Hỏi
Chào bác sĩ,
Em mang thai tháng đầu tiên. Bình thường, em bị táo bón nên mỗi ngày đều uống 1 ly cà phê và buổi sáng để có thể đi vệ sinh. Khi mang thai, em có bắt đầu kiêng cà phê. Em ăn hoa quả có chất xơ như đu đủ chín, lê, thanh long nhưng đều không hiệu quả. Em không đi vệ sinh được trong thời gian dài.
Vậy bác sĩ cho em hỏi táo bón khi mang thai có sao không? Em có thể quay lại uống cà phê vào mỗi buổi sáng không? Nếu không được thì có giải pháp nào khác không? Em có tập yoga, uống nhiều nước, đi bộ nhưng đều không có tác dụng. Em không ăn rau xanh được vì nhìn rau là em nhợn. Mong bác sĩ tư vấn, em cảm ơn.
Khách hàng ẩn danh
Trả lời
Được giải đáp bởi Thạc sĩ, Bác sĩ chuyên khoa II Phùng Thị Lý - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.
Chào bạn,
Với câu hỏi “Táo bón khi mang thai có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:
Một vài nguyên nhân táo bón ở bà bầu:
- Sự gia tăng hormone progesterone khi mang thai gây ra sự thư giãn của cơ bắp của bạn. Điều đó bao gồm ruột của bạn và ruột di chuyển chậm hơn có nghĩa là tiêu hóa chậm hơn.
- Tử cung phát triển, chèn ép một số dây thần kinh, tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch dưới. Mặt khác, thai nhi cũng càng ngày càng lớn chiếm chỗ trong ổ bụng, chèn ép thu hẹp không gian của đường tiêu hóa, cũng làm thức ăn di chuyển chậm hơn.
- Thai phụ bị mất nước do nôn nghén trong ba tháng đầu, gây chứng táo bón.
- Bà bầu rất dễ lười vận động, đặc biệt là khi gần vào cuối thai kỳ vì bụng đã nặng và chân sưng đau. Điều này cũng dẫn đến táo bón ở bà bầu.
- Rất nhiều bà bầu cần bổ sung canxi và sắt cho sự phát triển xương của thai nhi. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều 2 yếu tố vi lượng này này cũng sẽ gây táo bón.
- Thai phụ đã hoặc đang lạm dụng thuốc nhuận tràng liều lượng cao.
- Bệnh tiểu đường thai kỳ hoặc nhược giáp cũng là nguyên nhân dẫn đến táo bón ở bà bầu.
- Thói quen nhịn đi vệ sinh cũng gây rối loạn tiêu hóa, táo bón. Ngoài ra, việc ăn uống quá nhiều, cơ thể không hấp thụ và tiêu hóa kịp cũng dẫn đến táo bón.
Đầu tiên, bạn cần làm rỗng đại tràng cho lần táo bón này bằng cách thụt tháo sạch. Nếu vẫn không hiệu quả bạn nên đến khám bác sĩ Tiêu hóa để được tư vấn kỹ hơn về tình trạng trĩ cũng như chế độ ăn và thuốc hỗ trợ nếu cần.
Một vài phương pháp hỗ trợ thêm cho bạn như:
- Uống nhiều nước hơn. Mỗi ngày uống đủ lượng 2,5 - 3 lít để dễ đi ngoài hơn.
- Bổ sung probiotic và prebiotic để tăng sức đề kháng với vi khuẩn đường ruột, hỗ trợ quá trình lên men tại ruột già.
- Ngưng sử dụng thuốc bổ: sắt, canxi nếu đang uống, đồ ăn nhuận tràng, dầu khoáng.
- Ăn nhiều trái cây, nếu rau xanh bạn không ăn được.
- Thay đổi tư thế ngồi khi đi ngoài: Nghiêng người về phía trước và chống khuỷu tay trên đầu gối.
- Sử dụng dung dịch thụt tháo, nhét hậu môn hay dầu bôi trơn theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu bạn còn thắc mắc về táo bón khi mang thai, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.
Trân trọng!
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.