Bài viết của Chuyên viên âm nhạc trị liệu- Đơn nguyên Phòng khám Y học tái tạo và tâm lý giáo dục - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy, âm nhạc tỏ ra lôi cuốn vì nó vượt qua ngôn ngữ, là một cách dẫn đến thế giới xúc cảm, tình cảm, phá bỏ bức tường ngăn cách trẻ Rối loạn phổ tự kỷ (RLPTK) với thế giới bên ngoài.
1. Tác dụng của âm nhạc trị liệu với việc phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ
Thế giới xúc cảm, tình cảm được cho là lạ lùng của trẻ rối loạn phổ tự kỷ nhưng âm nhạc có thể thâm nhập vào. Âm nhạc có thể đi xuyên vào cõi tiềm thức, vô thức mà trẻ không hề hay biết, có sức cuốn hút, thâm nhập mà trẻ không thể kháng cự.
Khác với việc sử dụng lời nói để giao tiếp, âm nhạc là ngôn ngữ đặc biệt có thể truyền tải thông điệp, tình cảm qua sắc thái, tiết tấu và giai điệu. Thông qua âm nhạc, trẻ có thể nhún nhảy, vỗ tay, ê a để thể hiện cảm xúc của mình.
Tác giả Neha Khetrapal của Đại học Bielefeld, Đức đã đưa ra các nghiên cứu và khẳng định: “Âm nhạc là một sự lựa chọn hiệu quả để nâng cao khả năng giao tiếp ở những người mắc RLPTK”. Nghiên cứu của Lim HA chỉ ra được âm nhạc giúp khả năng tiếp nhận vốn từ vựng và khả năng diễn đạt ngôn ngữ của trẻ RLPTK.
>>> Giáo dục âm nhạc và trị liệu âm nhạc cho trẻ tự kỷ
Quá trình trẻ tiếp xúc và hoạt động âm nhạc như học hát, nghe hát, vận động theo nhạc, chơi trò chơi âm nhạc... qua đó, giới thiệu về thế giới xung quanh trẻ với những ngôn từ mộc mạc, nội dung xoay quanh các chủ đề: Thiên nhiên, con vật, cây cối, bố mẹ, bạn bè... để trẻ hiểu và hòa mình vào thế giới ấy. Tùy theo mức độ và khả năng của trẻ để từng bước dạy trẻ hát kết hợp với vận động cơ thể nhằm phát triển ngôn ngữ theo từng giai đoạn phát triển.
2. Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển giao tiếp phi ngôn ngữ
Lúc nhỏ, trẻ RLPTK thường biểu lộ nhu cầu qua tiếng khóc. Lớn lên, trẻ biểu lộ ý muốn bằng cách kéo tay người lớn đến vật mong muốn. Thường khi đó, trẻ không diễn tả qua nét mặt. Tuy nhiên, trẻ không biết chỉ tay, không biết gật đầu, lắc đầu. Trẻ cũng không tham gia các trò chơi bắt chước, không có khả năng bắt chước làm theo những việc làm của bố mẹ như những trẻ bình thường vẫn làm.
Đặc biệt, bé không hiểu được ý nghĩa của những cử chỉ, điệu bộ của người lớn. Khi lớn lên, đôi khi trẻ có thể sử dụng và có khi hiểu được cử chỉ điệu bộ của người lớn. Một số trẻ đạt đến khả năng chơi bắt chước, nhưng cách chơi thường vẫn có tính rập khuôn và lặp đi lặp lại.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Âm nhạc trị liệu khẳng định vai trò của trị liệu âm nhạc với trẻ RLPTK là cải thiện hành vi xã hội; tăng sự tập trung chú ý; tăng cường các nỗ lực giao tiếp (lời nói, cử chỉ, điệu bộ); giảm căng thẳng; tăng khả năng nhận thức về cơ thể và phối hợp vận động... Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể nhằm giúp trẻ phát triển giao tiếp phi ngôn ngữ:
- Nếu trẻ nhỏ (có thể bế được) hãy cho trẻ ngồi lên đùi bạn và cùng đung đưa, chuyển động sang 2 bên (trái- phải) nhịp nhàng theo điệu nhạc. Hãy chọn những bản nhạc không lời nhẹ nhàng hoặc hát cho trẻ nghe với âm thanh vừa phải, tempo 60-80 nhịp/ phút (gần với nhịp đập của trái tim). Nếu trẻ lớn hơn, hãy cho trẻ ngồi trên miếng thảm xốp có diện tích khoảng 50-60cm, hướng dẫn trẻ nắm tay vào thảm và chuyển động nhẹ nhàng, đều đặn theo nhạc. Với hoạt động này, người lớn nên chọn vị trí ngồi đối diện, lắc lư và chuyển động cùng hướng với trẻ.
- Vẫn giữ nguyên chuyển động nhịp nhàng của cơ thể, dần dần thả tay ra khỏi thảm và chuyển động 2 tay cùng lúc thật chậm theo các chiều hướng khác nhau (đưa ra trước, sang ngang, lên cao...), cố gắng duy trì tương tác mắt- mắt)
- Hát kết hợp động tác phụ họa: Dạy trẻ cách hiểu, cách biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt, bắt chước, cách chơi giả tưởng... từ những hành động trong bài hát.
VD: Khi trẻ nghe bài “Rửa mặt như mèo” hãy dạy trẻ làm động tác như chú mèo trong bài hát, thay đổi động tác theo từng câu của bài.
Câu 1: Meo meo meo rửa mặt như mèo: Dùng 2 bàn tay giả vờ xoa xoa lên mặt như đang rửa mặt.
Câu 2: Xấu xấu xấu chẳng được mẹ yêu: Giơ tay phải lên vẫy vẫy, lắc đầu tỏ vẻ ko hài lòng.
Câu 3: Khăn mặt đâu mà ngồi liếm mép: Bắt chước con mèo, đưa lưỡi liếm xung quanh mép.
Câu 4: Đau mắt rồi lại khóc meo meo: Đưa tay lên dụi mắt giả vờ khóc vì bị đau mắt, khóc nhè.
- Hướng dẫn trẻ thể hiện biểu cảm khuôn mặt theo sắc thái của bài hát. Có thể chọn những bản nhạc có tính chất rõ ràng (vui/ buồn, nhanh/ chậm, mạnh/ nhẹ) hoặc những bài hát miêu tả hoạt động, tình cảm. (chèn ảnh minh họa)
VD: Bài hát “Con chim vành khuyên” có thể dạy trẻ thể hiện cách chào hỏi khác nhau với bác chào mào, cô sơn ca, anh chích chòe, chị sáo nâu...
- Hướng dẫn trẻ hát theo ký hiệu tay: Với phương pháp này, giáo viên phải đưa ra nguyên tắc ký hiệu và hướng dẫn để trẻ hiểu khi nhìn thấy ký hiệu, trẻ sẽ hát giai điệu của bản nhạc theo hình dáng bàn tay đã được hướng dẫn trước.
Đơn nguyên Tâm lý giáo dục – Tự kỷ, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City là đơn vị tiên phong áp dụng các phương pháp khoa học và nghệ thuật đánh giá và trị liệu trẻ tự kỷ, mang lại hiệu quả cao.
Các lĩnh vực can thiệp giáo dục trẻ tự kỷ tại Vinmec:
- Tâm thần nhi
- Tâm lý lâm sàng - tâm lý giáo dục
- Giáo dục đặc biệt
- Ngôn ngữ trị liệu
- Thiền – yoga trị liệu
- Âm nhạc trị liệu
- Mỹ thuật trị liệu
Các Bác sĩ, chuyên viên trị liệu và giáo viên tại Trung tâm được đào tạo tại ở các trường uy tín: Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện quản lý giáo dục... đồng thời thường xuyên học tập nâng cao tay nghề thông qua các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn trong và ngoài nước với các chuyên gia hàng đầu từ Mỹ, Úc, Ấn Độ, Ý.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn:
- Nguyễn Thị Hoàng Yến (2013), Tự kỷ - những vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB Đại học sư phạm.
- Lim HA (2010), Effect of "developmental speech and language training through music" on speech production in children with autism spectrum disorders, J Music Ther, 2010 Spring; 47(1):2-26
- Trần Thị Thuỳ (2014), Giáo dục âm nhạc cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ 4-6 tuổi, Luận văn thạc sĩ, Trường đại học sư phạm nhạc hoạ trung ương.
- Phùng Ngọc Hà (2018), Sử dụng âm nhạc trị liệu để phát triển ngôn ngữ cho trẻ rối loạn phổ tự kỷ