Sữa nguồn gốc thực vật là những lựa chọn thay thế phổ biến cho sữa bò thông thường và chúng có thể là lựa chọn tuyệt vời cho một số người lớn, đặc biệt là những người không dung nạp lactose. Nhưng các loại sữa không chứa sữa như sữa đậu nành có tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không? Và có nên cho trẻ uống sữa đậu nành không? Bài viết này sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.
1. Sữa đậu nành là gì?
Sữa đậu nành được làm từ đậu nành nấu chín và chứa protein đậu nành, đường tự nhiên hoặc đường bổ sung và chất xơ. Mặc dù hàm lượng dinh dưỡng có thể khác nhau giữa các thương hiệu, nhưng một ly sữa đậu nành 114 ml chứa khoảng 40 calo, 3 đến 4 gam protein, 2 gam chất béo và nửa gam đường. Ngoài ra, sữa đậu nành cũng chứa các khoáng chất như canxi, sắt và kali.
2. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nên uống sữa đậu nành không?
Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi không nên uống sữa bò, sữa đậu nành hoặc bất kỳ loại sữa thực vật nào khác và chỉ ăn sữa mẹ hoặc sữa công thức (với một ít nước sau khi trẻ bắt đầu ăn dặm).
Sữa bò chứa quá nhiều protein và khoáng chất để dạ dày của trẻ sơ sinh xử lý và hầu hết các loại sữa có nguồn gốc thực vật không phải là nguồn cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng mà trẻ cần ngay từ sớm.
Trong độ tuổi từ 1 đến 5, các bác sĩ khuyến cáo trẻ nên uống sữa bò và nước là chủ yếu. Tuy nhiên, sữa đậu nành tăng cường là một sự thay thế có thể chấp nhận được cho sữa bò, vì nó tương đương về mặt dinh dưỡng.
Vì vậy, nếu trẻ uống sữa đậu nành trước 5 tuổi và sau 1 tuổi, thì ba mẹ hãy đảm bảo rằng cho bé uống sữa đậu nành được bổ sung và không đường. Trẻ em từ 1 đến 2 tuổi nên uống hai đến ba cốc sữa nguyên kem mỗi ngày.
Nếu con bạn có vấn đề về sức khỏe chẳng hạn như trẻ bị dị ứng sữa hoặc không dung nạp đường lactose hoặc nếu gia đình bạn không ăn các sản phẩm từ động vật, thì sữa đậu nành có bổ sung dinh dưỡng là sự thay thế thích hợp cho sữa bò.
3. Sữa đậu nành có thực sự tốt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không?
Bạn không nên cho trẻ dưới 1 tuổi uống sữa đậu nành, không giống như sữa đậu nành, sữa mẹ và sữa công thức chứa tất cả các chất dinh dưỡng mà trẻ cần.
Sau 1 tuổi, trẻ nên ăn sữa bò nguyên chất, nhưng sữa đậu nành không đường tăng cường là một lựa chọn thay thế có thể chấp nhận được nếu gia đình bạn ăn chay trường hoặc trẻ bị mẫn cảm với sữa hoặc các vấn đề về y tế tiềm ẩn khác.
Làm việc với bác sĩ nhi khoa để xác định loại sữa đậu nành tốt nhất cho trẻ. Không chỉ quan tâm về hàm lượng dinh dưỡng của sữa đậu nành có thể khác nhau tùy theo nhãn hiệu, mà các chuyên gia còn chỉ ra rằng cơ thể chúng ta có thể không hấp thụ được chất dinh dưỡng từ sữa thực vật cũng như điều đó có thể xảy ra từ sữa bò. Vì vậy hãy đảm bảo rằng loại sữa bạn đang lựa chọn cho trẻ là một trong những loại nằm trong danh mục khuyến nghị của bác sĩ.
4. Sữa đậu nành có an toàn cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không?
Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi chỉ nên uống sữa mẹ hoặc sữa bột. Sau khi bắt đầu cho trẻ ăn thức ăn bổ sung, trẻ vẫn chỉ nên uống vài ngụm nước giữa các bữa ăn nhưng không phải sữa bò hoặc sữa đậu nành.
Sau 1 tuổi, bạn chỉ nên cho trẻ uống một ít sữa bò thông thường, không có hương vị hoặc nếu trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa (hoặc chế độ ăn thuần chay) sữa đậu nành không đường tăng cường.
Sữa bò là nguồn cung cấp protein, canxi, kali và vitamin A, D và B12 quan trọng. Nhưng các loại sữa làm từ thực vật có thể có nhiều chất dinh dưỡng khác nhau nhưng ngoại trừ một số loại sữa đậu nành tăng cường không phải là sự thay thế lý tưởng cho các loại sữa.
5. Thời điểm thích hợp cho trẻ uống sữa đậu nành
Nếu trẻ bị dị ứng hoặc không dung nạp sữa, hoặc bạn đang nuôi trẻ và cho trẻ ăn chế độ theo chế độ ăn chay, bạn có thể cho trẻ uống sữa đậu nành bổ sung do bác sĩ nhi khoa khuyên dùng bắt đầu từ khi trẻ được 1 tuổi.
Tuy nhiên, nếu trẻ không có vấn đề về sức khỏe hoặc nếu gia đình bạn ăn các sản phẩm từ động vật, thì tốt hơn hết bạn nên tránh các loại sữa có nguồn gốc thực vật cho đến khi con lớn hơn.
Các tổ chức sức khỏe trẻ em ở Hoa Kỳ khuyến cáo các bậc cha mẹ không nên thay thế sữa có nguồn gốc thực vật cho sữa bò ở trẻ em dưới 5 tuổi, ngoại trừ sữa đậu nành tăng cường.
6. Một số thông tin dinh dưỡng của sữa đậu nành
6.1. Sữa đậu nành và sữa bò cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Ngoài một số loại sữa đậu nành tăng cường, các chuyên gia chỉ ra rằng sữa bò chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn sữa nguồn gốc thực vật. Ví dụ, 1 cốc sữa nguyên kem chứa 149 calo, và khoảng 7 đến 8 gam protein so với 105 calo và 6 gam protein trong sữa đậu nành.
Sữa nguyên kem cũng chứa nhiều chất béo và đường hơn. Một cốc sữa bò chứa 8 gam chất béo và 12 gam đường; một cốc sữa đậu nành chứa khoảng 3,5 gam chất béo và 9 gam đường.
Đối với vitamin và khoáng chất, 1 cốc sữa nguyên chất chứa 276 mg canxi và 322 mg kali, trong khi cùng một lượng sữa đậu nành chứa 300 mg canxi và 298 mg kali.
6.2. Sữa đậu nành và phytoestrogen
Sữa đậu nành chứa các hợp chất được gọi là phytoestrogen, còn được gọi là estrogen thực vật hoặc isoflavone. Mặc dù đã có báo cáo trong nhiều năm về việc phytoestrogen có thể liên quan đến ung thư vú, các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng isoflavone có thể bảo vệ chống lại các bệnh như ung thư vú, nội mạc tử cung và tuyến tiền liệt.
Đối với các báo cáo rằng quá nhiều phytoestrogen có thể ảnh hưởng đến nội tiết tố ở trẻ em, Pediatrics (tạp chí của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ) chỉ ra rằng không có bằng chứng cho thấy isoflavone trong đậu nành có bất kỳ ảnh hưởng tiêu cực nào đến nội tiết tố hoặc sự phát triển của chúng.
Ngoài việc sữa đậu nành có chứa phytoestrogen (một loại hormone giống như estrogen được tìm thấy trong thực vật như ngũ cốc nguyên hạt, khoai tây, đậu khô và táo), nhưng cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy uống sữa đậu nành có hại cho trẻ em hoặc người lớn.
Mọi người đã uống sữa đậu nành từ những năm 1960 mà không bị ảnh hưởng gì. Nhiều nhãn hiệu sữa đậu nành nêu bật thực tế là chúng có chứa isoflavone, phytoestrogen có thể làm giảm mức cholesterol trong máu ở người lớn.
7. Có nên cho trẻ uống sữa đậu nành nếu trẻ bị dị ứng sữa?
Nếu trẻ bị dị ứng sữa, điều này hơi hiếm, chỉ ảnh hưởng đến khoảng 2 đến 3% trẻ nhỏ hoặc không dung nạp lactose, một loại đường có trong sữa và các sản phẩm từ sữa, thì bạn có thể cho con uống sữa đậu nành bổ sung nếu trẻ hơn 1 tuổi.
Nhưng vì các loại sữa có nguồn gốc thực vật như sữa đậu nành có thể thay đổi tùy theo nhãn hiệu, nên điều quan trọng là bạn phải trao đổi với bác sĩ nhi khoa hoặc chuyên gia dinh dưỡng để chọn loại phù hợp cho trẻ.
Sữa đậu nành và canxi
Mặc dù một số loại sữa đậu nành chứa nhiều canxi hơn một chút so với sữa bò, nhưng chúng cũng chứa các hợp chất tự nhiên được gọi là phytate, và có thể cản trở khả năng hấp thụ canxi của trẻ. Nếu trẻ đang uống sữa đậu nành thay vì sữa bò, hãy trao đổi vấn đề này với bác sĩ nhi khoa xem bạn có nên thêm các loại thực phẩm giàu canxi khác như rau bina và ngũ cốc tăng cường vào chế độ ăn của trẻ hay không?
Ngoài ra, hãy đảm bảo chế độ ăn của con bạn có các loại thực phẩm giàu canxi (hoặc tăng cường canxi) khác vì sữa đậu nành có chứa phytat, chất tự nhiên có trong thực phẩm ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và các loại hạt có thể làm giảm sự hấp thụ canxi và các khoáng chất khác. Trong khi nhãn trên hộp sữa đậu nành tăng cường có thể nói rằng một ly 228 ml chứa 200 đến 300 mg canxi, nhưng phytat có thể khiến con bạn không hấp thụ được hết lượng.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cơ thể chỉ hấp thụ khoảng 75% lượng canxi từ sữa đậu nành. Vì vậy, ba mẹ có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi chẳng hạn như: bông cải xanh, cải xoăn, bánh ngô chế biến bằng chanh, sữa chua và pho mát trong chế độ ăn của trẻ. Các lựa chọn khác bao gồm nước trái cây tăng cường canxi, ngũ cốc, bánh quế và thanh ăn sáng.
8. Các lưu ý về dị ứng sữa khi trẻ sử dụng
Dị ứng sữa xảy ra ở trẻ sơ sinh cực kỳ hiếm, nhưng bạn nên biết cách phát hiện các dấu hiệu. Trẻ bú sữa mẹ có thể có phản ứng dị ứng với sữa trong chế độ ăn của mẹ, trong khi trẻ bú sữa công thức phản ứng với các protein sữa có trong chính sữa công thức.
Một số triệu chứng của dị ứng sữa ở trẻ bao gồm thường xuyên khạc nhổ, có dấu hiệu đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy, thở khò khè, khó thở, ho và ngứa, chảy nước mắt hoặc sưng mắt. Khi xuất hiện các dấu hiệu này, bạn hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa để xử lý kịp thời tình trạng của trẻ.
Để trẻ khỏe mạnh, phát triển tốt cần có một chế độ dinh dưỡng đảm bảo về số lượng và cân đối chất lượng. Nếu trẻ không được cung cấp các chất dinh dưỡng đầy đủ và cân đối sẽ dẫn đến những bệnh thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển toàn diện của trẻ cả về thể chất, tâm thần và vận động. Cha mẹ nên bổ sung cho trẻ các sản phẩm hỗ trợ có chứa lysine, các vi khoáng chất và vitamin thiết yếu như kẽm, crom, selen, vitamin nhóm B giúp đáp ứng đầy đủ nhu cầu về dưỡng chất ở trẻ. Đồng thời các vitamin thiết yếu này còn hỗ trợ tiêu hóa, tăng cường khả năng hấp thu dưỡng chất, giúp cải thiện tình trạng biếng ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.
Cha mẹ có thể tìm hiểu thêm:
Thiếu vi chất dinh dưỡng và tình trạng không tăng cân ở trẻ
Bài viết tham khảo nguồn: Babycenter.com