Nóng trong người, một cảm giác khiến cơ thể cảm thấy khó chịu và bạn muốn tìm cách hạ nhiệt nhưng đôi khi không thành công. Bởi có nhiều nguyên nhân khiến bạn cảm thấy nóng trong người và với mỗi nguyên nhân sẽ có một cách xử lý khác nhau.
1. Cường giáp - một nguyên nhân gây nóng trong người
Gặp vấn đề về tuyến giáp có thể là nguyên nhân khiến bạn cảm thấy nóng trong người. Với tình trạng cường giáp, tuyến giáp sẽ tạo ra quá nhiều hormone tuyến giáp. Điều này làm tăng tốc độ cơ thể, biến nhiên liệu thành năng lượng, khiến bạn bị nóng.
Cùng với đó bạn có thể thấy khát nhiều hơn, đói hơn, đổ mồ hôi và tim đập mạnh. Bạn cũng có thể bị tiêu chảy hoặc phát ban, ngứa. Phụ nữ có thể có kinh ít hơn hoặc bị trễ kinh hoặc khó mang thai.
2. Mãn kinh khiến bạn thấy nóng trong người
Đó là khi một người phụ nữ ngừng có kinh, thường vào khoảng 50 tuổi. Bạn sẽ có khả năng bị "bốc hỏa". Đây là sự tăng nhiệt độ cơ thể đột ngột, ngắn ngủi. Thời kỳ mãn kinh có thể gây đổ mồ hôi dữ dội, chóng mặt và tim đập nhanh.
Các triệu chứng này thường bắt đầu trước kỳ kinh cuối cùng của bạn và có thể kéo dài trong vài năm. Nếu chúng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị bạn kiểm soát chúng bằng liệu pháp hormon thay thế, thuốc và thay đổi lối sống.
3. Suy buồng trứng cũng khiến bạn nóng trong người
Suy buồng trứng là khi buồng trứng của phụ nữ không tạo ra lượng hormone estrogen bình thường hoặc không giải phóng trứng một cách thường xuyên. Do đó bạn có thể khó mang thai.
Bạn cũng có thể bị bốc hỏa và đổ mồ hôi ban đêm giống như các triệu chứng mãn kinh. Trong trường hợp này hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn nhận thấy những vấn đề này hoặc mất kinh, ít ham muốn tình dục và khô âm đạo.
4. Sốt làm cho thân nhiệt cao
Cơ thể của bạn hoạt động tốt nhất ở khoảng 37०C (98,6०F). Khi bạn bị sốt, nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn mức đó khiến bạn cảm thấy nóng và đổ mồ hôi. Điều này thường xảy ra khi cơ thể cố gắng chống lại sự xâm nhập vi trùng như virus hoặc vi khuẩn.
Uống đủ nước, nghỉ ngơi và thuốc không kê đơn có thể giúp bạn hạ thân nhiệt. Nhưng nếu bạn sốt từ 39,5०C trở lên hoặc nếu cảm thấy tồi tệ hãy trao đổi với bác sĩ về tình trạng này. Hãy đến phòng cấp cứu nếu bạn có các triệu chứng nghiêm trọng như đau đầu dữ dội, cứng cổ, lú lẫn hoặc co giật.
5. Caffeine có thể làm tăng thân nhiệt của bạn
Caffeine có thể giúp bạn tỉnh táo hơn và ít buồn ngủ hơn vào buổi sáng, nhưng điều này cũng làm tăng nhiệt độ cơ thể. Khi sử dụng quá nhiều chất này có thể làm tăng huyết áp, tăng lượng đường trong máu, tăng axit trong dạ dày và gây ra các vấn đề về giấc ngủ.
Bạn hãy đọc kỹ thành phần trên bao bì về trà, nước ngọt, sô cô la và thuốc trước khi mua/sử dụng. Đánh giá phản ứng của chính bạn để tìm ra bao nhiêu caffeine là quá nhiều cho bạn.
6. Thực phẩm cay làm bạn nóng trong người
Cảm giác như nhiệt độ cơ thể của bạn tăng vọt khi bạn ăn những quả ớt cay cay. Thức ăn cay dường như làm tăng nhiệt độ cơ thể và thậm chí có thể khiến bạn đổ mồ hôi. Tuy nhiên không có gì phải lo lắng về hiện tượng này. Một số nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều gia vị có vẻ tốt cho bạn. Chỉ cần không lạm dụng quá vào trong chế độ ăn.
7. Tập thể dục làm cho bạn cảm thấy nóng
Tập luyện thể dục chăm chỉ và đốt cháy nhiều nhiên liệu hơn. Điều đó tạo ra nhiều nhiệt lượng hơn. Cơ thể bạn cố gắng loại bỏ nó bằng cách đưa máu ấm đến những mạch máu gần da hơn và làm mát nó bằng cách đổ mồ hôi.
Nhưng đôi khi cơ chế này không thể loại bỏ nhiệt lượng đủ nhanh và nhiệt độ bên trong cơ thể của bạn tăng lên. Hiện tượng này dễ xảy ra hơn khi trời nóng và ẩm, khi đó có thể dẫn đến say nắng, một tình trạng nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế khẩn cấp.
8. Thời tiết nóng khiến bạn cảm thấy nóng trong người
Cơ thể của bạn cố gắng giữ cho mình ở mức 37०C (98,6०F) với bất kể thời tiết như thế nào. Khi trời nóng và ẩm, cơ thể bạn chuyển máu lên bề mặt da và làm mát bằng cách đổ mồ hôi. Nhưng cơ chế này không phải hoạt động ngay lập tức mà cần đợi cho đến khi cơ thể đạt đến một nhiệt độ nhất định. Con số chính xác có thể thay đổi tùy thuộc vào độ tuổi, sức khỏe và mức độ thể chất của bạn, nhưng bạn có thể cảm thấy nóng ngay cả khi cơ thể bạn đã cố gắng hạ nhiệt.
9. Bệnh tiểu đường (typ 1 và typ 2) làm tăng thân nhiệt
Với căn bệnh tiểu đường, các mạch máu không giãn hoặc mở rộng ra, điều này khiến cho việc đưa máu lên bề mặt da và thoát nhiệt qua da khó khăn hơn. Các tuyến mồ hôi được cho là làm mát da cũng không hoạt động bình thường. Điều đó khiến việc hạ nhiệt độ cơ thể trở nên khó khăn hơn nhiều so với bình thường.
10. Tuổi tác có thể khiến bạn nóng trong người
Khi bạn lớn tuổi hơn, hệ thống làm mát cơ thể có thể không hoạt động nữa. Nếu bên ngoài trời nóng, tim của bạn cần bơm nhiều máu hơn lên bề mặt da để giúp cơ thể làm mát. Khi bạn già đi, trái tim không còn khỏe nữa, vì vậy nó phải làm việc nhiều hơn. Các mạch máu có thể không mở rộng như trước đây, do đó bạn không thể đưa được nhiều máu đến bề mặt da cùng một lúc.
11. Bệnh tim mạch có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn
Nếu bạn mắc phải bệnh tim mạch, các mạch máu không giãn nở như bình thường và cơ chế làm mát dựa trên việc đổ mồ hôi cũng không hoạt động tốt. Điều này làm cho việc hạ nhiệt khó hơn khi thân nhiệt cao. Trái tim bị suy yếu lại phải gắng sức để đưa máu đi khắp cơ thể và có thể gây ra cơn đau tim.
12. Uống quá ít nước cũng khiến bạn nóng trong người
Nếu không uống đủ nước, bạn sẽ không tiết đủ mồ hôi và cơ thể không thể làm mát một cách dễ dàng. Nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể không nhận đủ nước, hãy mang theo một chai nước đá khi ra ngoài trời nắng nóng hoặc khi đi tập thể dục.
13. Không khỏe cũng có thể khiến bạn cảm thấy nóng hơn
Khi bạn khỏe mạnh, các chức năng của cơ thể có thể giúp bạn làm mát tốt hơn. Khi bạn không khỏe, các chức năng này sẽ bị suy yếu khiến cho việc hạ thân nhiệt không hoạt động hiệu quả, vì vậy bạn có thể cảm thấy nóng trong người.
Không rõ lý do tại sao, nhưng các nghiên cứu cho thấy những người tập thể dục nhịp điệu nhiều hơn, loại hình thể dục giúp tim của bạn bơm máu nhiều hơn, có khả năng hạ nhiệt tốt hơn khi họ bị nóng. Tất nhiên, điều này cũng tốt cho tim mạch, cân nặng và thậm chí là tâm trạng của bạn.
14. Bạn không quen với thời tiết nóng
Thời gian ở bên ngoài càng nhiều, cơ thể bạn càng dễ làm quen với sức nóng của môi trường. Mất khoảng 2 tuần để một người khỏe mạnh "thích nghi" với nhiệt độ mới, đôi khi cần thời gian lâu hơn nếu bạn lớn tuổi hoặc bị bệnh.
Sau khi làm như vậy, bạn sẽ cảm thấy mát hơn và cơ thể sẽ dễ chịu hơn trong khi bạn vẫn làm việc chăm chỉ trong thời tiết nóng. Điều này có thể khiến bạn cảm thấy mát mẻ, dễ chịu ngay cả khi nhiệt độ môi trường cao hơn nhiệt độ trong phòng tới 10०C.
15. Béo phì khiến cho thân nhiệt cao hơn
Những người gầy vẫn thường cảm thấy mát mẻ hơn những người thừa cân. Bạn càng béo phì, bạn càng có ít bề mặt da hơn cho mỗi kg (pound) trọng lượng cơ thể. Kết quả là bạn sẽ mất ít năng lượng làm mát hơn. Nếu cần giảm một số cân, hãy nói chuyện với bác sĩ về các ý tưởng cho một chế độ ăn uống lành mạnh và một chương trình tập thể dục phù hợp với bạn nhất.
Tốt nhất, khi bị nóng trong người và cơ thể thường xuyên đổ mồ hôi, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ kiểm tra và có hướng can thiệp kịp thời.
Nóng trong người thường là biểu hiện của rất nhiều vấn đề khác nhau, nên để có thể tìm ra được nguyên nhân chính xác và hướng điều trị hiệu quả, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đã chủ động phối hợp nhiều chuyên khoa, kết hợp cùng đội ngũ bác sĩ chuyên khoa đầu ngành trực tiếp kiểm tra và tư vấn cho bệnh nhân về tình trạng sức khỏe hiện tại cũng như có hướng điều trị trong trường hợp cần thiết.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: .webmd.com