Tại sao răng nhạy cảm lại dễ bị đau?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng - Hàm - Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang

Răng nhạy cảm với những kích thích nhiệt độ nóng hoặc lạnh và ngoại lực sẽ gây ra đau răng hoặc ê buốt răng. Nguyên nhân gây đau răng thường xuất phát từ tuỷ răng hoặc dây chằng. Điều trị răng nhạy cảm chủ yếu là giữ vệ sinh răng miệng và đi khám nha sĩ định kỳ.

1. Định nghĩa răng nhạy cảm là gì?

Răng cấu tạo gồm 3 phần từ ngoài vào trong là men răng, ngà răng và tuỷ răng. Men răng bao phủ ngà răng. Lớp tủy răng trong cùng chứa mạch máu và dây thần kinh, nếu lớp men bao phủ bị mài mòn sẽ làm suy giảm khả năng bảo vệ ngà răng. Khi đó, các đầu tận cùng thần kinh trong tủy răng sẽ chịu tác động trực tiếp của nhiệt độ nóng hoặc lạnh từ đồ uống và thức ăn. Việc kích thích dây thần kinh như vậy tạo ra những cơn đau răng, ê buốt ở chân răng hay còn gọi là hiện tượng răng nhạy cảm.

Răng nhạy cảm là một vấn đề nha khoa phổ biến thường gặp ở người trẻ và trung niên, có thể tiến triển theo thời gian.

2. Nguyên nhân làm cho răng nhạy cảm dễ bị đau

Một vài nguyên nhân được cho là khiến răng trở nên dễ nhạy cảm hơn.

  • Đau tủy răng: là cảm giác mà các dây thần kinh trong tủy răng phản ứng. Đau tủy răng do tổn thương sâu từ men răng đến tủy, làm bộc lộ các đầu tận dây thần kinh trong tủy răng. Có nhiều nguyên nhân gây đau tủy răng như nứt vỡ hoặc sâu răng. Sâu răng là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất của đau răng. Sâu răng xảy ra khi axit từ vi khuẩn mảng bám thâm nhập vào men răng gây mất khoáng chất của răng. Nếu tình trạng sâu răng tiến triển đến lớp tủy răng sẽ làm cho răng nhạy cảmđau răng.
  • Dây chằng bị ảnh hưởng: các dây chằng nha chu gắn răng vào xương hàm và cảm nhận vị trí của răng khi chúng ta nhai, cũng có thể gây đau răng. Những người điều trị chỉnh nha sẽ bị đau răng do ảnh hưởng đến dây chằng nha chu.
  • Các sản phẩm chăm sóc răng miệng như chất làm trắng có tính oxi hoá như peroxide xâm nhập vào răng gây ê buốt và đau răng.

Đau tủy răng là một trong các nguyên nhân làm cho răng nhạy cảm dễ bị đau
Đau tủy răng là một trong các nguyên nhân làm cho răng nhạy cảm dễ bị đau

3. Các biện pháp khắc phục cho cơn đau răng

Nếu cơn đau răng xuất hiện, súc miệng bằng nước ấm hoặc bôi thuốc giảm đau tại chỗ không kê đơn vào chỗ đau sẽ có tác dụng giảm đau tức thì. Ngăn chặn cơn đau răng do sâu răng hoặc bệnh nướu răng gây ra bao gồm việc kết hợp đến gặp nha sĩ và thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên. Nếu bị đau răng hãy tìm các sản phẩm chăm sóc răng miệng dành riêng cho răng và nướu nhạy cảm.

  • Bàn chải đánh răng siêu mềm: bàn chải đánh răng có thiết kế lông đan chéo để làm sạch tốt hơn giữa và sau các kẽ răng. Lông bàn chải siêu mềm giúp loại bỏ mảng bám đồng thời bảo vệ răng và nướu không bị kích ứng, ngay cả khi bị đau răng.
  • Chỉ nha khoa cho nướu nhạy cảm: chỉ nha khoa được thiết kế cho nướu nhạy cảm trượt giữa các kẽ răng khít mà không bị sờn.
  • Kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm: để có thói quen chăm sóc răng miệng toàn diện, hãy dùng kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm để chống lại tình trạng răng ê buốt, sâu răng, mảng bám, viêm nướu, cao răng, đồng thời làm trắng và thơm hơi thở.

Khi thăm khám nha khoa, nha sĩ sẽ quyết định xem tình trạng đau răng có cần trám răng không hay cần lấy tủy răng, cạo vôi răng. Dù có trám răng hay phẫu thuật nướu thì vẫn có thể nhận thấy răng vẫn còn ê buốt. Do đó, người bệnh cần duy trì thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách.

Tóm lại, đau răng do răng nhạy cảm là một tình trạng nha khoa thường gặp. Nguyên nhân thường do tổn thương tuỷ răng hoặc dây chằng nha chu. Tuân thủ thói quen chăm sóc răng miệng thường xuyên là biện pháp để tăng cường sức khỏe răng miệng, giúp ngăn ngừa sâu răng và kiểm soát cơn đau răng. Khám răng và làm sạch răng định kỳ sẽ giúp phòng ngừa và điều trị cơn đau do răng nhạy cảm gây ra.

Xem thêm: Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị tủy răng

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: livescience.com - crest.com/en-us

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe