Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.
Bà bầu tuần 23 tăng khoảng từ 5 - 7 kg, đau lưng cũng xuất hiện kèm theo tăng dịch âm đạo màu vàng nhạt và có mùi nhẹ. Nếu dịch tiết thay đổi bất thường, phụ nữ nên đến bệnh viện kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng khi mang thai tuần 23.
1. Mang thai tuần 23 có gì đặc biệt?
Khi mang thai tuần 23, phụ nữ đang bước vào tháng thứ 6 của thai kỳ. Chỉ còn 3 tháng nữa, tương đương 17 tuần, là em bé sẽ chào đời. Thai nhi lúc này đã vượt qua mốc 20cm chiều dài và 0,54kg cân nặng, có kích cỡ gần bằng quả cà tím. Bé gần như đã phát triển khá đầy đủ cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ, tuy nhiên vẫn cần thêm vài tháng nữa thực hành các kỹ năng thiết yếu.
Phổi tiếp tục luyện tập khả năng hô hấp bằng cách hít thở trong nước ối. Chất hoạt động bề mặt cũng được sản xuất cho phép phổi phồng lên. Trong khi đó, bộ não thai nhi đang tạo ra các dây thần kinh cần thiết cho hoạt động suy nghĩ và giao tiếp trong tương lai. Da của bé lúc này vẫn còn nhăn vì thai nhi sẽ liên tục tăng thêm nhiều cân nữa. Lớp lông tơ bao phủ toàn thân bé đôi khi chuyển sang màu sẫm hơn.
2. Triệu chứng thường gặp ở bà bầu mang thai tuần 23
Trong khi thai nhi đang nằm yên và phát triển ổn định trong tử cung thì bà bầu tuần 23 lại nhận thấy nhiều sự thay đổi xuất hiện trên khắp cơ thể vì có em bé. Khi mang thai tuần 23, tâm trí của phụ nữ có thể trở nên mơ hồ hơn do tác động của hormone progesterone lên não. Ngón chân hay thậm chí là cả đôi chân dường như to lên, kèm theo đó là một số triệu chứng đặc trưng khác như:
- Thay đổi màu da
Một biểu tượng phổ biến của phụ nữ mang thai là đường sọc nâu trên bụng, chạy từ giữa rốn đến phía trên vùng kín. Đường sọc nâu này có tên là “linea nigra”, do một loại hormone thai kỳ gây ra và sẽ được nhìn thấy rõ hơn ở những sản phụ có da sẫm màu. Sự thay đổi sắc tố da cũng xảy ra tương tự ở quầng vú, những vết tàn nhang và thậm chí là nám da mặt.
Trong khi đó, lòng bàn tay và chân của bà bầu tuần 23 có thể chuyển sang màu đỏ, da toàn thân dễ bị phát ban hơn và toàn bộ vết rạn trên khắp cơ thể có màu hồng hoặc tím. Tuy nhiên thai phụ có thể yên tâm vì tất cả những thay đổi trên da này sẽ mờ dần trong vòng một vài tháng sau khi sinh.
- Cảm nhận hoạt động của thai nhi
Khi mang thai tuần 23, phụ nữ đã quen dần với việc cảm nhận những chuyển động của thai nhi trong bụng mẹ. Những cú đạp nhẹ này lúc này chính là niềm vui cho người mẹ cho đến khi lực đá ngày càng trở nên mạnh mẽ và rõ rệt hơn. Điều này đôi khi sẽ gây đau đớn cho thai phụ khi em bé đá vào xương sườn, bụng hoặc cổ tử cung.
- Nhanh đói và đầy hơi
Thai nhi đang tăng trưởng nhanh chóng bên trong bụng mẹ khiến bà bầu tuần 23 thường xuyên cảm thấy đói và có thể ăn rất nhiều. Mặc dù việc thai phụ ăn một khẩu phần lớn hơn bình thường sẽ cung cấp đủ năng lượng cho cả hai mẹ con, nhưng hormone thai kỳ progesterone lại có tác dụng khiến đường tiêu hóa “thư giãn”, từ đó làm chậm quá trình tiêu hóa.
Nguyên nhân là vì các chất dinh dưỡng cần có nhiều thời gian hơn để hấp thu vào máu và di chuyển tới cho thai nhi. Để khắc phục tình trạng này, phụ nữ nên dự trữ sẵn trái cây và một số thức ăn nhẹ lành mạnh để tiêu thụ khi đói, cũng như uống nhiều nước hơn nhằm thúc đẩy hoạt động của các cơ quan.
- Ngáy ngủ
Ngáy là triệu chứng mang thai tuần 23 khá phổ biến và có thể gây khó chịu vì sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của cả hai vợ chồng. Tăng cân khi mang thai gây nghẹt mũi và niêm mạc bị sưng trong mũi là nguyên nhân chính của tình trạng này. Tiếng ngáy có thể được giảm bớt bằng cách đeo băng dán thông mũi khi đi ngủ, kết hợp với dùng máy phun sương tạo độ ẩm trong phòng ngủ.
- Chảy máu nướu răng
Nướu / lợi của thai phụ sẽ bị sưng nhiều hơn bình thường khi mang thai tuần 23 cũng là do tác động của thay đổi hormone. Những cách làm giảm kích ứng cho nướu bao gồm: Tránh nhai kẹo dẻo hoặc kẹo cao su ngọt, đánh răng và dùng chỉ nha khoa thường xuyên, hoặc tìm đến nha sĩ khi tình trạng chảy máu nướu răng trở nên trầm trọng hơn.
- Đau và ngứa bàn tay
Tình trạng sưng khi mang thai có thể gây áp lực lên các dây thần kinh ở cổ tay, gây ra cảm giác đau và ngứa râm ran tương tự như hội chứng chèn ép thần kinh giữa / ống cổ tay (carpal tunnel syndrome). Nếu bà bầu tuần 23 phải làm việc thường xuyên với máy tính, nên duỗi tay nghỉ ngơi thường xuyên và đảm bảo giữ đúng tư thế khi ngồi ở bàn làm việc: Cổ tay thẳng, cánh tay vuông góc, khuỷu tay cao hơn bàn tay.
3. Lời khuyên cho bà bầu tuần 23
Bà bầu tuần 23 nên tiếp tục giữ ẩm cho làn da bằng một số loại kem chuyên dụng, tránh tình trạng da ngày càng căng ra, trở nên khô và ngứa. Bước vào mang thai tuần 23, những phụ nữ đang làm việc trong môi trường công sở cũng có thể bắt đầu tìm hiểu về chế độ nghỉ thai sản với bộ phận nhân sự để có những bước chuẩn bị sẵn sàng. Sau đây là một số lời khuyên khác dành cho bà bầu tuần 23 tham khảo:
3.1. Bổ sung chất sắt
Thai nhi cần rất nhiều dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất từ cơ thể người mẹ. Ngoài vitamin trước khi sinh, bác sĩ sản khoa cũng sẽ kê toa bổ sung chất sắt trong giai đoạn nửa sau của thai kỳ. Bà bầu tuần 23 cần nhận được 30 miligam sắt mỗi ngày để sản xuất đủ hồng cầu và giảm nguy cơ thiếu máu. Thiếu hụt chất sắt sẽ khiến cơ thể mệt mỏi, yếu ớt, khó thở và chóng mặt. Mặc dù điều này không gây hại cho em bé, song sẽ lấy đi nhiều năng lượng của thai phụ.
3.2. Cải thiện tình trạng đau lưng
Nếu bà bầu tuần 23 bị đau lưng trên, có thể giải quyết bằng cách thay một chiếc áo ngực mới vừa vặn hơn. Trọng lượng của bộ ngực đang phát triển là nguyên nhân gây đau lưng ở một số phụ nữ. Đau lưng dưới cũng là triệu chứng thường gặp khi mang thai tuần 23. Thai phụ có thể tìm đến biện pháp massage xoa bóp hoặc chườm nóng để cải thiện tình trạng này.
3.3. Cố gắng ngủ ngon
Theo một nghiên cứu, có tới 78% phụ nữ mang thai không thể có được một giấc ngủ ngon mỗi ngày, đặc biệt là những người lần đầu làm mẹ. Tất cả những sự thay đổi đang diễn ra trong cơ thể khiến bộ não của thai phụ khó nghỉ ngơi hoàn toàn. Nếu cảm thấy không thoải mái, thai phụ nên thử dùng gối ôm được thiết kế dành riêng cho bà bầu hoặc đổi tư thế nằm sao cho dễ chịu nhất (nằm nghiêng và co chân ôm gối).
3.4. Uống nước thường xuyên
Bà bầu tuần 23 nên giữ một chai nước đầy bên cạnh trong mọi lúc. Nước giúp máu lưu thông dễ dàng, làm sạch nước ối và tăng cường sản xuất sữa. Tùy vào thể trạng, trọng lượng cơ thể cũng như mức độ hoạt động mà thai phụ cần uống từ 8 đến 10 ly nước mỗi ngày. Ngoài nước lọc, chị em cũng có thể bổ sung các thức uống lành mạnh khác, tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ sản khoa trước khi bắt đầu sử dụng.
3.5. Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu
Khi mang thai, bàng quang trở thành nơi sinh sản hoàn hảo cho vi khuẩn và có nguy cơ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Những cách phòng ngừa tình trạng này bao gồm: Uống nhiều nước lọc và một số loại nước ép trái cây thích hợp (không đường); Kiểm tra màu nước tiểu; Không nhịn tiểu; Nghiêng về phía trước khi đi tiểu để làm trống bàng quang; Làm sạch vùng kín sau khi đi vệ sinh và quan hệ tình dục; Mặc đồ lót bằng vải cotton; Tắm vòi sen thay cho tắm bồn.
3.6. Lựa chọn thực phẩm hữu cơ
Với ưu điểm ít dư lượng thuốc trừ sâu và chất bảo quản, sản phẩm hữu cơ thực sự có lợi cho cả người mẹ lẫn thai nhi. Những loại chất mà bà bầu tuần 23 tiêu thụ sẽ được truyền qua cho em bé nằm trong tử cung và sau đó còn đi vào trong sữa mẹ. Tuy nhiên không nên chủ quan rằng hữu cơ có nghĩa là an toàn tuyệt đối. Mặc dù không có thuốc trừ sâu và hóa chất, thực phẩm hữu cơ vẫn có thể bị nhiễm vi khuẩn. Chính vì vậy thai phụ cần nấu chín tất cả thịt cá hữu cơ và rửa sạch rau củ quả hữu cơ thật cẩn thận.
Ngoài ra, từ khi khi mang thai tuần 23 trở đi, phụ nữ cần chú trọng việc học các biện pháp thư giãn. Có thể là những bài tập thở, yoga hay những bộ môn thể dục khác dành cho bà bầu. Điều này sẽ giúp thai phụ vượt qua những lo lắng khi mang thai, các cơn co thắt chuyển dạ sắp tới, và rất có ích trong cuộc sống của một người mẹ bận rộn trong tương lai.
Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện. Sản phụ sẽ không còn cô đơn khi bước vào cuộc chuyển dạ vì có người thân đồng hành giúp quá trình sinh con luôn mang đến sự an tâm và hạnh phúc.
Thạc sĩ. Bác sĩ. Lý Thị Thanh Nhã đã có quá trình làm việc tại Bệnh viện Đại học Y Dược Huế và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị trước khi làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng như hiện nay. Bác sĩ Nhã có thế mạnh và kinh nghiệm trong chẩn đoán theo dõi và điều trị thai nghén, thai bệnh lý. Khám tầm soát thai kỳ. Thực hiện các kỹ thuật mổ lấy thai. Phẫu thuật nội soi điều trị u nang buồng trứng, thai ngoài tử cung.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, whattoexpect, parent.com