Suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới tuy không phải là bệnh lý nguy hiểm tới tính mạng nhưng có thể gây ra nhiều biến chứng khó chịu, ảnh hưởng tới đời sống và lao động của bệnh nhân. Phẫu thuật là phương pháp điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới đang được áp dụng rộng rãi hiện nay.
1. Tìm hiểu về suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
1.1 Suy giãn tĩnh mạch xảy ra ở đâu?
Tĩnh mạch chi dưới được chia thành 3 hệ thống là:
- Tĩnh mạch nông: Nằm dưới da, gồm 2 nhóm chính: Tĩnh mạch hiển ngoài (lớn, nằm ở mặt trong đùi từ mắt cá chân tới nếp bẹn) và tĩnh mạch hiển trong (nhỏ hơn, nằm ở vị trí từ mắt cá ngoài tới khoeo chân). Bệnh suy tĩnh mạch thường xảy ra ở tĩnh mạch nông;
- Tĩnh mạch sâu: Các tĩnh mạch đi kèm với động mạch, không bị giãn, chỉ bị viêm tắc;
- Tĩnh mạch xuyên: Làm nhiệm vụ vận chuyển máu từ hệ tĩnh mạch nông sang hệ tĩnh mạch sâu.
Suy tĩnh mạch nông 2 chi dưới mạn tính là tình trạng tĩnh mạch nông bị giãn, chạy quanh co, bị nổi rõ dưới da và có dòng chảy trào ngược. Tùy nguyên nhân, hình thái, suy giãn tĩnh mạch được chia thành các nhóm:
- Suy giãn tĩnh mạch nguyên phát: Ban đầu các tĩnh mạch bị dài, giãn ra, sau đó bị mất chức năng;
- Suy giãn tĩnh mạch thứ phát: Các van tĩnh mạch bị mất chức năng, sau đó tĩnh mạch bị dài và giãn ra;
- Suy giãn tĩnh mạch ở thai phụ: Các tĩnh mạch bị giãn ra do ảnh hưởng của nội tiết tố hoặc tử cung lớn gây chèn ép tĩnh mạch sâu. Khi sinh xong, tình trạng giãn tĩnh mạch có thể tự hết;
- Suy giãn tĩnh mạch bẩm sinh: Do khiếm khuyết van tĩnh mạch.
1.2 Phân độ suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
- Độ 0: Chỉ có những triệu chứng cơ năng;
- Độ 1: Giãn tĩnh mạch xa, dạng lưới, sưng mắt cá chân;
- Độ 2: Phình giãn tĩnh mạch;
- Độ 3: Phù nhưng không có dấu hiệu thay đổi da;
- Độ 4: Da sạm, chàm và xơ mỡ bì;
- Độ 5: Da sạm, chàm, xơ mỡ bì kèm loét đã lành;
- Độ 6: Da sạm, chàm, xơ mỡ bì và kèm loét đang tiến triển.
1.3 Triệu chứng suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
- Giai đoạn đầu: Phù 2 chi dưới, cảm giác nặng chân, đau chân, chuột rút vào ban đêm. Triệu chứng bệnh sẽ hết khi nghỉ ngơi hoặc nằm kê chân lên cao;
- Giai đoạn sau: Có mảng rối loạn dinh dưỡng trên da, tĩnh mạch nông dưới da nổi ngoằn ngoèo, có các đợt viêm tĩnh mạch gây sốt, nhiễm trùng, chảy máu vết loét dinh dưỡng.
1.4 Biến chứng suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới
- Rối loạn dòng máu chảy: Khiến chân sưng to, đặc biệt là khi đứng nhiều, đau buốt mặt sau cẳng chân và chuột rút về đêm;
- Loạn dưỡng cẳng chân: Vùng cẳng chân xuất hiện vết chàm da, thay đổi sắc da do máu ứ ở tĩnh mạch lâu ngày gây rối loạn biến dưỡng;
- Búi tĩnh mạch: Tĩnh mạch trương phồng gây cảm giác nặng, đau nhức chân, có máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, thậm chí thấy các mũi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da và các mảng bầm máu trên da;
- Loét cẳng chân: Ban đầu vết loét có thể tự lành, sau đó bệnh tiến triển, các vết loét không tự lành mà có nguy cơ nhiễm trùng và việc điều trị rất phức tạp;
- Biến chứng nặng: Viêm tắc tĩnh mạch khiến chân sưng, nóng, đỏ, đau, các tĩnh mạch nông nổi rõ, viêm cứng. Ở giai đoạn cuối, toàn bộ hệ tĩnh mạch giãn to, gây ứ trệ hoàn toàn, dẫn tới loét dinh dưỡng, chảy máu, nhiễm trùng. Thậm chí cục máu đông hình thành trong lòng tĩnh mạch có thể rời tĩnh mạch về tim gây thuyên tắc phổi dẫn tới tử vong.
1.5 Điều trị giãn tĩnh mạch chi dưới
Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân thường được chỉ định dùng tất y khoa để phục hồi sự chênh lệch về áp suất giữa hệ thống tĩnh mạch nông và sâu thông qua tĩnh mạch xuyên. Sau đó, tùy từng trường hợp người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc làm bền thành mạch, chống viêm; thực hiện chích gây xơ tại chỗ.
Trường hợp các phương pháp này không hiệu quả, bệnh nhân được đề nghị điều trị ngoại khoa, gồm phẫu thuật Stripping (bóc, lấy đi toàn bộ tĩnh mạch bị giãn) hoặc phẫu thuật Chivas (lấy các tĩnh mạch nhỏ tại chỗ) hoặc làm đông lạnh tĩnh mạch bằng nitơ lỏng. Sau khi phẫu thuật, bệnh nhân nên tiếp tục dùng thuốc bền tĩnh mạch.
2. Phương pháp phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới
Phẫu thuật Stripping kỹ thuật sử dụng dây rút tĩnh mạch để lấy đi toàn bộ tĩnh mạch bị giãn) đang là phương pháp điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới được áp dụng phổ biến hiện nay. Phương pháp này thường được áp dụng cho các trường hợp tĩnh mạch nông giãn, chạy quanh co và có thể thấy rõ dưới da.
2.1 Chỉ định/chống chỉ định
- Chỉ định: Giãn tĩnh mạch nông từ giai đoạn III trở lên, đã điều trị nội khoa nhưng không hiệu quả;
- Chống chỉ định: Tương tự các chống chỉ định phẫu thuật nói chung: Sức khỏe bệnh nhân quá yếu không đáp ứng được phẫu thuật, người bệnh có vấn đề về đông máu, người bệnh không hợp tác,...
2.2 Chuẩn bị phẫu thuật
- Nhân sự thực hiện: Bác sĩ phẫu thuật chuyên khoa mạch máu, phụ phẫu thuật, điều dưỡng;
- Phương tiện: Thiết bị cơ bản của phòng mổ và bộ Stripper;
- Bệnh nhân: Được giải thích rõ về phương pháp phẫu thuật bao gồm sự cần thiết thực hiện phẫu thuật, quy trình diễn ra, nguy cơ tai biến có thể xảy ra; được hướng dẫn chi tiết về việc cần chuẩn bị;
- Hồ sơ bệnh án: Được chuẩn bị đúng theo hướng dẫn.
2.3 Quy trình phẫu thuật
- Tư thế bệnh nhân: Nằm ngửa, sát khuẩn rộng toàn bộ cả 2 chân;
- Vô cảm: Thực hiện gây tê tủy sống;
- Rạch da dọc điểm giữa nếp lằn bẹn;
- Bộc lộ tĩnh mạch hiển;
- Thắt bỏ các nhánh tĩnh mạch hiển;
- Bộc lộ đầu dưới tĩnh mạch hiển;
- Luồn Stripper, kéo Stripper theo hướng từ trên xuống dưới, kéo đến đâu dùng gạc cuộn băng ép tới đó;
- Khâu đóng vết mổ.
2.4 Theo dõi và xử trí tai biến
- Theo dõi toàn trạng, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân như huyết áp, hô hấp, nhiệt độ,...;
- Xử trí tai biến: Bệnh nhân phẫu thuật suy giãn tĩnh mạch nông chi dưới thường ít gặp biến chứng. Có thể người bệnh có tụ máu dọc theo đường đi của tĩnh mạch hiển nhưng tình trạng này thường tự hết sau một vài tuần. Số khác có biểu hiện dị cảm ở bề mặt da do tổn thương thần kinh hiển đi kèm và sẽ được xử trí theo chỉ định của bác sĩ điều trị.
Phẫu thuật giãn tĩnh mạch chi dưới là phương pháp giúp cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Khi được chỉ định thực hiện kỹ thuật này, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ để điều trị bệnh hiệu quả, giảm tối đa nguy cơ xảy ra tai biến.