Ngày nay, nhiều phương pháp điều trị thẩm mỹ đã được phát triển để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của mọi người, trong đó có biện pháp tiêm filler mũi. Tuy nhiên, việc can thiệp vào cấu trục tự nhiên của một con người không phải lúc nào cũng đơn giản, tiêm filler mũi cũng không phải là một ngoại lệ. Vậy thực tế phương pháp này là gì và có nên tiêm filler mũi không?
1. Tiêm filler mũi là gì?
Tiêm filler mũi thực chất là một quy trình tiêm chất làm đầy da giúp thay đổi hình dạng mũi của bạn và kéo dài trong một thời gian nhất định.
Tiêm filler mũi phù hợp cho những người đang tìm cách làm cho mũi trông bớt góc cạnh hơn hay làm phẳng các vết sưng trên mũi nhưng chưa sẵn sàng cho một giải pháp lâu dài như phẫu thuật nâng mũi hoặc lo lắng về rủi ro và thời gian phục hồi liên quan đến phẫu thuật tạo hình truyền thống.
Tiêm filler mũi là thủ thuật nâng mũi không phẫu thuật sử dụng các chất làm đầy da với thành phần giống như gel, thường là axit hyaluronic, đưa vào bên dưới khu vực da mà bạn muốn tạo ra các khối hoặc đường mượt mà hơn. Thành phần filler (chất làm đầy) sẽ lắng xuống nơi được tiêm vào các lớp da sâu hơn và giữ nguyên hình dạng của nó. Điều này có thể làm thay đổi hình dạng mũi của bạn trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 3 năm, tùy thuộc vào làn da và loại chất mà bạn sử dụng.
Cụ thể, tiêm filler mũi thường mang lại một số tác dụng như:
- Dịu đi những vết sưng nhỏ trên mũi
- Đầu chóp mũi nổi bật hơn
- Thêm dạng khối cho mũi
- Nâng đầu và sống mũi cao hơn
- Ngụy trang cho vết sưng nhẹ ở sống mũi và làm phẳng đường viền mũi
2. Tại sao không nên tiêm filler mũi?
Với những tác dụng và hiệu tuyệt vời như vậy thì tại vì sao vẫn có nhiều người không tự tin vào phương pháp này và vẫn còn thắc mắc nên tiêm filler hay nâng mũi truyền thống bằng phẫu thuật.
Sử dụng kim để tiêm filler vào da chắc chắn ít phức tạp hơn so với đi dao kéo để nâng mũi, nhưng việc chỉnh sửa hình dạng mũi không bao giờ là không có rủi ro. Dưới đây là một số nguyên nhân lý giải tại sao không nên tiêm filler mũi:
2.1. Hiệu quả không cao bằng phẫu thuật nâng mũi
So với nâng mũi bằng phẫu thuật truyền thống, nâng mũi không phẫu thuật hay tiêm filler có những hạn chế.
Cụ thể, sau khi tiêm thì filler sẽ chỉ tồn tại trong mũi của bạn trong một thời gian nhất định và đồng nghĩa sau thời gian này những tác dụng của filler sẽ biến mất. Lúc đó, bạn cần phải tiếp tục tiêm filler lại để có thể kéo dài thêm tác dụng của nó. Lưu ý đây vẫn là một thủ thuật can thiệp mức độ nhẹ và việc thực hiện quá nhiều lần đồng nghĩa với rủi ro trong và sau khi tiêm sẽ càng tăng lên. Ngược lại, nâng mũi phẫu thuật sẽ giúp những sửa đổi được cố định gần như là suốt đời, bạn sẽ không cần phải lo ngại về việc mũi sẽ thay đổi cấu trúc theo thời gian.
Tiêm filler là một cách tuyệt vời để thực hiện những thay đổi nhỏ đối với mũi hoặc khi bạn cần tìm hiểu xem một số sửa đổi nhất định đối với mũi của bạn có thể trông như thế nào trước khi quyết định nâng mũi thông qua phẫu thuật. Do đó, nếu bạn đang tìm kiếm những thay đổi hiệu quả và lâu dài, bạn có thể phù hợp hơn với phương pháp tạo hình mũi bằng phẫu thuật truyền thống.
2.2. Những rủi ro tiềm ẩn và biến chứng của tiêm filler mũi
Thông thường, các trung tâm thẩm mỹ chỉ quảng cáo cho khách hàng những hiệu quả đáng mong đợi của phương pháp tiêm filler mũi nhưng rất ít người trong số họ thực sự giáo dục khách hàng của mình về những rủi ro tiềm ẩn của thủ thuật này.
Ngoài ra, khi nhiều nhân viên bán chuyên, những người không hề có chứng chỉ hành nghề... bắt đầu cung cấp dịch vụ này, khả năng xảy ra các biến chứng ngày càng tăng. Việc quá phổ biến của phương pháp tiêm filler làm hình thành nên những trung tâm kém chất lượng, từ đó rủi ro mà khách hàng gặp phải ngày càng cao.
Một số biến chứng của việc tiêm filler mũi như:
Viêm nhiễm
Các chất filler được sử dụng trong các quá trình tiêm có tính chất của gel, do đó chúng có xu hướng lan rộng. Sau nhiều lần làm mũi bằng filler, chấn thương do tiêm có thể gây viêm và bản thân chất filler cũng có thể gây ra phản ứng viêm. Sự xâm nhập của các vi khuẩn qua ổ viêm ban đầu chỉ tập trung tại mũi, nhưng về sau có thể nặng lên và lan sang các vùng lân cận như xoang, mắt, hàm răng, tai và nguy hiểm nhất là não và gây nhiễm trùng máu.
Ngoài ra, tình trạng viêm kèm với tình trạng điều trị lặp đi lặp lại, sự tích tụ của filler lan rộng có thể dẫn đến mô mềm của mũi dày lên và khiến mũi trông rộng và to hơn, điều này không những không làm cho hiệu quả điều trị được tốt, mà còn khiến mũi trở nên xấu hơn.
Hoại tử da
Một rủi ro phổ biến khác của tiêm filler mũi là biến chứng mạch máu gọi là hoại tử da. Nếu người tiêm filler không nắm rõ về giải phẫu mạch máu của mũi, các mạch máu nhỏ ở hai bên hoặc đầu mũi có thể bị filler làm tắc nghẽn và ngăn cản quá trình lưu thông máu. Dấu hiệu của các biến chứng mạch máu là đau dữ dội ngay sau khi điều trị và da đổi màu hoặc xuất hiện vết lốm đốm.
Mù mắt
Do có nhiều mạch máu và thần kinh ở vùng mặt nên các biến chứng tiềm ẩn liên quan đến việc tiêm filler vào mũi có thể khá nghiêm trọng. Thật không may, mù mắt mặc dù hiếm gặp nhưng vẫn có thể xảy ra nếu filler vô tình được tiêm vào mạch máu cung cấp máu đến mắt.
Với sự xuất hiện rất nhiều các viện thẩm mỹ “cỏ” đã làm cho các biến chứng về mắt nay không còn quá xa lạ nữa. Một khi có những ảnh hưởng lên mắt, bệnh nhân gần như không có cách chữa trị. Vì thế, những người lựa chọn hình thức nâng mũi này cần lựa chọn những trung tâm hoặc kỹ thuật viên có đủ trình độ và kinh nghiệm về giải phẫu mạch máu và thần kinh trên khuôn mặt.
Một số tác dụng phụ khác
Ngoài những biến chứng nguy hiểm trên, một số tác dụng phụ khác khi tiêm filler mũi dưới đây sẽ có thể khiến bạn cân nhắc khi lựa chọn phương pháp này:
- Sưng tấy vùng tiêm
- Bầm tím
- Sự di chuyển của filler hoặc tiêm nhầm chỗ có thể làm biến dạng mũi hoặc biến dạng vùng tổ chức xung quanh như gò má, mí mắt...
- Mờ mắt
- Phát ban hoặc các triệu chứng khác của sốc phản vệ.
3. Nguyên nhân gây biến chứng khi tiêm filler mũi
Thực trạng về ngành công nghiệp làm đẹp bằng filler tại Việt Nam nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đang có quá nhiều bất cập. Những điều sau đây có thể đang làm mất đi những giá trị và hiệu quả mà tiêm filler mang lại cho bệnh nhân.
Bác sĩ thiếu chuyên môn và kinh nghiệm
Hiện nay, nhiều bác sĩ chưa có kinh nghiệm trong việc tiêm filler, thậm chí là những kỹ thuật viên hay cả những người không học về ngành y tế vẫn đang thực hiện “chui” những ca tiêm filler mũi. Điều này là do nhu cầu làm đẹp quá lớn và lợn nhuận mà phương pháp này mang lại. Nếu một bác sĩ thẩm mỹ giàu kinh nghiệm thực tế, có trình độ chuyên môn cao và am hiểu tường tận về tiêm filler kèm theo có kỹ thuật tiêm filler thì sẽ giúp bệnh nhân sở hữu dáng mũi đẹp như mong đợi. Ngược lại, những người tay nghề kém, thao tác thực hiện quy trình tiêm không chuẩn xác, thiếu kinh nghiệm xử lý các tình huống có thể xảy ra trong khi thực hiện sẽ gây ra những tổn thương hoặc biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến thẩm mỹ và sức khỏe của bệnh nhân.
Sử dụng filler kém chất lượng
Những loại filler có chất lượng cao được FDA kiểm định và cho phép sử dụng thường có độ tương thích cao với cấu trúc mũi của cơ thể, tuy nhiên giá thành sẽ tương đối cao. Vì thế, nhiều cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng filler giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên bệnh nhân nhằm thu lợi nhuận cao. Điều này sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm như đã kể trên. Tốt nhất trước khi tiêm, bạn cần hỏi kỹ bác sĩ và kỹ thuật viện về loại filler mà mình sẽ được tiêm vào mũi, nhớ kiểm tra thông tin về nhãn hàng, thời hạn sử dụng...
Quy trình tiêm không đảm bảo
Mặc dù quy trình tiêm filler mũi khá đơn giản và chỉ diễn ra trong thời gian ngắn từ 15 – 20 phút. Tuy nhiên, việc để đảm bảo an toàn của một vài nơi vẫn không được đảm bảo, quy trình tiêm không được tiến hành theo tiêu chuẩn Y khoa. Nếu môi trường phòng ốc và dụng cụ thực hiện tiêm filler không đảm bảo yếu tố vô trùng và vô khuẩn tuyệt đối thì sẽ tăng nguy cơ gây nhiễm trùng, là một biến chứng nguy hiểm. Đây cũng là một trong những yếu tố bạn cũng cần phải để ý khi quyết định tiêm filler.
Sử dụng chung ống tiêm filler
Một điều cấm kỵ trong y khoa nhưng vẫn đang tồn tại ở một số trung tâm thẩm mỹ nhỏ là việc sử dụng chung ống tiêm filler. Rất nhiều viện thẩm mỹ hoạt động trái phép, nhỏ lẻ muốn tiết kiệm chi phí thông qua việc sử dụng lại ống tiêm filler của những khách hàng đến trước cho khách hàng đến sau. Việc sử dụng chung kim tiêm khi tiêm filler mũi sẽ tăng nguy cơ nhiễm trùng chéo và gây nên những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt là nguy cơ lây lan những bệnh lý nguy hiểm qua đường máu.
Cơ địa của mỗi người
Những biến chứng và tác dụng phụ của việc tiêm filler mũi có xảy ra hay không còn tùy thuộc một phần vào cơ địa của mỗi người. Với những người có cơ địa xấu, tiền sử dị ứng thuốc, biến chứng nhiễm trùng do phẫu thuật trước đó, cơ địa dễ để lại sẹo lồi... thì có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện những biến chứng xấu, ngoài ra còn khiến khả năng phục hồi kém đi.
Tiêm filler mũi được xem là một trong những phương pháp thẩm mỹ phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, sự “nổi tiếng” của nó đôi khi sẽ đi kèm với những “tai tiến” là những biến chứng có thể phải đối mặt. Lời khuyên cho bạn là không nên tiêm filler mũi khi bạn còn đắn đo về phương pháp này hoặc không tìm được cơ sở điều trị cũng như bác sĩ tốt để thực hiện.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.