Lạc quan là thái độ sống an nhiên, điềm tĩnh và tích cực trước mọi tình huống cho dù là bất lợi giúp con người ta luôn cảm cuộc sống nhẹ nhàng và thanh thản. Một số nghiên cứu cho thấy có những người luôn lạc quan trong phần lớn cuộc đời của họ ngay cả khi phải đương đầu với những thách thức nghiêm trọng. Vậy đâu là lý do cho sự lạc quan lâu dài này?
1. Những người sống lạc quan có suy nghĩ như thế nào?
Các nghiên cứu khảo sát mức độ lạc quan từ độ tuổi 16 đến 100 cho thấy sự lạc quan thường tăng lên liên tục trong suốt tuổi thiếu niên, sau đó ổn định và giảm dần ở tuổi trưởng thành. Không phải chỉ những người có một cuộc sống thuận lợi mới có được sự lạc quan lâu dài mà kể cả những người có hoàn cảnh khó khăn khi được phỏng vấn cũng cho thấy một tinh thần tích cực và hướng về phía trước.
Trái với những suy nghĩ thông thường, những sự kiện được cho là tiêu cực về cảm xúc như cái chết hay ly hôn không thực sự khiến con người ta thay đổi cái nhìn lạc quan về tương lai. Mọi người luôn chọn tập trung vào những điều khiến họ hạnh phúc và duy trì cảm xúc cân bằng sau khi phải đối mặt với những khoảng thời gian khó khăn.
Khoảng thời gian mà con người có xu hướng lạc quan nhìn vào những mặt tích cực của cuộc sống thường rơi vào khoảng 15 đến 60 tuổi, điều này một phần liên quan đến những trải nghiệm thành công trong công việc và cuộc sống của họ. Đây là khoảng thời gian mà con người có đủ sức khỏe và tự chủ để tìm kiếm mục đích trong công việc, xây dựng những mối quan hệ mong muốn hay tóm lại là phần nào kiểm soát được tương lai của bản thân. Do đó, họ có xu hướng trông đợi vào một tương lai tươi sáng dù có phải đối mặt với nghịch cảnh trong cuộc sống.
Ngược lại, khi bước vào tuổi già, sự lạc quan có thể bị giảm sút do lo lắng về sức khỏe hoặc ý thức về việc mình đang bước tới những chặng cuối của cuộc đời. Nhiều ý kiến cho rằng độ tuổi nghỉ hưu là khi con người ngừng làm việc và có thời gian nghỉ ngơi hoặc theo đuổi những sở thích của mình nhưng việc này cũng không khiến họ có cách nhìn tốt hơn về cuộc sống.
2. Làm thế nào để sống lạc quan hơn?
2.1.Nuôi dưỡng sự lạc quan
- Lạc quan không có nghĩa là bỏ qua những mặt tiêu cực của cuộc sống mà chỉ là tập trung vào những điều tích cực càng nhiều càng tốt, đây là điều cần có thời gian luyện tập để trở thành thói quen.
- Tập viết về một tương lai tích cực: việc viết ra những mục tiêu và ước mơ trở thành hiện thực có thể giúp tiếp nhận tư tưởng lạc quan nhiều hơn là chỉ nghĩ về nó.
- Tìm kiếm sự tích cực cả trong những tình huống tiêu cực có thể cho thấy sự bền bỉ trong tư duy lạc quan của bạn và tạo thành động lực để đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống.
2.2.Tăng lòng biết ơn
Để ý và trân trọng những mặt tích cực trong cuộc sống là một cách để cải thiện tâm trạng hiệu quả giúp con người trở nên lạc quan hơn:
- Có thể trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ của người khác hoặc viết nhật ký về những điều khiến bạn cảm thấy hạnh phúc như những thành tựu hay các mối quan hệ tuyệt vời. Điều này sẽ giúp nhắc nhở bản thân về những điều tích cực trong cuộc sống còn tồn tại và lạc quan về tương lai.
- Chia sẻ những điều tốt đẹp mà bản thân đạt được với người thân, bạn bè có thể khiến những niềm vui này trở nên lan tỏa và bản thân cũng sẽ nhận được sự lạc quan từ những người xung quanh.
2.3.Chống lại những suy nghĩ tiêu cực
Tập trung vào những điều tiêu cực không chỉ gây khó chịu mà còn làm giảm năng suất trong việc giải quyết các vấn đề của bạn. Do đó, cần thực sự xem xét việc suy nghĩ về vấn đề tiêu cực vừa xảy ra có xứng đáng hay không hoặc tự nói với bản thân rằng sẽ giải quyết vấn đề này ở một thời điểm thích hợp khác mà tinh thần đã trở nên sáng suốt hơn.
Thay vì cứ luẩn quẩn trong những suy nghĩ tiêu cực thì việc đề ra những giải pháp thiết thực có thể giải quyết vấn đề triệt để hơn. Bên cạnh đó, có thể làm bản thân xao nhãng khỏi những cảm xúc này bằng các hoạt động như xem phim, nghe nhạc hoặc giải trí cùng người khác.
Những suy nghĩ tiêu cực có thể được vận hành trong suy nghĩ của bạn một thời gian dài nhưng điều này có thể thay đổi theo thời gian bằng phương pháp nhận thức - hành vi như tự hỏi bản thân xem suy nghĩ tiêu cực này có thực sự đúng hoặc tưởng tượng những gì bạn sẽ nói với một người bạn nếu họ lo lắng về vấn đề này.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: mhanational.org, webmd.com