Tắc ruột trẻ em là tình trạng nguy hiểm, tuy nhiên trong giai đoạn đầu, cha mẹ thường nhầm lẫn các triệu chứng của bệnh với táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường. Chỉ khi trẻ có những biểu hiện rõ rệt thì phụ huynh mới cho trẻ nhập viện, dẫn đến không kịp chẩn đoán kịp thời và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tắc ruột trẻ em là gì?
Tắc ruột có hai dạng chính: Tắc ruột cơ năng và tắc ruột cơ học.
- Tắc ruột cơ năng: Xuất hiện ở bệnh nhân bị liệt ruột, rối loạn điện giải, nằm liệt giường lâu ngày do tai biến...
- Tắc ruột cơ học: Xảy ra do lòng ruột bị thắt lại (như xoắn ruột, dây chằng gây nghẹt) hoặc bị bít tắc do khối u, do búi giun hoặc do bã thức ăn.
Tắc ruột do thức ăn là tình trạng khối bã thức ăn hình thành ở dạ dày, di chuyển xuống và làm tắc nghẽn ruột non. Hầu hết các trường hợp cần phải phẫu thuật để loại bỏ khối bã này.
Tỷ lệ trẻ em bị tắc ruột cao hơn so với người lớn. Đặc biệt, trong giai đoạn đầu, biểu hiện của tắc ruột trẻ em thường dễ bị nhầm lẫn với táo bón hoặc rối loạn tiêu hóa thông thường.
Tắc ruột trẻ em diễn biến nhanh chóng và nguy hiểm, gây tổn thương thành ruột. Đoạn ruột phía trên chỗ tắc sẽ bị trướng và căng giãn, áp lực trong lòng ruột tăng cao dẫn đến ứ trệ tĩnh mạch, giảm tưới máu mao mạch, khiến niêm mạc ruột tổn thương, phù nề, xung huyết, mất khả năng hấp thu. Bên cạnh đó, trẻ cũng có biểu hiện nôn nhiều, giảm ứ dịch trên chỗ tắc, mất nước, rối loạn điện giải, thăng bằng kiềm toan, dẫn đến tình trạng suy thận cơ năng nguy hiểm.
2. Nguyên nhân và triệu chứng tắc ruột ở trẻ em
Nguyên nhân tắc ruột trẻ em do thức ăn:
- Thức ăn chứa nhiều chất xơ dạng sợi dai, khó tiêu hóa.
- Trẻ đang trong trường hợp bị giảm độ toan dịch vị, thiểu năng ngoại tiết tụy, viêm xơ tụy, suy tụy.
- Trẻ nhỏ trong giai đoạn mọc răng hoặc thay răng thường nhai chưa kỹ, cộng thêm chưa biết nhằn thức ăn, dẫn đến khó tiêu hóa. Điều này có thể khiến thức ăn tích tụ thành khối lớn, gây tắc ruột.
Triệu chứng tắc ruột ở trẻ em do bã thức ăn:
- Đau bụng là dấu hiệu điển hình của tắc ruột trẻ em do bã thức ăn. Cơn đau thường xuất hiện đột ngột, trong khoảng 2 - 3 phút, sau đó giảm dần nhưng rồi lại tái diễn sau một khoảng thời gian nhất định, cường độ đau tăng dần theo thời gian, các cơn đau khu trú tại vùng trên rốn, quanh rốn trái hoặc bên phải bụng, vùng chậu, sau đó lan ra toàn bụng.
- Trẻ bị tắc ruột do thức ăn thường xuyên nôn hoặc buồn nôn kèm theo chướng bụng, khiến cha mẹ nhầm tưởng là trẻ chỉ bị nôn trớ thông thường. Khi nôn, trẻ sẽ thấy đau do tăng nhu động và phản nhu động. Lúc đầu, trẻ có thể nôn ra thức ăn, sau đó là dịch mật và dịch tiêu hóa. Nếu trẻ nôn ra phân thì đây là dấu hiệu tắc ruột đã ở giai đoạn muộn và cần được cấp cứu y tế kịp thời. Để xác định tình trạng chướng bụng, bác sĩ sẽ tiến hành các phương pháp thăm khám lâm sàng bao gồm: Nhìn, sờ, nắn, gõ, nghe, khám trực tràng,...
- Cha mẹ thường nhầm lẫn bí trung đại tiện ở trẻ với táo bón. Bí trung đại tiện là tình trạng lưu thông các chất trong lòng ruột bị ngưng trệ. Đây là triệu chứng lâm sàng quan trọng nhất để chẩn đoán tắc ruột trẻ em.
3. Chẩn đoán trẻ bị tắc ruột do thức ăn
Nếu không thể chẩn đoán tắc ruột trẻ em và xử trí kịp thời có thể khiến trẻ ăn kém hay bỏ ăn, mất nước, sụt cân, viêm ruột,... hoặc nghiêm trọng hơn là thủng ruột.
Việc chẩn đoán tắc ruột trẻ em sớm gặp nhiều khó khăn do các phương pháp siêu âm bụng và chụp X-quang bụng thông thường không thể hiển thị rõ ràng hình ảnh của bã thức ăn, dẫn đến kết quả không khả quan.
Do đó, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát thức ăn của trẻ. Việc theo dõi sát sao giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường như đau bụng, nôn mửa, đi đại tiện ra máu hoặc bí tiểu. Khi gặp những tình trạng này, cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay lập tức để tránh biến chứng nguy hiểm.
4. Phòng tránh tắc ruột do thức ăn ở trẻ
Để phòng ngừa tắc ruột trẻ em, phụ huynh cần lưu ý những điều sau:
- Cẩn thận kiểm tra thức ăn và theo dõi kỹ khi trẻ ăn những loại thực phẩm có nhiều nhựa hoặc chứa nhiều chất xơ.
- Cha mẹ nên hạn chế cho trẻ ăn các loại quả có nhiều nhựa như hồng xiêm, hồng, dâu da, sung,... hoặc các loại rau nhiều chất xơ như măng. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều hoặc ăn những thực phẩm này khi bụng đói vì có thể khiến trẻ ăn nhanh, không nhai kỹ, thức ăn kết lại thành khối bã, tồn đọng lâu trong dạ dày, dẫn đến nguy cơ tắc ruột hoặc thủng ruột, rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
- Ngoài chế độ ăn uống đa dạng, cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các vi khoáng chất thiết yếu như kẽm, lysine, crom, selen, vitamin B1,... để đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ. Việc bổ sung các vitamin thiết yếu này còn giúp hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dinh dưỡng, cải thiện tình trạng biếng ăn và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn. Để bé dễ dàng hấp thu dinh dưỡng, cha mẹ có thể kết hợp bổ sung dưỡng chất cho bé qua hai cách: qua đường ăn uống và sử dụng thực phẩm chức năng có nguồn gốc tự nhiên.
- Nên nấu chín hoặc ninh nhừ thức ăn cho trẻ để dễ tiêu hóa, đồng thời bổ sung thêm các loại rau có độ nhớt như rau đay, mồng tơi, đậu bắp giúp cung cấp chất xơ hòa tan, dễ thấm hút nước và chống táo bón hiệu quả.
- Khuyến khích trẻ nhai kỹ thức ăn và uống đủ nước mỗi ngày.
Sở hữu hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ dày dặn kinh nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec tự tin mang đến dịch vụ khám, điều trị các bệnh lý một cách uy tín, chất lượng. Đến với Vinmec, quý khách hoàn toàn có thể yên tâm khi thăm khám và điều trị.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.