Sự kết hợp giữa một kháng sinh và một hoạt chất Corticosteroid rất hay gặp, trong đó thường thấy nhất là ở các sản phẩm nhỏ mắt như thuốc Blephamide. Vậy Blephamide là thuốc gì và Blephamide có tác dụng gì?
1. Blephamide là thuốc gì?
Blephamide là thuốc mỡ bôi mắt kết hợp giữa kháng sinh và kháng viêm Corticosteroid với thành phần cụ thể bao gồm:
- Kháng sinh Sulfacetamid natri nồng độ 10%;
- Prednisolone acetate nồng độ 0.2%;
- Tá dược: Phenylmercuric acetate 0.0008%, dầu khoáng, cồn và Lanolin;
2. Blephamide có tác dụng gì?
Prednisolone trong thuốc Blephamide có tác dụng kháng viêm do nhiều loại tác nhân gây ra và có thể làm chậm quá trình lành vết thương. Corticosteroid ngăn cản cơ chế bảo vệ của cơ thể chống lại tác nhân nhiễm trùng, do đó đòi hỏi phải sử dụng thêm một loại kháng sinh để tác dụng kháng viêm có ý nghĩa lâm sàng.
Việc sử dụng kết hợp Corticosteroid và kháng sinh có ưu điểm là tăng mức độ tuân thủ điều trị của bệnh nhân và thuận tiện hơn, tuy nhiên sự kết hợp thuốc phải đảm bảo liều lượng cả 2 hoạt chất phải phù hợp, đồng thời bảo đảm sự tương thích giữa các thành phần.
Kháng sinh Sulfacetamid trong thuốc Blephamide có tác dụng kìm khuẩn, hoạt động bằng cách ức chế quá trình tổng hợp axit folic cần thiết cho sự phát triển của vi khuẩn thông qua cạnh tranh với Axit P-Aminobenzoic. Tuy nhiên một số chủng vi khuẩn nhạy cảm vẫn có thể đề kháng với Sulfacetamide bằng nhiều cơ chế khác nhau.
Thành phần kháng sinh Sulfacetamid trong thuốc Blephamide có hoạt tính in vitro chống lại các chủng vi khuẩn nhạy cảm như Escherichia coli, Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Streptococcus (nhóm viridans), Haemophilus influenzae, Klebsiella và Enterobacter. Tuy nhiên, thuốc Blephamide không có hiệu quả với các chủng vi khuẩn như Neisseria, Pseudomonas và Serratia Marcescens.
3. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Blephamide
Thuốc Blephamide được chỉ định cho các tình trạng viêm mắt có đáp ứng với corticosteroid, nhiễm trùng nông tại mắt do vi khuẩn hoặc dự phòng cho trường hợp có nguy cơ cao bị nhiễm trùng mắt.
Corticosteroid dạng nhỏ mắt được chỉ định với mục đích giảm sưng viêm trong những trường hợp viêm kết mạc, thanh mạc, giác mạc và phần trước của nhãn cầu do những vị trí này có thể chấp nhận được những rủi ro do sử dụng corticosteroid. Corticosteroid nhỏ mắt còn được chỉ định trong viêm màng bồ đào trước mãn tính và tổn thương giác mạc do hóa chất, bức xạ, bỏng nhiệt hoặc do dị vật.
Chống chỉ định của thuốc Blephamide:
- Đa số viêm giác mạc và kết mạc do virus, bao gồm viêm giác mạc do herpes simplex (viêm giác mạc đuôi gai), nhiễm virus Vaccinia, thủy đậu, nhiễm mycobacterium hoặc nhiễm nấm ở mắt;
- Thuốc Blephamide còn chống chỉ định ở bệnh nhân có cơ địa hoặc tiền sử dị ứng với bất kỳ thành phần nào có trong thuốc, dị ứng hoạt chất sulfonamide và các corticosteroid khác.
4. Liều lượng, cách dùng thuốc Blephamide
Bệnh nhân mỗi lần dùng hãy nhỏ 1 giọt thuốc Blephamide vào mắt, 2-4 lần/ngày tùy theo mức độ bệnh. Thông thường trong giai đoạn đầu hay giai đoạn cấp tính của viêm mí mắt, thuốc Blephamide mang lại hiệu quả nhanh chóng khi nhỏ trực tiếp vào mắt, với sự trải rộng trên mí mắt. Tuy nhiên trong trường hợp chỉ dùng ở mí mắt, bệnh nhân có thể nhỏ thuốc Blephamide trực tiếp vào vị trí có tổn thương.
Người bệnh có thể giảm liều dùng thuốc Blephamide nhưng lưu ý không được ngừng điều trị quá sớm. Trong một số tình trạng mãn tính, bệnh nhân có thể ngừng thuốc Blephamide bằng cách giảm dần tần suất nhỏ thuốc. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày nhỏ thuốc Blephamide, bệnh nhân nên được bác sĩ đánh giá lại.
5. Một số cảnh báo khi sử dụng thuốc Blephamide
Sử dụng corticosteroid nhỏ mắt kéo dài có thể dẫn đến đục thủy tinh thể dưới bao sau và tăng nhãn áp ở những người mẫn cảm, có thể kèm theo tổn thương dây thần kinh thị giác và khiếm khuyết thị lực.
Nếu sử dụng thuốc Blephamide 10 ngày hoặc lâu hơn, bệnh nhân nên được kiểm tra nhãn áp thường xuyên mặc dù điều này có thể khó thực hiện ở trẻ em và bệnh nhân không hợp tác.
Việc sử dụng steroid (bao gồm thuốc Blephamide) sau phẫu thuật đục thủy tinh thể có thể làm chậm quá trình chữa lành và tăng tỷ lệ hình thành bọng mắt.
Những trường hợp mỏng giác mạc hoặc củng mạc, biến chứng thủng đã được biết là xảy ra khi sử dụng Corticosteroid tại chỗ.
Tình trạng nhiễm trùng mắt cấp tính, corticosteroid có thể che lấp biểu hiện nhiễm trùng hoặc tăng mức độ nhiễm trùng hiện có.
Việc sử dụng thuốc Blephamide có thể kéo dài thời gian điều trị và làm trầm trọng nhiều bệnh nhiễm trùng do virus ở mắt (bao gồm cả herpes simplex). Do đó việc sử dụng thuốc Blephamide trong điều trị Herpes simplex cần đặc biệt thận trọng.
Sử dụng thuốc Blephamide kéo dài có thể ức chế đề kháng của cơ thể và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt thứ phát. Đồng thời việc sử dụng kéo dài kháng sinh tại chỗ có thể làm phát triển các chủng vi sinh vật kháng thuốc, bao gồm cả vi nấm.
Viêm màng bồ đào trước cấp tính có thể xảy ra ở những người nhạy cảm, chủ yếu là người da đen.
Tử vong đã được ghi nhận, mặc dù hiếm khi xảy ra, do phản ứng nghiêm trọng với Sulfacetamid trong thuốc Blephamide liên quan đến hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hoại tử gan tối cấp, mất bạch cầu hạt, thiếu máu bất sản và các rối loạn về máu khác.
6. Một số biện pháp phòng ngừa khi dùng thuốc Blephamide
Việc chỉ định thuốc Blephamide thuốc và kéo dài thời gian dùng thuốc chỉ được bác sĩ thực hiện sau khi đã kiểm tra tình trạng bệnh nhân với sự trợ giúp của phương pháp hình ảnh học. Nếu các dấu hiệu và triệu chứng không cải thiện sau 2 ngày dùng thuốc Blephamide, bệnh nhân nên được đánh giá lại.
Khả năng nhiễm nấm giác mạc nên được xem xét sau khi dùng thuốc Blephamide kéo dài, một số trường hợp cần cấy nấm để chẩn đoán.
Sản phẩm thuốc Blephamide được sản xuất hoàn toàn vô trùng. Để tránh nhiễm bẩn, bệnh nhân cần cẩn thận để tránh chạm đầu ống vào mí mắt hoặc bất kỳ bề mặt nào khác trong quá trình sử dụng. Đồng thời không sử dụng một lọ thuốc Blephamide cho nhiều người và phải đậy chặt nắp khi không sử dụng.
Thuốc Blephamide chỉ nên được sử dụng trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích mang lại vượt trội nguy cơ có thể xảy ra đối với thai nhi.
Sử dụng thuốc Blephamide ở thời kỳ cho bú: Do có khả năng xảy ra các phản ứng có hại nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ từ thuốc Blephamide, do đó bà mẹ nên quyết định xem nên ngừng cho trẻ bú hay ngừng thuốc sau khi đánh giá hiệu quả điều trị bằng sản phẩm này.
7. Tác dụng phụ của thuốc Blephamide
Các phản ứng phụ thường gặp của thuốc Blephamide bao gồm:
- Đục thủy tinh thể;
- Chóng mặt,
- Chảy dịch mắt;
- Phù nề mí mắt;
- Ban đỏ mí mắt;
- Kích ứng mắt;
- Đau, ngứa mắt và biểu hiện quá mẫn bao gồm phát ban, ngứa da, mày đay, xung huyết mắt và rối loạn thị giác.
Trên đây không phải là tất cả các phản ứng phụ của thuốc Blephamide. Do đó trong quá trình sử dụng, nếu bạn gặp phải bất cứ triệu chứng bất thường nào cũng cần thông báo với bác sĩ để được tư vấn kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.