Sữa chua có tốt cho người mắc Hội chứng ruột kích thích không?

Bài được viết bởi bác sĩ Mai Viễn Phương - Trưởng Đơn nguyên Nội soi tiêu hóa - Khoa Khám bệnh và Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park.

Hội chứng ruột kích thích, hoặc IBS, là một rối loạn ảnh hưởng đến ruột già, còn được gọi là ruột kết. Theo Mayo Clinic, 35 đến 50% những người bị IBS ở độ tuổi dưới 35 và số phụ nữ phải vật lộn với IBS nhiều gấp đôi nam giới. Mặc dù nguyên nhân chính xác của IBS chưa được xác định nhưng có một số biện pháp có thể giúp làm giảm các triệu chứng của IBS. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tác động của sữa chua tới những người mắc Hội chứng ruột kích thích.

1. Các triệu chứng Hội chứng ruột kích thích

2. Chế phẩm sinh học và Hội chứng ruột kích thích

Việc sử dụng chế phẩm sinh học ngày càng trở nên phổ biến trong những năm gần đây nhưng liệu chúng có thực sự giúp ích cho những người mắc Hội chứng ruột kích thích (IBS) hay không vẫn còn là một câu hỏi.

Mọi người đều có một số lượng lớn vi khuẩn sống bên trong đường tiêu hóa của họ. Trên thực tế, bạn có số lượng tế bào vi khuẩn trong cơ thể nhiều hơn gấp 10 lần so với tất cả các tế bào khác cộng lại. Và mặc dù không ai biết chắc chắn điều gì gây ra các triệu chứng IBS như đau dạ dày, chuột rút, táo bón hoặc tiêu chảy,... nhưng một giả thuyết cho rằng, các triệu chứng là do sự phát triển quá mức của vi khuẩn có hại.

Mặt khác, lợi khuẩn là những vi sinh vật sống được coi là vi khuẩn tốt. Lý thuyết về men vi sinh là bằng cách bổ sung nhiều vi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa của bạn, bằng thực phẩm bổ sung hoặc đơn giản bằng cách ăn thực phẩm giàu lợi khuẩn, như sữa chua, bạn có thể giảm số lượng vi khuẩn có hại và từ đó, giúp kiểm soát các triệu chứng của IBS.

Nhưng lý thuyết và thực tế đôi khi lại không giống nhau.

Maged Rizk, Phó chủ tịch Khoa tiêu hóa, gan mật và dinh dưỡng tại Phòng khám Cleveland ở Ohio cho biết: “IBS có thể do những thay đổi trong vi khuẩn bình thường của ruột gây ra và ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của ruột, gây ra các triệu chứng của IBS. Nhưng đó vẫn chỉ là giả thuyết. Chúng tôi vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác của IBS ."


Lợi khuẩn là những vi sinh vật sống được coi là vi khuẩn tốt.
Lợi khuẩn là những vi sinh vật sống được coi là vi khuẩn tốt.

3. Các nghiên cứu nói gì?

Có hai loại men vi sinh chính. Một số nghiên cứu đã gợi ý rằng, loại tốt nhất cho IBS là Bifidobacteria, nếu bạn dùng nó với lượng đủ lớn. Loại khác được gọi là Lactobacillus. Tiến sĩ Rizk nói:“Bifidobacteria là vi khuẩn thường được tìm thấy trong các chất bổ sung, còn Lactobacillus là loại thường có trong sữa chua”.

Một đánh giá quan trọng được công bố vào tháng 6 năm 2018 trên Tạp chí Tiêu hóa học Hoa Kỳ đã xem xét những lợi ích tiềm năng của cả hai loại men vi sinh đối với bệnh tiêu chảy. Các tác giả đã tìm thấy bằng chứng để ngăn ngừa tiêu chảy do liên quan đến kháng sinh khi sử dụng cả BifidobacteriaLactobacillus.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác được công bố trên Tạp chí BMC Gastroenterology xem xét cụ thể những tác động tiềm tàng của men vi sinh đối với IBS cho thấy lý thuyết này có thể không chính xác. Trong nghiên cứu này, với 76 người bị IBS, một nửa được tiêu thụ sản phẩm sữa có men vi sinh hai lần một ngày, trong khi những nửa còn lại tiêu thụ sản phẩm không có men vi sinh hai lần một ngày. Sau bốn tuần, các triệu chứng IBS đã được cải thiện ở 57% nhóm sử dụng men vi sinh và 53% nhóm không sử dụng men vi sinh; Sau tám tuần, sự cải thiện các triệu chứng IBS đã được ghi nhận đối với 46% nhóm sử dụng men vi sinh và 68% nhóm còn lại. Điều này khiến các nhà nghiên cứu kết luận rằng, chế phẩm chứa men vi sinh không tốt hơn so với chế phẩm không chứa men sinh trong cải thiện triệu chứng của IBS.

Tương tự, một bài đánh giá được công bố vào năm 2016 trên Tạp chí Dinh dưỡng Con người và Chế độ ăn kiêng đã tìm thấy bằng chứng không thuyết phục rằng chế phẩm sinh học có thể điều trị các triệu chứng IBS.

4. Bạn có nên ăn sữa chua khi bị IBS hay không?

Cho đến khi nhiều nghiên cứu hơn được thực hiện, các chuyên gia vẫn chưa biết chắc chắn liệu probiotics sẽ mang lại lợi ích gì cho những người mắc IBS.

“Chế phẩm sinh học ngày càng trở nên phổ biến hơn trên các phương tiện truyền thông và trong cộng đồng nói chung.” Christine Lee, bác sĩ Chuyên khoa Tiêu hóa tại Phòng khám Cleveland ở Ohio cho biết: “Bệnh nhân thường tìm kiếm lời khuyên y tế về việc liệu chế phẩm sinh học có mang lại lợi ích cho họ hay không. Tuy nhiên, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã không thể chứng minh đầy đủ lợi ích thống kê cụ thể cho IBS.”

Bà Lee lưu ý rằng, các nghiên cứu hiện tại có thể có sai sót về các vấn đề phương pháp, bao gồm kích thước mẫu nhỏ, quá nhiều biến số, hoặc thậm chí là sự biến đổi rộng của phổ IBS từ người này sang người khác. Tuy nhiên, bà cũng nói thêm, “Sự đồng thuận chung tại thời điểm này là chế phẩm sinh học thường được cho là an toàn và có thể hữu ích trong một số trường hợp.”

Ngoài ra, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã không chấp thuận sử dụng chế phẩm sinh học như một phương pháp điều trị cho bất kỳ bệnh nào. Cho đến nay, ngoài việc làm đầy hơi , các nghiên cứu không tìm thấy bất kỳ tác dụng phụ đáng kể nào từ chế phẩm sinh học nhưng bạn vẫn nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu sử dụng chúng. Đặc biệt là nếu bạn đang mang thai hoặc có bất kỳ tình trạng sức khỏe nghiêm trọng nào. Việc tiêu thụ men vi sinh có bất kỳ tác dụng phụ lâu dài nào hay không vẫn chưa được xác định.

Bà Lee cũng cảnh báo rằng, men vi sinh có thể bị ô nhiễm. Bà nói: “Việc phát triển hàng triệu vi khuẩn, ngay cả những vi khuẩn được coi là khỏe mạnh, phải được thực hiện với độ chính xác cao nhất. Bất kỳ sự ô nhiễm nào với một dòng vi khuẩn bệnh lý đều có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người mắc nhiều bệnh đi kèm, các tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc khi dùng thuốc ức chế miễn dịch.”

Để tránh các sản phẩm bị ô nhiễm, Tiến sĩ Lee khuyến nghị bạn nên gắn bó với các công ty lớn hơn đã có danh tiếng và tránh các công ty nhỏ, tồn tại trong thời gian ngắn, không có bất kỳ thành tích nào. Điều quan trọng là phải kiểm tra ngày hết hạn và tuân theo thông tin bảo quản, chẳng hạn như bảo quản lạnh (nếu được hướng dẫn làm như vậy) và giữ sản phẩm tránh xa nguồn nhiệt hoặc ánh nắng trực tiếp.

Điểm mấu chốt là người ta vẫn chưa biết liệu probiotics có phải là “thần dược” giúp cải thiện bệnh IBS hay không. Tuy nhiên, nếu bạn quan tâm đến việc dùng thử men vi sinh và được bác sĩ đồng ý, bạn có thể bắt đầu bằng cách ăn sữa chua có nuôi cấy lợi khuẩn tích cực vài lần một ngày hoặc bằng cách bổ sung lợi khuẩn ở dạng viên hoặc bột. Cho đến khi nghiên cứu tiết lộ thêm về nguyên nhân của IBS và tác dụng của men vi sinh, bạn có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng không chính thức của riêng mình để xem liệu men vi sinh có hiệu quả với bạn hay không.

Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn không chắc liệu sữa chua có phải là một lựa chọn tốt cho bạn hay không. Trong quá trình thăm khám, bạn có thể hỏi bác sĩ:

  • Làm sao để biết loại thực phẩm nào đang làm trầm trọng thêm các triệu chứng của tôi?
  • Tôi có thể ăn bao nhiêu sữa chua một lúc?
  • Có thương hiệu cụ thể nào tốt hơn hoặc an toàn hơn những thương hiệu khác không?
  • Có bệnh nhân mắc Hội chứng ruột kích thích nào khác đã thành công với sữa chua hay chưa?
  • Có cách nào tốt hơn để bổ sung probiotics từ chế độ ăn uống của tôi không?

Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ có thể đề xuất các lựa chọn tốt nhất cho chế độ ăn uống, lối sống và sở thích của bạn. Hãy theo dõi trang web: Vinmec.com thường xuyên để cập nhật nhiều thông tin hữu ích khác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo: everydayhealth.com, livestrong.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe