Hóa trị ung thư đại tràng là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả, được chỉ định trong nhiều trường hợp bệnh. Cùng với sự phát triển của y học, nhiều loại thuốc hoá chất có khả năng điều trị bệnh đã được ra đời. Tuy nhiên, hoá trị cũng tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Cùng bài viết sau tìm hiểu chi tiết về các tác dụng phụ của phương pháp này nhé!
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Ung Bướu - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Tổng quan về hóa trị ung thư đại tràng
Hóa trị là một trong những phương pháp điều trị ung thư bằng việc sử dụng một hoặc nhiều loại thuốc hóa học nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư tồn tại trong cơ thể bệnh nhân. Phương pháp này đóng vai trò quan trọng trong điều trị ung thư đại tràng, bên cạnh phương pháp phẫu thuật và các liệu pháp khác như liệu pháp kháng sinh mạch, liệu pháp miễn dịch.
Các loại thuốc hóa trị ung thư đại tràng hoạt động bằng cách tấn công các tế bào ung thư trong giai đoạn phân chia, nhưng đồng thời cũng tấn công các tế bào bình thường như tế bào trong niêm mạc miệng, ruột hay nang lông,... gây ra tác dụng phụ.
Điều này thúc đẩy các chuyên gia cần phải nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, với hy vọng tăng cường hiệu quả điều trị ung thư đại tràng mà không gây ra các tác dụng không mong muốn.
Hóa trị có thể được thực hiện trước hoặc sau phẫu thuật ung thư đại tràng để điều trị bệnh triệt để. Đối với bệnh nhân đã quá chỉ định phẫu thuật, hoá trị hỗ trợ giảm bớt triệu chứng, nâng cao chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.
Chỉ định hóa trị tùy thuộc vào từng giai đoạn của bệnh và mục tiêu điều trị, có thể là hóa trị đơn thuần hoặc kết hợp với các phương pháp khác như sau:
- Hóa trị bổ trợ là phương pháp sử dụng thuốc hóa chất sau khi thực hiện phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đánh giá hậu phẫu, thể trạng bệnh nhân, giải phẫu bệnh và giai đoạn bệnh sau mổ,... để xem xét liệu có cần thiết để chỉ định sử dụng hóa trị bổ trợ hay không. Mục tiêu của phương pháp này là loại bỏ những tế bào ung thư còn sót lại hậu phẫu, giảm nguy cơ tái phát bệnh.
- Hóa trị tân bổ trợ được áp dụng cho những bệnh nhân có khối u ung thư đại tràng lớn, chưa thể phẫu thuật được. Mục tiêu của phương pháp hóa trị này là giảm kích thước của khối u, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phẫu thuật trong tương lai và nâng cao hiệu quả điều trị.
- Hóa trị triệu chứng, hay còn được gọi là hóa trị giảm nhẹ triệu chứng, được áp dụng cho những bệnh nhân đang ở giai đoạn cuối của ung thư đại tràng, không thể phẫu thuật và không thể điều trị triệt để. Lúc này, mục tiêu của phương pháp hóa trị ung thư đại tràng là thu nhỏ khối u, giảm nhẹ triệu chứng và kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân.
2. Chỉ định hoá trị ung thư đại tràng
Việc chỉ định loại hóa trị ung thư đại tràng phụ thuộc vào một số yếu tố quan trọng, bao gồm:
- Đặc điểm bệnh học và giai đoạn của bệnh: Phân tích đặc điểm bệnh học (như giải phẫu bệnh, biến đổi gen, hoá mô miễn dịch) và giai đoạn bệnh giúp đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp với mục tiêu. Việc chọn loại hóa chất, cách sử dụng và liều lượng thuốc phụ thuộc vào từng thể bệnh, giai đoạn bệnh có thể đảm bảo hiệu quả điều trị và giảm thiểu tác dụng phụ.
- Tình trạng của bệnh nhân: Tuổi tác, sức khỏe tổng quát, và các bệnh kèm theo được xem xét để điều chỉnh phương pháp điều trị phù hợp, vừa đảm bảo đạt được hiệu quả điều trị, vừa tránh được tình trạng các cơ quan khác trong cơ thể bị ảnh hưởng bởi độc tính.
- Khả năng đáp ứng với các loại hoá chất trước đó: Bác sĩ đã đánh giá khả năng đáp ứng điều trị của những bệnh nhân đã từng hoá trị với một hoặc một số loại hoá chất trước đó. Từ đó, bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh lượng thuốc hoặc thay đổi phác đồ điều trị khác để đạt được hiệu quả.
- Nguyện vọng của bệnh nhân: Quyết định điều trị cần có sự đồng ý và hợp tác từ bệnh nhân. Sau khi bác sĩ cung cấp thông tin về phương pháp điều trị hóa trị, giải thích rõ ràng về lợi ích và rủi ro liên quan, bệnh nhân sẽ đưa ra quyết định về việc điều trị và cùng với nhân viên y tế giám sát các biểu hiện bất thường, tác dụng phụ không mong muốn để có biện pháp xử lý kịp thời trong suốt quá trình điều trị.
3. Các nhóm thuốc hóa chất điều trị ung thư đại tràng
Các loại thuốc hóa chất điều trị ung thư đại tràng có thể được sử dụng độc lập (đơn hóa trị) hoặc kết hợp nhiều loại thuốc với nhau (đa hóa trị). Hoá chất được dùng với liều lượng phù hợp theo nhiều đường khác nhau, chẳng hạn như đường uống, đường tĩnh mạch,...
Các loại thuốc phổ biến được sử dụng trong hóa trị ung thư đại tràng bao gồm:
- Fluoropyrimidine và các chất dẫn: Fluoropyrimidine là hóa chất có hiệu quả được ghi nhận đầu tiên trong điều trị ung thư đại tràng. Thuốc được đưa vào cơ thể dưới dạng tiền chất, sau đó chuyển hóa tạo ra dạng có hoạt tính ức chế hoạt động của enzym tổng hợp trong tế bào, gắn với enzyme thymidylate synthase và ngăn cản quá trình tổng hợp thymidin, từ đó ức chế tổng hợp acid nucleic (DNA, RNA). Các loại thuốc Fluoropyrimidine phổ biến là 5-Fluorouracil (đưa vào cơ thể theo đường tĩnh mạch) và Capecitabine (thuốc uống).
- Calcium folinat: Calcium folinat là muối calci của acid folinic, dạng có hoạt tính của acid folic. Calcium folinat khi phối hợp với 5-Fluorouracil (5-FU) làm tăng tác dụng đáng kể của hóa chất này, cản trở sự phân bào của tế bào ung thư bằng cách ngăn cản kéo dài hoạt động của enzyme thymidylate synthase và cản trở quá trình tổng hợp acid nucleic (DNA và RNA).
- Oxaliplatin: Là một dẫn xuất platinum thế hệ thứ 3, hoạt động bằng cách gắn chặt vào DNA, ức chế quá trình tổng hợp DNA và tiêu diệt tế bào. Oxaliplatin tăng hiệu quả khi kết hợp với 5-Fluorouracil.
- Irinotecan: Là một loại dẫn xuất bán tổng hợp, gây độc tế bào bằng cách ức chế enzyme Topoisomerase I và gây tổn thương đến chuỗi đơn DNA.
4. Hoá trị thực hiện như thế nào?
Tuỳ vào tình trạng của bệnh nhân, bác sĩ sẽ chỉ định truyền hóa chất qua các phương thức như truyền, tiêm hoặc uống. Phương pháp hoá trị được thực hiện như sau:
- Hóa trị toàn thân: Trong phương pháp này, hóa chất được sử dụng bằng cách uống, tiêm dưới da hoặc truyền qua tĩnh mạch, điều này giúp hóa chất ngấm vào máu, sau đó truyền đi khắp các cơ quan trong cơ thể. Thuốc khi gặp các tế bào ung thư sẽ tiêu diệt chúng. Mặc dù hóa trị hiệu quả khi tế bào ung thư phân chia nhanh, nhưng cũng đồng thời tấn công các tế bào phân chia nhanh bình thường trong cơ thể như tế bào nang tóc, niêm mạc, gây ra các tác dụng phụ như rụng tóc hoặc loét niêm mạc.
- Hóa trị khu vực: Thuốc sẽ được đưa trực tiếp vào động mạch và đi tới vị trí có chứa tế bào ung thư nhằm tiêu diệt chúng. Hóa trị khu vực ưu việt hơn hóa trị toàn thân vì bệnh nhân sẽ ít xuất hiện các tác dụng phụ bằng cách hạn chế lượng thuốc đến các bộ phận khác.
5. Tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng và cách phòng ngừa
Nhiều người quan tâm rằng liệu hóa trị ung thư đại tràng có gây ảnh hưởng không? Như đã đề cập, thuốc hóa trị không chỉ tác động đến tế bào ung thư mà còn có thể ảnh hưởng đến các tế bào bình thường khác.
Vì vậy, việc bệnh nhân sử dụng hóa chất điều trị có thể gặp phải một số tác dụng phụ trong và sau quá trình điều trị. Các tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng phụ thuộc vào loại thuốc, liều lượng, cũng như điều kiện sức khỏe của bệnh nhân. Một số tác dụng phụ thường gặp trong hóa trị ung thư đại tràng bao gồm:
- Buồn nôn, nôn mửa, mệt mỏi, chán ăn: Đây là các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng các loại hóa chất điều trị ung thư, bao gồm cả hóa chất điều trị ung thư đại tràng. Thông thường, tác dụng phụ này không quá nghiêm trọng và sẽ giảm dần sau khi hóa chất được loại bỏ khỏi cơ thể. Bác sĩ thường kê đơn thuốc chống nôn trước và sau mỗi đợt hóa trị. Bệnh nhân cần uống đủ nước, chia nhỏ bữa ăn để đảm bảo cung cấp nước, điện giải và dinh dưỡng cho cơ thể.
- Độc tính thần kinh ngoại biên: Bệnh nhân sử dụng Oxaliplatin (trong các phác đồ CAPOX, FOLFOX,...) thường gặp phải tình trạng này, bao gồm các triệu chứng như tê môi/ răng/ lưỡi, cứng hàm, dị cảm và vướng họng. Các triệu chứng này có thể xuất hiện ngay sau đợt hoá trị đầu tiên hoặc sau nhiều đợt hoá trị. Bệnh nhân cần hạn chế tiếp xúc với nước lạnh sau khi hóa trị để tránh gặp phải tình trạng này. Nếu xuất hiện các triệu chứng độc tính thần kinh ngoại biên, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp triệu chứng trở nên trầm trọng hơn, bác sĩ sẽ xem xét giảm liều hoặc tạm ngừng sử dụng Oxaliplatin.
- Hội chứng bàn tay - chân: Đây là một trong những tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng hoá chất Capecitabine. Các triệu chứng bao gồm sạm da, khô và gây bong tróc da lòng bàn tay/ bàn chân, móng tay/ móng chân cũng bị tổn thương. Các biện pháp hỗ trợ như bôi kem làm mềm da, tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, tránh mang tất chật, giày chật,... có thể giúp giảm bớt các triệu chứng này.
- Tiêu chảy: Tình trạng này có thể xảy ra khi sử dụng các loại hóa chất để điều trị ung thư, đặc biệt là Irinotecan, gây mệt mỏi và mất nước, nếu tình trạng trầm trọng hơn, có thể dẫn đến kiệt sức do mất cân bằng nước - điện giải. Bác sĩ cần theo dõi mức độ, số lần tiêu chảy của bệnh nhân và phân biệt giữa tiêu chảy do hóa chất và tiêu chảy do nguyên nhân khác như viêm dạ dày - ruột. Nếu loại trừ được các nguyên nhân gây tiêu chảy khác, bác sĩ có thể cân nhắc sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy như Imodium tùy vào mức độ tiêu chảy và rối loạn nước - điện giải.
- Rụng tóc: Irinotecan không chỉ gây ra tiêu chảy mà còn có thể dẫn đến rụng tóc - làm mất thẩm mỹ và gây ảnh hưởng đến tâm lý của bệnh nhân. Do đó, bác sĩ cần tư vấn kỹ để bệnh nhân chuẩn bị tâm lý cho tác dụng phụ này trước khi quyết định thực hiện hoá trị.
- Giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu: Hóa trị ung thư đại tràng có thể ảnh hưởng đến khả năng tạo máu của cơ thể, làm giảm số lượng bạch cầu trung tính và/hoặc tiểu cầu sau quá trình điều trị. Các phác đồ điều trị như FOLFOX và CAPOX có thể gây giảm bạch cầu trung tính sau hoá trị, tình trạng này thường không có triệu chứng rõ ràng nhưng có thể dẫn đến sốt hoặc tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có nguy cơ bị giảm tiểu cầu, tình trạng này có thể không triệu chứng hoặc biểu hiện qua các dấu hiệu xuất huyết dưới da như chấm xuất huyết, bầm tím, hoặc chảy máu niêm mạc như chảy máu mũi, chảy máu chân răng và chảy máu ở đường tiêu hóa hoặc tiết niệu. Chính vì vậy, bác sĩ thường xuyên theo dõi sát sao tình trạng của bệnh nhân và chỉ định làm các xét nghiệm máu sau hóa trị để có thể xử lý kịp thời các biến chứng có thể xảy ra.
Việc hiểu và kiểm soát tác dụng phụ của hóa trị ung thư đại tràng là một phần quan trọng trong quá trình điều trị, điều này sẽ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
6. Những lưu ý khi hóa trị ung thư đại tràng
Trước khi tiến hành hóa trị ung thư đại tràng, bệnh nhân cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo rằng họ đủ sức khỏe để đáp ứng được liệu trình điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần phải duy trì một chế độ nghỉ ngơi hợp lý, giảm bớt căng thẳng để có thể đối phó với các tác dụng phụ trong quá trình hóa trị. Bên cạnh đó, việc duy trì một chế độ ăn uống khoa học, đầy đủ dinh dưỡng với trái cây, ngũ cốc, chất xơ, protein,... là cực kỳ quan trọng. Bệnh nhân cũng nên duy trì một lối sống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên và phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.
Ung thư đại tràng khi được phát hiện sớm và điều trị kịp thời thường có tiên lượng điều trị tốt hơn so với nhiều loại ung thư khác ở hệ tiêu hóa. Nếu phát hiện và phẫu thuật sớm, bệnh nhân sẽ có tiên lượng khả quan hơn nhiều, chính vì thế mọi người cần kiểm tra sức khỏe, tầm soát và sàng lọc ung thư định kỳ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.