Bài viết được viết bởi ThS.BS Phạm Thị Thùy Nhung và ThS. BS Trần Thị Vượng - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Khi lấy nhiều ống máu khác nhau, cần phải lấy đúng thứ tự các ống, với mục tiêu giảm thiểu, hạn chế tối đa việc nhiễm các chất chống đông từ ống lấy máu trước sang ống lấy máu sau làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm.
1. Quy trình sắp xếp ống đựng máu theo thứ tự
Đối với chai cấy máu: lấy máu bằng bơm tiêm và sau đó bơm vào chai đã được chuẩn bị
Đối với các ống chân không: thứ tự lấy máu sẽ là:
- Ống đông máu (chống đông bằng Citrat Natri 3,2% hoặc 3.8%)
- Ống không chống đông (gel hoặc không gel)
- Chống đông bằng Heparin
- Ống chống đông bằng EDTA
- Các ống khác (VD: NaF):
Đối với chai cấy máu: Dùng cho xét nghiệm cấy máu, cấy dịch ổ bụng.... trong vi sinh, bên trong chai thường là canh thang BHI, bên trong chứa các hạt trung hòa kháng sinh, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nhanh, cần vô trùng tuyệt đối nên được ưu tiên lấy đầu tiên.
Đối với các ống máu:
- Ống đầu tiên là ống Citrat: Chọc ven sẽ khởi động quá trình đông máu nên ưu tiên lấy ống citrat đầu tiên trong các ống chân không. Chất chống đông citrat sẽ bất hoạt tạm thời quá trình đông máu bằng cách liên kết với Ca++ trong máu. Quá trình đông máu sẽ được khởi động khi bổ sung lại Ca++. Trên thị trường có 2 loại nồng độ 3.8% và 3.2%. Loại 3.8% với yêu cầu nghiêm ngặt lấy đúng lượng máu, không thừa, không thiếu, nếu không sẽ ảnh hưởng tới xét nghiệm. Với loại 3.2% có thể lấy máu trong khoảng cho phép, loại này được CLSI khuyến cáo nên sử dụng hơn: (3,2% hoặc 3,8%). Ống xét nghiệm này thường được sử dụng trong xét nghiệm: Các xét nghiệm đông máu, đo độ ngưng tập tiểu cầu., đàn hồi cục máu đồ Intem, Extem, Fibtem, Aptem, Haptem., phát hiện kháng thể kháng tiểu cầu bằng kỹ thuật Flow – Cytometry, phát hiện/ khẳng định kháng đông lupus
- Tiếp theo là ống không chống đông: được sử dụng trong xét nghiệm: Xét nghiệm phát máu, Coombs gián tiếp, hiệu giá kháng thể miễn dịch, sàng lọc/ định danh kháng thể bất thường, định lượng Haptoglobin, định lượng Free Kappa/Lambda huyết thanh, định lượng anticardiolipin IgG/IgM., định lượng anti B2GP IgG/IgM, phát hiện kháng thể kháng tiểu cầu bằng kỹ thuật Flow - Cytometry, xét nghiệm sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, các kháng thể tự miễn, panel dị nguyên...
- Tiếp theo là ống chống đông bằng Heparin, Chứa thành phần Lithium heparin. Heparin ức chế sự đông máu bằng cách tạo phức với thrombin, làm bất hoạt thrombin. Thrombin được coi là trung tâm của hệ thống đông máu. Khi thrombin bị bất hoạt, chúng không thể phân cắt các fibrinogen thành fibrin, từ đó không hình thành cục đông. Ống chống đông heparin được khuyến cáo sử dụng trong xét nghiệm hóa sinh, phân tích khí máu ... vì nó ít ảnh hưởng đến các ion nhất.
- Tiếp theo là ống EDTA. Các muối Natri và Kali của EDTA có khả năng chống đông rất mạnh thông qua cơ chế kết hợp với Ca2+ trong máu, hình thành phức hợp EDTA-Ca bền vững. Muối EDTA K2 và Na2 thường được sử dụng ở dạng muối khan, EDTA K3 ở dạng lỏng. Do tính chất giữ hình dạng tế bào ổn định trong thời gian dài nên thích hợp cho các xét nghiệm khảo sát tế bào máu như: Tổng phân tích máu, HbA1C, tốc độ máu lắng, huyết đồ, làm tiêu bản quan sát ký sinh trùng trong máu. EDTA kết hợp với Ca2+ mạnh hơn Sodium Citrate.
- Cuối cùng là ống NaF: Chứa thành phần Kali Oxalate và NaF. Kali Oxalate hoạt động như một chất chống đông bằng cách liên kết Ca++ của máu. NaF đóng vai trò như một chất ngăn cản quá trình đường phân, ngăn cho glucose trong máu không bị phân hủy. Do đó, ống NaF thích hợp cho các xét nghiệm hóa sinh mà không tiến hành ngay được (lấy máu ở nơi xa). Ống NaF có thể sử dụng cho các xét nghiệm hóa sinh thường quy, trừ các xét nghiệm liên quan tới kim loại như Ca, hay điện giải (Na, K..).