Cây quế chi là một vị thuốc thường được sử dụng trong các bài thuốc dân gian ở nước ta. Tác dụng cây quế chi là điều trị các bệnh do nhiễm phong hàn.
1. Cây quế chi là cây gì?
Cây quế chi hay còn được gọi là quế đơn, quế bì, liễu quế, ... có tên khoa học là Cinnamomum cassia, thuộc họ long não – Lauraceae.
Cây quế chi có nguồn gốc Việt Nam, được phát hiện mọc hoang dại trong các kiểu rừng kín thường xanh nguyên sinh hay tương đối nguyên sinh, ở độ cao trên 500 – 700m.
Đặc điểm của quế chi là ưa sáng, chịu bóng, ưa khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Cây quế chi mọc được trên đất ẩm, mụn và tơi xốp. Cây có bộ rễ khỏe, cắm sâu xuống đất, điều này giúp cây không bị đổ khi có gió bão.
Quế chi là cây thân gỗ, cao từ 10 – 20cm, vỏ thân nhẵn. Lá cây có cuống ngắn, mọc so le và có 3 gân hình cung. Hoa hình chùm sim thường mọc ở nách lá. Mùa hoa nở vào tháng 4 – 7, ra quả vào tháng 10 – 12.
2. Thành phần của cây quế chi
Cây quế chi có hàm lượng tinh dầu là 0,43 – 1,35%, trong đó thành phần chính của tinh dầu quế chi là aldehyd cinnamic, chiếm khoảng 80 – 95%. Ngoài ra còn có acid cinnamic, cinnamil acetae, phenylpropyl acetate, trans-acid cinnamic, coumarin, acid protocatechic...
Theo nghiên cứu, vỏ cây quế chi có chứa β-sitosterol, cholin, acid protocatechuic, acid vanilic, acid syringic. Ngoài ra, quế chi được chỉ ra có chứa nhiều diterpen, là một chất có tác dụng bổ thể được gọi là cinnacassiol. Người ta cũng tìm thấy các dẫn chất của flavonol và nhiều chất thơm khác trong quế chi.
3. Tác dụng cây quế chi
3.1. Theo y học hiện đại
Vị thuốc quế chi chính là những cành quế chi còn được hái và phơi khô để dùng làm vị thuốc. Cần phân biệt quế chi với nhục quế, bột quế để sử dụng đúng cách và hiệu quả.
- Tác dụng của cây quế chi là giãn mạch, cải thiện tuần hoàn máu, giúp ra mồ hôi, giải nhiệt và giảm các triệu chứng của sốt.
- Vỏ cây quế chi tác động lên trung khu cảm giác ở não và nâng cao ngưỡng đau, các dược chất khác làm giãn mạch, giảm các triệu chứng đau đầu, đau bụng.
- Vị thuốc quế chi làm tăng tiết dịch vị, nước bọt và kích thích tiêu hóa.
- Kìm hãm virus và nấm: Nước sắc quế chi có công dụng ức chế sự phát triển và nhân lên của vi nấm và virus cúm. Ngoài ra, cồn quế có tác dụng sát khuẩn với tụ cầu vàng và trực khuẩn thương hàn.
- Tiêu diệt gốc tự do, hạn chế hình thành khối u, chống xơ vữa động mạch là các tác dụng khác của cây quế chi.
3.2. Theo y học cổ truyền
Vị thuốc quế chi có vị ngọt đắng, mùi thơm, tính ấm; có công dụng hoạt huyết, trừ hàn, chỉ thống thông kinh, lợi tiểu, tăng tiết mồ hôi, làm giảm hội chứng ngoại sinh.
Chủ trị: Đau đầu, mất ngủ, đau bụng, kinh nguyệt không đều, đầy bụng, khó tiêu, sát khuẩn trong một số trường hợp.
4. Cách dùng và liều lượng
Cây quế chi thường được sử dụng ở nhiều dạng, kết hợp với các dược liệu khác để sắc nước uống. Liều lượng được khuyến cáo là 3 – 10g / ngày, tùy theo cơ địa và tình trạng bệnh lý mà tăng giảm liều lượng cho phù hợp.
Dưới đây là một số bài thuốc, món ăn chữa bệnh từ cây quế chi:
- Quế chi kết hợp với thược dược, sinh khương, cam thảo, đại táo: Chữa cảm mạo, phong hàn, mạch phù hoàn, ra mồ hôi.
- Quế chi kết hợp thược dược, phục linh, đào nhân, đơn bì chữa ứ huyết, kinh bế đau bụng, thai lưu.
- Quế chi kết hợp xích thược, đào nhân, hải táo, miết giáp, mẫu lệ, hồng hoa, nga truật, nhũ hương, sơn lăng, một dược: Chữa u xơ tử cung, khối u trong bụng.
- Quế chi kết hợp phục linh, cam thảo, bạch truật: Chữa ho hen có đờm, tim đập nhanh, mắt mờ.
- Quế chi kết hợp trư linh, phục linh, trạch tả, bạch truật: Chữa tiểu tiện không thông, phù, báng.
- Quế chi kết hợp chích thảo, bạch thược, sinh khương, đại táo: Tán hàn giải cảm.
- Quế chi kết hợp sinh khương, phụ tử, cam thảo, đại táo: Chữa phong thấp, sưng đau các khớp.
- Quế chi kết hợp cam thảo, cát căn, phòng phong, thăng ma, đạm đậu xị, xích thược, sinh khương: Trị đậu chẩn, giải tán hàn tà.
- Quế chi kết hợp cát căn, thược dược, ma hoàng, sinh khương, đại táo, cam thảo.
- Cháo quế chi phòng phong ý dĩ: Dùng cho người bị viêm đau các khớp.
- Gà giò hầm quế chi tiểu hồi: Tốt cho phụ nữ viêm tử cung buồng trứng.
- Quế chi kết hợp thục địa, phụ tử, ngô thù du, quy thân, xuyên khung, bạch thược, diên hồ sách, trần bì, phục linh, can khương, mẫu đơn bì, ngải diệp: chữa đa nang buồng trứng.
- Quế chi kết hợp phục linh, cam thảo, bạch truật, phụ tử chế, can khương, cam thảo, bạch truật, phụ tử chế, can khương, đại giả thạch, bạch thược, đương quy, long cốt, mẫu lệ, mạch môn, thái tử sâm, ngũ vị tửu, tô tử, trầm hương: chữa tâm thận dương hư do mệnh môn hỏa hư.
- Quế chi kết hợp cam thảo, chỉ xá, mộc thông, ngô thù du, đào nhân, hồng hoa, dương quy, đại táo, sinh khương, tế tân, sài hồ, bạch thược, ngưu tất: Chữa viêm mào tinh hoàn.
- Quế chi kết hợp ma hoàng, thục địa, bạch giới, lộc giác giao, gừng nướng, cam thảo: Chữa viêm khớp.
- Quế chi kết hợp phục linh, bạch truật, trạch tả, ngư linh, đảng sâm, phụ tử, ô dược: Chữa bí tiểu.
- Quế chi kết hợp thiên niên kiện, cỏ xước, xấu hổ, đơn hoa, thổ phục linh, độc hoạt, rễ cúc tần, hà thủ ô chế, tục đoạn: Chữa phong thấp thể hàn thấp.
- Quế chi kết hợp thiên niên kiện, thổ phục linh, ngải diệp, trinh nữ, kinh giới, cẩu tích, ngũ gia bì: Chữa đau mỏi khi thay đổi thời tiết.
- Quế chi kết hợp nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, đương quy, ngũ gia bì, thiên niên kiện, phụ tử chế, chích thảo, sinh khương, ngũ vị, đại táo: Trị cảm lạnh, nhiễm phong hàn.
- Quế chi kết hợp xuyên khung, bạch thược, ngưu tất, ba kích, thục địa, tiểu hồi hương, hoàng kỳ, kỷ tử, đương quy, ngải diệp, gừng nướng: Điều hòa kinh nguyệt.
- Quế chi kết hợp chích cam thảo, ngải diệp, cẩu tích, bạch thược, nam tục đoạn, thục địa, rễ bưởi bung, thiên niên kiện, đương quy, phòng phong, xuyên khung, trinh nữ, kinh giới, rễ cúc tần, rễ lá lốt: Chữa đau dây thần kinh tọa thể phong thấp.
- Tôm càng xanh nấu sài hồ quế chi: Tác dụng bảo vệ can, ôn kinh tán hàn, điều hòa tuần hoàn máu, thông dương hoạt lạc; thường dùng khi đau buốt dương vật trong quá trình giao hợp, chân tay lạnh.
- Quế chi kết hợp quả hồng táo, can khương: Chữa ngứa da ở người lớn tuổi.
- Quế chi kết hợp bổ cốt chỉ, thỏ ty tử, phục linh, đảng sâm, ích trí nhân, cửu tử, phụ tử, bạch truật, ba kích, thục địa, sa nhân: Chữa tiểu không kìm được.
- Quế chi kết hợp trúc nhự, bạch giới, quả lâu vỏ, diêm thất bột, cam thảo, pháp bán hạ, chỉ xá, đan sâm, xuyên khung, đế hương: Chữa thấp tim tiến triển.
- Quế chi kết hợp nhục quế, cam thảo: Chữa huyết áp thấp.
- Quế chi kết hợp đại táo, chích thảo, sinh khương, đảng sâm, bạch truật, bạch linh, đương quy, hoàng kỳ, bạch thược, chỉ thược, trần bì, mộc hương, sa nhân: Chữa huyết áp thấp.
- Quế chi kết hợp bạch truật, nhân sâm, ngũ gia bì, hà thủ ô, đinh lăng, cam thảo, hậu phác, trần bì, chích thảo, ngũ vị tử, thần khúc, thiên niên kiện, can khương, đại táo: Chữa tỳ hư.
- Quế chi kết hợp thiên niên kiện, ngũ gia bì, cam thảo, trần bì, đại táo, bạch truật, hoài sơn, liên nhục, phòng sâm, bán hạ, hậu phác, sa sâm, sa nhân, sinh khương: Chữa tỳ hư.
- Quế chi kết hợp ngải diệp khô, hoài sơn, tất bản, liên nhục, phòng sâm, hoàng kỳ, bạch truật, ngũ vị, sinh khương, phụ tử, lá đắng, sa nhân, thần khúc, trần bì, đại táo, cam thảo: Chữa tỳ hư.
- Quế chi kết hợp sinh khương, thiên niên kiện, bạch truật, trần bì, lương khương, cam thảo, ngũ vị, phòng sâm, đại táo, hậu phác ngâm với 2 lít rượu đắng: Chữa tỳ hư.
5. Một số lưu ý khi sử dụng cây quế chi
Mặc dù có tác dụng chữa bệnh tốt, tuy nhiên không nên sử dụng vị thuốc quế chi trong các trường hợp sau:
- Phụ nữ có thai
- Âm hư dương thịnh
- Kinh nguyệt ra nhiều
Sử dụng cây quế chi không đúng cách có thể dẫn đến các phản ứng không mong muốn. Vì vậy hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng cây quế chi cho bất kỳ mục đích nào.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.