giao tiếp bằng mắt và quan tâm con nhiều hơn.
Linh hoạt và phát triển thể chất mạnh mẽ hơn: khi mới sinh, trẻ gần như bất lực hoàn toàn và ít có khả năng kiểm soát được những chuyển động cơ thể của bản thân. Theo thời gian, trẻ bắt đầu có một số phản xạ tự nhiên và có thể cầm nắm lấy đồ vật. Bên cạnh đó, cổ của bé cũng khỏe hơn và kiểm soát được đầu nhiều hơn, đồng thời phát triển các kỹ năng thể chất khác.
Khoảng thời gian để bé nằm sấp hàng ngày ngay từ đầu là cực kỳ quan trọng để giúp trẻ sơ sinh phát triển cơ bắp, từ đó di chuyển được theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như chống đẩy bằng cánh tay, ngẩng đầu lên, lăn theo cả hai hướng, ngồi dậy hoặc bò,...Tuy nhiên, thời gian nằm sấp chỉ nên diễn ra khi bé còn thức. Nằm ngửa vẫn là tư thế an toàn nhất cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì nó giúp làm giảm nguy cơ SIDS ở trẻ.
4.Cách giúp trẻ nhanh thích nghi trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư
Mỗi đứa trẻ sinh ra với những khả năng thiên bẩm khác nhau. Một số trẻ ngay từ khi chào đời đã bắt kịp với những thay đổi ở môi trường bên ngoài nhanh hơn so với những đứa trẻ khác. Để hỗ trợ con có thể dần làm quen với những thay đổi trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư, bố mẹ có thể thực hiện theo những cách sau đây:
Tiếp xúc da kề da: mùi hương và sự mềm mại từ cơ thể người mẹ chính là liều thuốc trấn an tinh thần con một cách hiệu quả nhất, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, an toàn và dễ chịu hơn.
Quấn bé: việc quấn bé một cách an toàn có thể mang lại cho trẻ cảm giác ôm khít như đang trong bụng mẹ.
Mát-xa: hầu hết trẻ sơ sinh đều thích được mát-xa nhẹ nhàng và các hình thức tiếp xúc da kề da khác. Mát-xa cho bé cũng là cách để cả mẹ và bé thư giãn, gần gũi với nhau hơn.
Địu bé: bạn có thể địu bé sau lưng hoặc trước ngực để tạo sự gần gũi về thể chất giữa bạn và con, giúp củng cố mối quan hệ giữa hai người ngay cả khi bạn đang làm việc nhà và việc vặt hàng ngày.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com