Đặc điểm vi khuẩn bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn bạch hầu Corynebacterium diphtheriae gây ra. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm cơ tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí là tử vong.

1. Sơ lược về bệnh bạch hầu

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, thanh quản, hầu họng, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.

Ô chứa vi khuẩn bạch hầu là người bệnh và người khỏe mạnh mang vi khuẩn. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Bên cạnh đó, sữa tươi cũng có thể là phương tiện lây truyền vi khuẩn bạch hầu. Sau khi nhiễm vi khuẩn bạch hầu, người bệnh thường ủ bệnh trong khoảng 2 - 5 ngày hoặc hơn.

Người bệnh bạch hầu có triệu chứng viêm họng, mũi và thanh quản, họng đỏ, đau khi nuốt, da xanh tái, mệt mỏi, nổi hạch dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Trong vòng 2 - 3 ngày, những mảng bám màu xám, dính, chắc sẽ xuất hiện ở vùng hầu họng, nếu cố gỡ ra có thể gây chảy máu. Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em, biểu hiện tại chỗ là giả mạc thanh quản và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh cảm giác, thần kinh vận động ngoại biên và viêm cơ tim. Bệnh có thể qua khỏi hoặc có thể gây tử vong trong vòng 6 – 10 ngày. Tỷ lệ tử vong do bệnh là 5 - 10%.

Tiêm vắc-xin bạch hầu đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa bệnh bạch hầu hữu hiệu nhất.

2. Đặc điểm của vi khuẩn bạch hầu

2.1 Vi khuẩn bạch hầu là gì?

Vi khuẩn bạch hầu có tên là Corynebacterium diphtheriae thuộc họ Corynebacteriaceae. Họ này gồm các giống Corynebacterium, Erysipelothrix, Listeria, ký sinh ở đất, súc vật và người. Phần lớn các vi khuẩn thuộc họ Corynebacteriaceae không gây bệnh, một số ít gây bệnh cho người. Vi khuẩn bạch hầu có 3 tuýp gồm: Gravis, Mitis và Intermedius.

Vi khuẩn bạch hầu là vi khuẩn gram âm, hiếu khí. Môi trường nuôi cấy vi khuẩn bạch hầu thông thoáng sẽ giúp vi khuẩn phát triển. Đặc biệt, loại vi khuẩn này phát triển nhanh ở môi trường có máu và huyết thanh.

2.2 Hình thái vi khuẩn bạch hầu

Vi khuẩn bạch hầu có hình thái đa dạng. Hình thái điển hình của vi khuẩn bạch hầu là trực khuẩn, có 1 hoặc 2 đầu phình to nên còn được gọi là trực khuẩn hình chùy, độ dài 2 - 6 μm và rộng 0,5 - 1μm. Vi khuẩn bạch hầu không có vỏ, không sinh nha bào và không di động.


Hình thái của vi khuẩn bạch hầu
Hình thái của vi khuẩn bạch hầu

2.3 Khả năng tồn tại của vi khuẩn bạch hầu

Vi khuẩn bạch hầu có sức đề kháng cao ở ngoài cơ thể, có thể chịu được thời tiết khô và lạnh giá. Nếu được chất nhầy bao bọc, vi khuẩn bạch hầu có thể sống trên đồ vật trong thời gian từ vài ngày đến vài tuần, sống được 30 ngày trên đồ bằng vải, sống 20 ngày trong sữa, nước uống và tồn tại được 2 tuần trong tử thi.

Tuy nhiên, vi khuẩn bạch hầu khá nhạy cảm với các yếu tố lý, hóa. Cụ thể, dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn bạch hầu sẽ chết trong vài giờ. Nếu sống dưới ánh sáng mặt trời khuếch tán, loại vi khuẩn này sẽ bị tiêu diệt sau vài ngày. Ở nhiệt độ 58 độ C, vi khuẩn bạch hầu tồn tại trong khoảng 10 phút và chúng chỉ sống được 1 phút dưới tác động của phenol 1% và cồn 60 độ.

Ngoại độc tố bạch hầu là một protein không bền với nhiệt, có tính kháng nguyên đặc hiệu, độc tính cao và không chịu được nhiệt độ hay formol. Ngoại độc tố của các tuýp vi khuẩn bạch hầu đều giống nhau. Đây là một độc tố mạnh. 1mg độc tố của vi khuẩn bạch hầu có thể giết chết 1.000 con chuột lang nặng 250g sau 6 giờ. Khi ngoại độc tố được xử lý bằng nhiệt độ và formol thì sẽ mất đi độc lực, gọi là giải độc tố và dùng làm vắc-xin phòng bệnh bạch hầu.

2.4 Cơ chế gây bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Khi xâm nhập vào đường hô hấp, vi khuẩn bạch hầu sẽ cư trú ở niêm mạc hầu, họng và tiết ra ngoại độc tố. Vi khuẩn và độc tố gây loét tại chỗ, tạo thành giả mạc màu trắng xám, dính chặt vào niêm mạc, khi bóc tách có thể gây chảy máu. Giả mạc xuất hiện đầu tiên ở họng, sau đó lan tràn lên đường mũi hoặc xuống khí quản, gây khó thở. Ngoài ra, ngoại độc tố còn theo đường máu tác động đến hệ thống thần kinh, gây ra các triệu chứng như liệt vòm miệng, cơ mắt, liệt tứ chi, gây thương tổn tại tuyến thượng thận, tác động lên tim gây rối loạn nhịp tim, suy tim,... Ngoài ra, có thể xuất hiện giả mạc ở da hoặc các vết thương nhưng sự phân tán độc tố thường nhẹ và không gây ra nhiều triệu chứng.


Vi khuẩn bạch hầu cư trú ở niêm mạc hầu, họng
Vi khuẩn bạch hầu cư trú ở niêm mạc hầu, họng

Bệnh bạch hầu có thể dẫn tới nhiều biến chứng khó lường ở tim, phổi thậm chí gây tử vong. Vì vậy, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh như đảm bảo vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường, cách ly người mang vi khuẩn bạch hầu và tiêm vắc-xin giải độc tố bạch hầu đúng phác đồ.

Cách phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất là tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và đúng lịch. Hiện Vinmec đang cung cấp đa dạng các dịch vụ tiêm vắc-xin bạch hầu dành cho trẻ nhỏ và người lớn với 5 loại phối hợp, gồm:

Vắc-xin 6 trong 1 Infanrix Hexa của GSK (Bỉ)

Vắc-xin 6 trong 1 Hexaxim của Sanofi (Pháp)

Vắc-xin 5 trong 1 Pentaxim của Sanofi (Pháp)

Adacel 0,5 ml của hãng Sanofi - Pháp

Tetraxim 0.5 ml của hãng Sanofi - Pháp

Để đảm bảo hiệu quả tiêm chủng và an toàn, trước khi tiêm, khách hàng sẽ được các bác sĩ chuyên khoa thăm khám, sàng lọc đầy đủ các vấn đề về thể trạng và sức khỏe, tư vấn về vắc-xin phòng bệnh và phác đồ tiêm, cách theo dõi và chăm sóc sau tiêm chủng trước khi ra chỉ định tiêm vắc-xin theo khuyến cáo mới nhất của Bộ Y tế & Tổ chức Y tế Thế giới.

Để đăng ký khám và tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu, Quý Khách có thể liên hệ đến Hotline Hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc, hoặc đăng ký khám trực tuyến TẠI ĐÂY.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe