Bệnh suy tĩnh mạch mãn tính là một nguyên nhân gây tử vong mà ít người biết đến. Khi biến chứng nặng, máu có nguy cơ ứ trọng trong lòng tĩnh mạch để hình thành các cục máu đông, trôi về tim gây thuyên tắc động mạch phổi có thể gây tử vong. Hãy cùng tìm hiểu những thông tin liên quan đến suy tĩnh mạch mãn tính để giúp người bệnh hạn chế các biến chứng có thể xảy ra.
1. Suy tĩnh mạch mạn tính là bệnh gì?
Suy tĩnh mạch mãn tính là tình trạng bệnh xảy ra khi các tĩnh mạch giảm khả năng dẫn máu trở về tim do suy giảm các chức năng của các van tĩnh mạch thuộc hệ tĩnh mạch nông và/hoặc tĩnh mạch sâu.
Bệnh thường gặp ở chi dưới, xảy ra khoảng 10 đến 35% người lớn. Bệnh thường tiến triển chậm, không rầm rộ, ít nguy hiểm đến tính mạng nhưng lại gây trở ngại nhiều cho sinh hoạt và công việc hàng ngày, người bệnh thường phải điều trị lâu dài và tốn kém chi phí điều trị, đặc biệt khi ở giai đoạn muộn đã có biến chứng nghiêm trọng.
2. Nguyên nhân suy tĩnh mạch mạn tính
Nguyên nhân của bệnh suy tĩnh mạch mạn tính đến nay vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, dựa trên kinh nghiệm lâm sàng cũng đã xác định bệnh này có liên quan đến một số yếu tố gây nguy cơ suy giãn tĩnh mạch được gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Các van này bị tổn thương là do một số yếu tố như:
- Người lớn tuổi (trên 50 tuổi) thường suy giảm mức độ đàn hồi của các thành mạch.
- Có yếu tố gia đình, tiền sử gia đình có người bị suy giãn tĩnh mạch.
- Do làm việc phải đứng hoặc ngồi nhiều, ít vận động.
- Thừa cân, béo phì.
- Mang áo quần quá chật.
- Thường xuyên đi giày cao gót.
- Phụ nữ mang thai nhiều lần, tăng cân nhiều khi mang thai và sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài.
- Bệnh gặp phổ biến ở nữ giới gấp 3 lần so với nam giới.
3. Triệu chứng suy tĩnh mạch mãn tính
Một số triệu chứng thường gặp khi người bệnh mắc suy giãn tĩnh mạch như: Giãn các tĩnh mạch, ngứa, tăng sắc tố ở da, phù bạch huyết do viêm tĩnh mạch, phù mãn tính chân và mắt cá chân, các ổ loét tĩnh mạch ở chân, đau khi đứng và đỡ đau hơn khi nâng cao chân, có các cơn chuột rút, đau, nhói, cảm giác nặng hai chân, chân yếu, da chân hay mắt cá chân dày, da đổi màu, nhất là quanh mắt cá, cảm giác bó chặt ở bắp chân, tĩnh mạch nổi hẳn lên có thể nhìn rõ bằng mắt thường...
4. Biến chứng của suy giãn tĩnh mạch
Suy giãn tĩnh mạch không gây nguy hiểm đến tính mạng, chủ yếu gây ra tình trạng khó chịu, đau đớn, mất thẩm mỹ và cản trở sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Tuy nhiên, những biến chứng trên là hậu quả của quá trình hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch. Các cục máu đông này có nguy cơ gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch ở những vị trí khác trong cơ thể. Nguy hiểm nhất khi các cục máu đông này di chuyển đến phổi gây tắc mạch phổi, từ đó có thể dẫn đến hậu quả của suy hô hấp và nguy cơ tử vong rất cao.
Có ba biến chứng mà người bệnh mắc suy giãn tĩnh mạch chân có thể gặp phải nếu không tuân thủ điều trị đúng chỉ định của bác sĩ điều trị bao gồm:
- Huyết khối (cục máu đông).
- Xuất huyết (chảy máu).
- Loét chân, đây là biến chứng rất khó điều trị.
5. Điều trị suy tĩnh mạch mãn tính
Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị nhằm kiểm soát hay chặn đứng sự trào ngược, loại bỏ nguy cơ trào ngược dòng máu từ các tĩnh mạch nhánh và từ các mạch nối của hệ thống tĩnh mạch, cuối cùng là ngăn ngừa sự tràn ngập mô kẽ do dịch thấm ra từ các vi quản.
- Để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun, chỉnh hình các trường hợp có dị tật ở chân, tránh béo phì, tập hít thở sâu, chế độ ăn nhiều chất xơ để tránh táo bón,...
- Băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu thông qua hệ thống xuyên của tĩnh mạch, giảm đường kính của lòng tĩnh mạch với mục đích làm tăng khả năng vận chuyển khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức.
- Điều trị phương pháp nội khoa bằng cách dùng các thuốc có tác dụng làm bền thành mạch của tĩnh mạch như Daflon, Rutin C, Veinamitol,...
- Điều trị không dùng nhiệt, không gây tê bao gồm can thiệp hóa cơ học và tiêm xơ. Phương pháp can thiệp hóa cơ học là dùng dụng cụ ClariVein với ống thông có sợi dây thò ra ở đầu ống quay với tốc độ lớn làm tổn thương nội mạch bằng cơ học và gây co thắt lòng tĩnh mạch khi rút ống thông đồng thời với bơm thuốc gây xơ liên tục. Phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ bằng cách dùng các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.
- Phẫu thuật với hai phương pháp chính: Phương pháp Stripping cho phép rút các tĩnh mạch suy và thắt quai tĩnh mạch và phương pháp Phlebectomy lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn, đây là phương pháp điều trị khá triệt để và có tỷ lệ tái phát thấp nhất nên được người bệnh lựa chọn phổ biến.
- Điều trị bằng phương pháp dùng nhiệt bao gồm hai phương pháp đó là dùng sóng với tần số cao và dùng laser chiếu nội tĩnh mạch.
- Hiện nay, người ta còn áp dụng phương pháp đóng tĩnh mạch bằng kéo sinh học gây dính là phương pháp điều trị không dùng nhiệt, không gây tê, không tiêm xơ. Ưu điểm của phương pháp này là mức độ an toàn và hiệu quả cao, không cần thực hiện băng ép sau khi kết thúc ca thủ thuật, không để lại sẹo hay sạm da do nhiệt, người bệnh cảm nhận ít đau đớn hơn so với các phương pháp can thiệp và phẫu thuật khác.
Để điều trị một bệnh lý mạn tính, thành công của việc điều trị phụ thuộc vào nhiều khía cạnh liên quan. Trong đó quan trọng nhất ngoài việc chẩn đoán chính xác, điều trị hiệu quả mà còn phụ thuộc vào mức độ hiểu biết của bệnh nhân về tình trạng bệnh tật và mức độ tuân thủ phương pháp điều trị cũng như các vấn đề phòng ngừa bệnh tái phát.
Tỷ lệ tái phát của bệnh suy giãn tĩnh mạch là khá cao, có thể lên đến 30%. Nguyên nhân chủ yếu là do:
- Bệnh nhân không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong quá trình điều trị như việc không sử dụng thuốc đúng thời gian quy định.
- Người bệnh không chịu đeo vớ thun chuyên dụng cho bệnh suy giãn tĩnh mạch vì tạo cảm giác khó chịu, vướng víu khi sinh hoạt hàng ngày
- Không có chế độ làm việc khoa học và chế độ ăn uống giàu chất xơ ít chất tinh bột làm tăng nguy cơ béo phì.
- Không tham gia các hoạt động thể dục thể thao thường xuyên để giảm cân và tăng tuần hoàn lưu thông máu được tốt.
6. Cách phòng ngừa bệnh suy tĩnh mạch
Suy tĩnh mạch là một bệnh lý mang tính xã hội, bệnh chịu ảnh hưởng nhiều đến chế độ ăn uống và làm việc hàng ngày của người bệnh. Vì vậy, khuyến cáo chung để phòng ngừa bệnh này là thói quen nên tránh đứng lâu, ngồi nhiều nhất là các đối tượng nhân viên văn phòng, công nhân, không nên ngồi làm việc một chỗ liên tục trong suốt buổi làm việc, tranh thủ giải lao vài phút trong khoảng thời gian làm việc từ 30 đến 60 phút. Trong lúc làm việc, có thể phối hợp các bài tập vận động chân để máu lưu thông tốt. Ăn nhiều rau quả, chất xơ, vitamin. Nên tập thể dục thường xuyên để giảm cân như đi bộ với tốc độ nhanh, bơi lội, đi xe đạp, tập dưỡng sinh.
Để làm chậm tiến triển của bệnh, cần loại các thói quen có hại trong sinh hoạt hàng ngày. Nếu bệnh ở mức độ nhẹ, có thể được điều trị can thiệp nhằm làm giảm các triệu chứng cho người bệnh bằng cách dùng các thuốc tăng trương lực tĩnh mạch, phối hợp với mang vớ thun đặc biệt chuyên dùng cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch nhằm mục đích tạo áp lực lên thành tĩnh mạch ngăn máu chảy ngược lại.
Nếu tình trạng bệnh đã ở giai đoạn nặng gây đau nhiều cho bệnh nhân, các tĩnh mạch nổi rõ nhiều búi mạch, có thể phải cần điều trị bằng phương pháp phẫu thuật lấy bỏ bớt một vài tĩnh mạch ở chân.
Trên đây là một số thông tin cơ bản liên quan đến bệnh suy tĩnh mạch mạn tính. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh nhằm giúp người bệnh được chẩn đoán và điều trị sớm, làm giảm khả năng xảy ra các nguy cơ bệnh diễn biến nặng, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.