Sự thay đổi của bà bầu tuần 33

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi bác sĩ khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Bà bầu mang thai tuần 33 thường gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày bởi vì trong tuần thai này tốc độ phát triển của thai nhi rất nhanh, lấp đầy bụng mẹ.

1. Mang thai tuần 33 có gì đặc biệt?

Bà bầu tuần 33 tăng thêm trung bình từ 10 - 12,7kg kể từ lúc bắt đầu mang thai. Từ tuần thứ 33, khoảng một nửa trọng lượng tăng thêm của mẹ sẽ được truyền cho thai nhi.

Thai nhi tuần 33 tiếp tục phát triển nhanh, phần xương thân dưới bắt đầu cứng hơn để hỗ trợ cho toàn bộ cơ thể bé. Trong khi đó, phần xương nằm trong hộp sọ vẫn khá mềm, để có thể chịu được lực nén nhẹ khi sinh qua đường âm đạo. Tuy nhiên, một số chi tiết trong hộp sọ vẫn giữ nguyên trạng thái mềm mại trong vài năm đầu đời của bé, cho phép bộ não phát triển toàn diện.

Trong khi đó, chu vi phần bụng ngày càng to khiến thai phụ gặp không ít khó khăn mỗi khi di chuyển và vận động. Bà bầu tuần 33 có thể gặp phải nhiều triệu chứng khó chịu, chẳng hạn như ợ nóng, mất ngủ, đau bụng, suy tĩnh mạch, khó thở.

Mặc dù vậy, vấn đề sinh hoạt tình dục trong tuần thai 33 vẫn được xem là an toàn, dù đôi lúc thai phụ có thể cảm thấy mất cảm hứng và không thoải mái. Để giữ “lửa”, ngoài quan hệ tình dục, người chồng có thể tiếp xúc thân mật với vợ bầu bằng nhiều biện pháp khác, ví dụ như xoa lưng, mát xa chân.


Thai nhi tuần 33 tiếp tục phát triển nhanh, phần xương thân dưới bắt đầu cứng hơn để hỗ trợ cho toàn bộ cơ thể bé
Thai nhi tuần 33 tiếp tục phát triển nhanh, phần xương thân dưới bắt đầu cứng hơn để hỗ trợ cho toàn bộ cơ thể bé

2. Cơ thể bà bầu tuần 33 thay đổi như thế nào?

2.1. Mất ngủ

Mất ngủ trong tam cá nguyệt thứ ba xuất hiện ở 75% phụ nữ mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố trong thời kỳ mang thai, chuột rút ở chân, ợ nóng, bụng căng to, em bé đạp nhiều khiến cho thai phụ không thể yên giấc. Cũng có thể bà bầu mang thai tuần 33 mất ngủ do lo lắng nhiều về việc sinh nở sắp tới hoặc suy nghĩ về danh sách những việc cần làm trước và sau khi sinh.

Bà bầu tuần 33 cần được nghỉ ngơi đầy đủ, nhất là trước khi ngủ, để có tinh thần thoải mái, dễ đi vào giấc ngủ. Để khắc phục tình trạng mất ngủ khi mang thai, bà bầu có thể tắm nước ấm, hoặc dùng một cốc sữa nóng trước khi ngủ, tránh tập thể dục hoặc ăn uống quá gần giờ đi ngủ. Ngoài ra, nhiều thai phụ cảm thấy đọc sách và nghe nhạc nhẹ giúp thư giãn và dễ vào giấc ngủ hơn.

Trắc nghiệm: Tại sao khi mang thai có người rạn da, người thì không?

Hầu như mẹ bầu nào cũng sẽ bị rạn da khi mang thai, nhưng một số lại không gặp tình trạng này. Vậy nguyên nhân là do đâu? Làm bài trắc nghiệm sau sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

2.2. Nên bổ sung omega-3 (DHA)

Omega-3 (hay DHA) là acid béo rất quan trọng đối với sự phát triển trí não và thị lực của thai nhi. Ngoài ra, DHA còn giúp ngăn ngừa chuyển dạ sinh non và phòng chống trầm cảm sau sinh. Gần như tất cả sự tích lũy DHA của em bé xảy ra trong ba tháng cuối của thai kỳ. Thai phụ có thể bổ sung DHA cho em bé bằng cách dùng các loại cá béo, dầu béo trong bữa ăn hàng tuần.Theo khuyến cáo của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa kỳ FDA, bà bầu nên có 2 bữa ăn mỗi tuần với cá và động vật có vỏ nấu chín, chẳng hạn như tôm, cá rô phi, cá hồng, cá hồi, cá phấn, cá da trơn (tốt nhất là cá đánh bắt từ tự nhiên hoặc chăn nuôi hữu cơ). Các nguồn cung cấp DHA khác có thể kể đến, chẳng hạn như tảo và trứng, hoặc các món ăn khác giàu chất béo không bão hòa.

3. Những triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 33

  • Thai nhi chuyển động mạnh

Sản phụ có thể kiểm tra chuyển động của thai nhi hai lần một ngày, vào buổi sáng và buổi tối. Nếu nhận thấy thai nhi đột nhiên giảm chuyển động bất thường (dưới 10 chuyển động trong vòng 2 giờ) thì người mẹ nên đến bệnh viện để kiểm tra.

  • Suy tĩnh mạch

Suy tĩnh mạch là triệu chứng phổ biến đối với hầu hết các bà bầu tuần 33. Tuy nhiên, tình trạng này thường vô hại, không gây đau đớn và sẽ biến mất sau khi sinh con.

  • Đau dây chằng tròn

Đau dây chằng tròn xảy ra khi bà bầu thay đổi vị trí đột ngột, đứng dậy khi ngồi hoặc nằm, đau khi ho, hắt hơi hoặc cười. Cơn đau nhoi nhói ở bụng, cảm giác như bị gai đâm, có thể đau thoáng qua hoặc kéo dài trong vài giờ. Để khắc phục, thai phụ có thể thử nhấc chân lên và duỗi thẳng ra.

  • Thay đổi móng tay

Nội tiết tố thai kỳ trong tuần mang thai thứ 33 khiến cho móng mọc nhanh hơn, và thậm chí là giòn hơn. Nếu móng tay bị giòn, thai phụ nên bổ sung thêm biotin trong chế độ ăn uống. Biotin có nhiều trong chuối, bơ, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.

  • Khó thở

Bụng phát triển to có thể gây chèn ép đến phổi, gây ra khó thở. Đứng thẳng lưng giúp cho phổi có nhiều không gian hơn để thực hiện chức năng hô hấp.

  • Hay quên

Triệu chứng hay quên ở bà bầu tuần 33 có thể liên quan đến giới tính của em bé. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai con gái thường hay quên hơn so với những bà bầu sắp sinh con trai.

  • Cơn co thắt Braxton Hicks

Những cơn co thắt Braxton Hicks chủ yếu xuất hiện vào các tuần cuối của thai kỳ và những bà bầu đã trải qua một lần mang thai trước đó thường sẽ cảm nhận cơn co thắt rõ rệt hơn, tuy nhiên đây không phải là báo hiệu chuyển dạ.

Điểm khác nhau ở chỗ, đối với cơn co thắt sinh lý, bà bầu chỉ cần thay đổi tư thế (từ ngồi sang nằm, từ nằm đứng lên đi lại) thì triệu chứng co thắt sẽ biến mất, trong khi đối với chuyển dạ thật sự thì không.

4. Lời khuyên cho bà bầu tuần 33


Muốn mẹ hấp thu tốt canxi thì không thể thiếu vitamin D
Muốn mẹ hấp thu tốt canxi thì không thể thiếu vitamin D

4.1. Tìm hiểu về cách cho con bú

77% thai phụ sau khi sinh muốn cho con bú càng sớm càng tốt. Như vậy, người mẹ nên tìm hiểu các hướng dẫn để cho con bú đúng cách từ trước khi em bé chào đời. Và tuần thai thứ 33 là khoảng thời gian thích hợp để làm điều này.

4.2. Bổ sung thêm Canxi và Vitamin D

Canxi rất quan trọng đối với người mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, muốn hấp thu tốt canxi thì không thể thiếu vitamin D.

Nguồn thực phẩm bổ sung bộ đôi này tốt nhất là sữa. Nếu sữa để lại vị chua khó chịu trong miệng, thai phụ có thể kết hợp nhiều biện pháp khác, ví dụ như trộn sữa với sinh tố, nước trái cây, súp, hoặc có thể thay thế bằng sữa chua và phô mai. Tuy nhiên, sữa chua và phô mai thường không chứa nhiều vitamin D.

Ngoài ra thai phụ hoàn toàn có thể bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng vài phút mỗi ngày. Nếu dùng sữa đậu nành, bà bầu tuần 33 nên lựa chọn một thương hiệu sữa giàu vitamin D.

4.3. Tập thể dục nhẹ

Tập thể dục giúp cho cơ thể bà bầu trở nên dẻo dai, làm tăng trương lực cơ, thậm chí ngăn ngừa mất xương. Tuy nhiên, bà bầu mang thai tuần 33 nên tập các bài thể dục nhẹ, vừa phải, nếu có nâng tạ nên dùng loại tạ có trọng lượng nhẹ. Phụ nữ chỉ nên tập nặng khi đã hoàn toàn hồi phục sau khi sinh nở.

4.4. Bổ sung lactase hoặc sử dụng sữa không chứa lactose

Một số thai phụ không thể sản xuất đủ lượng lactase cần thiết để phân hủy đường lactose trong sữa, hậu quả ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, dẫn đến chướng bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

Ngoài ra, đường lactose sẽ dễ tiêu hóa hơn khi trộn chung với các thực phẩm khác có chứa chất xơ cao. Vì vậy, người mẹ khi uống sữa có thể dùng chung với ngũ cốc nguyên hạt, hoặc với các lát bánh mì nguyên chất.

4.5. Giảm sưng

Bà bầu tuần 33 thường gặp tình trạng sưng phù chân do suy tĩnh mạch. Để giảm sưng, thai phụ có thể thực hiện theo 2 cách sau đây:

  • Kê cao chân khi nằm ngủ, giúp làm giảm áp lực lên đôi chân, giảm sưng phù;
  • Vận động đôi chân thường xuyên bằng các bài tập thể dục thích hợp. Đi bơi được xem là hoạt động thể dục rất tốt cho bà bầu, vì ngoài những tác dụng có lợi trên hệ cơ, việc đắm mình trong môi trường nước còn giúp thai phụ cảm thấy mát mẻ và ngăn chặn chứng phù nề. Các động tác đơn giản như đi bộ, thay đổi tư thế khi ngồi lâu cũng giúp bà bầu giảm đi phần nào tình trạng sưng phù.

Tham khảo thông tin chuyên môn tại: webmd.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe