Tại sao cần phải đeo thun liên hàm khi niềng răng?

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Khánh Nam - Bác sĩ Răng Hàm Mặt - Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Có rất nhiều khí cụ được sử dụng trong phương pháp niềng răng chỉnh nha. Tùy theo yêu cầu khác nhau đối với từng đối tượng mà nha sĩ sẽ lựa chọn khí cụ phù hợp, trong đó có thun liên hàm. Vậy tại sao phải đeo thun liên hàm và tác dụng của thun liên hàm là gì?

1. Thun liên hàm là gì?

Thun liên hàm thực chất là một chiếc chun cao su nha khoa, có độ đàn hồi cao, được gắn từ hàm trên xuống hàm dưới nhằm mục đích là tạo lực kéo vừa phải cho răng.

2. Tại sao phải đeo thun liên hàm?

Tác dụng đeo thun liên hàm chính là canh chỉnh lại khớp cắn giữa hàm trên và hàm dưới sao cho đều nhau, bên cạnh đó còn giúp kéo răng khểnh, răng mọc lệch hoặc răng không nằm trong cùng một đường cung răng về vị trí mong muốn.

Khi niềng răng, nhờ tác dụng lực kéo của hệ thống mắc cài và dây cung mà các răng sẽ được kéo về đúng vị trí mong muốn. Tuy nhiên, lúc này răng chỉ đều riêng biệt ở mỗi hàm trong khi nguyên tắc của chỉnh nha còn đảm bảo răng phải đúng khớp cắn giữa hai hàm trên và dưới.


Thun liên hàm giúp điều chỉnh khớp cắn giữa hai hàng
Thun liên hàm giúp điều chỉnh khớp cắn giữa hai hàng

Do đó khi đeo thun liên hàm, các sợi thun sẽ được gắn vào các mắc cài có sẵn ở hàm trên và hàm dưới và tạo ra lực kéo các răng về vị trí chuẩn như mong muốn và giữ cho các răng tương ứng ở mỗi hàm cân đối với nhau và đúng khớp cắn.

3. Đeo thun liên hàm như thế nào?

Thun liên hàm là khí cụ niềng răng cần phải được thay đổi mỗi ngày, do đó sau khi được bác sĩ hướng dẫn lần đầu thì người sử dụng cần biết cách thay đổi mỗi khi sử dụng. Cách đeo thun liên hàm cũng khá đơn giản.

Khi đeo thun liên hàm, nếu chưa thuần thục người dùng hãy đứng trước gương, mở miệng và xác định xem thun liên hàm trước bác sĩ đã gắn vào răng nào. Sau đó, dùng hai tay hoặc 1 tay tùy thói quen, kéo thun ra và đặt lại đúng vị trí mà bác sĩ đã đặt trước đó.

Một số chú ý khi đeo thun liên hàm:

  • Thời gian thay dây thun tối thiểu là 12 tiếng, mỗi ngày nên thay 2-3 lần để đảm bảo độ đàn hồi và luôn mang theo dây bên mình để thay khi cần thiết.
  • Mỗi khi ăn uống hoặc đánh răng nên tháo ra.
  • Giữ gìn vệ sinh thun cẩn thận, tránh để ở nơi ẩm ướt.
  • Nên rửa tay sạch sẽ trước khi đeo thun.
  • Không tự ý dùng 2 hoặc nhiều thun cùng lúc vì có thể gây hại cho chân răng.
  • Không cố gắng kéo thun quá căng (ví dụ há miệng quá to) vì có thể làm mất đi độ co giãn, đàn hồi và đánh mất hiệu quả của thun liên hàm.

Không nên há miệng quá to sẽ làm mất đi độ co giãn và hiệu quả của thun
Không nên há miệng quá to sẽ làm mất đi độ co giãn và hiệu quả của thun

4. Giai đoạn nào của niềng răng cần đeo thun liên hàm?

Tác dụng đeo thun liên hàm là giúp cân đối khớp cắn, tuy nhiên không có nghĩa ai niềng răng cũng cần phải đeo thun liên hàm và giai đoạn đeo thun liên hàm với mỗi người cũng khác nhau.

Thời điểm đeo thun phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của người niềng răng, quá trình di chuyển của răng khi sử dụng mắc cài... Trong đa số trường hợp cần đeo thun liên hàm thì đều đeo ngay khi bắt đầu niềng răng. Tuy nhiên, để biết chính xác thời điểm thì người dùng cần sự tư vấn của nha sĩ khi muốn niềng răng chỉnh nha

Thời gian đeo thun liên hàm mỗi ngày lý tưởng nhất là 20 giờ đồng hồ, do đó người dùng cần đeo thun ngay cả khi ngủ và chỉ bỏ ra khi ăn uống hoặc vệ sinh răng miệng.

5. Đeo thun liên hàm trong thời gian bao lâu?

Thời gian đeo thun liên hàm tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có sự thay đổi, nhanh hoặc chậm hơn. Nếu răng của người niềng răng đã tương đối đảm bảo về mặt khớp cắn thì có thể chỉ đeo thun liên hàm trong thời gian ngắn, và ngược lại có thể dài hơn vài tuần để hai hàm trên dưới cân đối với nhau, đảm bảo một hàm răng đều, đẹp, ăn nhai tốt sau khi tháo niềng.


Khi khớp cắn khớp và răng đều đẹp thì có thể bỏ thun liên hàm
Khi khớp cắn khớp và răng đều đẹp thì có thể bỏ thun liên hàm

6. Tác dụng phụ của đeo thun liên hàm

Do tác dụng đeo thun liên hàm như là một trợ lực để kéo răng về vị trí chuẩn, do đó thời gian đầu đeo thun sẽ xuất hiện những cơn đau nhức, khó chịu. Khi đó tuyệt đối không được tháo thun liên hàm ra do việc này chỉ khiến kéo dài thời gian răng di chuyển về vị trí tiêu chuẩn. Tốt nhất, người niềng răng nên tập làm quen, khi răng đã di chuyển dần dần thì cảm giác đau sẽ không còn nữa.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe