Tại sao trẻ sơ sinh có những vệt đỏ trong lòng trắng mắt?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Bùi Thị Hà - Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.

Mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ hoặc các cục máu đỏ là tình trạng chảy máu kết mạc mắt. Nguyên nhân là do sự vỡ các mạch máu nhỏ từ các chấn thương cơ học trong suốt quá trình sinh hoặc có thể xuất hiện sau khi trẻ khóc, ho hoặc nôn mửa nhiều lần. Tuy nhiên, một số các trường hợp xuất huyết kết mạc mắt xảy ra mà không tìm thấy nguyên nhân rõ ràng. Tổn thương xuất huyết kết mạc mắt có thể tự khỏi trong vòng 1 đến 3 tuần mà không cần điều trị và thường không ảnh hưởng đến thị giác của trẻ. Vì thế bố mẹ không nên quá lo lắng khi phát hiện mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ hay các cục máu đỏ.

1. Tại sao mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ?

Nhiều bố mẹ lo lắng khi phát hiện mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ và băn khoăn liệu tình trạng này có nguy hiểm đến thị lực cũng như sức khỏe của trẻ hay không. Vết đỏ hoặc thậm chí là các cục máu đỏ xuất hiện trong mắt trẻ sơ sinh là biểu hiện đặc trưng của tình trạng xuất huyết dưới kết mạc khá phổ biến và có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, xuất huyết kết mạc thường xảy ra do ho quá nhiều. Tuy nhiên, mọi nguyên nhân làm thay đổi áp suất đột ngột đều có thể làm vỡ mạch máu và gây chảy máu. Vì thế, trong một số trường hợp, xuất huyết dưới kết mạc mắt có thể là một dấu hiệu của tăng huyết áp.

Mặc dù, xuất huyết dưới kết mạc có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng căn bệnh này khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, đặc biệt ở những trẻ sơ sinh phải trải qua các chấn thương khi sinh nở. Áp lực mạnh và thay đổi trong suốt quá trình chuyển dạ có thể khiến cho các mạch máu trong mắt trẻ sơ sinh bị vỡ.

Áp lực mà trẻ sơ sinh phải chịu đựng đến từ các cơn gò tử cung lúc chuyển dạ và thường gây nên tình trạng xuất huyết dưới kết mạc do tác động làm tăng áp suất bên trong lòng mạch máu đến giá trị cực đại và vỡ mạch máu. Những đứa trẻ sinh ra thừa cân có nguy cơ gặp phải dạng tổn thương này cao hơn.

Xuất huyết dưới kết mạc mắt cũng có thể xảy ra khi chuyển dạ có sử dụng dụng cụ hỗ trợ giúp đưa bé ra ngoài nhanh hơn khi bé bị kẹt hoặc suy thai trong chuyển dạ. Các phương tiện hỗ trợ sinh thường được sử dụng phổ biến nhất là forceps hoặc giác hút.


Mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ hoặc các cục máu đỏ là tình trạng chảy máu kết mạc mắt
Mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ hoặc các cục máu đỏ là tình trạng chảy máu kết mạc mắt

2. Triệu chứng của xuất huyết dưới kết mạc mắt trẻ sơ sinh

Mắt trẻ sơ sinh có vết đỏ hoặc mắt trẻ sơ sinh có cục màu đỏ là dấu hiệu nổi bật nhất và thường là dấu hiệu đầu tiên bố mẹ phát hiện được. Những trường hợp xuất huyết dưới kết mạc đơn thuần sẽ không gây đau hay các biến chứng gì khác.

Trẻ sơ sinh được chẩn đoán xuất huyết dưới kết mạc sẽ được quan sát mắt dưới kính phóng đại. Hình ảnh các cục máu đông nằm bên dưới kết mạc, dính với lớp màng trắng của giác mạc là tiêu chuẩn đơn độc giúp chẩn đoán bệnh. Tuy nhiên, xuất huyết dưới kết mạc ở trẻ sơ sinh có thể là dấu hiệu đơn độc hoặc là một triệu chứng của tổn thương xuất huyết nội sọ xảy ra do các chấn thương của quá trình chuyển dạ. Đây là một tình trạng nặng nề, làm tăng nguy cơ gặp phải bệnh lý động kinh và các di chứng khác do tổn thương thiếu oxy tế bào não.

3. Các phương pháp điều trị tình trạng xuất huyết dưới kết mạc mắt

Xuất huyết dưới kết mạc mắt trẻ sơ sinh đơn thuần thường không để lại di chứng và có thể tự khỏi sau một vài tuần mà không cần bất kỳ can thiệp điều trị gì. Điều bố mẹ nên làm nhất là chú ý đến trẻ khi các vết đỏ hoặc cục màu đỏ trong mắt đang lành. Trong quá trình hồi phục, mắt trẻ sơ sinh có thể thấy ngứa và nên được điều trị bằng các thuốc nhỏ mắt.


Trong quá trình hồi phục, mắt trẻ sơ sinh có thể thấy ngứa và nên được điều trị bằng các thuốc nhỏ mắt
Trong quá trình hồi phục, mắt trẻ sơ sinh có thể thấy ngứa và nên được điều trị bằng các thuốc nhỏ mắt

Mặc dù bệnh có thể tự hồi phục một cách đơn giản nhưng bố mẹ cũng nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để trẻ được theo dõi quá trình diễn tiến bệnh cũng như chắc chắn rằng các biến chứng nặng nề như khối máu tụ nội sọ không xuất hiện. Trong số ít các trường hợp nghiêm trọng, xuất huyết dưới kết mạc có thể dẫn đến các tổn thương mắt không phục hồi. Lựa chọn phương pháp điều trị trong những trường hợp này sẽ phụ thuộc vào mức độ nặng của từng bệnh nhân.

Nếu trẻ sơ sinh xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo của những biến chứng nặng nề, bố mẹ nên đến gặp các bác sĩ chuyên khoa mắt càng sớm càng tốt. Các triệu chứng đó bao gồm:

  • Các dấu hiệu của nhiễm trùng mắt như sưng nề mí mắt, đỏ mắt, chảy mủ
  • Máu xuất hiện ở các vị trí khác ngoài kết mạc mắt hay lòng trắng mắt
  • Xuất hiện các vấn đề liên quan đến thị lực
  • Đau mắt từ trung bình đến nặng
  • Vùng xuất huyết dưới kết mạc mắt lan rộng hơn

May mắn, xuất huyết dưới kết mạc mắt trẻ sơ sinh khá phổ biến và thường không đe dọa đến tính mạng. Bố mẹ luôn cần theo sát diễn tiến bệnh của trẻ để phát hiện các triệu chứng bất thường càng sớm càng tốt. Thời gian hồi phục trung bình kéo dài từ 1 đến 2 tuần, thay đổi tùy thuộc vào từng trẻ sơ sinh khác nhau.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: birthinjuryhelpcenter.org, cerebralpalsysymptoms.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe