Cefalex 250 là kháng sinh nhóm Cephalosporin, thường được chỉ định trong các nhiễm khuẩn đường đường hô hấp, nhiễm khuẩn đường sinh dục - tiết niệu,... mức độ nhẹ đến trung bình. Vậy tác dụng, liều dùng và các lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?
1. Cefalex là thuốc gì?
Cefalex có thành phần hoạt chất chính là Cephalexin - kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ nhất, có phổ tác dụng trung bình, nhạy cảm trên một số vi khuẩn gram dương như tụ cầu, liên cầu, phế cầu (trừ liên cầu kháng methicillin); Và một số vi khuẩn Gram âm như E.coli, Klebsiella pneumoniae, Proteus mirabilis, Shigella.
Hiện nay, đã phát hiện một số chủng vi khuẩn đề kháng với Cefalex là Enterococcus, Staphylococcus kháng methicillin, Proteus có phản ứng indol dương tính, các Enterobacter, Pseudomonas aeruginosa, Bacteroid,...
Cơ chế tác dụng của thuốc là ức chế sự tổng hợp vách tế bào của vi khuẩn, làm mất khả năng phân chia hình thành tế bào mới, từ đó tiêu diệt chúng.
Cefalex hấp thụ nhanh và hoàn toàn qua đường tiêu hóa, đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 1 giờ uống dù dạ dày rỗng hay có thức ăn. Sau khi vào cơ thể, thuốc phân bố khắp cơ thể, gắn với protein huyết tương khoảng 15%, qua được nhau thai và sữa mẹ với nồng độ thấp, có thể bài tiết vào dịch não tủy nhưng nồng độ không đáng kể; thời gian bán hủy sau 2 giờ. Cuối cùng, 80% lượng Cefalex được thải trừ qua nước tiểu ở dạng không chuyển đổi.
2. Chỉ định của thuốc Cefalex
Thuốc Cefalex được chỉ định sử dụng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn sau:
- Các nhiễm khuẩn đường hô hấp do các chủng vi khuẩn nhạy cảm gây: viêm phế quản (cấp/ mạn), giảm phế quản nhiễm khuẩn, viêm họng, viêm amidan.
- Các nhiễm khuẩn vùng Tai - Mũi - Họng gây: viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm xoang.
- Các nhiễm khuẩn đường tiết niệu - sinh dục gây: viêm bàng quang, viêm tuyến tiền liệt, viêm phụ khoa.
- Các nhiễm khuẩn da và mô mềm, nhiễm khuẩn răng miệng mức độ nhẹ.
- Ngoài ra, Cefalex còn được chỉ định trong điều trị dự phòng các nhiễm khuẩn đường tiết niệu tái phát; dự phòng thay thế Penicilin cho bệnh nhân tim mạch phải điều trị nhiễm khuẩn răng miệng.
3. Chống chỉ định của thuốc Cefalex
Không sử dụng thuốc Cefalex trong các trường hợp bệnh nhân dị ứng với thành phần Cephalexin, Penicillin, kháng sinh nhóm Cephalosporin hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Cefalex:
- Tuy thuốc qua nhau thai và sữa mẹ với nồng độ thấp nhưng chưa đảm bảo tính an toàn tuyệt đối cho thai nhi mà trẻ bú mẹ. Vì vậy, cần cân nhắc lợi ích trước khi sử dụng cho nhóm đối tượng này.
- Theo dõi chức năng gan và chức năng thận ở bệnh nhân suy gan, suy thận trước khi dùng thuốc. Ở bệnh nhân suy thận nên điều chỉnh liều dùng thích hợp để phòng ngừa tổn thương nặng nề ở thận.
- Giống như các loại kháng sinh khác, sử dụng Cefalex dài ngày có thể tăng nguy cơ phát triển quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm, tăng khả năng kháng thuốc. Nếu phát hiện tình trạng bội nhiễm nên thay thế bằng liệu trình điều trị khác.
- Các bệnh nhân tiêu chảy nặng nề sau dùng thuốc cần lưu ý dự phòng, chẩn đoán bệnh lý viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh.
- Nghiệm pháp Coombs trực tiếp, xét nghiệm glucose niệu bằng dung dịch “Benedict”, dung dịch “Fehling” hay viên nén đồng sunphat,... trong quá trình điều trị bằng Cefalex có thể cho kết quả dương tính giả.
- Các tá dược Sucrose có trong thuốc có thể gây khó chịu, nôn ói, không hấp thu thuốc,... ở những bệnh nhân bị hội chứng không dung nạp fructose, kém hấp thu glucose galactose hoặc thiếu hụt enzym sucrase-isomaltase.
- Tá dược Natri benzoat cần được thận trọng khi dùng cho trẻ sơ sinh do thành phần có thể gây ngộ độc, tăng bilirubin, toan chuyển hóa, rối loạn chức năng hệ thần kinh trung ương, suy hô hấp,... nếu sử dụng liều lớn.
4. Tương tác thuốc của Cefalex
Một số tương tác có thể xảy ra khi phối hợp Cefalex với các thuốc khác như sau:
- Không sử dụng phối hợp với các kháng sinh có tác dụng kìm khuẩn do Cefalex chỉ tác dụng trên các vi khuẩn trong quá trình tăng sinh.
- Phối hợp với các thuốc lợi tiểu mạnh như Ethacrynic acid, Furosemide có thể làm tăng độc tính trên thận.
- Phối hợp với Probenecid làm tăng nồng độ Cefalex trong huyết thanh và tăng thời gian bán thải thuốc.
- Cefalex làm giảm tác dụng của các thuốc ngừa thai chứa Oestrogen.
- Một số tương tác khác chưa được chứng minh cụ thể, do đó trước khi phối hợp Cefalex với bất cứ loại thuốc nào bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc đang dùng trước đó.
5. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng:
- Cefalex được bào chế dưới dạng viên nang cứng hàm lượng 250mg, thích hợp sử dụng cho người lớn và trẻ em có thể tự uống thuốc viên.
- Uống nguyên viên thuốc với nước, tránh nghiền nát hay bẻ vụn viên thuốc, có thể uống cùng với thức ăn hoặc uống sau bữa ăn.
Liều dùng:
- Các nhiễm khuẩn ở người lớn: Uống 2-4 viên (250mg)/ lần x 3-4 lần/ ngày.
- Các nhiễm khuẩn ở trẻ em: Uống 25– 50 mg/kg/ngày, chia thành 3-4 lần uống.
- Ở bệnh nhân suy thận độ thanh thải creatinin ≥ 50ml/phút: liều tối đa 1g/ ngày, chia làm 4 lần uống.
- Ở bệnh nhân suy thận độ thanh thải creatinin là 49 – 20ml/phút: liều tối đa 1g/ ngày, chia làm 3 lần uống.
- Ở bệnh nhân suy thận độ thanh thải creatinin là 19 – 10ml/phút: liều tối đa 500mg/ ngày, chia làm 3 lần uống.
- Ở bệnh nhân suy thận độ thanh thải creatinin ≤ 10ml/phút, liều tối đa 250mg/ ngày, chia làm 2 lần uống.
- Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy tình trạng bệnh và đối tượng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng Cefalex khác nhau.
Xử trí Quên liều - Quá liều:
- Nếu quên uống 1 liều thuốc trong ngày thì uống lại ngay khi nhớ ra, trường hợp gần đến thời gian uống liều Cefalex tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như chỉ định, không uống gấp đôi liều thuốc đã quên.
- Khi uống quá liều Cefalex có thể biểu hiện một số triệu chứng: buồn nôn, nôn, khó chịu thượng vị, tiêu chảy,... nặng hơn có thể đi tiểu ra máu, cơn động kinh. Khi phát hiện bất cứ bất thường nào cần ngừng thuốc ngay lập tức, đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí. Các biện pháp xử trí: hỗ trợ thông khí, than hoạt tính, rửa dạ dày,...
6. Tác dụng phụ của thuốc Cefalex
Một số tác dung không mong muốn có thể xảy ra khi dùng thuốc Cefalex:
- Rối loạn chức năng tiêu hóa gây đầy bụng, chướng bụng, khó tiêu, tiêu chảy.
- Phản ứng dị ứng gây ngứa, nổi ban đỏ, nổi mề đay, phù mạch, sốc phản vệ.
- Đau đầu, chóng mặt, ù tai, điếc tai.
- Có thể làm thay đổi một số hành vi, thói quen ở trẻ nhỏ.
- Thay đổi các dòng tế bào máu ( giảm bạch cầu đa nhân trung tính, tăng bạch cầu ái toan).
- Viêm đại tràng giả mạc.
- Bội nhiễm các chủng vi khuẩn không nhạy cảm, nhiễm nấm candida sinh dục, viêm ngứa âm hộ, âm đạo.
Tóm lại, Cefalex là kháng sinh có phổ tác dụng trung bình thường sử dụng trong các bệnh lý nhiễm khuẩn mức độ nhẹ ở các chủng vi khuẩn nhạy cảm. Giống như các loại kháng sinh khác, Cefalex là thuốc kê đơn bắt buộc, không được tự ý thay đổi liều lượng và cách dùng của thuốc.