Tại sao bạn lại đi ngoài phân đen?

Đi ngoài phân đen là hiện tượng phổ biến, có thể do màu của thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ hoặc thuốc gây ra. Tuy nhiên, phân màu đen cũng có thể liên quan đến một số bệnh lý hoặc tình trạng sức khỏe nghiêm trọng trong cơ thể. Vậy nguyên nhân gây ra tình trạng đi ngoài phân màu đen là gì và cảnh báo những bệnh lý nào sẽ được giải đáp thông qua bài viết dưới đây.

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Bác sĩ chuyên khoa I Trần Quốc Vĩnh - Bác sĩ Cấp cứu - Khoa Hồi sức - Cấp cứu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

1. Đi ngoài phân đen là do đâu?

Thông thường, phân màu đen có thể xuất hiện khi chúng ta tiêu thụ một số loại thực phẩm đặc biệt hoặc do sử dụng thuốc, chẳng hạn như ăn huyết (tiết), bổ sung sắt hoặc thuốc chứa Bismuth. Tuy nhiên, đi ngoài phân đen cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lý liên quan đến đường tiêu hóa, từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Trên thực tế, máu chảy từ bất kỳ vị trí nào trong hệ thống tiêu hóa, từ miệng đến hậu môn, đều có thể gây ra hiện tượng phân màu đen hoặc phân lẫn máu tươi. Ngoài ra, máu cũng có thể xuất phát từ các tổn thương ở mũi họng, chảy xuống và được nuốt vào bên trong hệ tiêu hóa.

Ba nguyên nhân chính gây chảy máu bao gồm loét dạ dày – tá tràng (phổ biến nhất), vỡ tĩnh mạch thực quản và chảy máu đường mật. Ngoài ra, các tình trạng như chảy máu chân răng, chảy máu khi cắt amidan hoặc ho ra máu khiến người bệnh nuốt máu xuống đường tiêu hóa cũng có thể gây ra hiện tượng phân màu đen. Khi máu đi vào hệ tiêu hóa, dưới tác động của dịch vị và dịch ruột, hồng cầu sẽ bị biến đổi và chuyển thành màu đen.

Nếu phân màu đen, sệt như hắc ín và có mùi hôi thối, đây thường là dấu hiệu chảy máu từ đường tiêu hóa trên (bao gồm thực quản, dạ dày, gan mật hoặc ruột non). Ngược lại, nếu chảy máu tại đường tiêu hóa thấp (gồm đại tràng, trực tràng hoặc hậu môn), phân có thể lẫn máu đỏ tươi và kèm theo cục máu đông.

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, lượng máu xuất huyết trong hệ tiêu hóa và thời gian máu tồn tại trong ruột, màu sắc của phân sẽ khác nhau. Nếu lượng máu trong phân rất nhỏ, màu sắc phân thường không thay đổi đáng kể. 

Viêm loét dạ dày có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng phân đen
Viêm loét dạ dày có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng phân đen

2. Các triệu chứng kèm theo đi ngoài phân đen

2.1 Triệu chứng thường thấy

  • Đau bụng.
  • Thay đổi thói quen đi đại tiện.
  • Tiêu chảy.
  • Chướng bụng.
  • Các triệu chứng giống cúm như: mệt mỏi, sốt, đau họng, nhức đầu, ho, đau nhức...
  • Phân có mùi hôi thối.
  • Buồn nôn và nôn.
  • Xuất hiện tình trạng vàng da.
  • Ăn không ngon.
  • Đau hoặc nóng rát trực tràng.
  • Giảm cân.

2.2 Triệu chứng nghiêm trọng cần lưu ý

  • Thay đổi tri giác: lơ mơ, hôn mê, không đáp ứng với kích thích.
  • Thay đổi trạng thái tâm thần và hành vi một cách đột ngột: nhầm lẫn, mê sảng, ảo giác và ảo tưởng.
  • Chóng mặt.
  • Sốt cao trên 39 độ C.
  • Đánh trống ngực, nhịp tim nhanh.
  • Khó thở, thở dốc, thở khò khè, không thể thở được hoặc nghẹt thở.
  • Bụng gồng cứng.
  • Đau bụng dữ dội. 
Bệnh nhân đi ngoài phân đen kèm theo sốt cao cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhân đi ngoài phân đen kèm theo sốt cao cần đến gặp bác sĩ để khám và điều trị kịp thời.

3. Một số bệnh lý có triệu chứng đi ngoài phân đen

Khi tình trạng đi ngoài phân đen kéo dài, bệnh nhân có thể nghi ngờ mắc phải một trong các bệnh lý sau:

3.1 Viêm loét dạ dày - tá tràng

Khi dạ dày bị tổn thương, viêm loét hoặc xuất huyết, máu từ các vết loét sẽ tích tụ và sau đó được thải ra cùng với phân. Một số nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày - tá tràng có thể bao gồm thuốc kháng sinh và thuốc giảm đau.

3.2 Viêm thực quản

Khi viêm thực quản gây chảy máu, máu sẽ hòa lẫn vào chất thải, dẫn đến tình trạng đi ngoài phân đen.

3.3 Các bệnh về tai mũi họng

Khi gặp các bệnh về tai mũi họng, chảy máu trong có thể xảy ra, khiến máu bị nuốt xuống dạ dày và thải ra theo phân. Mặc dù đây là nguyên nhân hiếm gặp, nhưng người mắc các bệnh tai mũi họng hoàn toàn có khả năng gặp phải tình trạng phân màu đen.

3.4 Viêm/u ruột non

Ruột non là phần cuối của hệ tiêu hóa, khi xảy ra các vấn đề như viêm hoặc u ruột non, màu sắc của phân cũng sẽ bị thay đổi, có thể dẫn đến phân màu đen.

3.5 Chảy máu bên trong đường mật

Những người có tiền sử bệnh gan, chấn thương gan, dập mật hoặc sỏi mật có thể gặp tình trạng xuất huyết đường mật, gây tổn thương mạch máu và khiến máu chảy xuống đường ruột, dẫn đến phân màu đen.

3.6 Ung thư dạ dày

Một số bệnh nhân ung thư dạ dày hoặc trực tràng giai đoạn đầu, có thể xuất hiện triệu chứng đi ngoài phân đen, nhưng cơ chế của tình trạng này hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, nếu nhận thấy tình trạng phân màu đen kéo dài, mọi người cần nhanh chóng thăm khám và điều trị kịp thời. 

Đi ngoài ra phân màu đen là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày.
Đi ngoài ra phân màu đen là dấu hiệu của bệnh ung thư dạ dày.

4. Đi ngoài phân đen có nguy hiểm không?

Đi ngoài phân đen thường là dấu hiệu của chảy máu từ đường tiêu hóa (sau khi đã loại trừ nguyên nhân từ thức ăn và thuốc). Đây là một triệu chứng không nên xem nhẹ, cần được thăm khám sớm để tìm ra nguyên nhân. Một số trường hợp có triệu chứng phân màu đen, nếu nhập viện muộn, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và làm lan rộng hoặc di căn tế bào ung thư.

Ngoài ra, tình trạng chảy máu tiêu hóa kéo dài có thể dẫn đến thiếu máu, xuất huyết và mất máu nghiêm trọng, gây sốc. Nếu chảy máu đường mật nặng, có thể dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng và thậm chí gây tử vong.

5. Cách điều trị

5.1 Điều trị tại viện

Khi xuất hiện tình trạng đi ngoài phân màu đen, người bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám, thực hiện các xét nghiệm nhằm chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có phương án điều trị phù hợp. Một số phương pháp điều trị thường được áp dụng bao gồm:

  • Sử dụng thuốc ức chế bơm PPI hoặc thuốc co mạch.
  • Nội soi đường tiêu hóa.
  • Phẫu thuật.
  • Truyền máu trong trường hợp mất máu nhiều, gây ảnh hưởng đến huyết động.

5.2 Khắc phục tại nhà

Ngoài các biện pháp điều trị tại cơ sở y tế, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau để cải thiện tình trạng đi ngoài phân đen:

  • Bổ sung chất xơ, vitamin và các loại khoáng chất cần thiết từ rau xanh, trái cây hoặc ngũ cốc nguyên cám.
  • Tuyệt đối không hút thuốc lá, tiêu thụ rượu bia hoặc các chất kích thích khác gây hại cho đường tiêu hóa.
  • Hạn chế tiêu thụ các đồ ăn cay nóng và nhiều gia vị. 
Để cải thiện tình trạng đi ngoài ra phân màu đen, bệnh nhân nên bổ sung nhiều rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày.
Để cải thiện tình trạng đi ngoài ra phân màu đen, bệnh nhân nên bổ sung nhiều rau xanh vào chế độ ăn hàng ngày.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh tật, từ đó có kế hoạch điều trị đạt kết quả tối ưu. Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp các gói khám sức khỏe tổng quát phù hợp với từng độ tuổi, giới tính và nhu cầu của khách hàng, cùng với chính sách giá hợp lý, bao gồm:

  • Gói khám sức khỏe tổng quát kim cương.
  • Gói khám sức khỏe tổng quát Vip.
  • Gói khám sức khỏe tổng quát đặc biệt.
  • Gói khám sức khỏe tổng quát toàn diện.
  • Gói khám sức khỏe tổng quát tiêu chuẩn.

Kết quả khám sức khỏe sẽ được gửi trực tiếp đến nhà của Quý khách. Nếu sau khi nhận kết quả khám tổng quát phát hiện các bệnh lý cần điều trị chuyên sâu, Quý khách có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ từ các chuyên khoa khác ngay tại Bệnh viện, với chất lượng điều trị và chăm sóc khách hàng vượt trội. 

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng. 

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe