Mẹ bị viêm gan b có lây sang con không, viêm gan B từ mẹ sang con lây truyền vào thời điểm nào và bằng cách nào là những nỗi lo lắng chung của các bậc phụ huynh, vì theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, khoảng 10-20% người Việt Nam mang virus viêm gan B, đặc biệt là phụ nữ mang thai và trẻ em. Trẻ sơ sinh bị lây truyền từ mẹ có nguy cơ cao mắc xơ gan và ung thư gan về sau.
Bài viết này được viết dưới sự hướng dẫn chuyên môn của các bác sĩ thuộc khoa Tiêu hoá - Gan Mật - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec.
1. Các con đường lây truyền của Virus Viêm gan B
Viêm gan B là bệnh do virus viêm gan B (HBV) gây ra, tấn công và làm tổn thương gan. Người lớn khỏe mạnh thường loại bỏ virus HBV một cách dễ dàng. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại dễ bị nhiễm bệnh thường không thể tự loại bỏ virus.
Viêm gan B là một căn bệnh lây truyền rất dễ dàng, thậm chí còn dễ lây hơn HIV tới 100 lần. Theo Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương, virus viêm gan B có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau:
- Lây truyền theo chiều dọc, lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con: Đây là cách lây truyền phổ biến nhất, thường xảy ra trong thời kỳ chu sinh, từ tuần thứ 28 của thai kỳ đến ngày thứ 7 sau sinh, hoặc thậm chí có thể kéo dài đến những tháng đầu đời của trẻ. Bệnh không lây truyền qua nhau thai.
- Lây truyền theo chiều ngang, qua đường tiếp xúc trực tiếp: Thường xảy ra trong gia đình, các cơ sở y tế, trường học và nhà trẻ. Virus có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết thương hở nhỏ, vết trầy xước, niêm mạc bị tổn thương hoặc qua tiếp xúc với dịch tiết từ các vết thương này. Ngoài ra, virus viêm gan B cũng có thể lây truyền qua nước bọt, đặc biệt khi có vết cắn, vết trầy xước ở da hoặc khi người lớn nhai thức ăn trước cho trẻ.
- Lây truyền qua đường máu: Tiêm chích và truyền máu không an toàn là con đường chính lây lan virus viêm gan B, viêm gan C và HIV ở nhiều nơi trên thế giới.
- Qua quan hệ tình dục: Việc lây truyền bệnh có thể xảy ra trong quá trình quan hệ tình dục khi có sự tiếp xúc trực tiếp giữa với những vết trầy xước và máu, các dịch khác trong cơ thể…
Với những ai thắc mắc người mẹ bị viêm gan B có lây sang con không thì câu trả lời là có, đường lây truyền chủ yếu khiến trẻ em mắc bệnh viêm gan B là từ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
2. Lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con vào thời điểm nào và bằng cách nào?
Lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con có thể xảy ra trong suốt quá trình mang thai, lúc sinh nở và cả khi cho con bú.
2.1 Trong giai đoạn mang thai
Tỷ lệ viêm gan B lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn mang thai không quá 2%.
Thông thường, máu của mẹ bầu và thai nhi không tiếp xúc trực tiếp mà được ngăn cách bởi hàng rào nhau thai, nơi trao đổi chất dinh dưỡng. Trong giai đoạn đầu của thai kỳ, hàng rào nhau thai bao gồm bốn lớp (nội mô mao mạch máu, mô liên kết, lá nuôi tế bào và lá nuôi hợp bào).
Tuy nhiên, sau tháng thứ 4 của thai kỳ, lá nuôi tế bào biến mất, lá nuôi hợp bào trở nên rất mỏng và mô liên kết giảm đi đáng kể, làm cho hàng rào nhau thai trở nên rất mỏng manh. Vì vậy, chỉ cần một chấn động nhẹ làm tổn thương hàng rào nhau thai có thể khiến máu của mẹ tiếp xúc với máu của thai nhi, dẫn đến lây truyền virus viêm gan B
2.2 Lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con trong giai đoạn chuyển dạ
Giai đoạn chuyển dạ là thời điểm nguy hiểm nhất đối với trẻ sơ sinh khi mẹ mắc viêm gan B, với hơn 90% trường hợp lây truyền xảy ra vào lúc này.
Trong quá trình co thắt tử cung, các mạch máu tại nơi nhau thai bám cũng co thắt, có thể khiến máu mẹ tiếp xúc trực tiếp với máu của con. Ngoài ra, khi trẻ đi qua ống âm đạo, việc tiếp xúc với dịch âm đạo cũng có thể dẫn đến lây truyền virus tại thời điểm này.
Nếu người mẹ nhiễm HBV và có HBeAg (+), trẻ sơ sinh có 95% nguy cơ nhiễm nếu không được điều trị dự phòng miễn dịch. Trong trường hợp người mẹ nhiễm HBV và có HBeAg (-), tỷ lệ lây nhiễm cho trẻ là 32%.
2.3 Thời kỳ cho con bú
Rất nhiều mẹ quan tâm đến vấn đề, khi cho con bú sữa, mẹ bị viêm gan b có lây sang con không. Trên thực tế, trẻ sơ sinh nhiễm virus viêm gan B qua sữa mẹ là trường hợp rất hiếm gặp. Mặc dù virus HBV DNA có thể xuất hiện trong sữa non của người mẹ có HBeAg dương tính, nhưng với hàm lượng cực kỳ thấp nên nguy cơ lây truyền cho trẻ là không đáng kể.
Các trường hợp trẻ sơ sinh bị nhiễm virus viêm gan B trong giai đoạn này thường xảy ra do các vết thương hở ở đầu vú mẹ và miệng của trẻ, tạo điều kiện cho virus xâm nhập vào cơ thể bé qua máu khi trẻ bú sữa mẹ. Do đó, các bà mẹ bị viêm gan B mạn tính cần đặc biệt chú ý chăm sóc phòng ngừa chảy máu núm vú, cho con bú đúng cách và giữ gìn vệ sinh đầu vú sạch sẽ để ngăn ngừa tình trạng nứt núm vú và giảm thiểu nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con.
3. Triệu chứng viêm gan B ở phụ nữ mang thai
Mặc dù nhiễm virus viêm gan B cấp trong thai kỳ thường không gây nguy hiểm đến tính mạng của mẹ và thai nhi, cũng không làm tăng nguy cơ sinh con bị dị tật, nhưng tình trạng này vẫn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Cụ thể, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm viêm gan B cấp tính có thể bị nhẹ cân hoặc sinh non. Nguy cơ lây truyền virus từ mẹ sang con cao hơn khi mẹ bị nhiễm bệnh vào giai đoạn cuối của thai kỳ, tỷ lệ có thể lên đến 60%. Tuy nhiên, việc đình chỉ thai nghén không phải là giải pháp cần thiết trong trường hợp này.
Các triệu chứng thường gặp bao gồm: mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, sốt nhẹ, các triệu chứng như cảm cúm, đau nhức cơ thể, thậm chí là vàng da, vàng mắt và nước tiểu sậm màu. Những biểu hiện này rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý thông thường hoặc triệu chứng ốm nghén ở mẹ bầu.
Vì vậy, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý và theo dõi sức khỏe của mình để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong thai kỳ.
4. Cách phòng ngừa lây truyền
4.1 Không nên mang thai trong giai đoạn viêm gan cấp tính
Người mắc bệnh mạn tính cần được theo dõi chức năng gan định kỳ trong thời gian dài. Nếu có ý định mang thai, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc điều chỉnh thuốc và kế hoạch mang thai.
Bệnh nhân không nên mang thai trong giai đoạn virus đang hoạt động. Chỉ khi chức năng gan ổn định và xét nghiệm HBeAg âm tính, người bệnh mới nên cân nhắc mang thai.
4.2 Tiêm phòng vắc xin Viêm gan B cho trẻ
Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B là biện pháp hiệu quả và an toàn nhất để ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm virus viêm gan B từ mẹ sang con, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.
Tiêm vắc-xin viêm gan B cho trẻ sơ sinh càng sớm càng tốt, lý tưởng nhất là trong vòng 12 - 24 giờ đầu đời. Thời gian này vô cùng quan trọng vì đây là cuộc đua giữa sự nhân lên của virus viêm gan B và kháng thể trung hòa virus mà vắc-xin tạo ra. Vắc-xin có thể phòng được 85 - 90% trường hợp lây truyền từ mẹ sang con.
Không chỉ bảo vệ trẻ sơ sinh khỏi nguy cơ lây truyền từ mẹ, tiêm sớm còn giúp trẻ nhỏ được miễn dịch sớm trước sự lây lan từ các thành viên khác trong gia đình. Hiệu quả phòng bệnh giảm dần theo thời gian và sẽ không còn hiệu quả nếu tiêm quá 7 ngày sau sinh.
Để bảo vệ trẻ sơ sinh có người mẹ HBsAg dương tính, ngoài việc tiêm vắc-xin viêm gan B ngay sau sinh để cơ thể tự tạo miễn dịch chủ động, trẻ còn cần được tiêm thêm Globulin miễn dịch viêm gan B (HBIG). Thuốc này có tác dụng như một loại miễn dịch thụ động, giúp trung hòa virus viêm gan B đang xâm nhập vào cơ thể trẻ, trong thời gian chờ hiệu quả của vắc-xin.
Hai mũi tiêm này cần được thực hiện trong vòng 12-24 giờ đầu sau sinh và tiêm ở hai vị trí khác nhau trên cơ thể.
4.3 Cho trẻ bú sữa mẹ ngay sau sinh
Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Các nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2009 đã chỉ ra rằng, không có bằng chứng cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ có mối liên quan với việc tăng nguy cơ lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Nguy cơ lây truyền chủ yếu thông qua đường máu và các dịch tiết khác trong quá trình sinh nở. Tuy nhiên, mẹ cũng có thể cân nhắc không cho trẻ bú trực tiếp để phòng tránh lây nhiễm virus viêm gan B.
Để bảo vệ con khỏi nguy cơ mắc viêm gan B và không phải lo lắng về mẹ bị viêm gan B có lây sang con không, mẹ bầu cần chủ động chăm sóc sức khỏe, lựa chọn thời điểm mang thai phù hợp và tuân thủ đúng lịch tiêm chủng khuyến cáo của WHO và chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.
5. Phát hiện bị lây truyền virus Viêm gan B ở đâu?
Khi tham gia chương trình "THAI SẢN TRỌN GÓI" tại Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, người mẹ sẽ trải qua các giai đoạn thăm khám và xét nghiệm chăm sóc trước, trong và sau khi sinh. Trong trường hợp phát hiện người mẹ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B, bác sĩ sẽ tiến hành theo dõi và tư vấn suốt quá trình thai nghén, đồng thời thực hiện các xét nghiệm kháng thể để đánh giá tình trạng viêm gan cũng như lên kế hoạch điều trị phù hợp, nhằm tránh nỗi lo mẹ bị viêm gan b có lây sang con không của các bà mẹ.
Với đội ngũ bác sĩ Sản khoa có trình độ chuyên môn cao và sự hỗ trợ của các công nghệ y tế tiên tiến, việc lựa chọn dịch vụ thai sản trọn gói tại Vinmec đảm bảo một quá trình chăm sóc toàn diện từ thời kỳ mang thai đến khi sinh con và sau sinh. Điều này giúp cho quá trình sinh đẻ trở nên thoải mái và nhẹ nhàng hơn, mang lại trải nghiệm an tâm và hạnh phúc cho các bà mẹ.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.