Nọc độc của rắn là 1 tuyến chứa các chất độc của những loài rắn, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Người bị rắn độc cắn có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Khi điều trị nọc rắn độc, thuốc giải độc rắn là lựa chọn tối ưu nhất. Tuy nhiên, cần thận trọng khi dùng thuốc trị rắn độc cắn vì với mỗi loại nọc độc rắn sẽ có những thuốc giải độc rắn khác nhau.
1. Thuốc giải độc rắn cắn
Rắn là 1 trong những loại động vật gây nguy hiểm đối với con người. Một số loài rắn có chứa nọc độc trong chất tiết nước bọt. Mỗi 1 loại rắn khác nhau sẽ có những nọc độc, khi vào cơ thể người gây lên những biểu hiện lâm sàng khác nhau. Mức độ nghiêm trọng của nọc độc rắn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cụ thể:
- Loài rắn và kích thước của rắn. Theo các nghiên cứu về nọc độc rắn cho thấy mức độ nghiêm trọng của nọc độc rắn đuôi chuông với cơ thể là lớn nhất, sau đó đến rắn hổ mang nước rồi rắn copperheads. Trên thế giới có khoảng 3000 loại rắn khác nhau nhưng trong số đó chỉ có khoảng 15% trên toàn thế giới gây nguy hiểm cho con người do có nọc độc hoặc chất tiết độc hại ở nước bọt của chúng.
- Số lượng nọc độc được tiêm vào cơ thể mỗi lần bị cắn.
- Số vết rắn cắn. Vết cắn càng nhiều đồng nghĩa với lượng nọc độc đưa vào người càng nhiều.
- Vị trí vết cắn, chiều sâu của vết cắn. Thường vết cắn ở đầu sẽ nặng hơn ở tay chân. Vết cắn càng sâu, nọc độc vào hệ tuần hoàn nhanh thì người bị rắn cắn sẽ càng bị nguy hiểm.
- Tình trạng sức khỏe của người bệnh là một yếu tố quan trọng. Không chỉ đối với vấn đề nhiễm nọc độc của rắn mà trong bất kỳ bệnh lý nào, nếu bệnh nhân có sức khỏe tốt, đề kháng miễn dịch tốt thì các triệu chứng xảy ra sẽ càng nhẹ.
- Khoảng thời gian từ khi bị rắn cắn cho đến khi được cấp cứu, xử trí và lấy bỏ nọc độc ra khỏi cơ thể.
- Cơ địa đáp ứng của bệnh nhân với chính loại nọc độc đó.
Nọc độc rắn có thể được giải bằng thuốc. Với mỗi loại nọc độc rắn khác nhau có những thuốc sử dụng khác nhau.
Một số thuốc giải độc rắn cắn:
Ở Hoa Kỳ, người ta sử dụng Crotalidae polyvalent immune FAb (một loại có khả năng kháng độc được dẫn xuất từ con cừu), đây là những mảnh tinh khiết của kháng thể IgG lấy từ những con cừu đã được tiêm nọc độc rắn vào trong cơ thể. Thuốc này giúp giải độc rắn cắn rất nhanh nhưng hiệu quả đến đâu phụ thuộc vào thời gian, liều lượng sử dụng.
- Thuốc có hiệu quả ngay cả khi tiêm sau khi bị cắn 24 giờ, nhưng theo khuyến cáo, thuốc giải độc rắn nên được tiêm càng sớm càng tốt. Thử nghiệm trên bệnh nhân cho thấy thuốc trị rắn độc cắn này ít để lại tác dụng phụ trên người bệnh.
- Liều dùng: lấy 4 đến 12 lọ thuốc pha loãng với 250ml dung dịch truyền natri clorid 0,9% rồi truyền tĩnh mạch chậm 20 - 50 ml/h trong 10 phút đầu. Nếu không ghi nhận tác dụng phụ nào xảy ra, tiếp tục truyền phần còn lại. Khi triệu chứng của bệnh nhân chưa hoàn toàn ổn định, có thể truyền liều lặp lại trong.
- Thuốc có thể dùng trị rắn cắn ở trẻ em.
Để điều trị nọc độc của rắn đuôi chuông ở Bắc Mỹ, người ta dùng một loại kháng nguyên có nguồn gốc từ ngựa tên là Crotalidae miễn dịch Fab2.
- Liều lượng: Khuyến cáo dùng khởi điểm 10 lọ pha loãng với 250ml dung dịch muối truyền rồi truyền tĩnh mạch chậm 25-50ml/giờ trong 10 phút. Nếu không có tác dụng phụ thì truyền tiếp với tốc độ tối đa 250ml/giờ đến khi bệnh nhân ổn định.
- Tuỳ theo thể trạng bệnh nhân, cân nhắc lặp liều ban đầu sau mỗi giờ đồng hồ.
- Kháng nguyên này còn có tác dụng với nọc độc của rắn lục, rắn hổ mang.
- Thận trọng dùng thuốc với bệnh nhân bị bệnh mạch vành, tiểu đường, người cao tuổi và trẻ em.
Ơ người bị rắn san hô cắn, thuốc điều trị cũng là một kháng nguyên từ ngựa.
- Liều lượng: 5 lọ với người nghi ngờ do rắn san hô cắn, 10-15 lọ với người bị cắn đã có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.
- Người lớn và trẻ em dùng liều tương tự nhau.
2. Cần cẩn trọng khi dùng thuốc giải độc rắn cắn
Một trong những sai lầm lớn nhất trong dùng thuốc giải độc rắn cắn là dùng các bài thuốc dân gian để sơ cứu khi phát hiện bị rắn độc cắn, sau đó không đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để tiếp tục điều trị xử lý các vết cắn. Đa phần bệnh nhân đến bệnh viện khi đã có các triệu chứng nặng như suy hô hấp, dấu hiệu hoại tử lan rộng tại vết cắn...khiến cho tình trạng nhiễm độc trở nên nghiêm trọng, việc điều trị cũng khó khăn hơn. Thậm chí, có những trường hợp đã bị tử vong vì đến cơ sở y tế quá muộn.
Bởi vậy, để đảm bảo sức khỏe cũng như sự an toàn tính mạng cho người bị rắn độc cắn, cần lưu ý một số điều như sau:
- Thực hiện sơ cứu đúng cách ngay khi phát hiện nhiễm nọc độc rắn. Song song với việc sơ cứu, liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
- Không tự ý sử dụng các loại cây cối, dược liệu được cho là có tính giải độc rắn khi chưa có hướng dẫn hay chỉ định của các bác sĩ chuyên khoa.
- Không chườm lạnh hay bôi hóa chất lên vết thương khi chưa được xử lý đúng cách.
- Không băng quá chặt vùng bị cắn vì gây cản trở lưu thông tuần hoàn mạch máu đến vùng tổn thương. Thời gian garo lâu kết hợp với lực garo mạnh có thể dẫn đến nguy cơ hoại tử vùng tổn thương.
- Tự ý chích rạch, nặn máu sẽ khiến nọc độc thâm nhập vào cơ thể nhanh hơn đồng thời gây mất máu cho người bệnh.
- Tránh dùng các chất kích thích khi bị rắn độc cắn vì làm tăng khả năng hấp thụ nọc độc.
- Khi phát hiện rắn cắn, hãy cố ghi nhớ đặc điểm của loài rắn đó để mô tả lại với bác sĩ điều trị, giúp bác sĩ định hướng được loại nọc độc rồi có hướng điều trị phù hợp. Việc cố gắng bắt rắn có thể vô tình bị rắn cắn thêm nhiều vết khác.
Nọc độc rắn rất nguy hiểm đối với con người vì có khả năng gây tử vong. Khi bị rắn cắn, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý nọc độc và các triệu chứng lâm sàng kịp thời, không gây ảnh hưởng đến tính mạng.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.