Suy giãn tĩnh mạch chi dưới: khi nào cần điều trị

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý thể hiện tình trạng suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến việc máu ứ đọng gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng mô xung quanh. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng khó chữa làm giảm chất lượng cuộc sống, vì vậy cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời.

1. Nguyên nhân gây bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Nguyên nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới hiện tại chưa được xác định rõ ràng, tuy nhiên có thể kể đến một số yếu tố nguy cơ gây ra tổn thương chức năng van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Khi các van này bị suy yếu sẽ làm giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới dẫn đến ứ máu ở hai chân.

Ngoài ra, một số yếu tố khác có thể gây suy giãn tĩnh mạch chi dưới gồm:

  • Tư thế sinh hoạt: Khi làm việc phải đứng hay ngồi ở một chỗ lâu, ít vận động, hay phải mang vác nặng. Có thể kể đến một số ngành nghề như bán hàng, thợ dệt, may, chế biến thủy, hải sản, giáo viên...
  • Môi trường làm việc: Đứng nhiều trong môi trường ẩm thấp
  • Phụ nữ mang thai nhiều lần
  • Người béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn
  • Quá trình thoái hóa do tuổi già
  • Dùng giày không thích hợp (ở nữ giới)

2. Triệu chứng của suy giãn tĩnh mạch chi dưới


Các giai đoạn suy giãn tĩnh mạch chân
Các giai đoạn suy giãn tĩnh mạch chân

2.1.Giai đoạn đầu

Bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới giai đoạn đầu triệu chứng nhẹ và thoáng qua, mất đi khi nghỉ ngơi nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua, gồm:

  • Đau chân, nặng chân, cảm thấy mang giày dép chật hơn bình thường
  • Mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu hoặc ngồi nhiều
  • Chuột rút vào ban đêm, cảm giác như bị kim châm ở vùng chân
  • Nổi nhiều mạch máu nhỏ li ti

2.2. Giai đoạn tiến triển

Giai đoạn tiến triển bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới, người bệnh có triệu chứng gồm:

  • Phù chân, có thể phù mắt cả hay bàn chân
  • Vùng cẳng chân xuất hiện thay đổi màu sắc da
  • Các tĩnh mạch trương phồng gây ra cảm giác nặng, đau nhức chân, không mất đi khi nghỉ ngơi.
  • Nếu nặng hơn, các búi tĩnh mạch có thể nổi rõ trên da, xuất hiện các mảng bầm máu trên da

2.3. Giai đoạn biến chứng

  • Viêm tĩnh mạch nông huyết khối, lâu dần sẽ gây ra thuyên tắc tĩnh mạch sâu đoạn gần, đoạn xa và thuyên tắc phổi.
  • Giãn vỡ tĩnh mạch gây ra chảy máu nặng
  • Nhiễm khuẩn vết loét

3. Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới khi nào?


Bài tập điều trị phục hồi chức năng suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới
Bài tập điều trị phục hồi chức năng suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới

Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng khó chữa làm giảm chất lượng cuộc sống, vì vậy cần phải được phát hiện và điều trị kịp thời dù cho ở bất kỳ giai đoạn nào.

3.1.Điều trị nội khoa

Có thể điều trị nội khoa bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng:

  • Để chân cao khi nằm nghỉ
  • Tập cơ mạnh hơn
  • Tránh đứng hay ngồi lâu
  • Mang tất thun hay quấn chân bằng băng thun
  • Đối với các dị tật: Sửa lại vị trí bàn chân
  • Tránh béo phì, chế độ ăn nhiều chất xơ, tránh hít thở sâu
  • Sử dụng băng chun, tất điều trị để băng ép hai chân
  • Sử dụng thuốc làm bền thành mạch như daflon, rutin C...
  • Có thể tiêm gây xơ tại chỗ để làm xơ hóa lòng mạch máu

3.2. Điều trị can thiệp

  • Làm lạnh với nitơ lỏng âm 90°C: Làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông.Phương pháp này có tỷ lệ tái phát 30%.
  • Xơ tắc mạch bằng sóng cao tần (RFA): Hủy mô bằng nhiệt do sự ma sát của các ion trong mô dưới tác động của dòng điện xoay chiều. Phương pháp này sẽ loại bỏ dòng máu trào ngược trong tĩnh mạch hiển lớn, được chỉ định thực hiện cho những bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới độ 2 theo phân độ CEAP hoặc những bệnh nhân đã điều trị nội khoa tích cực bằng thuốc và mang tất áp lực hơn 1 tháng nhưng không thuyên giảm triệu chứng hoặc không cải thiện điểm độ nặng lâm sàng, siêu âm có dòng trào ngược trong hệ tĩnh mạch.
  • Phẫu thuật Stripping và Chivas: Phẫu thuật Stripping là phương pháp dùng dụng cụ chuyên biệt để lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn. Phẫu thuật Chivas là phương pháp lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên. Đây phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới triệt để và tỉ lệ tái phát thấp

4. Phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch dưới


Chế độ ăn nhiều chất xơ, ít muối để tăng tính bền thành mạch giúp phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch dưới
Chế độ ăn nhiều chất xơ, ít muối để tăng tính bền thành mạch giúp phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch dưới

Mọi người có thể phòng bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng cách:

  • Cải thiện điều kiện lao động, tăng cường công tác an toàn vệ sinh lao động: Bố trí thời gian nghỉ giữa giờ để người lao động tự vận động, xoa bóp chân, thư giãn cơ thể, mang phương tiện bảo hộ lao động thường xuyên, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện bệnh sớm.
  • Nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh cho người lao động
  • Chế độ ăn ít muối, nhiều chất xơ, rau quả để tăng tính bền thành mạch
  • Thường xuyên vận động, tránh ngồi hoặc đứng quá lâu
  • Tránh đi giày cao gót, không mặc quần áo bó chặt

Nếu có các triệu chứng đau, chuột rút, phù chi dưới, giảm khi gác cao chân và xuất hiện giãn tĩnh mạch...cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe