Tác dụng của thuốc Bleph-10

Bleph-10 là thuốc gì? Bleph 10 là một dung dịch nhỏ mắt có thành phần chính là kháng sinh Sulfacetamid (ở dạng muối natri). Thuốc Bleph-10 được sử dụng để điều trị các tình trạng nhiễm trùng mắt do vi khuẩn, thường gặp nhất là viêm kết mạc.

1. Bleph-10 là thuốc gì?

Bleph 10 là một dung dịch nhỏ mắt chứa hoạt chất chính là kháng sinh Sulfacetamid natri nồng độ 10%.

Thuốc Bleph-10 được chỉ định trong điều trị viêm kết mạc mắt và một số tình trạng nhiễm trùng nông khác tại mắt do các chủng vi khuẩn còn nhạy cảm Sulfacetamid.

chế hoạt động của Bleph 10 là kìm khuẩn thông qua ức chế quá trình tổng hợp Axit Dihydrofolic của vi khuẩn, cụ thể hơn kháng sinh Sulfacetamid sẽ ngăn chặn sự gắn kết của Pteridine với Axit aminobenzoic thông qua cơ chế ức chế cạnh tranh Enzyme Dihydropteroate Synthetase. Các chủng đề kháng với Sulfacetamid trong thuốc Bleph-10 bằng cách thay đổi enzym tổng hợp Dihydropteroate hoặc tạo ra số lượng lớn Axit Aminobenzoic.

Các tác nhân nhạy cảm với kháng sinh Sulfacetamid trong Bleph 10 bao gồm Escherichia coli, Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng), Streptococcus pneumoniae (phế cầu), Streptococcus (liên cầu nhóm viridans), Haemophilus influenzae, Klebsiella và Enterobacter.

Ngược lại, Sulfacetamide dùng tại chỗ không có khả năng chống lại một số chủng vi khuẩn Neisseria, Serratia marcescens và Pseudomonas aeruginosa. Bên cạnh đó có một số lượng đáng kể các chủng tụ cầu đề kháng hoàn toàn với Sulfacetamid trong thuốc Bleph-10.

2. Một số lưu ý trước khi dùng thuốc Bleph 10

Bệnh nhân cần tránh sử dụng thuốc nhỏ mắt Bleph 10 khi có một trong các vấn đề sau đây:

  • Tiền sử dị ứng với Sulfacetamide (hoặc các hoạt chất chứa gốc lưu huỳnh khác) hay bất kỳ thành phần nào có trong thuốc Bleph-10. Một số biểu hiện khi dị ứng thuốc Bleph-10 bao gồm thở nhanh, thở khò khè hoặc khó thở, sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc các bộ phận khác của cơ thể, phát ban ngoài da, ngứa ngáy hoặc nổi mày đay;
  • Thuốc Bleph-10 có dấu hiệu bị hư hỏng và không còn nguyên vẹn;
  • Lọ đựng thuốc hay bao bì Bleph 10 có dấu hiệu giả mạo;
  • Dung dịch thuốc nhỏ mắt Bleph 10 mất màu nâu sẫm;
  • Thuốc Bleph-10 đã quá hạn sử dụng. Việc dùng thuốc quá hạn sử dụng có thể khiến hiệu quả điều trị không như mong muốn và thậm chí còn gây hại;
  • Thời gian mở nắp lọ thuốc Bleph-10 đã hơn 4 tuần;
  • Bệnh nhân đang đeo kính áp tròng: Việc đeo kính áp tròng nhìn chung không được khuyến cáo khi đã được chẩn đoán nhiễm trùng tại mắt;
  • Không dùng thuốc Bleph-10 ở trẻ em dưới 2 tháng tuổi.

Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc Bleph-10, bệnh nhân nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu có những vấn đề sau:

  • Tiền sử dị ứng với các loại thuốc khác, dị ứng thực phẩm hay các chất bảo quản;
  • Đang mang thai hoặc có ý định mang thai: Thuốc Bleph-10 không khuyến cáo sử dụng trong thời gian mang thai trừ khi thật cần thiết;
  • Đang cho con bú: Thuốc Bleph-10 có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh thông qua sữa mẹ;
  • Bệnh nhân đã được lên lịch phẫu thuật bằng cách gây mê toàn thân.

3. Cách sử dụng thuốc nhỏ mắt Bleph 10

Thuốc Bleph-10 được sản xuất hoàn toàn vô trùng trong lọ nhựa LDPE màu trắng đục và đầu nhỏ giọt cùng với nắp polystyrene đều có màu trắng.

Bleph 10 chỉ được sử dụng bằng cách nhỏ mắt. Liều khuyến cáo thông thường là nhỏ 1 hoặc 2 giọt vào mắt bị ảnh hưởng mỗi 2-3 giờ vào ban ngày, tần suất có thể ít thường xuyên hơn vào ban đêm và nên nhỏ 1 lần trước khi đi ngủ.

Cách sử dụng thuốc nhỏ mắt Bleph 10 có thể dễ dàng hơn khi bệnh nhân ngồi hoặc nằm với các bước hướng dẫn sau đây:

  • Để sử dụng thuốc nhỏ mắt Bleph 10, trước tiên bệnh nhân hãy xé niêm phong bảo vệ lọ thuốc. Dung dịch bên trong thuốc Bleph-10 chỉ đảm bảo vô trùng nếu bao bì và niêm phong lọ thuốc còn nguyên vẹn. Nếu chúng đã bị phá vỡ, người bệnh hãy nên vứt bỏ lọ thuốc đó;
  • Rửa tay nhỏ thuốc sạch sẽ bằng xà phòng và nước;
  • Tiến hành lắc kỹ lọ thuốc Bleph-10 trước khi tháo nắp;
  • Cầm ngược lọ thuốc Bleph-10 bằng một tay giữa ngón cái và ngón trỏ;
  • Dùng tay còn lại nhẹ nhàng kéo mí mắt dưới xuống giúp tạo thành túi kết mạc;
  • Ngửa đầu ra sau và hướng mắt nhìn lên;
  • Đặt đầu lọ thuốc Bleph-10 gần mí mắt dưới nhưng tuyệt đối không để chạm trực tiếp vào mắt;
  • Bóp nhẹ lọ thuốc để nhỏ 1-2 hai giọt Bleph 10 (theo đúng liều lượng chỉ dẫn của bác sĩ) vào túi kết mạc mắt;
  • Bệnh nhân sau nhỏ thuốc hãy nhắm mắt lại một cách nhẹ nhàng để thuốc phủ lên toàn bộ khoang kết mạc, không được chớp mắt hoặc dùng tay dụi mắt;
  • Lặp lại các bước tương tự mắt còn lại (nếu cần);
  • Đậy nắp lọ thuốc Bleph-10;
  • Rửa tay lại bằng xà phòng và nước.

Một số lưu ý trong quá trình sử dụng thuốc Bleph-10:

  • Quá trình nhỏ mắt bằng Bleph 10 cần cẩn thận không để đầu ống nhỏ giọt chạm trực tiếp vào mắt, mí mắt hoặc bất cứ thứ gì khác để tránh nhiễm bẩn lọ thuốc;
  • Bệnh nhân cần tuân thủ thời gian dùng thuốc Bleph-10 theo chỉ định của bác sĩ hay dược sĩ;
  • Nếu tình trạng mắt vẫn không cải thiện sau khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Bleph 10 khoảng 2 đến 3 ngày, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc dược sĩ để được can thiệp phù hợp.

4. Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Bleph-10

Một số phản ứng phụ thường xuyên được báo cáo khi sử dụng thuốc Bleph-10 là tình trạng kích ứng tại chỗ, cảm giác châm chích và bỏng rát tại mắt được nhỏ thuốc.

Ngoài ra, một số tác dụng phụ ít gặp hơn của thuốc nhỏ mắt Bleph 10 bao gồm viêm kết mạc không đặc hiệu, xung huyết kết mạc, nhiễm trùng thứ phát và phản ứng dị ứng. Trong đó, loét giác mạc do vi khuẩn và nấm có thể xảy ra trong quá trình điều trị bằng các chế phẩm nhỏ mắt có chứa kháng sinh Sulfonamid (bao gồm thuốc Bleph-10).

Biến cố tử vong do thuốc Bleph-10 cũng đã được ghi nhận, mặc dù hiếm khi xảy ra, chủ yếu do phản ứng nghiêm trọng với Sulfonamid trong hội chứng Stevens-Johnson, hoại tử biểu bì nhiễm độc, mất bạch cầu hạt, hoại tử gan tối cấp, thiếu máu bất sản và các rối loạn về máu khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe