Các cơn gò sau sinh: Những điều cần biết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trương Nghĩa Bình - Bác sĩ chuyên khoa Sản - Khoa Sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng

Cơn gò tử cung diễn ra mạnh mẽ nhất ở giai đoạn chuyển dạ để giúp sinh em bé. Tuy nhiên, nếu cơn gò này tiếp tục diễn ra lâu với tính chất mạnh, gây đau nhiều thì có thể gây ra các tai biến sản khoa như xuất huyết sau sinh, chảy máu âm đạo nhiều... gây nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.

1. Làm sao để cơn gò đạt hiệu quả cao trong quá trình sinh con?

Để giúp bà bầu giảm đau và tăng hiệu quả cho mỗi lần lấy sức, một số lời khuyên được đưa ra như sau:

  • Trong thời gian mang thai, các mẹ bầu nên vận động nhẹ nhàng, tham gia các hoạt động thể chất như đi bộ, tập yoga, tập thể dục buổi sáng hoặc buổi chiều,... những việc làm này có tác dụng giúp khung chậu nở ra và rèn luyện sức khỏe trước sinh.
  • Trong thời gian chuyển dạ, mẹ bầu nên hít thở đúng cách (hít sâu, thở sâu và chậm, chỉ thở bằng mũi). Việc làm này giúp bà mẹ làm dịu cơn đau và giúp quá trình chuyển dạ diễn ra nhanh hơn.

2. Hậu quả của các cơn gò sau sinh

2.1 Chảy máu âm đạo

Thông thường sau sinh máu âm đạo sẽ chảy ra nhưng với số lượng ít, không nhiều hơn máu kinh nguyệt. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như cơn gò tử cung diễn ra lâu hơn bình thường cũng có thể làm chảy máu âm đạo khó cầm hơn. Hoặc trong trường hợp sót nhau thai, vận động nhiều, vận động mạnh cũng làm chảy máu nhiều hơn.

2.2 Xuất huyết sau sinh

Khi tử cung không co bóp thích hợp sau sinh (cơn gò sau sinh) sẽ dẫn đến xuất huyết sau sinh. Xuất huyết xảy ra khi tử cung, cổ tử cung hoặc âm đạo bị rách. Vì vậy nên sau sinh, hầu hết các sản phụ đều được theo dõi để đảm bảo tử cung co bóp bình thường.

Khi có rối loạn xảy ra, sản phụ sẽ được mát-xa tử cung giúp nó co bóp đúng cách, hoặc được tiêm oxytocin theo chỉ định của bác sĩ. Xuất huyết có thể xuất hiện ngay sau sinh, trong tuần đầu hoặc dài hơn là 2 tuần sau sinh. Nếu nhau thai còn sót trong tử cung, cần phẫu thuật để lấy bỏ nhau thai.

2.3 Đau đáy chậu

Khi tử cung bị kích thích, đau đáy chậu là triệu chứng khó tránh khỏi. Đối với phụ nữ sinh thường, thường có đau ở đáy chậu, đặc biệt giữa trực tràng và âm đạo do các mô bị kéo căng hoặc xung huyết, rách trong khi sinh. Hơn nữa, sản phụ có thể cảm thấy đau hơn do tầng sinh môn đã bị cắt trong quá trình sinh con.

3. Chăm sóc sản phụ sau sinh hiệu quả

3.1 Dinh dưỡng


Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho người mẹ sau khi sinh
Bổ sung dinh dưỡng đầy đủ cho người mẹ sau khi sinh

Sau sinh sản phụ thường bị mất nhiều máu nên cần được bồi dưỡng bằng các thực phẩm giàu dinh dưỡng, nên ăn những thức ăn dễ tiêu, tránh các gia vị có chất kích thích như ớt, cà phê, trà sẽ gây ảnh hưởng đến việc tiết sữa. Sản phụ không nên ăn kiêng sớm sau sinh để đảm bảo chất lượng sữa cho bé. Để có đủ sữa cho con bú, các bà mẹ nên uống đủ 2 - 3 lít nước mỗi ngày và uống thêm nước hoa quả, sữa.

Đối với vú, sau khi sinh từ 2-3 ngày, sữa bắt đầu tiết ra, nên cho bé bú ngay sữa non, bú nhiều lần trong ngày để kích thích tiết sữa. Nếu việc tiết sữa bị tắc nên tích cực cho bé bú, triệu chứng đó sẽ dần dần mất đi. Tránh vắt, bóp sai cách gây vỡ tuyến, tia sữa. Cho trẻ bú mẹ sẽ giúp tử cung người mẹ co bóp tốt, sớm trở lại kích thước bình thường và tạo trạng thái tinh thần phấn chấn, gắn bó với con nơi người mẹ.

3.2 Vệ sinh thân thể

Cần vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu dịch tiết ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Cần thay băng, giấy vệ sinh, khăn, nước rửa cũng phải sạch sẽ, Nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm để tắm rửa và lau khô sau khi rửa xong.

Sau khi sinh khoảng 2-3 ngày, sản phụ có thể tắm toàn thân nhưng cần tắm nhanh từ 5 - 10 phút, không nên tắm trong bồn hay trong chậu (đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước).

Với các sản phụ sinh mổ hay cắt tầng sinh môn, nên thận trọng với vết thương để tránh bung tuột mối chỉ. Cũng từ 3-4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô. Để tránh chóng mặt và tiếp xúc lâu với nước, sản phụ không tắm gội cùng lúc mà nên tắm tầm 9 - 10 giờ sáng rồi gội đầu vào buổi trưa.

3.3 Thói quen sinh hoạt lành mạnh

Sau sinh thì điều quan trọng vẫn là duy trì và ổn định sức khỏe. Một số hoạt động giúp các bà mẹ nhanh chóng lấy lại sức khỏe và vóc dáng như tập thể dục, tập hít thở, có thể dùng tã cotton bó bụng để tránh sổ bụng, tập yoga,... Nếu duy trì luyện tập trong thời gian dài, sức khỏe sẽ được cải thiện rõ rệt. Ngoài ra, các hoạt động trên còn giúp thư giãn đầu óc, giảm stress trong quá trình chăm con.

Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec mang đến Chương trình chăm sóc thai sản trọn gói cho các sản phụ ngay từ khi bắt đầu mang thai từ những tháng đầu tiên với đầy đủ các lần khám thai, siêu âm 3D, 4D định kỳ cùng các xét nghiệm thường quy để đảm bảo người mẹ luôn khỏe mạnh và thai nhi phát triển toàn diện.

Sản phụ sẽ được tư vấn và kiểm tra sức khỏe dưới sự theo dõi sát sao của các Bác sĩ Sản khoa giàu kinh nghiệm, chuyên môn, giúp các bà mẹ có thêm kiến thức để bảo vệ sức khỏe trong thai kỳ cũng như giảm thiểu những biến chứng ảnh hưởng tới mẹ và con.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe