Thuốc Gerdogyl là kháng sinh chuyên được dùng để điều trị nhiễm trùng răng miệng cấp hoặc mạn tính, tái phát như áp xe răng, viêm tấy, viêm quanh thân răng, viêm nướu, viêm mô tế bào quanh xương hàm, viêm nha chu, viêm miệng, viêm dưới hàm, viêm tuyến mang tai...
1. Thuốc Gerdogyl có tác dụng gì?
Thuốc Gerdogyl là kháng sinh với các thành phần chính là Metronidazole và Acetyl spiramycin. Thuốc này thường được chỉ định dùng điều trị các trường hợp nhiễm trùng răng miệng (cấp hay mạn tính) như:
- Áp xe răng tái phát;
- Viêm mô tế bào quanh xương hàm;
- Viêm quanh thân răng;
- Viêm nướu;
- Viêm miệng;
- Viêm nha chu;
- Viêm dưới hàm;
- Viêm tuyến mang tai.
Ngoài ra thuốc Gerdogyl cũng được dùng để dự phòng nhiễm khuẩn răng miệng sau phẫu thuật.
2. Hướng dẫn sử dụng thuốc Gerdogyl
Kháng sinh Gerdogyl được dùng qua đường uống. Người dùng nên nuốt nguyên viên thuốc (không được nhai), uống thuốc với một ly nước đủ lượng.
Liều dùng thuốc gợi ý:
- Người lớn: Uống 4-6 viên, chia 2 - 3 lần/ngày;
- Trẻ 10-15 tuổi: Uống 1 viên, chia 3 lần/ngày;
- Trẻ 5-10 tuổi: Uống 1 viên, chia 2 lần/ngày.
3. Tác dụng phụ của thuốc Gerdogyl
Trong quá trình sử dụng, thuốc Gerdogyl có thể gây ra một số tác dụng phụ như:
Rối loạn tiêu hóa:
- Đau dạ dày, tiêu chảy, khó tiêu;
- Buồn nôn, ói mửa;
- Miệng có vị kim loại;
- Chán ăn, giảm vị giác;
- Viêm lưỡi kèm khô miệng;
- Viêm niêm mạc miệng;
- Viêm tụy (có thể hồi phục);
- Viêm đại tràng giả mạc;
Rối loạn miễn dịch:
- Sưng phồng bàn tay, bàn chân;
- Sưng họng, môi và đường hô hấp (phù mạch);
- Dị ứng, nổi mề đay;
- Sốc phản vệ.
Rối loạn hệ thần kinh:
- Viêm đa dây thần kinh cảm giác;
- Dị cảm thoáng qua (cảm giác kim châm ở tay chân, giảm xúc giác, giảm cảm nhận về đau và nóng, cảm giác kiến bò);
- Choáng váng, nhức đầu;
- Co giật, chóng mặt;
- Mệt mỏi;
Rối loạn máu và hệ bạch huyết:
- Giảm bạch cầu trung tính;
- Giảm bạch cầu hạt;
- Giảm số lượng tiểu cầu trong máu.
Người bệnh nên lưu ý và thông báo cho bác sĩ nếu gặp phải những tác dụng không mong muốn trong quá trình dùng thuốc.
4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Gerdogyl
Chống chỉ định dùng thuốc Gerdogyl trong các trường hợp sau:
- Người mẫn cảm với hoạt chất Metronidazol, dẫn xuất Acetyl Spiramycin hoặc Imidazol;
- Có các biến chứng ở gan;
- Phụ nữ đang nuôi con bú.
Thận trọng khi dùng thuốc cho người có nguy cơ loét dạ dày, viêm ruột hồi hoặc viêm ruột kết mạn.
Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim giải phóng chậm trong cơ thể, có thể vô tình gây độc cho người cao tuổi hoặc người vận chuyển ruột chậm.
Các lưu ý khác:
- Cần ngưng điều trị nếu người bệnh có các rối loạn thần kinh như khó vận động hoặc mất phối hợp trong các động tác, suy giảm xúc giác, cảm nhận về đau hoặc nóng, có cảm giác ngứa ran, bỏng rát hoặc kiến bò ở bàn tay, bàn chân, chóng mặt, mất điều hòa, co giật;
- Cần thông báo cho bác sĩ nếu đang mắc bệnh nặng ở các dây thần kinh hoặc não, để tránh bệnh trở nặng hơn;
- Nếu người bệnh đang hoặc có tiền sử mắc bệnh lý về máu, bác sĩ sẽ đề xuất xét nghiệm máu thường xuyên để kiểm tra số lượng bạch cầu;
- Nếu người bệnh bị suy gan, bác sĩ sẽ yêu cầu làm nhiều xét nghiệm gan khác nhau vì tình trạng bệnh có thể trở nặng hơn. Tương tự, vì thuốc được thải khỏi cơ thể qua gan nên cần điều chỉnh liều tùy theo tình trạng chức năng gan của bệnh nhân;
- Thận trọng trước khi dùng các thức uống có cồn để tránh các phản ứng khó chịu có thể xảy ra, ví dụ như: buồn nôn, ói mửa, đỏ da và đổ mồ hôi;
- Hoạt chất Metronidazol có trong thuốc này có thể làm cho nước tiểu có màu hơi đỏ vì những sắc tố hình thành do sự chuyển hóa thuốc trong cơ thể.
5. Tương tác thuốc Gerdogyl
Do chứa hoạt chất Acetyl Spiramycin nên không dùng đồng thời thuốc Gerdogyl với thuốc uống tránh thai vì có thể làm mất tác dụng ngừa thai.
Do thuốc Gerdogyl chứa hoạt chất Metronidazol nên cần lưu ý:
- Nếu dùng đồng thời với Disulfiram có thể gây tác dụng độc với thần kinh như loạn thần, ảo giác, lú lẫn;
- Dùng phối hợp kháng sinh với các thuốc chống đông đường uống (như Warfarin) có thể làm tăng độc tính, tăng nguy cơ xuất huyết do giảm sự dị hóa ở gan. Do kiểm tra thường xuyên hàm lượng Prothrombin và điều chỉnh liều dùng của thuốc chống đông;
- Khi dùng chung có thể làm tăng tác dụng giãn cơ của thuốc Vecuronium;
- Khi dùng chung với Lithi có thể làm tăng nồng độ Lithi huyết gây độc;
- Làm tăng độc tính của thuốc Fluorouracil do làm giảm sự thanh thải.
- Uống thuốc đồng thời với rượu có thể gây hiệu ứng Antabuse (nóng, nôn mửa, đổ mồ hôi, đỏ da, tim đập nhanh).
Thuốc Gerdogyl chứa hoạt chất Spiramycin nên cần thận trọng khi dùng đồng thời với thuốc Levodopa và Carbidopa. Spiramycin có thể làm giảm tác dụng của các thuốc này.
Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.