Tác dụng của thuốc Aldesleukin

Interleukin-2 là một trong những cytokine quan trọng liên quan đến nhiều quá trình chuyển hóa khác nhau của cơ thể. Việc bổ sung IL-2 có thể hỗ trợ điều trị ung thư. Aldesleukin là một dược phẩm có chứa IL-2 tái tổ hợp. Vậy cần sử dụng thuốc Aldesleukin như thế nào?

1. Aldesleukin là thuốc gì?

Aldesleukin bào chế ở dạng bột pha tiêm truyền tĩnh mạch, chứa hoạt chất Interleukin-2 tái tổ hợp và được biết đến là chất điều biến đáp ứng sinh học hay điều trị ung thư.

Cơ chế tác động:

  • Interleukin-2 trong Aldesleukin là một cytokine sản xuất bởi tế bào lympho T hoạt hóa. IL-2 gắn kết với các thụ thể của tế bào T, từ đó tạo đáp ứng tăng sinh và biệt hóa thành các tế bào tiêu diệt;
  • Các hoạt tính sinh học của Aldesleukin và IL-2 tự nhiên trong cơ thể người đều có tác dụng tương tự nhau, một trong số đó là điều hòa đáp ứng miễn dịch;
  • Sử dụng thuốc Aldesleukin cho tác dụng giảm sự phát triển và lan rộng của khối u.

Dược động học:

  • Thuốc Aldesleukin liên kết với thụ thể IL-2 dẫn đến dị hóa các miền tế bào chất của chuỗi IL-2R beta và gamma, kích hoạt tyrosine kinase Jak3 và phosphoryl hóa dư lượng tyrosine trong chuỗi IL-2R;
  • Những tác động trên dẫn đến việc tạo ra một phức hợp thụ thể được kích hoạt. Những sự kiện này kích thích sự tăng trưởng và biệt hóa của các tế bào T.

2. Aldesleukin có tác dụng gì?

Thuốc Aldesleukin được chỉ định trong các trường hợp sau:

3. Chống chỉ định của thuốc Aldesleukin

Mặc dù là một thuốc điều trị nhiều bệnh lý ung thư nhưng việc sử dụng thuốc Aldesleukin cần phải đặc biệt lưu ý, đặc biệt là các chống chỉ định sau:

  • Người tiền sử dị ứng với interleukin-2 hoặc bất cứ thành phần nào trong thuốc Aldesleukin;
  • Xét nghiệm chức năng phổi bất thường;
  • Ghép cơ quan dị ghép;
  • Chống chỉ định tái điều trị bằng Aldesleukin ở người bệnh từng bị nhiễm độc trong đợt điều trị trước với các biểu hiện như:
    • Nhịp nhanh thất duy trì (≥ 5 nhát bóp);
    • Rối loạn nhịp tim không kiểm soát được hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị;
    • Đau ngực tái phát với điện tâm đồ thay đổi, phù hợp với đau thắt ngực hoặc nhồi máu cơ tim;
    • Đặt nội khí quản trên 72 giờ;
    • Chèn ép màng ngoài tim;
    • Suy chức năng thận phải lọc thận trên 72 giờ;
    • Hôn mê hoặc loạn thần do nhiễm độc kéo dài trên 48 giờ, co giật tái phát hoặc khó kiểm soát;
    • Nhồi máu cục bộ ở ruột hoặc biến chứng thủng ruột;
    • Xuất huyết tiêu hóa đòi hỏi phải phẫu thuật can thiệp.

4. Hướng dẫn sử dụng Aldesleukin

Cách dùng thuốc Aldesleukin:

  • Không lắc lọ thuốc trước khi điều trị;
  • Cần phải pha loãng Aldesleukin với dextrose 5% trước khi truyền tĩnh mạch;
  • Để dự phòng và hạn chế các tác dụng phụ, người bệnh có thể sử dụng các thuốc sau trước khi tiêm Aldesleukin, bao gồm thuốc kháng histamin H2, chống nôn, chữa tiêu chảy và kháng sinh phòng bội nhiễm... Lưu ý người bệnh có thể tiếp tục dùng các thuốc trên đến 12 giờ sau liều Aldesleukin cuối cùng;
  • Thuốc Aldesleukin có thể sử dụng bằng cách truyền tĩnh mạch ngắt quãng, truyền tĩnh mạch liên tục hoặc tiêm dưới da.

Liều lượng Aldesleukin ở người lớn tùy thuộc từng bệnh lý và đường dùng cụ thể.

Với bệnh ung thư biểu mô thận:

  • Truyền tĩnh mạch ngắt quãng:
    • Mỗi đợt điều trị bao gồm 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ 5 ngày và cách nhau 9 ngày. Cách mỗi 8 giờ truyền tĩnh mạch trong thời gian 15 phút với liều 600000 đơn vị/kg, tổng cộng tối đa là 14 liều. Sau đợt nghỉ 9 ngày thì lặp lại liều tương tự;
    • Một đợt điều trị tối đa 28 liều. Nếu khối ung thư thận thuyên giảm và không có chống chỉ định thì có thể lặp lại một đợt điều trị tương tự sau 7 tuần;
    • Hoặc cách khác là sử dụng liều 720000 đơn vị/kg cứ 8 giờ một liều, tổng cộng 12 liều. Sau 10 - 15 ngày có thể lặp lại đợt 2 tương tự;
  • Truyền tĩnh mạch liên tục:
    • Liều 18 triệu đơn vị/m2 diện tích da mỗi ngày trong 2 chu kỳ, mỗi chu kỳ 5 ngày, khoảng thời gian không dùng thuốc là 5 – 8 ngày;
  • Tiêm dưới da:
    • Liều 18 triệu đơn vị tiêm dưới da mỗi ngày trong 5 ngày, sau đó nghỉ 2 ngày;
    • Đối với các chu kỳ bổ sung, người bệnh nhận liều 9 triệu đơn vị Aldesleukin ngày 1 và 2, sau đó 3 ngày tiếp theo dùng liều Aldesleukin 18 triệu đơn vị mỗi ngày;
    • Các chu kỳ điều trị tiêm dưới da Aldesleukin kéo dài 6 tuần liên tiếp, cách nhau khoảng thời gian 3 tuần không dùng thuốc.

Liều thuốc Aldesleukin điều trị u hắc tố:

  • Đơn trị liệu:
    • Liều 600000 đơn vị/kg cứ mỗi 8 giờ dùng 1 liều, tổng tối đa 14 liều. Sau 9 ngày lặp lại đợt điều trị 2 (tổng cộng 2 đợt là 28 liều);
    • Nếu u hắc tố thuyên giảm và không chống chỉ định thì sau 7 tuần có thể dùng thêm 1 đợt điều trị Aldesleukin nữa;
    • Hoặc: Liều 720000 đơn vị/kg cách mỗi 8 giờ dùng 1 liều, tối đa 12 - 15 liều. Sau 14 ngày có thể lặp lại đợt điều trị Aldesleukin thứ 2;
  • Aldesleukin kết hợp hoá trị liệu theo một trong các phương pháp sau:
    • Liều 9 triệu đơn vị Aldesleukin/m2 diện tích da/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục 24 giờ trong 4 ngày. Sau đó nghỉ 3 tuần rồi lặp lại đợt 2, tổng cộng điều trị 4 đợt;
    • Liều 9 triệu đơn vị Aldesleukin/m2 diện tích da/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục 24 giờ từ ngày 5 đến ngày 8, từ ngày 17 đến ngày 20 và từ ngày 26 đến ngày 29; mỗi chu kỳ 42 ngày, tổng 5 chu kỳ;
    • Liều 9 triệu đơn vị Aldesleukin/m2 diện tích da/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục 24 giờ trong 4 ngày, lặp lại sau 3 tuần, điều trị làm tổng cộng 6 đợt tương tự.

Liều điều trị của thuốc Aldesleukin ở trẻ em:

  • Bạch cầu cấp thể tủy: Liều dùng là 9 triệu đơn vị Aldesleukin/m2 diện tích da/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục 24 giờ trong 4 ngày. Sau đó nghỉ 4 ngày rồi quay lại truyền 1.6 triệu đơn vị/m2 diện tích da/ngày, truyền tĩnh mạch liên tục 24 giờ trong 10 ngày liên tục.

5. Tác dụng phụ của thuốc Aldesleukin

Các tác dụng thường gặp của Aldesleukin:

  • Loạn nhịp tim, nhịp nhanh xoang;
  • Phù bao gồm cả phù ngoại vi gây chèn ép thần kinh hoặc mạch máu;
  • Hạ huyết áp;
  • Hội chứng thoát mao mạch;
  • Da khô, nổi ban đỏ dạng dát, ngứa ngáy;
  • Buồn nôn, nôn ói, tăng cân, tiêu chảy, viêm miệng, ăn kém ngon miệng;
  • Thiếu máu, giảm số lượng tiểu cầu, tăng bạch cầu lympho, giảm bạch cầu, tăng bạch cầu ưa acid;
  • Phù phổi, sung huyết phổi, tràn dịch màng phổi;
  • Khó thở;
  • Thiểu niệu, vô niệu;
  • Vàng da;
  • Thiểu năng giáp trạng;
  • Nhiễm khuẩn;
  • Thay đổi trạng thái tâm thần.

Ít gặp hơn là các tác dụng phụ sau:

  • Thiếu máu cục bộ cơ tim/nhồi máu cơ tim;
  • Đau đầu;
  • Rụng tóc, viêm da tróc vẩy;
  • Cổ trướng;
  • Xuất huyết tiêu hóa;
  • Viêm lưỡi;
  • Hoại tử ruột/thủng ruột do thiếu máu cục bộ, táo bón;
  • Suy hô hấp, thở nhanh, khò khè;
  • Đau khớp, đau cơ;
  • Nhìn mờ hoặc nhìn đôi;
  • Suy tim sung huyết, viêm nội tâm mạc, viêm cơ tim, tràn dịch màng tim;
  • Hình thành huyết khối;
  • Hôn mê, động kinh, đột quỵ;
  • Bệnh não chất trắng đa ổ tiến triển, xuất huyết não, tai biến mạch máu não.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Aldesleukin

Aldesleukin có độc tính rất cao, tác dụng phụ hay xảy ra thường ở mức độ nặng và thậm chí chết người.

Sử dụng Aldesleukin liều thấp và chọn cách truyền tĩnh mạch liên tục hoặc tiêm dưới da được áp dụng phổ biến hơn độ hiệu quả, an toàn, đặc biệt với bệnh nhân ngoại trú.

Các triệu chứng khi dùng thuốc Aldesleukin liều cao bao gồm toàn thân mệt mỏi, sốt, rét run, nhược cơ. Mặc dù có thể làm điều trị bằng thuốc Acetaminophen, Indomethacin, Meperidine nhưng đôi khi phải ngừng dùng thuốc khi có các biểu hiện trên.

Chức năng tim, phổi, gan và thần kinh trung ương của người bệnh dùng Aldesleukin phải trong giới hạn bình thường trước khi bắt đầu điều trị.

Hội chứng thoát mao mạch có thể xuất hiện ngay sau khi bắt đầu dùng Aldesleukin. Ở đa số người bệnh sẽ nhanh chóng gây hạ huyết áp động mạch trung bình trong vòng 2 đến 12 giờ. Nếu vẫn tiếp tục dùng Aldesleukin thì nguy cơ gây hạ huyết áp cách đáng kể trên lâm sàng, có thể dẫn đến giảm tưới máu kèm phù và tràn dịch đa màng.

Lưu ý của thuốc Aldesleukin với phụ nữ có thai: Khuyến cáo nên sử dụng thuốc ngừa thai an toàn trong suốt quá trình điều trị ung thư.

Lưu ý của Aldesleukin với đối tượng phụ nữ cho con bú: Bà mẹ cần cân nhắc giữa việc ngừng Aldesleukin hoặc ngừng cho con bú, dựa trên mức độ quan trọng của việc điều trị bằng Aldesleukin đối với người mẹ.

7. Tương tác thuốc của Aldesleukin

  • Corticosteroid có khả năng hạn chế độc tính của Aldesleukin nhưng không kết hợp do có nguy cơ làm giảm hiệu lực của lymphokin;
  • Aldesleukin có mối ảnh hưởng đến thần kinh trung ương, vì vậy tương tác thuốc xảy ra khi dùng đồng thời các thuốc hướng thần, bao gồm thuốc ngủ, giảm đau, chống nôn, an thần...
  • Các thuốc chẹn beta và điều trị tăng huyết áp có thể làm hạ huyết áp trầm trọng thêm khi dùng đồng thời với Aldesleukin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe