Một số bệnh lý tai mũi họng có thể gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt mang tai dẫn đến triệu chứng bị sưng ở mang tai. Bệnh có thể chỉ diễn biến nhẹ và dễ dàng lui bệnh sau vài ngày, nhưng cũng có những bệnh gây sưng tuyến mang tai đòi hỏi phẫu thuật hoặc hóa trị liệu. Vậy sưng mang tai nhưng không sốt, vì sao?
1. Nguyên nhân bị sưng ở mang tai
1.1. Sỏi tuyến nước bọt
Một nguyên nhân phổ biến dẫn đến sưng mang tai nhưng không sốt là do sỏi. Tác nhân là tắc tuyến nước bọt và làm mang tai sưng phồng là sỏi. Sỏi tuyến nước bọt được định nghĩa là tình trạng đóng khối của canxi và phosphate tại đường ra của các tuyến nước bọt ở khoang miệng. Những sỏi lớn có thể gây ra tắc tuyến nước bọt, gây viêm, thậm chí áp- xe.
Để chẩn đoán xác định bệnh sỏi tuyến nước bọt, các bác sĩ sẽ chỉ định chụp X Quang hoặc CT - scanner. Khi mới bắt đầu bị bệnh, sỏi tuyến nước bọt thường không gây triệu chứng nhưng nếu đạt đến kích thước của ống dẫn nước bọt và gây tắc nghẽn, nước bọt tràn vào các tuyến gây đau và bị sưng ở mang tai. Bạn có thể cảm thấy cơn đau xuất hiện rồi giảm dần, sau đó, tần suất xuất hiện các cơn đau ngày càng nặng nề hơn, viêm và tình trạng áp- xe sẽ xuất hiện sau đó.
1.2. Viêm tuyến nước bọt đơn thuần
Bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai đơn thuần gây ra tình trạng bị sưng ở mang tai. Nguyên nhân gây bệnh có thể kể đến như: Staphylococcus aureus, Parainfluenza, coxsackie... gây nên.
Đồng thời, viêm tuyến nước bọt mang tai có thể hình thành sỏi, làm tắc ống dẫn tuyến và gây viêm. Bệnh này thường chỉ gây ra những tổn thương tại vị trí tuyến nước bọt, diễn biến lành tính, đa số tự khỏi sau thời gian ngắn. Đôi khi, có những trường hợp chuyển sang viêm mạn tính phì đại tuyến.
Dấu hiệu đặc trưng bệnh viêm tuyến nước bọt đơn thuần
- Bị sưng ở mang tai vùng tuyến nước bọt, sưng lan rộng ra xung quanh tuyến;
- Da ở vùng tuyến bị sưng kèm theo biểu hiện tấy đỏ, đau, khi hoạt động cơ miệng, nói và nuốt đều rất đau;
- Xuất hiện hạch viêm phản ứng ở vị trí góc hàm hoặc sau tai cùng bên;
- Sốt vừa từ 38-390C;
- Dùng tay ấn vào vùng tuyến mang tai sẽ thấy có mủ chảy ra ở miệng ống Stenon.
1.3. Bệnh quai bị
Khi tuyến nước bọt mang tai bị viêm nguyên nhân do virus quai bị thì được coi là bệnh quai bị. Tuy nhiên tỷ lệ viêm tuyến mang tai do virus quai bị chỉ chiếm khoảng 24% trong tổng số các nguyên nhân gây bệnh tại tuyến mang tai.
Dấu hiệu đặc trưng trên lâm sàng:
- Sốt cao từ 38 - 390C sau khi tiếp xúc với virus quai bị khoảng 14 - 24 ngày;
- Đau đầu, mệt mỏi, chán ăn;
- Khó ăn ,khó nuốt, khó nói chuyện, đau nhức tại vị trí các khớp xương.
- Bị sưng ở mang tai, lan ra vùng trước tai và lan xuống dưới hàm.
- Sưng có thể lan đến ngực gây phù trước xương ức.
- Da ở vùng sưng có màu sắc bình thường, không bị nóng đỏ và vẫn có tính đàn hồi. Khi mắc bệnh quai bị tuyến mang tai thường sưng to dần trong khoảng 3 ngày rồi sau đó giảm sưng từ từ trong khoảng 1 tuần.
Các bệnh lý khác kèm theo như viêm tinh hoàn, viêm màng não, viêm não, viêm tụy cấp, viêm thanh khí phế quản, viêm phổi kẽ, viêm đa khớp hoặc biểu hiện ở các tuyến khác trên cơ thể như tuyến lệ, tuyến ức, tuyến giáp, tuyến vú, buồng trứng. Các tổn thương này thường xuất hiện những triệu chứng không điển hình và diễn biến lành tính.
1.4. U tuyến nước bọt
Một số loại u khác nhau có thể gây ảnh hưởng đến tuyến nước bọt và là nguyên nhân sưng mang tai nhưng không sốt. Đa số u tuyến nước bọt là lành tính và thường được phát hiện ở tuyến mang tai, thường gặp nhất là u tuyến đa dạng. Các u tuyến đa dạng thường chỉ xuất hiện ở một bên. Khối u phát triển chậm và có thể không có dấu hiệu nhận biết gì. Khá là hiếm gặp trường hợp là u tế bào hạt, u tế bào đáy.
1.5. Các khối u ác tính (ung thư)
Các khối u này có thể bao gồm ung thư biểu mô dạng nhày bì, ung thư biểu mô tế bào gai hoặc ung thư biểu mô tuyến. Khác với các khối u tuyến nước bọt lành tính, các khối u ác tính có thể phát triển nhanh, sưng mang tai nhưng không sốt và đau khi chạm vào. Các khối u có thể dính với mô bao quanh, có thể gây liệt nhẹ hoặc liệt dây thần kinh mặt.
1.6. Hội chứng Sjogren
Hội chứng Sjogren là hội chứng liên quan đến bệnh tự miễn mạn tính, trong đó hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các tuyến ngoại tiết trong đó có tuyến nước bọt.
Triệu chứng lâm sàng của hội chứng Sjogren bao gồm:
- Dấu hiệu sưng mang tai nhưng không sốt và không đau.
- Giảm tiết nước bọt nên có thể xuất hiện hôi miệng, khó nói, khó nhai và nuốt, giảm hoặc mất vị giác.
- Viêm nhiễm ở nướu nướu hay sâu răng cũng thường xảy ra hơn.
- Viêm kết mạc mắt, viêm ví mắt nguyên nhân do tuyến lệ bị thâm nhiễm tế bào lympho và tương bào nên giảm tiết nước mắt dẫn đến kết giác mạc khô và đỏ mắt.
- Xuất hiện cảm giác ngứa, nóng rát hai mắt, có cảm giác cộm và tăng nhạy cảm với ánh sáng.
- Biến chứng loét mắt trong những trường hợp nặng hơn.
- Mũi, họng, thanh phế quản, da và âm đạo cũng có thể sẽ xuất hiện tình trạng khô niêm mạc tương tự như với mắt và miệng.
2. Cách phòng ngừa sưng mang tai
Bệnh bị sưng ở mang tai có những biến chứng cực kỳ nguy hiểm đến sức khỏe. Để phòng tránh những căn bệnh nguy hiểm cũng như bảo vệ sức khỏe thì bạn cần lưu ý một số điều sau đây:
- Cần giữ ấm cho cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, đặc biệt là vị trí vùng cổ;
- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường khả năng miễn dịch, nâng cao sức đề kháng và bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân như: virus, vi khuẩn;
- Xây dựng lối sống khoa học, lành mạnh, chế độ dinh dưỡng đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho cơ thể;
- Ăn nhiều những thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể;
- Uống nhiều nước, bổ sung thêm nước ép trái cây hàng ngày;
- Không uống nước lạnh, thực phẩm chiên xào và các gia vị cay nóng;
- Không hút thuốc lá;
- Không sử dụng các loại thức uống có cồn như: rượu, bia;
- Nên cho trẻ sơ sinh bú mẹ đến 24 tháng tuổi;
- Mẹ cần tạo thói quen giữ gìn vệ sinh thân thể cho trẻ để bảo vệ sức khỏe.
Nếu bạn đang có dấu hiệu bị sưng ở mang tai hoặc các bệnh về tai mũi họng khác thì nên đi khám ngay tức khắc. Sưng ở mang tai không sốt có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nguy hiểm. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe, bạn không được thờ ơ với những bất thường của bản thân mà nên đi khám để được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.