Bài viết được tham vấn chuyên môn cùng các Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Tã vải cho trẻ em là vật dụng đã xuất hiện từ lâu và rất quen thuộc. Qua thời gian, tã vải ngày nay dần được cải tiến, giúp việc sử dụng và giặt sạch trở nên dễ dàng hơn. Sau đây là hướng dẫn chọn tã vải hiện đại cho các gia đình sắp chào đón thành viên nhỏ.
1. Hướng dẫn lựa chọn tã vải
1.1. Vỏ tã và lớp lót bên trong
Vỏ tã có nhiều hình dạng, kích cỡ và màu sắc khác nhau. Các kiểu đóng tã cũng rất đa dạng, bao gồm nút bấm, băng gai dính, hay chỉ đơn giản là kéo lên như mặc quần. Vỏ tã thường được làm bằng len, nỉ hoặc vải không thấm nước PUL (polyurethane laminate).
Bên trong vỏ tã có thể là lớp vải lót phẳng, gấp tự do hoặc gấp theo đường viền có sẵn. Cụ thể:
- Tã gấp tự do là một miếng vải hình chữ nhật với phần giữa dày, có đệm. Loại này cần gấp lại trước khi lót cho bé.
- Tã phẳng là một miếng vải vuông lớn, có độ dày đồng đều nhau.
- Tã đường viền khi mở ra có hình dạng như một chiếc đồng hồ cát, được đóng lại bằng nút bóp, thun hoặc ghim tích hợp.
- Tã quần có thiết kế giống với tã giấy dùng một lần, nhưng phải cần lớp vỏ hoặc quần bên ngoài. Loại tã này cũng có hình dạng như một chiếc đồng hồ cát, có dây thun quanh chân và thắt lưng, được cố định bằng nút hoặc quai tích hợp.
Hầu hết các loại tã vải có vỏ riêng biệt cần được bảo vệ bằng ghim tã hoặc dây buộc. Những dụng cụ hỗ trợ này giúp giữ cho em bé an toàn và thoải mái, cũng như tránh cho vỏ tã khỏi bị bẩn.
1.2. Tã "All in One"
Tã này bao gồm một lớp bên ngoài không thấm nước, một quần nỉ siêu thấm nước và một lớp lót bên trong. Tã được đóng chặt bằng nút bấm, quai gài hoặc thun co giãn quanh chân và thắt lưng, tương tự như tã dùng một lần.
Tã "All in One" có hai dạng:
- Tất cả các phần được khâu lại với nhau thành một chiếc tã hoàn chỉnh, không thể tách rời
- Các lớp được tách ra từng phần, kết lại bằng nút bấm, để khi giặt phơi sẽ khô nhanh hơn.
Loại tã này sẽ được sử dụng một lần, khi bẩn mang đi giặt sạch, phơi khô và sau đó tái sử dụng.
1.3. Tã "All in Two"
Bao gồm lớp vỏ chống thấm nước bên ngoài và một miếng lót được đặt vào giữa tã và da của bé. Một vài loại sẽ gắn lớp lót với tã quần bên ngoài bằng nút bấm hoặc băng gai dính, số khác nhét lớp lót vào vị trí được may sẵn trên vỏ tã.
Vỏ tã có thun đàn hồi quanh chân và thắt lưng, được cố định nút bấm hoặc quai gài. Các lớp lót được làm bằng vật liệu thấm hút tốt, đôi khi còn phủ một lớp vải khô để tạo sự thoải mái cho bé. Cũng có một số tã vải kiểu này nhưng lại sử dụng miếng lót sơ sinh bằng bông dùng một lần.
Khi bé cần thay tã, bạn có thể đổi miếng lót ra và giữ nguyên vỏ. Chỉ khi nào vỏ cũng bị bẩn thì bạn mới cần thay cả hai.
1.4. Tã có túi
Một chiếc tã có túi bao gồm lớp ngoài không thấm nước và lớp vải bên trong có túi mở. Mẹ sẽ nhét miếng lót vào túi trước khi mặc và sau đó lấy ra để giặt. Độ thấm hút của tã túi có thể được điều chỉnh bằng cách sử dụng nhiều hoặc ít các miếng lót sơ sinh.
Lớp vải bên trong thường được làm bằng chất liệu khô thoáng để giữ cho bé thoải mái. Tã túi có thun đàn hồi quanh chân và thắt lưng, được đóng bằng nút bấm hoặc quai cài.
Bởi vì cả miếng lót và chiếc tã đều sẽ bị bẩn khi bé đi tiểu hoặc ị, tã túi được sử dụng một lần, sau đó giặt sạch. Khi tháo tã bẩn của bé, bạn nên rút miếng lót ra trước khi bỏ vào thùng. Bằng cách này, vào ngày giặt tã bạn sẽ không cần phải mất thời gian tháo từng chiếc.
1.5. Tã chéo
Trong số những lựa chọn tã vải phổ biến hiện nay, tã chéo là sản phẩm thân thiện với bé, tiện dụng và tiết kiệm. Tã chéo còn gọi là tã tam giác, được dùng với miếng lót sơ sinh, thích hợp với bé mới sinh còn quấn trong khăn, chỉ nằm yên không có nhu cầu hoạt động nhiều, lượng chất thải ít và lắt nhắt.
Chọn vải may tã chéo nên đảm bảo cotton cao cấp, mềm mại, co giãn và thấm hút tốt, khi giặt phơi mau khô. Chọn vải may tã chéo làm từ chất liệu tự nhiên sẽ an toàn với làn da nhạy cảm và mỏng manh của trẻ, tránh được hăm tã, viêm da hay tã có mùi khó chịu.
Xem thêm: Hăm tã ở trẻ em: Nguyên nhân, hướng dẫn xử trí
Tã chéo rất tiết kiệm, dùng được nhiều lần mà giá lại rẻ hơn các loại khác. Một ưu điểm nữa của tã chéo là thay đổi dễ dàng và nhanh chóng, giúp mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hoặc làm việc khác. Tã chéo chủ yếu được ưa chuộng trong mùa hè, mẹ cần lưu ý giữ ấm thêm cho con vào mùa đông. Nếu bé đạp chân thì tã chéo có thể bị tuột, đây cũng là một bất tiện khi chọn tã vải tam giác cho con.
Video đề xuất:
Hướng dẫn quấn ổ cho trẻ sơ sinh
2. Những món cần bổ sung khi dùng tã vải
2.1. Lớp lót
Dù chọn tã vải loại nào, bạn vẫn nên dự trữ một số vải lót để tăng thấm chất thải và hút ẩm, giúp bé thoải mái. Lớp lót thường được làm bằng giấy, nỉ hoặc các loại vải khác.
Chức năng khác của lớp lót là hạn chế kem bôi da cho trẻ dính lem vào tã. Vải lót có dính kem bôi cần được giặt riêng với tã để tránh làm giảm độ thấm hút. Nếu chọn lớp lót có thể tan trong bồn cầu, bạn sẽ xử lý phân dễ dàng hơn bằng cách vứt cả lớp lót xuống bồn cầu và ấn nút xả nhanh chóng.
2.2. Miếng hút ẩm
Miếng hút ẩm giúp tã tăng khả năng hấp thụ chất lỏng, đôi khi còn được phủ một lớp vải khô để giữ cho bé thoải mái. Những loại tã được liệt kê ở trên thường bao gồm cả miếng hút ẩm. Nếu không có, mẹ nên bổ sung cho bé để cải thiện độ thấm hút của tã. Miếng hút ẩm sẽ được làm bằng vật liệu thấm nước, chẳng hạn như vải thun vảy cá (bông terry), vải sợi tre, vải gai dầu hoặc bông cotton.
2.3. Vải lau hoặc khăn giấy dùng một lần
Khăn giấy và vải lau dùng một lần được bày bán rộng rãi trên thị trường, có đầy đủ các phiên bản tan trong bồn cầu và phân hủy sinh học. Ngoài ra, khăn xô dành cho em bé cũng có thể được sử dụng. Cách dùng rất đơn giản, bạn chỉ cần làm ướt miếng vải bằng nước ấm hoặc hỗn hợp tự pha - bao gồm nước, một ít xà phòng lỏng, và đôi khi thêm 1 - 2 giọt tinh dầu.
2.4. Thùng chứa tã bẩn
Thùng tã có nhiều kích cỡ và hình dạng. Nếu muốn, bạn thậm chí có thể sử dụng một thùng rác thông thường.
Thùng tã được thiết kế với một lớp lót đặc biệt hoặc một túi rác nhựa dùng một lần chống thấm chất thải, một số loại khác có thể giặt cùng với tã. Đảm bảo sử dụng thùng có nắp đậy, đặc biệt nếu bạn có trẻ em hoặc vật nuôi trong nhà.
Nắp đậy của thùng tã có loại cảm ứng, nắp đậy xoay, đóng mở bằng bàn đạp chân hoặc dùng remote. Nắp vòm giúp không khí lưu thông trong thùng và làm giảm phần nào mùi hôi. Thậm chí một số thùng tã hiện đại còn lắp thêm cả bộ lọc không khí để giảm mùi.
Lưu ý, nếu có thói quen cho tã lót bẩn vào thùng chứa đầy nước, bạn không cần dùng một lớp lót dưới thùng. Nên chọn một cái thùng nhỏ, chắc chắn, có tay cầm và vòi. Cần đặt thùng ở nơi an toàn, tránh khỏi tầm với của trẻ nhỏ và vật nuôi.
2.5. Túi không thấm nước
Những chiếc túi không thấm nước này là lựa chọn thay thế cho thùng tã, được treo trên tay nắm cửa hoặc móc, dùng để chứa tã vải bẩn, vỏ tã, khăn lau hoặc quần áo. Túi không thấm nước có nhiều hình dạng và kích cỡ, loại lớn đặt trong nhà và loại nhỏ mang theo khi ra ngoài.
2.6. Vòi xịt nước
Vòi xịt nước được sử dụng để rửa sạch phân trong tã, được lắp vào đường cấp nước của nhà vệ sinh và treo ở bên cạnh bồn cầu. Mặc dù không thực sự cần thiết, nhưng vòi xịt giúp việc rửa tã dễ dàng hơn. Nếu không, bạn phải vung tã bẩn vào bồn cầu sạch và tiếp xúc nhiều hơn với toilet. Khi đến lúc xả phân trong tã, chỉ cần lấy vòi ra và xịt. Ngoài ra, vòi xịt cũng có thể được sử dụng để rửa bô đi vệ sinh của trẻ.
Với sự ra đời và phát triển của tã giấy dùng một lần siêu tiện lợi, nhiều gia đình cũng băn khoăn về việc có nên dùng tã vải cho bé. Thực tế, sử dụng tã vải là một lựa chọn tiết kiệm, thân thiện với môi trường và góp phần tránh được hăm tã.
Trường hợp bé bị hăm tã và mẹ đã áp dụng cách chăm sóc khi trẻ bị hăm nhưng tình trạng không cải thiện, lúc này mẹ cần đưa bé đến khám bác sĩ chuyên khoa Nhi để được tư vấn, hướng dẫn chăm sóc bé đúng cách và kê thuốc bôi hăm phù hợp với da trẻ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Nguồn tham khảo: babycenter.com