Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Cao Thanh Tâm - Bác sĩ Nội tim mạch - Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.
Bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới trên thế giới chiếm một tỉ lệ đáng kể mà trong đó nữ chiếm 70%. Tuy bệnh có thể ít nguy hiểm nhưng có thể gây ra triệu chứng bó chặt ở bắp chân, nặng và mỏi chân, chuột rút về đêm, cảm giác kiến bò, lở loét, thậm chí nhiễm trùng vùng mô mềm gần mắt cá chân.
1. Bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới
Suy van tĩnh mạch chi dưới có thể xảy ra ở bất kỳ tĩnh mạch nào trên cơ thể nhưng phần lớn các trường hợp mắc phải đều xảy ra ở chi dưới do hệ thống tĩnh mạch chi dưới dài hơn, phức tạp và nhất là chịu ảnh hưởng của trọng lực khi phải đứng nhiều.
Bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới hay còn gọi là suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay suy giãn tĩnh mạch chân là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh làm nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, vọp bẻ, chuột rút vào ban đêm... hoặc chàm da, loét chân không lành đặc biệt là hay gặp ở người già, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...
2. Nguyên nhân bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới
Nguyên nhân của bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới liên quan đến một số yếu tố nguy cơ suy giãn tĩnh mạch chân gây ra do tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên do tuổi tác, thường gặp ở người lớn tuổi hoặc do tư thế sinh hoạt hay làm việc phải đứng hay ngồi một chỗ lâu, ít vận động, phải mang vác nặng, những người béo phì, chế độ ăn ít chất xơ và vitamin... tạo điều kiện cho máu bị dồn xuống hai chân làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch ở chân và lâu ngày sẽ gây tổn thương các van tĩnh mạch một chiều. Khi các van này bị suy yếu sẽ giảm khả năng ngăn chặn luồng máu chảy ngược xuống dưới do tác dụng của trọng lực làm ứ máu ở hai chân.
3. Diễn biến bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới ở giai đoạn đầu cũng thường không rõ ràng, mờ nhạt và thoáng qua nên người bệnh ít chú ý và dễ bỏ qua như nặng, đau 2 chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, vọp bẻ, chuột rút vào buổi tối, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.
Giai đoạn tiến triển bệnh sẽ gây phù chân, phù ở mắt cá hay bàn chân làm người bệnh có cảm giác mang giày dép chật hơn bình thường. Vùng cẳng chân cũng xuất hiện chàm da, thay đổi màu sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày làm rối loạn biến dưỡng. Các tĩnh mạch trương phồng lên hoặc có thể thấy các búi tĩnh mạch nổi rõ và các mảng bầm máu trên da
Gây loét da cẳng chân ban đầu có thể tự lành, sau đó bệnh tiếp tục tiến triển có nguy cơ nhiễm trùng, điều trị rất phức tạp. Ngoài các dấu hiệu trên, những tĩnh mạch nông dưới da ở cẳng chân và đùi ban đầu chỉ nổi li ti sau đó giãn to ngoằn ngoèo có khi hơn 10mm, nhất là ở cổ chân và bàn chân.
Nhìn chung, biểu hiện lâm sàng của bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch chi dưới có thể thay đổi và nhiều bệnh nhân có thể không có hay biểu hiện rất ít. Nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới do chịu ảnh hưởng của nội tiết và thường nặng lên khi về đêm, đặc biệt là sau khi đứng lâu.
Suy giãn tĩnh mạch chi dưới không nguy hiểm đến tính mạng nhưng gây khó chịu, đau đớn và mất thẩm mỹ, cản trở sinh hoạt. Tuy nhiên biến chứng của bệnh này là sự hình thành các cục máu đông trong lòng tĩnh mạch gây tắc mạch máu tại chỗ hoặc di chuyển theo dòng máu và gây tắc mạch chỗ khác, trong đó nguy hiểm nhất là tắc mạch phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Hầu như các bệnh nhân không biết mình mắc bệnh và ngại đi khám, không điều trị hoặc điều trị không đúng cũng dẫn đến những hậu quả rất khó lường, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Có ba biến chứng mà người mắc bệnh suy và giãn tĩnh mạch chân gặp phải là huyết khối (máu đông), xuất huyết (chảy máu) và loét chân nếu không được điều trị đúng cách.
Các tĩnh mạch giãn to không được lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Cục máu đông trong lòng mạch có thể bong ra theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao. Các tĩnh mạch giãn to dần đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ làm xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày bị ứ đọng sẽ dẫn đến chàm da, tăng sắc tố da và loét chân rất khó điều trị.
4. Điều trị bệnh suy van tĩnh mạch chi dưới
Người bệnh được chỉ định siêu âm doppler mạch máu để có những chẩn đoán chính xác cũng như được bác sĩ tư vấn cụ thể hơn về cách điều trị. Siêu âm Doppler mạch máu là phương pháp tầm soát bệnh không xâm nhập, không gây độc hại giúp phát hiện bệnh tối ưu nhất với độ nhạy và độ chính xác cao từ 95 – 99%.Điều trị nội khoa: Mang vớ tĩnh mạch + thuốc.Phẫu thuật: Phẫu thuật stripping cắt bỏ tĩnh mạch bị tổn thương hoặc phẫu thuật Muller hay phẫu thuật nội soi qua da.Can thiệp nội mạch: Chích xơ, đốt laser nội tĩnh mạch. Hai phương pháp này có nhiều ưu điểm vượt trội như: tính thẩm mỹ cao, không để lại sẹo, thời gian phục hồi nhanh, không đau và người bệnh có thể đi lại bình thường ngay sau khi làm thủ thuật.
- Chích xơ: Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây xơ hóa vào vùng mạch máu bị tổn thương. Bệnh nhân sẽ được chích xơ nhiều lần cho đến khi không còn hiện tượng giãn tĩnh mạch. Đây là phương pháp điều trị hiệu quả với những mạng lưới tĩnh mạch nông dưới da.
- Đốt laser nội tĩnh mạch: Với nguyên lý dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm xẹp tĩnh mạch, bác sĩ sẽ luồn sợi laser vào lòng tĩnh mạch bị giãn. Sau khi bật nguồn, tia laser được chiếu vào vị trí cần can thiệp và kéo từ từ ra khiến hai thành tĩnh mạch dính liền với nhau. Song song đó, quá trình gây tê kết hợp bơm nước xung quanh tĩnh mạch sẽ giúp giảm ảnh hưởng của tia laser lên các mô xung quanh, hạn chế làm bỏng mô cũng như tránh các biến chứng lên các dây thần kinh cảm giác.
Nếu bệnh nhân có các triệu chứng của suy tĩnh mạch chân thì nên đến khám và theo dõi tại các phòng khám chuyên khoa mạch máu để được hướng dẫn chẩn đoán và điều trị cụ thể. Đặc biệt nếu thấy chân sưng nhanh, đau nhiều hoặc thấy khó thở, đau ngực đột ngột phải đến bệnh viện khám ngay vì có thể là biểu hiện của tắc tĩnh mạch chân hoặc động mạch phổi đều là những biến chứng nguy hiểm của suy van tĩnh mạch.
Biến chứng nặng nề nhất của suy giãn tĩnh mạch chi dưới là hình thành huyết khối trong lòng mạch gây tắc mạch, diễn biến thành mảng biến đổi sắc tố trên da và loét hoại tử vùng da.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.