Thuốc Gralise được chỉ định sử dụng phổ biến trong việc giảm đau thần kinh sau zona, chống co giật, phòng ngừa và kiểm soát động kinh. Việc sử dụng thuốc cần tuân thủ theo đúng liều lượng và cách dùng từ phía bác sĩ chuyên khoa.
1. Gralise là thuốc gì?
Gralise thuốc thường được sử dụng như một loại thuốc chống co giật hoặc thuốc chống động kinh. Ngoài ra, bác sĩ cũng thường chỉ định sử dụng Gralise cùng với các thuốc khác để phòng ngừa và kiểm soát động kinh cục bộ. Bên cạnh đó, thuốc giúp giảm đau thần kinh sau bệnh zona ở người lớn, hỗ trợ điều trị tình trạng đau do viêm dây thần kinh khác ở người lớn (tiêu biểu gồm có bệnh thần kinh đái tháo đường, bệnh lý thần kinh ngoại biên, đau dây thần kinh sinh ba). Người mắc hội chứng chân không yên (chân bồn chồn) cũng thích hợp để sử dụng thuốc này.
2. Liều dùng thuốc Gralise
Tùy từng bệnh lý mà liều dùng của thuốc sẽ có những sự khác biệt nhất định, cụ thể các bạn có thể tham khảo như sau:
2.1. Liều dùng dành cho người lớn
- Với người lớn mắc động kinh: Sử dụng với liều 300mg x 1 lần duy nhất trong ngày thứ nhất, 300mg x 2 lần vào ngày thứ hai, sau đó 300mg x 3 lần vào ngày thứ ba. Liều dùng duy trì thuốc ở mức 900 – 1800mg và đảm bảo không quá 2400 mg/ngày.
- Với người lớn bị hậu Zona thần kinh: Sử dụng với liều 300mg x 1 lần duy nhất trong ngày thứ nhất, 300mg x 2 lần vào ngày thứ hai, sau đó 300mg x 3 lần vào ngày thứ ba. Trong một số trường hợp có thể tăng liều lên đến 1800mg khi cần thiết để giảm đau hiệu quả. Liều duy trì thuốc ở mức 900 – 1800mg đường uống, chia làm 3 lần uống/ngày.
- Với người lớn bị hội chứng chân bồn chồn: Sử dụng với liều 600mg đường uống 1 lần/ngày kèm thức ăn vào khoảng 5 giờ chiều.
2.2. Liều dùng dành cho trẻ em
Thuốc Gralise thường được chỉ định sử dụng cho trẻ em bị động kinh với liều dùng tham khảo như sau:
- Trẻ từ 3 tuổi – dưới 6 tuổi: Sử dụng với liều khởi đầu 10 – 15 mg/kg/ngày chia làm 3 lần. Sau 3 ngày có thể tăng liều để đạt liều 25 – 30 mg/kg/ngày với trẻ 3 – 4 tuổi; 25 – 30mg/ngày hoặc tăng liều thêm với trẻ 5 tuổi trở lên.
- Trẻ từ 6 – 12 tuổi: Sử dụng với liều khởi đầu 10mg/kg, ngày thứ hai tăng lên 20mg/kg, ngày thứ 3 tăng lên 25 – 35mg/kg, chia 3 lần. Sau đó sử dụng thuốc với liều duy trì là 900mg/ngày với trẻ nặng từ 26 – 36kg và 1200mg/ngày với trẻ nặng từ 37 – 50kg.
- Trẻ trên 12 tuổi: Sử dụng khởi đầu với liều 300mg trong 3 ngày đầu. Sau đó có thể sử dụng với liều duy trì 900 – 1800mg/ngày, đảm bảo tối đa 1800mg/ngày.
3. Cách dùng thuốc Gralise
Dùng thuốc Gralise theo đường uống với thức ăn hoặc không, theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Trong vài ngày đầu tiên, bác sĩ có thể tăng dần liều Gralise để cơ thể bạn thích nghi với thuốc. Do đó, bạn nên dùng liều đầu tiên vào giờ đi ngủ để giảm tác dụng phụ của thuốc.
Thuốc Gralise sẽ phát huy hiệu quả tốt nhất khi lượng thuốc trong cơ thể được giữ ổn định. Vì thế, nên dùng thuốc cách các khoảng thời gian đều nhau trong ngày, với khung giờ cố định. Trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc 3 lần/ngày để kiểm soát động kinh, thời gian uống thuốc không được cách nhau quá 12 giờ bởi điều này sẽ khiến cơn động kinh có thể gia tăng.
Không tự ý tăng liều hoặc dùng nhiều lần hơn trong ngày, dùng trong thời gian lâu hơn so với đơn thuốc do điều này sẽ gia tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ.
Không tự ý ngưng dùng thuốc mà không tham khảo ý kiến bác sĩ bởi thực tế cho thấy một số tình trạng có thể trở nên tệ hơn khi bệnh nhân đột ngột ngừng dùng thuốc.
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Gralise
Thuốc Gralise có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ sau đây:
- Dị ứng với dấu hiệu điển hình là phát ban, khó thở; sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng.
- Một số người thay đổi tâm trạng, có dấu hiệu hoảng loạn, khó ngủ, dễ bị kích thích, kích động.
- Có dấu hiệu chán nản hoặc có những suy nghĩ về tự tử hoặc làm tổn thương chính mình.
Khi xuất hiện bất cứ tác dụng phụ nào sau khi sử dụng Gralise, bạn cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức.
Trên đây là một số thông tin về thuốc Gralise mà bạn đọc có thể tham khảo. Đây là thuốc kê đơn, do đó bệnh nhân cần tuân thủ việc sử dụng theo đúng chỉ định từ phía bác sĩ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: rxlist.com, drugs.com, webmd.com