Bị viêm vú sau khi cai sữa

Viêm vú là tình trạng nhiễm trùng ở vú, thường xảy ra phổ biến hơn ở những phụ nữ đang cho con bú. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể phát triển sau khi bạn cai sữa cho con, hoặc ở bất cứ thời điểm nào, ngay cả khi mang thai.

1. Những lý do phổ biến khiến các bà mẹ ngừng cho con bú

Một số bà mẹ bị đau vú ngay cả khi họ ngừng cho con bú. Tuy nhiên, việc cai sữa đột ngột có thể dẫn đến các vấn đề như tắc ống dẫn sữa, căng sữa và viêm vú, vì vậy bạn nên cai sữa cho con một cách từ từ. Trước hết, hãy cùng tìm hiểu về những lý do phổ biến nhất khiến các bà mẹ quyết định ngừng cho con bú sữa mẹ.

Đau vú: Những người lần đầu cho con bú có thể cảm thấy không thoải mái, thậm chí nhiều người còn bị nứt núm vú và đau vú. Chính những sự khó chịu này đã khiến cho nhiều bà mẹ quyết định ngừng cho con bú.

Lượng sữa tiết ra không đủ: một số bà mẹ lo lắng rằng lượng sữa họ sản xuất ra không đủ cho nhu cầu dinh dưỡng của trẻ, vì vậy họ chuyển sang cho con dùng sữa công thức.

Bắt đầu lại công việc: một số phụ nữ sau khi sinh con mong muốn quay lại với công việc sớm thường lựa chọn cai sữa cho con. Tuy nhiên, điều này thường gây khó khăn cho họ trong việc vắt sữa, vì nơi làm việc có xu hướng ít riêng tư.

Bé đã lớn hơn: sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho trẻ trong 6 tháng đầu tiên sau khi sinh. Khi trẻ đạt đến mốc này, mẹ có thể cho bé làm quen dần với thức ăn đặc thay vì chỉ bú sữa mẹ.


Khi trẻ đã lớn và người mẹ nên tập dần việc cai sữa cho trẻ
Khi trẻ đã lớn và người mẹ nên tập dần việc cai sữa cho trẻ

2. Nguyên nhân nào gây ra viêm vú sau khi cai sữa?

Cơ thể của người mẹ đang trong giai đoạn cho con bú sẽ tiếp tục tạo sữa cho đến vài tuần sau khi ngừng cho con bú. Thậm chí, cơ thể bạn vẫn có thể sản xuất nhiều sữa hơn và phải hút sữa thường xuyên hơn ngay cả khi bạn đã cho con cai sữa.

Lượng sữa này khi tích tụ lại với số lượng lớn có thể khiến cho các ống dẫn sữa bị tắc nghẽn. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau đớn được gọi là viêm vú, nghĩa là vú bị nhiễm trùng. Việc cai sữa đột ngột có thể khiến vú bị căng sữa và gây đau đớn.

3. Các triệu chứng kèm theo viêm vú sau khi cai sữa

Dưới đây là một số triệu chứng đi kèm với tình trạng viêm vú sau khi cai sữa, bao gồm:

  • Đau ở quầng vú
  • Các cơn đau tái phát ở một hoặc cả hai bên vú
  • Các cơn đau vú cấp tính trong những ngày đầu cai sữa, tuy nhiên sẽ giảm dần theo thời gian
  • Vú to, sần hoặc cứng
  • Có cảm giác nặng nề hoặc căng tức ở vú
  • Xuất hiện các triệu chứng giống như cúm, bao gồm rùng mình, ớn lạnh, mệt mỏi, sốt cao, lo lắng và cảm thấy khó chịu trong người
  • Núm vú đỏ
  • Sữa tiết ra từ núm vú do ma sát
  • Khi bị đau vú do viêm vú, bên vú bị đau sẽ có cảm giác nóng, sưng và cứng, kèm theo nóng rát.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào được liệt kê phía trên, cho dù bạn có đang cho con bú hay không thì điều quan trọng là liên hệ sớm với bác sĩ để được điều trị thích hợp.

4. Tình trạng viêm vú sau cai sữa có thể kéo dài trong bao lâu?

Viêm vú có thể kéo dài trong vòng vài ngày hoặc vài tuần tùy theo tình trạng của mỗi người. Hầu hết phụ nữ đều cảm thấy bị đau vú dữ dội trong những ngày đầu tiên cai sữa.

Thông thường, các triệu chứng của viêm vú sẽ giảm dần hoặc biến mất theo thời gian. Tuy nhiên, nếu cơn đau ở vú không có dấu hiệu giảm sau nhiều ngày, bạn nên tìm đến sự trợ giúp của bác sĩ phụ khoa hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe sớm nhất có thể để được điều trị kịp thời.


Tình trạng viêm vú sau cai sữa có thể gây đau cho phụ nữ
Tình trạng viêm vú sau cai sữa có thể gây đau cho phụ nữ

5. Các biện pháp khắc phục viêm vú sau khi cai sữa cho trẻ

Nếu bạn đang cho con bú và gặp phải tình trạng đau vú, bạn có thể áp dụng theo một số biện pháp khắc phục tại nhà dưới đây:

Tắm nước ấm: tắm nước ấm bằng vòi hoa sen hoặc ngâm bồn có thể giúp cho các mô vú trở nên mềm hơn, từ đó làm giảm bớt tình trạng tích tụ sữa. Ngoài ra, phương pháp chườm nóng cũng giúp giảm đáng kể các cơn đau do viêm vú gây ra.

Sử dụng máy hút sữa: bạn cũng có thể sử dụng máy hút sữa nếu cảm thấy ngực quá căng tức.

Xoa bóp vú: nếu bạn không muốn sử dụng máy hút sữa, hãy ấn nhẹ bầu vú để sữa tiết ra ngoài. Để thực hiện đúng động tác xoa bóp vú, bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia nhằm tìm ra phương pháp phù hợp với mình. Điều này sẽ giúp bạn có thời gian nghỉ ngơi và làm giảm các cơn đau vú. Ngoài ra, bạn cũng có thể xoa bóp vú nhẹ nhàng trong khi tắm nước ấm.

Chườm lạnh: chườm đá lên bầu ngực sẽ giúp làm giảm hiệu quả tình trạng sưng và đau vú.

Bổ sung nhiều chất lỏng cho cơ thể: để tránh tình trạng mất nước và sốt, bạn nên bổ sung thêm nhiều chất lỏng cho cơ thể, chẳng hạn như nước khoáng, nước đun sôi để nguội hoặc nước ép trái cây.

Sử dụng thuốc OTC: bạn có thể sử dụng một số loại thuốc giảm đau, ví dụ như acetaminophen hoặc paracetamol để làm dịu các cơn đau và sưng vú. Tuy nhiên, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Uống trà xô thơm (trà Sage): bạn cũng có thể giảm đau vú bằng cách uống trà xô thơm khoảng 2 lần mỗi ngày.

Đắp lá cải lên ngực: đắp lá cải tươi và lạnh lên ngực là một phương thuốc hữu ích để chữa đau vú. Khi áp dụng phương pháp này, bạn nên thay lá thường xuyên khi chúng đã héo.

Duy trì lối sống lành mạnh: để ngăn ngừa và làm giảm các triệu chứng của viêm vú sau khi cai sữa cho con, bạn nên ăn một chế độ ăn uống cân bằng và áp dụng một lối sống lành mạnh. Ngoài ra, bạn có thể tiêu thụ vitamin trước khi sinh con để cơ thể dễ dàng thích nghi được với những thói quen mới.

Ngủ đủ giấc: ngủ là một cách giúp cơ thể tự chữa lành những tổn thương. Vì vậy, một giấc ngủ ngon và sâu là điều vô cùng quan trọng đối với sức khỏe.

Chia sẻ với những bà mẹ khác: nếu bạn đang gặp vấn đề mà không thể chia sẻ với các thành viên trong gia đình, bạn có thể tìm đến sự trợ giúp của những bà mẹ khác đã từng trải qua giai đoạn giống như vậy.


Phụ nữ có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ giúp cải thiện tình trạng viêm vú
Phụ nữ có thể sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ giúp cải thiện tình trạng viêm vú

6. Mẹo giúp con cai sữa mà không bị đau vú

Những lời khuyên dưới đây sẽ giúp bạn cai sữa cho con một cách hiệu quả mà không bị đau vú:

  • Giảm từ từ số lần cho con bú vào mỗi ngày
  • Hút sữa ra khỏi vú cho đến khi giảm bớt được cảm giác khó chịu. Tuy nhiên, việc vắt kiệt hết sữa trong một lần có thể làm tăng sản xuất sữa, vì vậy bạn chỉ nên vắt mỗi lần một ít.
  • Chọn áo ngực thoải mái khi con bú vì việc mặc áo ngực chật có thể làm tắc các ống dẫn sữa và khiến ngực bị sưng tấy.
  • Bạn cũng có thể làm giảm tiết sữa bằng việc sử dụng viên nén. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.

Cai sữa cho trẻ là một thách thức lớn về tâm lý cũng như thể chất đối với cả mẹ và bé. Bạn nên kiên nhẫn khi cố gắng cai sữa cho con vì cả hai đều cần thời gian và nỗ lực để vượt qua quá trình này. Mới đầu, bé có thể gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi với thức ăn lạ, và có thể vẫn đòi bú mẹ. Lúc này, bạn nên thực hiện cai sữa chậm và cho cơ thể thời gian cần thiết để đối phó với những thay đổi.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: babycenter.com; parenting.firstcry.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe