Tác dụng chữa bệnh của cây khúc khắc

Cây khúc khắc là một thảo được quý được sử dụng trong các bài thuốc y học cổ truyền từ xưa đến nay. Tác dụng chính của cây khúc khắc theo y đông y là thanh nhiệt, chống viêm, giải độc, khử phong thấp... Tìm hiểu những thông tin cần thiết liên quan đến cây khúc khắc để có thể sử dụng thuốc một cách an toàn và hiệu quả.

1. Cây khúc khắc là cây gì ?

Cây khúc khắc có tên gọi khác là Thổ phục linh, Cậm cù, Linh phạn đoán, Sơn lỳ lương, Kim cang, Dây khum, Hồng thổ linh, Sơn trư phấn, Thổ tỳ giải, Dây chắt... và có tên khoa học là Smilax glabra Roxb thuộc họ Hành Liliaceae.

Cây Khúc khắc là họ cây thân leo sống lâu năm, có chiều dài khoảng 4 - 5 m, có một vài cây có thể dài tới 1 0m. Cây có nhiều cành nhỏ, không có gai, thân mảnh và thường có tua cuốn dài. Lá cây Khúc khắc mọc so le và có hình bầu dục thuôn, đầu lá có hình nhọn rộng 3-7cm, dài 5 - 13 cm, hơi mỏng nhưng chắc cứng, lá có 3 gân nhỏ từ gốc và nhiều các gân con. Hoa mọc thành từng tán, mỗi tán có khoảng 20 - 30 hoa nhỏ. Hoa của cây Khúc khắc có màu xanh nhạt, hoa cái và hoa đực riêng rẽ. Quả khúc khắc mọng hình cầu, gần 3 cạnh và có 3 hạt, khi chín quả có màu đỏ hoặc tím đen. Rễ củ khúc khắc thường có hình thù không nhất định.

Hoa Khúc khắc nở vào tầm tháng 5 hoặc tháng 6 hàng năm và thường ra quả từ tháng 7 đến tháng 10. Loài cây khúc khắc thường mọc hoang và có thể tìm thấy ở nhiều nước châu Á như Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Ấn Độ...Tại Việt Nam, Khúc khắc thường gặp ở các vùng đồi núi, thung lũng, rừng thưa từ các tỉnh miền núi Tây Bắc hoặc dọc dãy Trường Sơn cho đến các tỉnh ở phía Nam Trung Bộ như Khánh Hòa, Bình Thuận.

Bộ phận thường dùng để làm thuốc là thân rễ, một số người gọi là củ Thổ phục linh hoặc củ Khúc khắc. Thân rễ được thu hoạch quanh năm nhưng để đạt dược tính của thuốc tốt nhất, người ta thường thu hái vào mùa thu hoặc đông. Củ khúc khắc thường có hình trụ dẹt, kích thước không giống nhau. Mặt ngoài của củ có màu nâu, bên trong thường có màu nâu đỏ nhạt hoặc màu trắng, hình dáng tròn dài. Sờ vào củ thường có chất bột, cắt ra lát có tính chất hơi dai và thường khó bẻ gãy, nhúng vào nước thì củ hơi trơn và dính.

Củ Khúc khắc tươi sau khi thu hoạch sẽ được rửa sạch và cắt hết rễ con quanh thân, sau đó được sơ chế theo nhiều cách khác nhau. Có thể để nguyên đem phơi hoặc đem sấy khô, đôi khi là ngâm nước nóng và thái lát, sau đem phơi khô. Một số nơi có thể ủ 3 ngày cho củ mềm và thái lát mỏng, sau đó đem phơi nắng hoặc sấy khô.

2. Tác dụng của cây Khúc khắc

Tác dụng của khúc khắc theo Y học cổ truyền

  • Công dụng: Chống dị ứng, chống viêm, tiêu độc, khử phong thấp, thanh nhiệt, lợi gân cốt.
  • Chủ trị: Giải độc do thủy ngân, thấp khớp, đau nhức xương, ung thũng, lở ngứa, tràng nhạc, giang mai.

Tác dụng của khúc khắc theo Tây y

  • Dược liệu này có tác dụng chống viêm cấp mức độ yếu và chống viêm mãn tính vào loại trung bình hoặc yếu.

Cụ thể, củ khúc khắc thường được sử dụng để chữa một số bệnh lý sau:

  • Hỗ trợ trị ổn định đường huyết
  • Hỗ trợ trị tê nhức do bệnh phong thấp, viêm khớp dạng thấp, gân xương đau buốt, sang lở và đau nhức do phong thấp
  • Hỗ trợ trị viêm bàng quang, chứng tiểu tiện ra máu
  • Hỗ trợ trị bệnh vảy nến, mụn nhọt chưa bị vỡ mủ hoặc có mủ
  • Hỗ trợ trị đau thần kinh tọa
  • Chữa nước ăn chân, viêm da, rôm sảy và mẩn ngứa
  • Chữa chứng lao hạch lở loét, băng huyết, đới hạ
  • Hỗ trợ trị bệnh giang mai
  • Bổ can thận, khử phong thấp, lưu thông khí huyết, bồi bổ sức khỏe và kích thích tiêu hóa
  • Hỗ trợ trị ung thư bàng quang, ung thư hạch, ung thư đường tiêu hóa
  • Hỗ trợ trị bệnh Leptospir

3. Các bài thuốc từ cây Khúc khắc

Dưới đây là một số bài thuốc có sử dụng củ Khúc khắc

3.1. Bài thuốc trị triệu chứng phong thấp, đau nhức xương khớp, mỏi gối

Bài thuốc 1:

  • 20g Khúc khắc, 12g dây đau xương, 12g cốt toái bổ, 12g tục đoạn, 12g cẩu tích.
  • Sắc uống 1 thang mỗi ngày và chia làm 3 lần uống.Nên uống trước ăn 1 giờ

Bài thuốc 2:

  • 20g Khúc khắc, 16g cỏ nhọ nồi, 16g hy thiêm, 12g ngưu tất, 12g ngải cứu, 12g thương nhĩ tử.
  • Sắc uống 1 thang mỗi ngày và chia làm 3 lần uống.

Bài thuốc 3:

  • 20g Khúc khắc, 12g lá lốt, 12g hy thiêm, 12g ngưu tất
  • Sắc uống 1 thang mỗi ngày và chia làm 3 lần uống.

3.2. Bài thuốc trị bệnh thấp khớp

  • 20g Khúc khắc, 20g thạch cao, 20g hy thiêm, 20g ké đầu ngựa, 20g ngạch mễ. 12g Ý dĩ, 12g chi mẫu, 12g liên kiều,12g đan sâm, 12g tang chi, 12g phòng phong, 12g bạch thược. 8g xương truật, 8g quế chi. 16g kê huyết đằng, 16g tỳ giải, 16g ngân hoa. 6g cam thảo.
  • Sắc uống 1 thang mỗi ngày và chia làm 2- 3 lần uống.

3.2. Bài thuốc chữa đau thần kinh tọa

  • 30g Khúc khắc, 20g khoan cân đằng, 20g ngưu tất nam, 20g tầm gửi dâu, 10g cốt toái bổ.
  • Sắc uống 1 thang mỗi ngày và chia làm 3 lần uống.

3.3. Bài thuốc chữa bệnh tê thấp và đau nhức gân xương

Bài thuốc 1:

  • 20g Khúc khắc, 10g ráng bay, 8g củ ráy rừng, 8g đương quy, 6g bạch chỉ.
  • Sắc uống 1 thang mỗi ngày và chia làm 2- 3 lần uống.

Bài thuốc 2:

  • 50g Khúc khắc, 100g thịt lợn nạc.
  • Khúc khắc được gọt vỏ và thái miếng vừa ăn, thịt lợn băm nhỏ. Nấu chín thành canh và hạn chế nêm nếm gia vị.
  • Nên uống 2 lần mỗi ngày, nên ăn hết cả nước lẫn cái.

3.4. Bài thuốc chữa phong thấp, lưu thông khí huyết, bổ can thận

  • 30g Củ khúc khắc, 30g cà gai leo, 30g cỏ xước, 30g thiên niên, 80g lá lốt, 10g quế chi.
  • Phơi khô các dược liệu trên rồi tán bột và ngâm với 5 lít rượu trắng 40 độ. Có thể đem ra sử dụng sau 10 ngày.
  • Mỗi lần uống khoảng 30ml, mỗi ngày 2 lần.

3.5. Bài thuốc chữa bệnh vẩy nến

Bài thuốc 1:

  • 80g Khúc khắc, 120g hạ khô thảo nam.
  • Đem sắc với 2 lít nước đến khi còn khoảng một nữa.
  • Chia thuốc thành 4 phần uống sáng, trưa, chiều, tối. Uống thuốc trong 1-2 tháng.

Bài thuốc 2:

  • 40g Khúc khắc, 20g hà thủ ô, 20g đương quy, 16g khương hoạt, 16g ké đầu ngựa, 16g sinh địa, 12g huyền sâm, 12g uy linh tiên.
  • Sắc những dược liệu trên với lượng nước đến khi cạn còn một nữa.
  • Chia đều thuốc uống hết 1 thang mỗi ngày.

3.6. Bài thuốc giúp kích thích tiểu tiện

  • 10 - 20g khúc khắc khô đem sắc nước uống
  • Nên uống hàng ngày như trà để giúp lợi tiểu

3.7. Bài thuốc trị nổi mề đay, chốc lở, mụn nhọt

Bài thuốc 1:

  • 15g Khúc khắc, 40g sài đất, 20g kim ngân, 20g sinh địa, 15g ké đầu ngựa, 15g cam thảo dây.
  • Sắc những dược liệu với lượng nước vừa đủ đến khi cạn còn một nữa.
  • Chia làm 2 lần uống trong ngày, 1 thang/ngày.

Bài thuốc 2:

  • 12g Khúc khắc, 12g kim ngân, 12g bồ công anh, 10g mã đề, 10g cam thảo nam, 8g ké đầu ngựa, 8g hoa kinh giới.
  • Sắc những dược liệu trên với lượng nước đến khi cạn còn một nữa.
  • Chia đều uống trong ngày, 1 thang/ngày.

3.8. Bài thuốc trị giang mai, ngứa dai dẳng

Bài thuốc 1:

  • 40g Khúc khắc, 30g vỏ núc nác, 15g ké đầu ngựa, 15g cam thảo dây.
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc 2:

  • 40g Khúc khắc, 16g hà thủ ô, 16g vỏ núc nác, 12g ké đầu ngựa, 8g gai bồ kết đốt tồn tính.
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

Bài thuốc 3:

  • 40g Khúc khắc, 7 hạt bồ kết.

3.9. Bài thuốc trị viêm loét dạ dày, tá tràng

  • 16g Khúc khắc, 16g bồ công anh, 12g nghệ vàng, 12g kim ngân, 8g lá độc lực, 8g vỏ bưởi bung.
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

3.10. Bài thuốc trị ho do viêm họng, viêm amidan cấp

  • 12g Khúc khắc, 20g sài đất, 12g sinh địa, 12g cam thảo dây, 12g mạch môn, 12g kim ngân hoa.
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

3.11. Bài thuốc trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên do nhiễm vi khuẩn

  • 12g Khúc khắc, 16g kim ngân hoa, 16g bồ công anh, 12g ké đầu ngựa, 12g xuyên khung, 12g đan sâm, 12g ngưu tất.
  • Sắc uống mỗi ngày 1 thang.

3.12. Bài thuốc trị quai bị

  • 12g Khúc khắc, 20g sài đất, 16g bồ công anh, 12g kinh giới, 12g kim ngân, 10g sài hồ, 8g chỉ xác, 8g cam thảo nam, 6g bạc hà.
  • Sắc những dược liệu trên với lượng nước đến khi cạn còn một nữa.
  • Chia nhỏ bữa uống hết trong ngày, 1 thang/ngày.

4. Lưu ý khi sử dụng cây khúc khắc

Khúc khắc là một vị thuốc quý được sử dụng trong điều trị nhiều bệnh lý khác nhau ở nhiều đối tượng khác nhau. Vì thế, trong quá trình sử dụng cần lưu ý một số vấn đề sau:

  • Người bị dị ứng với thành phần dược lý của khúc khắc, bị can thận âm hư hay bất kì hoạt chất nào có trong loại thuốc này nên cân nhắc khi sử dụng.
  • Phụ nữ mang thai, phụ nữ đang cho con bú cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa trước khi quyết định sử dụng.
  • Nên nới với bác sĩ về các loại thuốc đang điều trị để tránh tương tác thuốc nếu có.
  • Thuốc Khúc khắc kỵ với nước trà vì khi sử dụng chung có thể gây rụng tóc.
  • Trong khúc khắc có chứa hàm lượng chất tannin, hoạt chất gây rối loạn tiêu hóa và kích ứng niêm đường tiêu hoá.
  • Khúc khắc có thể gây lợi tiểu mạnh vì thế không nên sử dụng chung với các loại thuốc điều trị lợi tiểu khác.

Củ khúc khắc là một loại thảo dược khá hiếm và được sử dụng để chữa trị cho nhiều tình trạng bệnh lý khác nhau, trong đó phải kể đến những vấn đề liên quan đến xương khớp. Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả trong việc dùng cây Khúc khắc, bệnh nhân nên liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa, đặc biệt chuyên khoa Y học cổ truyền, để được thăm khám và chỉ định sử dụng phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe