Tắc ống dẫn sữa sau sinh: Chớ coi thường

Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ Phạm Thị Mai Nhung - Khoa Sản - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Tắc ống dẫn sữa là tình trạng có thể gặp phải trong quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Nếu tình trạng sữa tắc ở trong mô vú kéo dài có thể gây viêm nhiễm, áp-xe vú ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và chất lượng sữa cho bé bú.

1. Nguyên nhân gây tắc ống dẫn sữa ở người mẹ cho con bú

Tắc ống dẫn sữa hay còn được gọi là tắc tia sữa, đây là tình trạng sữa mẹ bị ứ đọng và tắc lại trong các ống dẫn sữa mà không thể thoát lưu tốt, cùng các nang tuyến phình giãn chèn ép hệ thống ống dẫn sữa và gây tắc nghẽn cục bộ. Tắc ống dẫn sữa cần được phát hiện và điều trị sớm để đảm bảo sức khỏe cho sản phụ, cũng như không làm ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Có rất nhiều nguyên nhân gây tắc ống dẫn sữa, một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:

  • Mẹ mới sinh: Sau sinh sữa mẹ được sản xuất nhiều nhưng chưa được thoát lưu ra ngoài khiến các tia sữa bị ứ đọng trong ống dẫn sữa gây tắc, bầu ngực căng cứng.
  • Trẻ bú không đúng khớp vú: Nếu trẻ vẫn ngậm vú nhưng không ngậm đúng khớp vú thì con sẽ rất khó có thể bú hết lượng sữa mẹ được tiết ra. Lúc này lượng sữa sẽ bị tồn đọng lại và gây tắc nghẽn.
  • Mẹ cho con bú ít: Vì công việc, nhiều người mẹ có thể không cho bé bú thường xuyên, từ đó sữa cũng sẽ tồn đọng lại trong vú và gây bít tắc.
  • Ngực chịu áp lực, nâng đỡ không đúng cách: Nếu mẹ mặc áo ngực quá chật sau sinh có thể khiến các tia sữa bị chèn ép và gây bít tắc các ống dẫn sữa.

Ngoài ra, nếu mẹ từng có tiền sử chấn thương, phẫu thuật phần vú cũng có thể gây ra tình trạng tắc các ống dẫn sữa ra ngoài. Đặc biệt, các yếu tố tâm lý, stress cũng có sự ảnh hưởng nhất đến việc cơ thể sản xuất sữa mẹ. Do đó, mẹ cần nắm được các nguyên nhân trên để phòng tránh hiệu quả.

Xem ngay: Có nên cho con bú khi bị tắc ống dẫn sữa?


Tắc ống dẫn sữa hay còn được gọi là tắc tia sữa,
Tắc ống dẫn sữa hay còn được gọi là tắc tia sữa,

2. Tắc ống dẫn sữa sau sinh rất nguy hiểm nếu như không được điều trị kịp thời

Tắc ống dẫn sữa là một tình trạng phổ biến gặp ở nhiều sản phụ sau sinh, nếu như không được phát hiện điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như áp xe vú, viêm tuyến vú, lâu dần sẽ gây u xơ tuyến vú,....

Khi ống dẫn sữa bị tắc sẽ gây ra hiện tượng ứ đọng sữa, từ đó kích thích phản ứng viêm cục bộ không nhiễm trùng tại mô vú. Triệu chứng lâm sàng của tắc ống dẫn sữa là các triệu chứng ứ đọng cục bộ, khu trú tại một vùng của tuyến vú, kèm theo các dấu hiệu của triệu chứng viêm.

Nếu như tình trạng ứ đọng sữa đã kích thích gây viêm mô vú thì người mẹ có thể thấy đau một phần của mô vú, ấn vào có cảm giác đau nhói và khi cho con bú hoặc hút sữa một bên cảm thấy rất đau vú. Tình trạng này kéo dài có thể khiến người mẹ bị căng thẳng, stress, trầm cảm sau sinh,... ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý và sức khỏe. Vì thế khi phát hiện những triệu chứng bị tắc ống dẫn sữa, mẹ nên đi khám và nhờ sự tư vấn từ các bác sĩ chuyên khoa để được điều trị, can thiệp khi cần thiết.


Tình trạng tắc ống dẫn sữa kéo dài có thể khiến người mẹ bị căng thẳng
Tình trạng tắc ống dẫn sữa kéo dài có thể khiến người mẹ bị căng thẳng

3. Phương pháp điều trị tắc ống dẫn sữa gây nhiễm trùng

Mục đích điều trị tắc ống dẫn sữa đầu tiên là giúp sản phụ làm tan các cục sữa bị ứ đọng, giúp sữa mẹ được lưu thông tốt. Trong mọi trường hợp, mẹ hãy cố gắng để giúp con tận hưởng được nguồn sữa mẹ hoàn toàn.

Mẹ có thể áp dụng những cách sau đây để điều trị tắc ống dẫn sữa:

  • Trước khi cho bé bú, mẹ hãy thực hiện chườm khăn ấm ở bầu ngực, đồng thời massage phần núm vú nhẹ nhàng để giúp dòng sữa dễ lưu thông.
  • Kết thúc cữ bú, mẹ nên hút hết phần sữa còn lại trong bầu ngực để tránh gây tình trạng ứ đọng.
  • Mẹ nên cho trẻ bú ở bên ngực bị tắc sữa trước, sau đó chuyển sang bên còn lại.

Nếu áp dụng những cách trên nhưng mẹ thấy tình trạng tắc nghẽn không được cải thiện hoặc xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng vú, áp xe vú, nứt núm vú không giảm sau 24 giờ thì mẹ hãy liên hệ với bác sĩ để được tư vấn cụ thể. Bởi khoảng thời gian 24 giờ này rất quan trọng, nếu được can thiệp sớm sẽ giúp hạn chế tình trạng viêm nặng, tiến triển thành áp xe vú. Trường hợp xảy ra tình trạng viêm nhiễm nặng, người mẹ có thể phải dùng kháng sinh, trích mủ để giảm thiểu biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe