Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Thị Hiên - Bác sĩ Sản phụ khoa - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.
Mỗi tháng các bạn nữ sẽ có kinh nguyệt một lần với biểu hiện ra máu âm đạo trong 3-7 ngày. Hiện tượng này là do sự bong tróc niêm mạc tử cung gây ra. Độ dày niêm mạc tử cung sẽ thay đổi trong mỗi chu kỳ kinh nguyệt.
1. Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt được chia làm 2 giai đoạn:
Giai đoạn trước rụng trứng (hay giai đoạn Estrogen): Là giai đoạn đầu của mỗi chu kỳ kinh nguyệt. Ở giai đoạn này, niêm mạc tử cung chịu ảnh hưởng của hormon Estrogen,được tính từ lúc bắt đầu hành kinh cho đến khi rụng trứng, thông thường khoảng 14 ngày.
Giai đoạn sau rụng trứng (giai đoạn hoàng thể hay giai đoạn Progesteron): Ở giai đoạn này niêm mạc tử cung lại chịu ảnh hưởng của hormon Progesteron. Hoàng thể chính là phần còn lại sau khi rụng trứng, được tính từ lúc bắt đầu rụng trứng và tự thoái hóa cho đến ngày hành kinh đầu tiên của chu kỳ tiếp theo.
2. Niêm mạc tử cung thay đổi như thế nào trong chu kỳ kinh nguyệt?
Giai đoạn 1: Trước rụng trứng
Sau hành kinh, niêm mạc tử cung sẽ bong ra gần hết, chỉ còn 1 lớp mỏng ở mô đệm, một ít tế bào biểu mô ở đáy của các tuyến. Sau đó, các thành phần này sẽ tăng sinh nhanh chóng dưới tác dụng của hoocmon Estrogen và được biểu mô hóa lại trong 4 - 7 ngày. Niêm mạc tử cung sẽ lại dày dần lên, các tuyến sẽ dài ra cùng với sự phát triển của mạch máu. Cuối giai đoạn này, niêm mạc tử cung sẽ dày thêm khoảng 3 - 4mm. Các tuyến của cổ tử cung sẽ bài tiết một lớp chất nhầy tạo thành kênh dẫn tinh trùng di chuyển vào cổ tử cung. Vì vậy , quanh ngày rụng trứng người phụ nữa sẽ cảm nhận tăng tiết dịch nhầy ở âm đạo
Giai đoạn 2: Sau rụng trứng
Ở giai đoạn này, không chỉ chịu tác động từ hormon Estrogen mà còn chịu tác động của Progesteron làm nội mạc tử cung dày lên nhanh chóng và tiết dịch. Các tuyến dài ra, cong queo và chứa đầy dịch tiết. Các mạch máu phát triển và xoắn lại cung cấp máu cho niêm mạc tử cung phát triển. Sau phóng noãn, niêm mạc tử cung sẽ dày khoảng 6-8 mm và tăng thêm cho đến khi hành kinh tương đương 8-12 mm. Sự tăng lên này tạo cho niêm mạc tử cung chứa đầy chất dinh dưỡng cung cấp cho trứng được thụ tinh khi di chuyển vào làm tổ buồng tử cung.
Khi trứng không được thụ tinh, hoàng thể sẽ bị thoái hóa. Nồng độ hormon Estrogen và Progesteron sẽ sụt giảm một cách đột ngột đến mức rất thấp. Lượng máu cung cấp cho niêm mạc tử cung ngừng lại khiến nội mạc tử cung teo lại . Lúc này lớp niêm mạc tử cung sẽ dày, thường là 12 - 15mm. Sau một vài ngày, toàn bộ lớp niêm mạc tử cung sẽ bị bong ra.
Dưới tác dụng co bóp của tử cung, niêm mạc tử cung bong bị đẩy ra ngoài cùng với một ít chất dịch lẫn máu. Đây là hiện tượng hành kinh, thường kéo dài khoảng 3 - 5 ngày. Lượng máu mất trung bình trong mỗi chu kỳ là 38,13 ± 24,76 ml và máu kinh nguyệt (gồm máu và dịch) là máu không đông .
Sau khi hết kinh nguyệt niêm mạc lại được tái tạo dưới tác dụng của Estrogen. Niêm mạc tử cung có vai trò quan trọng khi thụ thai, vì đây là nơi làm tổ của trứng sau khi đã thụ tinh. Niêm mạc tử cung quá dày hoặc mỏng quá cũng là yếu tố bất lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi thai.
Trắc nghiệm: Sự hiểu biết của bạn về kinh nguyệt
Kinh nguyệt có vai trò quan trọng đối với sức khỏe sinh sản, do đó nữ giới cần chủ động trang bị kiến thức để theo dõi và kiểm soát tình trạng sức khỏe. Bài trắc nghiệm sau đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về chu kỳ kinh nguyệt của bản thân.3. Niêm mạc tử cung dày ảnh hưởng gì đến quá trình thụ thai?
Theo các bác sĩ chuyên khoa, nếu:
Niêm mạc tử cung dưới 6mm được xem là niêm mạc tử cung mỏng, sẽ gây khó khăn cho quá trình làm tổ khi thụ thai. Nếu có thụ thai thành công đi nữa thì phôi thai khó phát triển và làm tổ tại niêm mạc tử cung và hậu quả sẽ là sẩy thai sớm hoặc phôi kém phát triển .
Niêm mạc tử cung dày hơn 20mm: cũng khó thụ thai, vì hàm lượng estrogen trong cơ thể đang bị dư thừa gây mất cân bằng ostrogen và progesteron, dẫn đến các hệ lụy như vô kinh, rong kinh, đa nang buồng trứng, rối loạn phóng noãn, phôi khó làm tổ,...
4. Hiện tượng tăng sinh niêm mạc tử cung
Trong tuổi sinh đẻ nội mạc tử cung dày gây vô kinh, rong kinh, kinh kéo dài,.. Vào thời kỳ mãn kinh niêm mạc tử cung dày có thể gây ra chảy máu tử cung bất thường. Nguyên nhân gây ra do hormone estrogen trong cơ thể quá nhiều. Điều này có thể gây ra các vấn đề liên quan đến bệnh lý nội mạc tử cung bao gồm ung thư tử cung .
5. Làm thế nào để cải thiện niêm mạc tử cung?
Người có niêm mạc tử cung dày thường sẽ được chỉ định điều trị bằng hormone để tái thiết lập sự cân bằng estrogen - progesterone trong cơ thể, giúp gia tăng khả năng thụ thai của phụ nữ và kinh nguyệt bình thường. Việc điều trị cần được thăm khám và hướng dẫn bởi các bác sĩ chuyên khoa sản phụ.
Ngoài ra, chị em phụ nữ còn có thể cải thiện được bằng các cách khác như:
- Nếu đang dùng estrogen sau mãn kinh, chị em phụ nữ nên dùng kết hợp với progestin hoặc progesterone.
- Nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc có nên dùng các loại thuốc có chứa estrogen và progestin hay không nếu kinh nguyệt không đều.
- Giảm cân nặng đến mức độ vừa phải vì như thế có thể giúp ích trong việc phòng chống nguy cơ tăng sinh niêm mạc tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.