Bài viết được viết bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Bùi Xuân Trường - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City
Kể từ khi vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) được hai nhà Y học Australia, R Warren và B Marshall phát hiện ra năm 1982 và chính thức công bố bằng chứng vi khuẩn H. pylori có khả năng gây viêm dạ dày trên tạp chí Y học The Lancet vào năm 1983, cho đến nay đã có hàng vạn công trình nghiên cứu y học liên quan đến vi khuẩn H. pylori trong bệnh lý đối với con người đã được công bố.
1. Vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori) là gì?
Năm 1994 tổ chức y tế thế giới WHO xếp vi khuẩn H. pylori thuộc nguy cơ nhóm 1 có khả năng gây ung thư ở người, tiếp sau đó năm 2014 tổ chức y tế thế giới ra khuyến cáo điều trị diệt trừ vi khuẩn H. pylori được coi là chiến lược làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày. Nhiễm vi khuẩn H. pylori khá phổ biến, theo số liệu nghiên cứu dịch tễ học mới công bố gần đây vào năm 2017-2018, hiện nay có khoảng 47-50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn H. pylori, trong đó các nước phát triển thuộc khu vực tây Âu – bắc Mỹ, Australia và New Zealand có tỷ lệ nhiễm khá thấp. Ngược lại nhiều nước đang phát triển ở châu Phi, trung Mỹ và nam Mỹ, đông nam châu Á - nam Á là những khu vực có tỷ lệ nhiễm vi khuẩn H. pylori khá cao, khoảng từ 50% đến trên 70% dân số.
Tuy nhiên khi chúng ta bị nhiễm vi khuẩn H. pylori thì cũng không nên mất tinh thần và lo lắng quá mức, tại sao vậy?
Mặc dù số lượng người nhiễm vi khuẩn H. pylori rất nhiều và rất phổ biến, nhưng chỉ có khoảng từ 15-20% số người nhiễm vi khuẩn H. pylori có khả năng phát triển thành bệnh lý và các bệnh lý đó cũng rất đa dạng, như:
- Rối loạn tiêu hóa chức năng
- Viêm dạ dày, viêm tá tràng
- Loét dạ dày, loét tá tràng
- Ung thư dạ dày
- U lympho dạ dày
- Xuất huyết giảm tiểu cầu
Chính vì vậy, trong số rất nhiều người nhiễm vi khuẩn H. pylori thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ có khả năng phát triển thành ung thư dạ dày, không phải như nhiều người hiện nay lầm tưởng cứ có nhiễm vi khuẩn H. pylori là chắc chắn sẽ bị ung thư dạ dày.
Ung thư nói chung và ung thư dạ dày nói riêng là một bệnh lý phức tạp với sự tham gia của nhiều yếu tố với nhiều cơ chế bệnh lý khác nhau, mà vi khuẩn H. pylori chỉ là một yếu tố trong đó. Với sự phát triển của y học hiện nay, chúng ta có nhiều phương pháp chẩn đoán nhiễm vi khuẩn H. pylori có độ chính xác cao, đồng thời chúng ta hoàn toàn có thể điều trị diệt trừ loại bỏ vi khuẩn H. pylori ra khỏi cơ thể.
Một trong những phương pháp xét nghiệm không xâm nhập được áp dụng khá phổ biến ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, là xét nghiệm hơi thở (Test hơi thở - Urea Breath Test).
2. Tại sao xét nghiệm hơi thở lại chẩn đoán được nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori)?
Bình thường trong dạ dày là môi trường a-xít khá mạnh với pH ≈ 2, a-xít dạ dày có vai trò quan trọng đối với quá trình tiêu hóa thức ăn, đồng thời giữ vai trò hàng rào bảo vệ tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây bệnh (vi khuẩn, virus...) xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng. Hầu hết tất cả các loại vi khuẩn, virus khi xâm nhập vào dạ dày sẽ không tồn tại được lâu, sẽ bị tiêu diệt bởi môi trường a-xít dạ dày.
Vi khuẩn H. pylori là loại vi khuẩn có những đặc điểm khác biệt với nhiều loại vi khuẩn khác, một trong các yếu tố cơ bản giúp H. pylori có thể tồn tại lâu dài trong môi trường a-xít dạ dày là vi khuẩn H. pylori có thể tiết ra men urease, và urease có khả năng trung hòa a-xít giúp tạo nên môi trường phù hợp để vi khuẩn H. pylori không bị a-xít dạ dày tiêu diệt.
Quá trình thủy phân urease của vi khuẩn H. pylori trong dạ dày sẽ tạo nên các sản phẩm đầu cuối là ammonia (NH3) và carbon dioxide (CO2) trong đó CO2 được hấp thụ vào máu, theo hệ tuần hoàn đi lên phổi và được đào thải ra bên ngoài theo đường thở. Dựa vào nguyên lý này, chúng ta có thể phát triển các kỹ thuật xét nghiệm đo nồng độ CO2 trong hơi thở và đưa ra kết luận chẩn đoán được một người có nhiễm hay không có nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Kỹ thuật xét nghiệm hơi thở phổ biến nhất hiện nay là sử dụng đồng vị carbon 13C hoặc 14C, đầu tiên chúng ta đo nồng độ CO2 trong hơi thở khi chưa uống thuốc có chứa đồng vị carbon 13C hay 14C , sau đó chúng ta uống thuốc có chứa đồng vị carbon 13C hay 14C rồi lại tiến hành đo nồng độ CO2 lần thứ hai. Dựa vào độ chênh nồng độ CO2 giữa hai lần không uống thuốc và có uống thuốc đồng vị carbon 13C hay 14C chúng ta có thể đưa ra chẩn đoán một người có nhiễm hay không có nhiễm vi khuẩn H. pylori.
Kỹ thuật xét nghiệm hơi thở - test hơi thở có độ chẩn đoán chính xác rất cao, khoảng 90-98%, đồng thời là một xét nghiệm không xâm nhập (không cần phải tiến hành nội soi dạ dày để sinh thiết lấy mẫu bệnh phẩm là một hoặc hai mảnh niêm mạc dạ dày), do vậy test hơi thở hiện nay nhận được sự quan tâm và đồng thuận của rất nhiều người bệnh.
Tuy nhiên cần chú ý, đồng vị carbon 14C là một đồng vị phóng xạ do vậy không được sử dụng cho phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ hay trẻ em. Ngược lại đồng vị carbon 13C không phải là đồng vị phóng xạ do vậy có thể chỉ định cho mọi đối tượng.
Hiện nay các bệnh viện thuộc hệ thống bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, sử dụng đồng vị carbon 13C trong test hơi thở chẩn đoán vi khuẩn H. pylori với loại máy ưu việt hàng đầu có gắn 02 túi khí, vừa cho giá trị chẩn đoán rất cao (> 95%) vừa đảm bảo an toàn cho người bệnh.
>>Xem thêm: Liệu pháp quang động học và vắc-xin trong điều trị helicobacter pylori- Bài viết bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Mai Viễn Phương - Bác sĩ nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.