Tam cá nguyệt thứ tư: Ba tháng đầu tiên của bé

Kỳ tam cá nguyệt thứ tư được coi là một cột mốc vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh. Bên cạnh đó, đây cũng là khoảng thời gian tạo điều kiện thuận lợi để “sợi dây” gắn kết giữa mẹ và bé trở nên bền chặt hơn bao giờ hết.

1. Tam cá nguyệt thứ tư là gì?

Sau khi sinh con xong, bạn có thể nghĩ rằng mình đã trải qua cả ba kỳ tam cá nguyệt. Tuy nhiên, thực chất bạn vẫn còn một kỳ tam cá nguyệt nữa, được gọi là “tam cá nguyệt thứ tư”. Thuật ngữ này thường được sử dụng để mô tả ba tháng đầu tiên sau khi người mẹ sinh con, tính từ ngày đầu sau sinh cho đến khi bé được 3 tháng tuổi.

Trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư, trẻ sơ sinh vừa mới chuyển từ sự thoải mái, ấm áp và an toàn quen thuộc từ trong bụng mẹ sang một môi trường hoàn toàn lạ lẫm, với tràn đầy ánh sáng, âm thanh, hương vị và những cảm giác mới mẻ khác cũng như sự thay đổi của nhiệt độ bên ngoài.

Giai đoạn thích nghi với thế giới bên ngoài tử cung của trẻ sơ sinh được xem là thời kỳ thay đổi và phát triển vô cùng quan trọng về mọi mặt đối với trẻ. Trẻ sẽ phải bắt đầu tập làm quen với những thứ xung quanh, từ việc tự điều chỉnh và phát triển tất cả mọi giác quan của cơ thể đến việc học cách kiểm soát phản xạ và phản ứng lại với bố mẹ.


Kỳ tam cá nguyệt thứ tư được coi là một cột mốc vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh
Kỳ tam cá nguyệt thứ tư được coi là một cột mốc vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ sơ sinh

2. Sự phát triển của trẻ sơ sinh trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư

Vào thời điểm này, trẻ sơ sinh mới chỉ có bản năng và phản xạ để kiểm soát các hành vi cũng như sự chuyển động của mình. Trong khi đó, một số giác quan của trẻ vẫn đang tiếp tục phát triển và hoàn thiện, chúng đã bắt đầu học cách giải mã những thông điệp được nhận thông qua các giác quan.

Vào kỳ tam cá nguyệt thứ tư, sự phát triển của trẻ sơ sinh sẽ bao gồm:

  • Trẻ có thể nhìn thấy được nhưng tầm nhìn vẫn còn bị hạn chế và mờ.
  • Trẻ có thể nghe thấy được nhưng vẫn chưa thể hiểu hết ý nghĩa của những âm thanh mà mình đang nghe
  • Trẻ có thể cảm nhận được, lúc này cảm giảm yên tâm và thoải mái trong bụng mẹ đã được thay thế bằng không gian mở khó chịu.

Ngay từ khi mới chào đời, bộ não của trẻ đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể trưởng thành thật sự. Bạn có thể liên tưởng não của trẻ cũng giống như một miếng bọt biển, thấm hút mọi thứ đang xảy ra xung quanh chúng. Đặc biệt, nếu trong giai đoạn này não bộ của trẻ càng được kích thích nhiều thì càng có nhiều khớp thần kinh (kết nối) được hình thành. Những khớp thần kinh này chính là các đường dẫn giữa những tế bào não, giúp con người có thể suy nghĩ.

Vào một thời điểm cụ thể nào đó trong khoảng 3 tháng đầu sau sinh, bạn có thể nhận thấy con mình:

  • Hơi thở đều đặn hơn
  • Bé ít bị giật mình
  • Phát triển kỹ năng kiểm soát các chuyển động của cơ thể
  • Tự điều chỉnh chế độ ngủ và cho ăn phù hợp hơn
  • Học cách tự xoa dịu bản thân
  • Biết tương tác với người thân, đồ vật, âm nhạc với sự chú ý nhiều hơn và trong một khoảng thời gian lâu hơn.

Nhìn chung, vào cuối kỳ tam cá nguyệt thứ tư, bạn sẽ nhận thấy một sự chuyển đổi đáng kể về mặt thể chất, tinh thần và xã hội ở bé. Để giúp con sớm thích nghi với môi trường lạ lẫm bên ngoài bụng mẹ, bạn nên dành nhiều tình yêu thương và quan tâm đến bé. Đây cũng chính là giai đoạn giúp sợi dây gắn kết giữa mẹ và bé trở nên bền chặt hơn bao giờ hết.


Trẻ ở độ tuổi này biết tương tác với người thân, đồ vật, âm nhạc với sự chú ý nhiều hơn và trong một khoảng thời gian lâu hơn.
Trẻ ở độ tuổi này biết tương tác với người thân, đồ vật, âm nhạc với sự chú ý nhiều hơn và trong một khoảng thời gian lâu hơn.

3. Những điểm thay đổi nổi bật của trẻ sơ sinh trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư

Dưới đây là những khái quát chung nhất về một số hành vi và khả năng quan trọng của trẻ sơ sinh mà bạn có thể nhận thấy trong ba tháng đầu tiên khi trẻ khóc, bú, ngủ và bắt đầu cử động.

Trẻ khóc: khi ở kỳ tam cá nguyệt thứ tư, tần suất khóc của trẻ sơ sinh thường nhiều hơn so với bất cứ thời điểm nào khác trong cuộc đời của chúng. Hành động khóc giúp trẻ tồn tại và phát triển theo nhiều cách khác nhau, bao gồm:

  • Khóc là hành vi giao tiếp của trẻ đối với bố mẹ, báo hiệu chúng đang đói hoặc không cảm thấy thoải mái.
  • Khóc giúp ngăn chặn tiếng ồn ào xung quanh, kích thích thị giác và các cảm giác mãnh liệt khác.
  • Khóc cũng là cách giúp trẻ giải tỏa sự căng thẳng của bản thân khi mới tiếp xúc với môi trường xa lạ bên ngoài bụng mẹ.

Trẻ ngủ: trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều, nhất là trong những tuần đầu tiên của kỳ tam cá nguyệt thứ tư. Giấc ngủ vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của trẻ. Nó giúp não bộ có thời gian để xử lý tất cả những thứ kích thích giác quan mà trẻ nhận được từ môi trường bên ngoài khi còn thức.

Cũng vào thời điểm này, trẻ thường có rất ít cảm giác về ngày và đêm, đặc biệt chúng hiếm khi ngủ quá 2-4 giờ một lần. Theo thời gian, trẻ sẽ bắt đầu học một thói quen mới – ngủ nhiều vào ban đêm hơn so với ban ngày.

Các bậc cha mẹ cũng không nên quá lo lắng về tình trạng thiếu ngủ suốt ngày đêm vì chăm con, bởi khi được 6-8 tuần tuổi, trẻ sơ sinh sẽ bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và có xu hướng ngủ nhiều hơn vào ban đêm. Tuy nhiên, hầu hết trẻ vẫn sẽ thức giấc giữa đêm để bú mẹ.

Cho bú: trẻ sơ sinh vẫn còn quá nhỏ để có thể hình thành nên thói quen bú sữa mẹ. Khi mới sinh ra, dạ dày của chúng thường khá nhỏ, vì vậy trẻ sẽ cần được cho bú một lượng nhỏ vào nhiều lần trong ngày.


Khi mới sinh ra, dạ dày của chúng thường khá nhỏ, vì vậy trẻ sẽ cần được cho bú một lượng nhỏ vào nhiều lần trong ngày
Khi mới sinh ra, dạ dày của chúng thường khá nhỏ, vì vậy trẻ sẽ cần được cho bú một lượng nhỏ vào nhiều lần trong ngày

Dần dần, khi dạ dày đã lớn hơn một chút, trẻ có thể hấp thụ nhiều hơn trong mỗi lần bú và nhu cầu bú mẹ cũng ít thường xuyên hơn trước. Nếu trẻ có dấu hiệu đột nhiên đói hơn so với bình thường, khả năng cao cơ thể bé đang có sự phát triển vượt bậc. Sự tăng trưởng này thường diễn ra theo chu kỳ. Chẳng hạn như, trẻ sơ sinh thường có tốc độ phát triển khoảng 7-10 ngày sau khi sinh, và từ 3-6 tuần tuổi.

Khả năng sử dụng cơ thể: khi mới chào đời, trẻ sơ sinh gần như bất lực hoàn toàn về thể chất. Trong kỳ tam cá nguyệt thứ tư, trẻ cũng đã bắt đầu phát triển một số kỹ năng vận động và cơ bắp ngay từ những ngày đầu tiên.

Khi bạn đặt trẻ nằm sấp, đây cũng là một cách hiệu quả giúp bé tự học cách nâng đầu, dùng hai tay để chống đẩy, lăn lộn, hoặc bò, từ đó phát triển được sức mạnh và khả năng phối hợp cơ thể khi trẻ lớn lên. Bạn có thể bắt đầu thời gian cho trẻ nằm sấp vào tuần đầu tiên sau sinh và vào bất cứ khi nào mà bé thức.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe