Công dụng của thuốc Ratidin F

Thuốc Ratidin F có thành phần chính là Ranitidin 150mg được chỉ định điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Để đảm bảo hiệu quả điều trị thì người bệnh cần dùng thuốc theo đơn, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo đúng liều lượng của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

1. Thuốc Ratidin F là thuốc gì?

Thuốc Ratidin F có thành phần chính là Ranitidin 150mg (tương đương 168mg Ranitidin hydroclorid) và hệ thống tá dược gồm có: Erapac, avicel, talc, povidon, magnesium stearate, methocel, natri starch glycolate, ethyl cellulose, PEG 6000, xanh patent V, vàng tartrazin, titan dioxyd, vanilin. Thuốc Ratidin F được bào chế dưới dạng viên nén bao phim.

Ranitidin là thuốc đối kháng thụ thể H2 histamin, thuốc có tác dụng ức chế cạnh tranh với histamin tại thụ thể H2 của tế bào vách, từ đó làm giảm lượng acid dịch vị tiết ra ở dạ dày trong cả ngày và đêm, cả khi bị kích thích bởi thức ăn, insulin, các amino acid, tác động của histamin hoặc pentagastrin.

2. Công dụng thuốc Ratidin F

Dùng thuốc Ratidin F trong các trường hợp cần thiết làm giảm tiết dịch vị và giảm tiết acid tại dạ dày.


Thuốc Ratidin F được dùng trong điều trị một số bệnh lý dạ dày tá tràng
Thuốc Ratidin F được dùng trong điều trị một số bệnh lý dạ dày tá tràng

3. Liều dùng của thuốc Ratidin F

3.1. Liều thuốc Ratidin F trị loét tá tràng, loét dạ dày lành tính

Liều dùng và thời gian dùng thuốc:

  • Bệnh nhân uống 1 viên thuốc Ratidin F vào buổi sáng và 1 viên thuốc Ratidin F vào buổi tối;
  • Hoặc uống 2 viên thuốc Ratidin F vào buổi tối;
  • Điều trị với thuốc Ratidin F trong thời gian từ 4 - 8 tuần;
  • Đối với người bệnh viêm dạ dày mạn tính uống thuốc Ratidin F trong 6 tuần; Đối với người bệnh loét do dùng thuốc kháng viêm không steroid uống thuốc Ratidin F trong 8 tuần;
  • Đối với người bệnh loét tá tràng có thể uống liều 2 viên thuốc Ratidin F/lần, 2 lần/ngày, uống liên tục trong 4 tuần để nhanh chóng chữa lành vết loét.

3.2. Liều thuốc Ratidin F trị viêm thực quản do trào ngược

  • Bệnh nhân uống 1 viên thuốc Ratidin F vào buổi sáng và 1 viên vào tối;
  • Hoặc uống 2 viên thuốc Ratidin F vào buổi tối;
  • Điều trị với thuốc Ratidin F trong 8 -12 tuần. Khi đã khỏi bệnh có thể điều trị duy trì dài ngày với liều uống 1 viên thuốc Ratidin F/lần, ngày 2 lần.

3.3. Liều thuốc Ratidin F trị hội chứng Zollinger Ellison

  • Bệnh nhân uống 1 viên thuốc Ratidin F/lần, 3 lần/ngày, có thể uống đến 6g/ngày, chia làm nhiều lần uống.

3.4. Liều thuốc Ratidin F để giảm acid dạ dày, phòng ngừa hít phải acid trong sản khoa

  • Bệnh nhân uống 1 viên thuốc Ratidin F ngay lúc chuyển dạ, sau đó cứ cách 6 giờ uống 1 lần.

3.5. Liều dùng thuốc Ratidin F cho trẻ em

  • Liều đề nghị thuốc Ratidin F điều trị loét dạ dày tá tràng ở trẻ em là: 2 - 4mg Ranitidin/kg, uống 2 lần/ngày, tối đa là 300mg Ranitidin/ngày;
  • Liều duy trì 2-4mg Ranitidin/kg, uống 1 lần/ngày có thể được sử dụng, tối đa 150mg Ranitidin mỗi ngày;
  • Mặc dù có rất ít thông tin về việc sử dụng ranitidin để điều trị chứng viêm thực quản do trào ngược và viêm loét thực quản ở trẻ em, tuy nhiên trong trường hợp này có thể dùng liều 5-10mg Ranitidin/kg mỗi ngày, thường được chia làm 2 lần.

3.6. Liều dùng thuốc Ratidin F cho người suy thận

Theo các nguồn thông tin tin cậy về khuyến cáo liều ranitidin, liều của thuốc này cần được giảm ở bệnh nhân suy thận nặng. Đối với bệnh nhân có độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút, liều uống 150mg Ranitidin/ngày được khuyến khích, có thể thận trọng tăng liều lên đến 150mg Ranitidin trong mỗi 12 giờ nếu cần thiết.


Người bệnh nên tuân thủ liều dùng thuốc Ratidin F từ bác sĩ
Người bệnh nên tuân thủ liều dùng thuốc Ratidin F từ bác sĩ

4. Chống chỉ định của thuốc Ratidin F

Chống chỉ định sử dụng thuốc ho bệnh nhân bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào của thuốc Ratidin F.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Ratidin F

  • Nên điều chỉnh liều thuốc Ratidin F ở bệnh nhân suy chức năng thận;
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ratidin F cho những bệnh nhân bị suy gan nặng, rối loạn chuyển hóa porphyrin cấp, bệnh tim;
  • Cần loại trừ khả năng bệnh nhân có các khối u ác tính ở dạ dày trước khi điều trị với thuốc có chứa ranitidin.
  • Thuốc Ranitidin có thể gây đau đầu, chóng mặt vì vậy không nên lái xe hay vận hành máy móc khi dùng thuốc Ratidin F.
  • Ở liều điều trị thuốc Ratidin F không thấy tác hại đến người mẹ mang thai, quá trình sinh nở và sức khỏe của thai nhi;
  • Ở thời kỳ cho con bú, chỉ dùng thuốc Ratidin F khi cần thiết.

6. Tác dụng không mong muốn của thuốc Ratidin F

  • Thuốc Ratidin F có thể gây ra tác dụng phụ đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, tiêu chảy, ban đỏ;
  • Hiếm gặp tác dụng phụ giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, ngứa và tăng men transaminase khi dùng thuốc Ratidin F;
  • Phản ứng quá mẫn với thuốc Ratidin F rất hiếm gặp (mề đay, co thắt phế quản, sốc phản vệ, phù mạch, đau cơ, đau khớp), mất bạch cầu hạt, giảm toàn bộ huyết cầu, chậm nhịp, hạ huyết áp, blốc nhĩ thất, to vú ở nam giới, viêm tụy, viêm gan, rối loạn điều tiết mắt...

7. Tương tác của thuốc Ratidin F với các thuốc khác

  • Ranitidin có tác động ức chế rất ít sự chuyển hoá ở gan của một số thuốc khác như: thuốc chống đông máu coumarin, theophylin, diazepam, propranolol;
  • Dùng Ranitidin cùng glipizid có thể gặp phải tác dụng hạ huyết áp nhưng không thường xảy ra;
  • Ranitidin làm giảm sự hấp thu của các thuốc kháng nấm như: ketoconazol, fluconazol và itraconazol do ranitidin làm giảm acid dạ dày;
  • Dùng Ranitidin cùng kháng sinh clarithromycin có thể làm tăng nồng độ ranitidin trong huyết tương;
  • Dùng Ranitidin cùng với propanthelin bromid có thể làm tăng nồng độ đỉnh của ranitidin trong huyết tương và làm chậm quá trình hấp thu thuốc.

Thuốc Ratidin F có thành phần chính là Ranitidin 150mg được chỉ định điều trị các bệnh lý đường tiêu hóa. Để đảm bảo hiệu quả điều trị thì người bệnh cần dùng thuốc theo đơn, đọc kỹ hướng dẫn sử dụng và tuân thủ theo đúng liều lượng của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe