Sự thay đổi của bà bầu tuần 22

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ, Bác sĩ Lý Thị Thanh Nhã - Khoa Sản Phụ Khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng.

Khi mang thai tuần 22, những triệu chứng ốm nghén dần biến mất khiến phụ nữ cảm thấy khỏe hơn. Tử cung của bà bầu tuần 22 vẫn đang tiếp tục phát triển, mẹ có thể bị chuột rút và sưng nhẹ ở chân và bàn chân cũng như mắt cá.

1. Mang thai tuần 22 có gì đặc biệt?

Khi mang thai tuần 22, phụ nữ đang ở trong tháng thứ 5 của thai kỳ. Thai nhi lúc này dài gần 20cm và nặng khoảng 0,45kg với kích thước tương đương một quả ớt chuông đỏ. Tất cả các hệ chức năng đang hình thành bên trong thai nhi, bao gồm:

  • Những hormone kích thích các cơ quan nội tạng đi vào hoạt động.
  • Hình thành các dây thần kinh xúc giác, khứu giác và tất cả giác quan khác.
  • Phát triển cơ quan sinh dục: Tinh hoàn bé trai đã bắt đầu hạ xuống; tử cung, buồng trứng và âm đạo của bé gái nằm vào đúng vị trí.

Mỗi tuần trôi qua, cơ bắp của bé ngày càng khỏe hơn, mí mắt và lông mày cũng bắt đầu phát triển. Thai nhi sẽ chuyển động rất nhiều như là cách để phản hồi với những âm thanh và giai điệu nghe được từ bên ngoài. Tiếng hát và giọng nói của mẹ lúc này đã có thể vỗ về cho thai nhi bé bỏng.


Thai nhi tuần 2
Thai nhi tuần 2

2. Triệu chứng của mẹ khi mang thai tuần 22

  • Tóc dày và chắc khỏe hơn

Bà bầu tuần 22 có thể tận hưởng được những lợi ích mà hormone thai kỳ mang lại. Cụ thể, mái tóc sẽ vào nếp, sợi tóc dày hơn và bộ móng cũng trở nên chắc khỏe. Tuy nhiên đi kèm với điều này là sự phát triển của ria mép và lông tay chân không mong muốn. Phụ nữ nên cân nhắc nếu muốn nhổ lông hoặc cạo ria mép ở giai đoạn này, cần lưu ý rằng thuốc tẩy lông có chứa hóa chất không an toàn cho thai kỳ.

  • Chứng ợ nóng hoặc khó tiêu

Bởi vì thai nhi đang lớn lên và cần được nuôi dưỡng trong bụng mẹ, do đó bà bầu tuần 22 sẽ có cảm giác thèm ăn dữ dội và dường như có thể tiêu thụ hết khối lượng thực phẩm rất lớn. Điều này hoàn toàn bình thường song có thể khiến phụ nữ gặp phải chứng ợ nóng hoặc khó tiêu. Vì vậy nên dự trữ sẵn các loại đồ ăn nhẹ lành mạnh như trái cây, rau củ thái nhỏ, các loại hạt và bánh quy được làm từ ngũ cốc nguyên cám.

  • Táo bón

Khi mang thai tuần 22, tử cung của người mẹ phát triển sẽ tạo ra áp lực lên ruột, khiến quá trình đẩy chất thải ra khỏi cơ thể trở nên khó khăn hơn. Bà bầu tuần 22 có thể cải thiện tình trạng táo bón bằng cách luyện tập thói quen đi tiêu đúng giờ mỗi ngày để kích thích nhu động ruột.

  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt

Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến trong thai kỳ do giảm huyết áp. Máu của bà bầu tuần 22 không thể di chuyển nhanh như trước đây khiến họ cảm thấy choáng váng khi vừa đứng lên hoặc sau khi đứng trong một thời gian dài. Bên cạnh đó tử cung ngày càng mở rộng cũng gây áp lực lên các mạch máu, khiến lưu lượng máu lên não bị giảm và gây ra chứng đau đầu nhẹ. Uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày sẽ giúp máu được bơm ổn định qua hệ thống tuần hoàn. Cần bổ sung nhiều nước hơn nếu thời tiết nóng hoặc người mẹ phải vận động nhiều.

  • Chuột rút ở chân

Một số chuyên gia đưa ra giả thuyết rằng chuột rút ở chân khi mang thai tuần 22 có thể là do thiếu canxi hoặc magiê trong chế độ ăn uống. Phụ nữ nên uống vitamin trước khi sinh hàng ngày theo chỉ định của bác sĩ sản khoa để làm giảm tần suất của những cơn chuột rút đau đớn.

  • Vết rạn da

Bà bầu tuần 22 sẽ bắt đầu nhìn thấy các vết rạn không chỉ có trên bụng mà còn xuất hiện ở hông, đùi và ngực. Việc thoa kem dưỡng ẩm lên khắp cơ thể cho phụ nữ mang thai có thể không phải là một phương thuốc thần kỳ để làm biến mất các vết rạn, nhưng chị em vẫn nên tiếp tục quá trình chăm sóc da này để hạn chế ngứa và khô da.


Bà bầu tuần 22 sẽ bắt đầu nhìn thấy các vết rạn không chỉ có trên bụng mà còn xuất hiện ở hông, đùi và ngực
Bà bầu tuần 22 sẽ bắt đầu nhìn thấy các vết rạn không chỉ có trên bụng mà còn xuất hiện ở hông, đùi và ngực
  • Rốn nhô ra

Nhiều phụ nữ mang thai không thích chiếc rốn của mình vốn đang bình thường bỗng nhiên lại nhô ra gây mất thẩm mỹ. Tuy nhiên đây là thực tế không thể tránh khỏi, chị em cũng nên yên tâm vì sau khi sinh em bé xong chiếc rốn sẽ trở lại hình dạng như ban đầu.

3. Lời khuyên khi mang thai tuần 22

Khi mang thai tuần 22, đa số các bậc phụ huynh đã biết được giới tính của thai nhi trong bụng. Chính vì thế đây là thời điểm để lựa chọn và xác định tên họ sẽ đặt cho em bé. Ngoài ra, bà bầu tuần 22 cũng nên tham khảo các lời khuyên cho tuần này như sau:

  • Bổ sung canxi và kali

Để hạn chế chuột rút, bà bầu tuần 22 nên cung cấp thêm nhiều canxi và kali cho cơ thể. Đều đặn uống một ly sữa trước khi đi ngủ mỗi ngày hoặc ăn nhẹ các thực phẩm giàu kali, chẳng hạn như bưởi, cam và chuối. Ngoài ra, có thể thử ngồi duỗi thẳng chân và uốn cong các ngón chân về phía cơ thể khi cơn chuột rút xuất hiện. Tránh bắt chéo chân và ngồi hoặc đứng quá lâu, điều này có thể khiến đến máu dồn xuống chân và gây giãn tĩnh mạch.

  • Giao tiếp với bạn bè và người thân

Nhiều phụ mang thai sẽ cảm thấy ngày dài hơn và thậm chí là mệt mỏi vì phần lớn thời gian chỉ ở nhà nghỉ ngơi hoặc xem các chương trình giải trí. Bà bầu tuần 22 nên dành thời gian gặp gỡ bạn bè và người thân để trò chuyện về ngày dự sinh sắp tới, chuyện nuôi dạy con nhỏ và thảo luận về tên của em bé. Nếu không muốn toàn bộ câu chuyện chỉ xoay quanh chủ đề mang thai, người mẹ hoàn toàn có thể chuẩn bị sẵn một vài chủ đề đang quan tâm và tìm người để chia sẻ.

  • Chuẩn bị cho cơn gò “giả” Braxton Hicks

Những cơn co thắt Braxton Hicks khiến bà bầu tuần 22 cảm thấy bất thường trong bụng, chúng không đau nhưng dường như các cơ đang siết chặt lại. Đây đơn giản là thời gian tử cung thực hành diễn tập chuyển dạ để chuẩn bị cho ngày dự sinh sắp tới và không có gì nguy hiểm. Mặc dù khó phân biệt với những cơn gò thực sự, song các cơn co thắt Braxton Hicks không đủ lực để đẩy thai nhi ra khỏi bụng mẹ.

  • Tìm hiểu sàng lọc nguy cơ sinh non

Xét nghiệm nồng độ fibronectin bào thai (fFN) có thể dự đoán được nguy cơ sinh non. Trong đó fFN là chất giúp giữ thai nhi nằm trong tử cung của mẹ. Nếu kết quả xét nghiệm là âm tính, phụ nữ không có nguy cơ sinh non. Ngược lại, đối với những phụ nữ có khả năng chuyển dạ sớm thì bác sĩ sẽ thực hiện các bước cần thiết để kéo dài thai kỳ.

  • Bổ sung chất magiê

Ngoài khả năng tăng cường xương và răng cho bé, magiê còn có tác dụng kích thích chức năng enzyme, điều chỉnh insulin và kiểm soát lượng đường trong máu. Bà bầu tuần 22 thiếu magie sẽ cảm thấy mệt mỏi, yếu ớt, chân bị chuột rút hoặc tê bì. Những hậu quả nghiêm trọng khác có thể kể đến là thai nhi kém phát triển hoặc tiền sản giật. Nên nhờ bác sĩ tư vấn cách bổ sung magiê vào chế độ ăn uống khi mang thai tuần 22.

  • Tập luyện thể chất và tinh thần

Nghiên cứu khoa học cho thấy việc tập luyện thể chất vừa làm tăng sức mạnh cơ bắp của mẹ, vừa hỗ trợ trí não của bé, giúp trẻ sinh ra được khỏe mạnh và thông minh. Đồng thời, các bài tập nhẹ nhàng, như yoga hoặc tập thở, được xem là một công cụ thư giãn tinh thần, hỗ trợ giảm stress tuyệt vời, giúp bà bầu đối phó với những lo lắng khi mang thai và cả những cơn co thắt chuyển dạ sớm.

  • Tiêu dùng thông minh

Với tâm lý luôn muốn mang đến những điều tốt đẹp nhất cho con, phụ nữ mang thai dễ dàng chi tiêu cho những loại thực phẩm đóng sẵn trong bao bì đẹp mắt, được quảng cáo là lành mạnh, an toàn cho thai phụ và bổ dưỡng cho thai nhi. Trên thực tế, bà bầu tuần 22 nên tự chuẩn bị các bữa ăn theo hướng dẫn của bác sĩ sản khoa, chú trọng đến các thành phần dinh dưỡng thực sự bên trong một loại sản phẩm hơn là nhãn mác bên ngoài và giá tiền bị đẩy lên bất hợp lý.

  • Hạn chế thẩm mỹ làm đẹp

Chưa có nghiên cứu nào chứng minh được việc tiêm collagen, filler hoặc botox làm đầy sẽ an toàn với phụ nữ mang thai. Do đó cách tốt nhất là thai phụ phải dừng hoàn toàn các thủ tục thẩm mỹ làm đẹp. Bên cạnh đó, khi mang thai tuần 22 trở đi, tình trạng ứ nước có thể làm căng da mặt của phụ nữ một cách tự nhiên, khiến các nếp nhăn giảm đi rõ rệt.


Hạn chế thẩm mỹ làm đẹp
Hạn chế thẩm mỹ làm đẹp

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết tham khảo nguồn: webmd.com, whattoexpect, parent.com

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe