Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Diễm Thúy - Bác sĩ tư vấn vắc-xin - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park. Bác sĩ có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Nhi khoa.
Dịch bạch hầu đang bùng phát trở lại tại một số tỉnh thành ở Tây Nguyên nước ta. Đây là một bệnh lý nhiễm khuẩn cấp tính nguy hiểm, dễ lây lan và ảnh hưởng đến nhiều cơ quan, thậm chí có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được điều trị kịp thời.
1. Bạch hầu là gì?
Bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Bệnh đặc trưng với triệu chứng xuất hiện các giả mạc ở tuyến hạnh nhân, vùng hầu họng, thanh quản hoặc mũi. Tại sao gọi là bệnh bạch hầu? Vì đặc trưng của bệnh là giả mạc thường có màu trắng, xuất hiện ở vùng hầu họng nên bệnh được gọi là bạch hầu.
Bên cạnh hệ hô hấp, bạch hầu có thể xuất hiện ở các cơ quan khác như da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Bệnh bạch hầu đặc biệt nguy hiểm vì cơ chế bệnh là vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc do nội độc tố vi khuẩn tiết ra, gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan khác như tim, phổi, gan, thận và cơ vân.
2. Quá trình tiến triển bệnh bạch hầu
Đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn bạch hầu là qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết hô hấp của người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn. Các biểu hiện của bạch hầu bao gồm:
- Sau giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân bắt đầu với biểu hiện sốt nhẹ, đau họng nhiều, ho, khàn tiếng và rối loạn tiêu hóa.
- Sau 2-3 ngày, amidan bệnh nhân có thể sưng to. Sau đó, giả mạc hầu họng đặc trưng của bệnh xuất hiện, vị trí hay gặp là 2 bên thành họng hoặc mặt sau họng, giả mạc có màu trắng, xám hoặc đen, tính chất giả mạc dai, dính chặt vào niêm mạc hô hấp, chạm vào dễ chảy máu.
- Nếu bệnh diễn tiến nghiêm trọng thì các biến chứng khác của bệnh xuất hiện như khó thở (do giả mạc bít tắc đường thở), viêm cơ tim, viêm phổi, suy gan, suy thận và có thể dẫn đến tử vong nhanh chóng.
3. Tại sao bị bệnh bạch hầu?
Vi khuẩn gây bệnh bạch hầu có tên khoa học là Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Vi khuẩn bạch hầu tồn tại 3 tuýp gây bệnh là Gravis, Mitis và Intermedius. Vi khuẩn có hình dáng rất đa dạng, bắt màu gram dương. Điển hình nhất là ở dạng trực khuẩn có một hoặc 2 đầu phình to nên còn gọi là trực khuẩn hình chùy, dài 2-6μm, rộng 0.5-1μm. Đặc điểm là vi khuẩn không sinh nha bào và cũng không di động.
Vi khuẩn bạch hầu có sức sống rất cao ở môi trường bình thường bên ngoài. Nếu được lớp chất nhầy bao quanh cơ thể bảo vệ thì vi khuẩn có thể sống trên đồ vật vài ngày đến vài tuần. Một số tác nhân có thể tiêu diệt vi khuẩn bạch hầu như ánh sáng mặt trời trực tiếp thì vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ. Ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn bạch hầu sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ vi khuẩn bạch hầu có thể sống được 1 phút.
Nếu cơ thể không được tiêm vắc-xin để tạo miễn dịch chủ động với vi khuẩn bạch hầu thì rất dễ bị loại vi khuẩn này tấn công và gây nên bệnh bạch hầu. Dịch bạch hầu có thể xảy ra ở những vùng đông đúc dân cư, điều kiện vệ sinh không đảm bảo và đặc biệt là trẻ không được tiêm vắc-xin đầy đủ và đúng lịch theo chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
Xem thêm: Bạch hầu thanh quản ở trẻ vì sao nguy hiểm?
4. Các biến chứng của bệnh bạch hầu
4.1. Tắc nghẽn đường hô hấp
Bệnh bạch hầu chủ yếu gây viêm họng – thanh quản với đặc trưng là lớp giả mạc màu trắng (do các lớp tế bào bị viêm tạo ra) bám chặt vào niêm mạc hầu họng. Nếu không điều trị kịp thời, lớp giả mạc này sẽ lan ra nhanh chóng và bít tắc đường hô hấp bệnh nhân gây ngạt thở, suy hô hấp.
4.2. Viêm cơ tim
Độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra có thể tấn công và ảnh hưởng đến chức năng quả tim với các biểu hiện như viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, dẫn đến suy tim và có thể gây tử vong. Biến chứng viêm cơ tim có thể xảy ra ngay trong giai đoạn cấp tính của bệnh hoặc xuất hiện sau vài tuần. Đây là biến chứng rất nguy hiểm, nếu xuất hiện sớm thì tiên lượng bệnh nhân rất xấu, khả năng tử vong rất cao.
4.3. Liệt cơ hoành
Cơ hoành là một cơ hình vòm dày ngăn cách ngực với bụng, giúp con người có thể hít thở. Với người bệnh bạch hầu, cơ hoành có thể bị tê liệt rất đột ngột, kéo dài hơn nửa giờ hoặc lâu hơn. Nếu cơ hoành tê liệt, ngừng hoạt động, tính mạng bệnh nhân bị đe dọa nghiêm trọng.
4.4. Suy gan, suy thận
Độc tố do vi khuẩn bạch hầu tiết ra khi đến các cơ quan khác như gan, thận sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng của các cơ quan này. Biểu hiện có thể bao gồm suy gan, suy thận...
5. Phòng bệnh bạch hầu như thế nào?
Dịch bạch hầu đang có xu hướng bùng phát trở lại tại Việt Nam, nguyên nhân chủ yếu là tỷ lệ tiêm vắc xin bạch hầu để phòng bệnh ở một số vùng chưa cao, đặc biệt là ở các tỉnh Tây Nguyên. Phương pháp phòng bệnh hiệu quả nhất đối với vi khuẩn bạch hầu chính là tiêm ngừa vắc-xin để tạo miễn dịch chủ động cho trẻ nhỏ.
Hiện nay, chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia đã đưa vắc-xin bạch hầu vào các mũi vắc-xin phối hợp với ho gà, uốn ván. Lịch tiêm ngừa bắt đầu khi trẻ được 2 tháng tuổi với 3 mũi cơ bản cách nhau ít nhất 1 tháng, mũi nhắc lại thứ 4 khi trẻ đủ 18 tháng và có thể tiêm mũi thứ 5 sau mũi 4 khoảng 10 năm.
Bên cạnh tiêm ngừa, một số biện pháp khác để phòng bệnh bạch hầu bao gồm:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
- Che miệng khi ho hoặc hắt hơi để hạn chế lây lan.
- Giữ vệ sinh thân thể, súc miệng và rửa vùng mũi, họng hàng ngày sạch sẽ.
- Đảm bảo nơi ở, sinh hoạt, làm việc thông thoáng, sạch sẽ và đầy đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị sớm.
- Người dân sinh sống tại khu vực có ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.
- Nếu tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu hoặc sống trong vùng có dịch bạch hầu thì cần hạn chế tiếp xúc với mọi người hoặc thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã được nêu ở trên.
Xem thêm: Khuyến cáo phòng chống bệnh bạch hầu từ Bộ Y tế
6. Tiêm phòng vắc-xin bạch hầu ở đâu?
Cách phòng ngừa bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm vắc-xin. Vắc-xin phòng bệnh bạch hầu có mặt trong tất cả các loại vắc-xin kết hợp như: vắc-xin 3 trong 1, vắc-xin 4 trong 1, vắc-xin 5 trong 1 hay vắc-xin 6 trong 1 dành cho trẻ từ độ tuổi 6 tuần tuổi cho đến người lớn. Hiện tại, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cung cấp dịch vụ tiêm phòng vắc-xin bạch hầu cho trẻ em và người lớn.
- Vắc-xin 6 trong 1 (Hexaxim hoặc Infanrix Hexa) có thể phòng ngừa 6 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm gan b, bại liệt và bệnh do Hib.
- Vắc-xin 5 trong 1 (Pentaxim) phòng 5 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, bại liệt và bệnh do Hib
- Vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia ComBE Five giúp phòng 5 bệnh: ho gà, bạch hầu, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do Hib và viêm gan B.
- Vắc-xin 4 trong 1 (Tetraxim) giúp phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt.
- Vắc-xin 3 trong 1 Boostrix) giúp phòng ngừa các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Tiêm vắc-xin bạch hầu cho người lớn được thực hiện với 1 mũi vaccin tổng hợp theo chu kỳ 10 năm, bắt đầu từ mũi tiêm chủng cuối cùng trong độ tuổi 14 - 16 tuổi. Nếu trường hợp không nhớ lần cuối cùng tiêm khi nào thì tiêm ngay 2 mũi cách nhau 30 ngày, sau đó tiêm nhắc lại với mũi thứ 3 sau 6 - 9 tháng sau mũi 2.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.