Gan là cơ quan nội tạng lớn nhất trong cơ thể, nếu không tính da. Gan người trưởng thành nặng khoảng 1,3 kg và chứa khoảng 13% lượng máu. Cơ quan này có hình nón và màu nâu đỏ đậm, nằm dưới cơ hoành và trên dạ dày. Cùng tìm hiểu gan có vai trò gì trong cơ thể.
Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Võ Thị Thùy Trang - Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
1. Lá gan có vai trò gì?
Gan thực hiện ba công việc chính:
1.1. Thải độc qua gan
Hầu hết các loại thuốc men bạn dùng đều đi qua lá gan. Trong vài trường hợp, cơ quan này phải tiết ra các hóa chất để “kích hoạt” một số loại thuốc hoạt động. Những hóa chất của gan cũng kiểm soát tốc độ phân hủy, sử dụng, sau đó “vô hiệu hóa” thuốc và thải ra ngoài qua đường tiểu hoặc phân.
Chính máu từ ruột của bạn cũng mang độc tố. Bất cứ thứ gì thừa lại sau khi cơ thể sử dụng sẽ được gan phân hủy để thải ra ngoài. Chất thải có thể di chuyển trong mật và đi ra ngoài theo phân, hoặc đi vào máu, sau đó đến thận và rời khỏi cơ thể khi bạn đi tiểu. Ngoài các chất độc trong thực phẩm, lá gan cũng phân hủy các chất độc có trong rượu, thuốc trừ sâu và kim loại nặng, và biến chúng thành chất vô hại dễ đào thải. Độc tố cũng có thể sót lại từ những chức năng bình thường của cơ thể, chẳng hạn như quá trình tạo ra hormone.
1.2. Dự trữ nhiên liệu
Ruột non hấp thụ các chất dinh dưỡng từ thức ăn như đường, glycerol, axit amin, vitamin, khoáng chất, muối và chuyển vào máu thông qua các tế bào đặc biệt. Điểm dừng đầu tiên chính là lá gan, cơ quan này sẽ biến dưỡng chất thành các dạng mà cơ thể sử dụng được, sau đó dự trữ lại một số gồm sắt, folate và vitamin A, D và B12, để cung cấp đúng nơi khi cơ thể cần.
Glucose hay đường trong máu là nhiên liệu tức thì cho cơ thể. Gan thường lưu giữ năng lượng bạn nạp trong ngày ở dạng glycogen. Nếu bạn nhịn ăn trong một thời gian và lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, gan sẽ nhanh chóng chuyển glycogen trở lại thành glucose. Quá trình này có thể xảy ra khi bạn đang ngủ.
Ngoài ra, gan còn giúp giữ cân bằng các nguồn năng lượng. Cơ quan này không chỉ là một nguồn cung cấp nhiên liệu nhanh (glucose) dồi dào, mà còn lấy các axit amin từ thức ăn đã tiêu hóa và biến đổi thành axit béo. Khi bạn hết glucose, lá gan có thể thay đổi các axit béo đó thành một dạng năng lượng khác, gọi là xeton. Quá trình này xảy ra ở những người theo chế độ ăn keto.
1.3. Tạo ra mật giúp tiêu hóa thức ăn
Gan sử dụng cholesterol để tạo ra dịch tiêu hóa, được gọi là mật. Chất lỏng này giúp phá vỡ chất béo và một số vitamin để cơ thể bạn sử dụng. Các ống dẫn mật nhỏ mang mật từ lá gan đến túi mật, lưu trữ tại đó và cung cấp cho ruột non khi cần thiết.
XEM THÊM: Chọn "bạn" cho gan
2. Những vai trò khác của lá gan
Ngoài ba chức năng chính được nêu ở trên, cơ quan tuyệt vời này còn góp mặt trong hàng trăm chức năng khác của cơ thể. Trong đó bao gồm:
- Hỗ trợ hệ miễn dịch
Cùng với khả năng lọc chất độc, lá gan có thể tìm, bắt và tiêu diệt các vi khuẩn, vi rút có hại và các vi trùng khác xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống. Cơ quan này có một nhóm thực bào lớn nhất để chiến đấu với vi khuẩn và sẵn sàng khởi động phản ứng miễn dịch toàn diện khi cần thiết.
- Tư duy sắc bén
Gan cũng giúp bạn thông minh và suy nghĩ rõ ràng hơn bằng cách loại bỏ các chất độc trong máu. Khi chức năng gan bị ảnh hưởng, những chất hóa học có thể tích tụ và làm thay đổi tâm trạng, thói quen ngủ, cũng như cách bạn hành động. Bạn có thể cảm thấy chán nản, lo lắng hoặc khó tập trung. Theo thời gian, bạn cũng có thể bị run tay, giật cơ và nói chậm. Các nhà khoa học vẫn đang cố gắng tìm ra chính xác loại độc tố dẫn đến tình trạng này.
- Nhà máy hóa chất
Gan sử dụng dinh dưỡng để tạo ra hàng trăm chất mà cơ thể cần. Gan phân hủy thức ăn bạn tiêu thụ, xây dựng các axit amin thành các protein hữu ích, đưa vitamin đến các bộ phận nhất định của cơ thể và giúp máu đông để bạn không bị chảy máu quá nhiều sau chấn thương.
- Chất trung hòa
Gan giúp loại bỏ chất thải bilirubin - được tạo ra khi các tế bào hồng cầu bị phá vỡ. Nếu lá gan không hoạt động tốt, quá nhiều bilirubin có thể tích tụ trong cơ thể, dẫn đến tình trạng vàng da và lòng trắng mắt. Một xét nghiệm máu đơn giản có thể cho bác sĩ tìm ra nguyên nhân vấn đề.
XEM THÊM: Uống nhiều nước có tốt cho gan, thận không?
3. Bảo vệ lá gan
Nếu chấn thương hoặc bệnh tật làm tổn thương gan, các bác sĩ phẫu thuật đôi khi có thể cắt bỏ tới 3/4 diện tích. Gan thường phát triển trở lại kích thước cũ trong vòng vài tuần. Nếu cần thiết, các bác sĩ đôi khi cũng có thể sử dụng một phần gan của người hiến tặng để ghép cho bệnh nhân. Lá gan mới sẽ phát triển để phù hợp với cơ thể người nhận.
Video đề xuất:
Ghép gan cứu sống bé gái 20 tháng bị teo mật bẩm sinh
Gan chịu trách nhiệm cho hơn 500 chức năng khác nhau trong cơ thể, đồng thời cũng có hơn 100 dạng bệnh gan khác nhau. Một số phổ biến bao gồm:
- Viêm gan A, B và C
- Bệnh gan liên quan đến rượu
- Bệnh gan không liên quan đến rượu
Hai yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh gan là uống rượu quá mức và tiền sử gia đình mắc bệnh gan. Mặc dù, không thể thay đổi các yếu tố di truyền, nhưng bạn có thể tập trung vào việc thay đổi lối sống để phòng ngừa mắc các bệnh về gan bằng cách:
- Hạn chế uống rượu
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh viêm gan
- Chọn thuốc cẩn thận
- Cảnh giác với kim tiêm
- Quan hệ tình dục an toàn
- Bảo vệ bản thân khi tiếp xúc với hóa chất và chất độc
- Duy trì cân nặng hợp lý.
Nếu bạn lo lắng về sức khỏe tổng thể nói chung và các vấn đề về gan mật nói riêng, cách tốt nhất là nên trao đổi với bác sĩ. Nhân viên y tế có chuyên môn sẽ tư vấn cho bạn về những cách để tăng cường sức khỏe lá gan an toàn hoặc giải quyết các mối bận tâm sức khỏe của bạn.
Với mục tiêu chăm sóc sức khỏe toàn diện nói chung và bảo tồn chức năng gan nói riêng, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec xứng đáng là địa chỉ tin cậy cho mọi gia đình, nhất là với các thành viên từ tuổi trung niên khi yếu tố nguy cơ tổn thương gan đã dần hình thành. Khi khách hàng đến kiểm tra, đội ngũ bác sĩ chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm của Vinmec sẽ tiếp đón và ân cần thăm hỏi về các triệu chứng khó chịu hiện tại, tiền sử bệnh gan, tiền sử uống rượu, tiền sử viêm gan của bản thân và tiền sử gia đình. Nếu nhận định thấy khách hàng có các yếu tố nguy cơ bệnh gan cao, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng đánh giá và tầm soát. Hệ thống phương tiện, máy móc, thiết bị xét nghiệm tại Vinmec là tối tân, đúng tiêu chuẩn, đạt chất lượng quốc tế nhằm mang lại cho khách hàng những kết quả có độ chính xác cao nhất. Theo đó, kiểm tra cận lâm sàng cho bệnh gan cơ bản có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu - kiểm tra mức độ men gan trong máu. Nếu nằm ở mức cao, đây sẽ là bằng chứng của tổn thương gan. Đồng thời, xét nghiệm máu cũng giúp đánh giá chức năng gan thông qua chức năng đông máu, định lượng đạm máu, bilirubin. Bên cạnh đó, xét nghiệm máu cũng giúp tìm nguyên nhân gây xơ gan như tìm kháng nguyên viêm gan siêu vi, định lượng ứ đồng, sắt trong máu trong các bệnh gan chuyển hóa.
- Siêu âm gan – Với các sóng siêu âm, hình dạng và cấu trúc của gan được thể hiện, giúp bác sĩ tìm thấy các bất thường một cách sớm nhất, ngay khi chưa có biểu hiện. Đặc điểm nhạy nhất trên siêu âm là sự hiện diện của các sỏi trong các ống mật trong nhu mô gan hay sỏi trong túi mật.
- Sinh thiết gan - Đối với những tổn thương gan không thể giải thích được bằng các xét nghiệm thông thường hay các chẩn đoán có ý nghĩa tiên lượng, sinh thiết gan để quan sát tế bào gan dưới kính hiển vi là có chỉ định.
Ngoài ra, Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã triển khai nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác trong các gói khám bệnh gan, phù hợp với từng đối tượng. Chính điều này là sự thể hiện cho lời cam kết chăm sóc sức khỏe toàn diện, trao cơ hội cho mọi người có một lá gan khỏe mạnh và bền lâu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: webmd.com