Nayzilam thuộc nhóm thuốc an thần dạng xịt qua đường mũi, thường được chỉ định trước các phẫu thuật cần gây mê, gây tê, giảm triệu chứng cơn động kinh,... Vậy công dụng, cách sử dụng và một số lưu ý khi dùng thuốc là gì?
1. Nayzilam là thuốc gì?
Nayzilam có thành phần hoạt chất chính là Midazolam - thuốc an thần nhóm Benzodiazepin có tác dụng an thần, gây ngủ nhanh, mạnh và thời gian tác dụng ngắn.
Cơ chế tác dụng của nhóm Benzodiazepin là làm tăng cường tác dụng của chất dẫn truyền thần kinh ức chế GABA (gamma-aminobutyric acid) nhờ gắn vào thụ thể GABA và thụ thể benzodiazepin trong hệ thần kinh trung ương. Từ đó tạo giấc ngủ ngắn ở bệnh nhân tiền mê; giảm đau trong một số thủ thuật can thiệp như nội soi dạ dày ruột, soi phế quản; điều trị bệnh nhân mất ngủ nặng, an thần trong cơn ở những bệnh nhân động kinh; chống co giật; chống lo âu;...
Sau khi dùng thuốc bệnh nhân có thể bị quên trong một thời gian ngắn và không nhớ các sự việc xảy ra trong thời thời thuốc tác dụng. Dùng thường xuyên Nayzilam có thể gây phụ thuộc thuốc và xuất hiện hội chứng cai.
Ở dạng hít qua niêm mạc mũi, thuốc hấp thu nhanh chóng, có tác dụng sau vài phút. Khi vào cơ thể Nayzilam chuyển hóa ở gan qua hệ cytochrom P450 thành các chất chuyển hóa và cuối cùng đào thải qua thận với nồng độ phụ thuộc vào liều dùng và đường dùng.
2. Chỉ định của thuốc Nayzilam
Thuốc Nayzilam được chỉ định sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:
- Bệnh nhân trên 12 tuổi đang trong cơn động kinh.
- An thần, giảm lo lắng, sợ hãi ở bệnh nhân trước phẫu thuật, thủ thuật cần gây tê/ gây mê hoặc duy trì mê.
- Bệnh nhân người lớn đang trong cơn co giật, kích động.
3. Chống chỉ định của thuốc Nayzilam
Không dùng thuốc Nayzilam cho các trường hợp bệnh lý sau đây:
- Bệnh nhân dị ứng với thành phần Midazolam, các thuốc nhóm Benzodiazepin hay bất cứ thành phần tá dược nào của thuốc.
- Bệnh nhân hôn mê, nhiễm độc rượu cấp kèm dấu hiệu đe dọa tính mạng.
- Bệnh nhân đang trong tình trạng sốc do bất kỳ nguyên nhân gì.
- Bệnh nhân có bệnh lý glocom góc đóng.
- Bệnh nhân đang trong tình trạng suy hô hấp nặng.
- Bệnh nhân suy tim nặng, bệnh nhân nhược cơ.
- Trẻ em dưới 12 tuổi không có chỉ định dùng thuốc Nayzilam.
Lưu ý khi sử dụng thuốc Nayzilam:
- Do một số nguy cơ xảy ra sốc hay không dung nạp thuốc, Nayzilam phải được thực hiện tại cơ sở y tế có trang bị đầy đủ phương tiện hồi sức hô hấp, tuần hoàn.
- Thận trọng khi dùng thuốc ở bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý tăng nhãn áp, bệnh lý đường hô hấp (hen suyễn, khí phế thũng, viêm phế quản, COPD,...).
- Bệnh nhân có các bệnh lý tâm thần kinh như trầm cảm, rối loạn tâm trạng, tâm thần phân liệt cần theo dõi chặt chẽ vì thuốc có thể tăng ý nghĩ và hành vi tự sát trên bệnh nhân.
- Thuốc làm tăng nguy cơ độc tính ở bệnh nhân nghiện rượu, nghiện ma túy.
- Theo dõi chức năng gan, chức năng thận, chức năng tim mạch trước và trong suốt quá trình điều trị bằng Nayzilam, đặc biệt ở những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ bệnh.
- Thuốc có thể qua được nhau thai, gây độc cho phôi thai (tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh). Vì vậy, cân nhắc lợi ích khi dùng cho phụ nữ có thai đặc biệt là thai 3 tháng đầu, chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết. Không sử dụng trước các thủ thuật sản khoa như mổ lấy thai.
- Nayzilam bài tiết và sữa mẹ với nồng độ thấp, tuy nhiên để đảm bảo an toàn nên ngừng cho trẻ bú nếu người mẹ bắt buộc phải dùng thuốc.
- Giảm liều dùng ở bệnh nhân suy kiệt, bệnh nhân cao tuổi suy giảm chức năng gan thận.
- Thuốc có thể gây ngủ, mệt mỏi, tinh thần không tỉnh táo, do đó tài xế lái xe hay người làm việc trong môi trường đòi hỏi tập trung, tỉ mỉ không sử dụng trước giờ làm việc ít nhất 12 giờ.
4. Liều dùng và cách dùng
Cách dùng Nayzilam:
- Nayzilam được bào chế dưới dạng bình xịt qua niêm mạc mũi. Không sử dụng thuốc bằng đường miệng hay bất cứ đường dùng nào khác.
- Mở hộp thuốc nhưng không xịt thử ra ngoài không khí vì sẽ làm mất 1 liều thuốc. Nhẹ nhàng đưa vòi xịt vào trong lỗ mũi, ấn mạnh pít-tông để đưa đúng lượng thuốc vào, bệnh nhân không cần phải hít. Bỏ dụng cụ xịt sau khi sử dụng.
- Mỗi lần dùng chỉ xịt vào một bên mũi, nếu bác sĩ có chỉ định xịt liều thứ hai thì xịt ở bên mũi còn lại. Không dùng quá 2 lần xịt để điều trị một cơn co giật.
- Thuốc chỉ sử dụng cắt cơn co giật tạm thời, không sử dụng ở bệnh nhân xuất hiện lại cơn co giật sau 3 ngày hoặc bệnh nhân có hơn 5 cơn co giật trong một tháng.
Liều dùng Nayzilam:
- Bệnh động kinh ở người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Liều ban đầu 1 nhát xịt (5mg)/ lần/ 1 bên mũi; Liều tiếp theo 1 nhát xịt (5mg)/ lần/ 1 bên mũi còn lại sau 10 phút nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều ban đầu. Liều tối đa: 10mg/ngày.
- Trẻ em co giật trên 12 tuổi: Liều ban đầu 1 nhát xịt (5mg)/ lần/ 1 bên mũi; Liều tiếp theo 1 nhát xịt (5mg)/ lần/ 1 bên mũi còn lại sau 10 phút nếu bệnh nhân không đáp ứng với liều ban đầu. Liều tối đa: 10mg/ngày.
- Không sử dụng liều Nayzilam tiếp theo nếu bệnh nhân cảm thấy khó thở, mệt mỏi.
- Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo, tùy từng trường hợp cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ có chỉ định về liều dùng khác nhau, bệnh nhân suy giảm chức năng gan thận cần giảm liều Nayzilam. Không tự ý ngưng dùng thuốc hoặc thay đổi liều lượng do nguy cơ xảy ra hội chứng cai.
Xử trí quá liều:
- Nếu vô tình sử dụng quá liều Nayzilam bệnh nhân có thể gặp các biểu hiện như buồn ngủ, mất điều hòa động tác, rối loạn nhịp tim, rung giật nhãn cầu, ngưng thở, hạ huyết áp, suy hô hấp và có thể hôn mê.
- Khi phát hiện bất cứ triệu chứng nào bất thường cần chuyển bệnh nhân xuống phòng hồi sức hô hấp ngay, theo dõi các dấu hiệu sinh tồn và xử trí dựa vào triệu chứng lâm sàng.
5. Tương tác thuốc của Nayzilam
Một số tương tác có thể xảy ra khi sử dụng phối hợp Nayzilam với các thuốc khác như sau:
- Phối hợp với các thuốc kháng nấm (Ketoconazol), thuốc ức chế HIV protease, thuốc chẹn canxi, kháng sinh nhóm Macrolid có thể làm tăng nồng độ của Nayzilam trong huyết tương, gia tăng các tác dụng phụ.
- Phối hợp với các thuốc Rifampicin, Carbamazepin, Phenytoin làm giảm nồng độ Nayzilam trong máu, làm giảm tác dụng của thuốc.
- Các thuốc ức chế thần kinh trung ương như thuốc giảm đau, thuốc an thần, thuốc gây mê,... làm tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương, có thể dẫn đến ức chế hô hấp.
- Rượu bia hay các thực phẩm có cồn làm tăng tác dụng phụ của thuốc, ức chế thần kinh trung ương khi dùng cùng Nayzilam.
- Nước ép bưởi làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc. Không nên uống gần thời gian sử dụng thuốc.
- Một số tương tác thuốc khác chưa được chứng minh đầy đủ, do đó trước khi dùng thuốc người bệnh nên cho bác sĩ biết tất cả tiền sử bệnh lý, các loại thuốc đang sử dụng trong thời gian gần đây.
6. Tác dụng phụ của thuốc Nayzilam
Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Nayzilam như sau:
- Phản ứng dị ứng gây khó thở, phù mặt, sưng môi lưỡi, sưng cổ họng, nổi mày đay, ban đỏ, ngứa.
- Sổ mũi, viêm họng.
- Làm chậm nhịp thở, có thể gây ngừng thở, tím tái, hạ huyết áp, hôn mê.
- Lo lắng, trầm cảm, cơn bốc hỏa, khó ngủ, bồn chồn.
- Thay đổi tính tình, bốc đồng, cáu kỉnh, nhầm lẫn, hoang tưởng, kích động, hung hăng, thù địch, ý nghĩ và hành vi tự xác.
- Cơn động kinh, cơ co giật.
- Đau mắt, mờ mắt, nhìn thấy quầng sáng.
Như vậy, Nayzilam là một loại thuốc an thần dạng xịt mũi, thường được bác sĩ chỉ định để giảm triệu chứng trong cơn động kinh hoặc cơn co giật. Thuốc có thể gây nghiện và gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng cho cơ thể, do đó không tự ý sử dụng, tự ý tăng liều hay tự ý ngưng sử dụng thuốc.