Bài viết được viết bởi bác sĩ Huyết học - Truyền máu - Khoa Xét nghiệm - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hạ Long.
Truyền máu ngày nay đã trở thành một phương pháp điều trị phổ biến để duy trì sự sống cho những người bệnh bị thiếu máu, hoặc trong hỗ trợ phẫu thuật... Nhưng ít ai biết rằng để có thể tiến hành được công việc tưởng chừng như rất bình thường ấy, các nhà khoa học thời trước đã phải tốn không ít công sức tiến hành các cuộc thử nghiệm mạo hiểm để tìm ra nguyên lý của việc truyền máu. Câu chuyện về sự ra đời của ngành Huyết học Truyền máu gắn liền với những cuộc thí nghiệm ly kỳ từng gây ra cái chết cho không ít người.
Ý tưởng về việc truyền máu lần đầu tiên xuất hiện vào khoảng những năm giữa thế kỷ 17 bởi các danh Y thời kỳ này và được ghi chép lại bởi một người có tên là Stefano Infessura.
Theo ghi chép kể trên, vào năm 1492, khi giáo hoàng Innocent VIII bị bệnh và rơi vào tình trạng hôn mê, máu của 3 cậu bé đã được các thần y dùng để truyền cho giáo hoàng qua đường miệng. Thời điểm đó, người ta chưa hiểu rõ về quá trình tuần hoàn máu và nguyên lý của việc truyền máu mà chỉ xem máu như là một yếu tố quan trọng nuôi sống cơ thể con người. Những cậu bé được chọn để lấy máu mới chỉ lên 10 tuổi, sau khi bị lấy đi một lượng máu đáng kể để phục vụ giáo hoàng đã phải nhận lấy cái chết do mất máu. Cái chết của những con người đầu tiên liên quan đến thử nghiệm truyền máu này đã được ghi lại trong lịch sử Y học như những tai nạn đầu tiên liên quan đến ngành Huyết học Truyền máu của nhân loại.
Cho đến năm 1616, nhà sinh lý học người Anh William Harvey đã phát hiện ra sự tuần hoàn của máu và chính tim đã làm nhiệm vụ đẩy máu đi nuôi các bộ phận của cơ thể. Đây được coi là một cuộc cách mạng bởi lúc bấy giờ, quan điểm của các nhà y học cổ đại vẫn còn đóng vai trò chủ đạo. Họ cho rằng máu do gan tạo ra, được tim hâm nóng khi chui từ tâm thất phải sang tâm thất trái. Phát hiện này đã làm sống lại ý tưởng truyền máu để hồi sinh và tăng cường sức mạnh cho con người trong giới Y khoa. Nhiều thầy thuốc đã thử tiêm máu vào cơ thể động vật và họ đã thành công.
Năm 1660, thí nghiệm về truyền máu được tiến hành trên động vật và giữa động vật với con người tiếp tục gây nên những thiệt hại về sinh mạng người, song nó cũng đã giúp các chuyên gia trong lĩnh vực này hiểu rõ hơn nguyên lý của sự truyền máu, đồng thời đưa ngành Huyết học Truyền máu tiến dần tới sự hoàn thiện. Sau phát hiện của William Harvey về quy luật tuần hoàn của máu trong cơ thể, các chuyên gia phẫu thuật tại London (Anh) và Paris (Pháp) bắt đầu tiến hành thí nghiệm truyền máu từ những con bê và những con cừu sang những con chó, hoặc truyền máu từ chó sang cho những con bò, hay từ dê sang ngựa... Song thí nghiệm đáng chú ý nhất là cuộc truyền máu thử nghiệm từ cừu sang cho con người. Người được chọn tham gia cuộc thử nghiệm nhận máu từ cừu này là một người Anh có tên là Arthur Coga. Cuộc thử nghiệm đã đạt được thành công, theo đánh giá của các nhà khoa học khi đó, bởi ít nhất bệnh nhân Arthur Coga đã hồi phục được một chút thời gian trước khi bị chết.
Sau cuộc thử nghiệm táo bạo và cái chết của Coga, năm 1667, không từ bỏ hy vọng của mình, các bác sĩ phẫu thuật tại London (Anh) và vị cộng sự người Pháp là bác sĩ Jean Baptiste Denis tiếp tục với một cuộc thử nghiệm khác. Bác sĩ Denis đã tiến hành đồng thời thí nghiệm truyền máu từ một con cừu non sang cho một cậu bé 16 tuổi đang bị ốm nặng và thí nghiệm truyền máu từ một con bê sang cho một bệnh nhân có tên là Antoine Mauroy. Kết quả là các bệnh nhân của ông đều bị chết. Vợ của bệnh nhân Mauroy thậm chí còn lên án bác sĩ Denis là kẻ giết người độc ác và cuộc thí nghiệm của ông bị ghi lại trong lịch sử như một vụ thử nghiệm giết người hơn là một cuộc thí nghiệm khoa học. Suốt một thời gian dài kể từ khi những cuộc thí nghiệm về truyền máu không mang lại kết quả đối với con người, người ta gần như không dám tiến hành một cuộc thử nghiệm mạo hiểm nào khác về truyền máu.
Thành công sau 150 năm chờ đợi
Trước khi đến với thành công thực sự của việc truyền máu trên con người, cuộc thử nghiệm về truyền máu đầu tiên thành công được tiến hành bởi bác sĩ người Anh có tên là Richard Lower vào năm 1665. Ông cũng chính là người đã phát minh ra bộ dụng cụ truyền máu thô sơ đầu tiên trong lịch sử. Nhưng thành công của ông chỉ đạt được khi tiến hành truyền máu trên những chú chó.
Thành công đầu tiên trên con người chỉ thực sự đến vào thập niên đầu của thế kỷ 19. Khi đó, khoa học vẫn chưa phát hiện ra các nhóm máu. Người mạnh dạn thực hiện thành công cuộc thử nghiệm này là bác sĩ sản khoa James Blundell, người Anh. Năm 1818, bác sĩ Blundell đã tiến hành lấy máu của chồng một sản phụ bị mất máu do băng huyết để truyền cho người vợ và đã đạt được thành công bất ngờ. Kể từ sau thành công đó, suốt từ năm 1825 đến năm 1830, bác sĩ Blundell đã thực hiện 10 ca truyền máu, thì có 5 trong số 10 ca truyền máu đó đã mang lại hiệu quả hồi phục không ngờ cho các bệnh nhân. Bác sĩ Blundell cũng là người đã phát minh ra dụng cụ truyền máu được phổ biến cho tới ngày nay.
Sau thành công của bác sĩ Blundell, ngành Huyết học Truyền máu đã thực sự phát triển và liên tiếp đạt được những thành công. Năm 1840, tại Trường đại học Y dược George, London (Anh), với sự giúp đỡ của bác sĩ Blundell, một sinh viên có tên là Samuel Armstrong Lane đã tiến hành ca truyền máu cứu sống một bệnh nhân bị mắc chứng máu khó đông. Nhưng, tỷ lệ thành công của các ca truyền máu là rất thấp và nhờ vào sự may rủi rất lớn.
Nhưng chỉ tới năm 1901, khi nhà khoa học người Áo là Karl Landsteiner phát hiện ra các nhóm máu, và được xem là một phát hiện quan trọng của khoa học, bởi nó đã giúp các nhà khoa học thực hiện được công việc mà họ đã cố gắng trong suốt 2 thế kỷ, đồng thời mở ra hướng phát triển cho ngành Huyết học Truyền máu. Đến lúc này, người ta mới nhận ra rằng: Thực tế thất bại của những thí nghiệm trước đó là do việc máu truyền vào cơ thể bệnh nhân không được tiếp nhận và bị đào thải do không đúng nhóm máu. Và việc truyền đúng nhóm máu phù hợp là một điều vô cùng quan trọng trong truyền máu. Việc truyền máu đã trở nên an toàn hơn rất nhiều và mức độ rủi ro tử vong trong truyền máu gần như không còn.
Năm 1916, ngân hàng máu đầu tiên được thiết lập ở Pháp bởi nhà khoa học Oswald Hope Robertson.
Tới thế kỷ XX: Vấn đề bí ẩn của truyền máu đã được mở ra
Công trình khoa học có giá trị nhất, lợi ích nhất trong truyền máu là sự phát minh ra các kháng nguyên hệ hồng cầu và nhóm máu của bác sĩ người Áo là Karl Landsteiner (1868 - 1943).
Năm 1900, khi nghiên cứu quan hệ giữa hồng cầu và huyết thanh của người, Landsteiner nhận thấy huyết thanh của một số người làm ngưng kết hồng cầu của một số người, nhưng hồng cầu của một số người khác lại không bị ngưng kết.
Sau hàng ngàn thí nghiệm, năm 1901 ông đã kết luận huyết thanh của nhóm người (ký hiệu A) gây ngưng kết hồng cầu của một nhóm người khác (ký hiệu là B), nhưng không gây ngưng kết hồng cầu của người cùng nhóm A; hồng cầu của người nhóm A lại bị ngưng kết bởi huyết thanh người nhóm B. Huyết thanh của nhóm người thứ 3 (ký hiệu là C) lại gây ngưng kết hồng cầu của cả người nhóm A và B, hồng cầu của nhóm C lại không bị ngưng kết bởi huyết thanh của người nhóm A và B.
Từ đó ông đã xây dựng được 3 nhóm người có đặc điểm ngưng kết riêng và gọi là nhóm A, B, C (nhóm C sau này gọi là O). Đó là:
- Người có hồng cầu A thì trong huyết thanh không có ngưng kết tố A (nhóm A);
- Người có hồng cầu B thì không có ngưng kết tố B (nhóm B);
- Người có cả ngưng kết tố A và B trong huyết thanh thì hồng cầu không có kháng nguyên A và B (nhóm O).
- Một năm sau (1902) Decastello đã chứng minh nhóm thứ 4, hồng cầu của người này không có ngưng kết tố A và B, nhưng lại có cả kháng nguyên A và kháng nguyên B (nhóm AB).
Như vậy Landsteiner và học trò đã tìm ra được 4 nhóm máu A, B, AB và O, gọi tắt là hệ nhóm máu ABO. Từ đây ông đã đưa ra quy tắc truyền máu của hệ nhóm máu ABO.
Tiếp theo (1913) Ottenberg đã chứng minh rằng, thử nghiệm trước truyền máu (Preliminary blood testing) đã bảo vệ được các phản ứng do truyền máu và cũng từ đây công tác truyền máu đã phát triển mạnh. Có thể coi phát minh của Landsteiner và các cộng tác của ông như ngọn đèn sáng chiếu vào phòng tối. Bởi vì ông đã mở ra các điều bí ẩn truyền máu người cho người gây tử vong và tạo dựng các hướng nghiên cứu mới: Miễn dịch Huyết học, Miễn dịch ghép, Di truyền, nguồn gốc loài người và Y học Pháp lý. Giá trị lớn hơn là cứu hàng triệu triệu người thiếu máu nhờ quy tắc truyền máu của Landsteiner. Với phát minh vĩ đại này Landsteiner đã được tặng Giải thưởng Nohel Y học, 1930.
Từ năm 1927 – 1947, Landsteiner và học trò phát hiện thêm các hệ nhóm máu ngoài ABO, đó là M, N, p... và vào năm 1940 phát hiện hệ Rh (Rhesus). Đồng thời tác giả đã tạo được trên thực nghiệm kháng thể chống Rh bằng cách mẫn cảm hồng cầu khỉ cho thỏ, rồi thấy huyết thanh thỏ gây ngưng kết > 85% hồng cầu người, nhóm này có kháng nguyên Rh, gọi là Rh dương (Rh+); Số còn lại (không phản ứng) là nhóm hồng cầu không có kháng nguyên Rh, gọi là Rh âm (Rhr).
Cuối đời (vào khoảng 1940 -1950) Landsteiner và học trò phát hiện di truyền nhóm máu giữa bố, mẹ và con. Đồng thời qua nhiều thí nghiệm ông đã đưa ra kết luận: các hệ M, N, p và Rh không có kháng thể tự nhiên, kháng thể chống kháng nguyên này chỉ có thể nhận được từ mẹ chửa đẻ nhiều lần, hoặc người được truyền máu nhiều lần. Vì vậy ngày nay chúng ta gọi đó là kháng thể miễn dịch, còn kháng thể đặc hiệu của hệ nhóm máu ABO là kháng thể tự nhiên, chúng có sẵn từ thời kỳ phát triển phôi.
Cũng trong thời gian này, Landsteiner và Weiner đã thu hoạch huyết thanh thỏ được mẫn cảm bởi hồng cầu khỉ Rhesus (Rh+) so sánh với huyết thanh của bệnh nhân gây phản ứng truyền máu ngoài hệ ABO, kết quả thấy phản ứng (+) và âm tính tương tự như huyết thanh thỏ kháng hồng cầu khỉ (Rhesus). Đây là cơ sở để các tác giả bàn tới khả năng dùng Globulin miễn dịch Rh bảo vệ bệnh tan máu ở trẻ sơ sinh. Đây là tiến bộ mới, được coi như “Công trình thế kỷ” trong công tác bảo vệ sức khoẻ con người.
Chống đông máu trong truyền máu là công việc lớn
Do nhu cầu sử dụng máu ngày càng tăng, muốn bảo quản và lưu trữ máu được dài ngày để sẵn có cho cấp cứu và điều trị người bệnh thì phải có chất bảo quản. Braxton (1869) đưa ra dung dịch chống đông bằng Phosphate. Sau đó Weil (1915) đưa ra dung dịch Citrat, dung dịch này dùng suốt thời gian đại chiến Thế giới thứ Nhất. Tới năm 1936 dung dịch Citrate được thay thế bằng dung dịch Acid-Citrate-Dextrose (ACD).
Trong Đại chiến Thế giới thứ Hai, Loutit (1943) đã phát triển công thức ACD (Acide-Citrate-Dextrose) để chống đông lượng máu lớn và máu có thể bảo quản ở nhiệt độ lạnh dài ngày hơn, tác giả đã dùng tỷ lệ 70 mL ACD chống đông 450 mL máu. Tỷ lệ này được dùng suốt trong chiến tranh Thế giới thứ Hai. Sau đó, trong những năm l970, do nhu cầu bảo quản máu dài ngày hơn nữa, chất chống đông mới CPD (Citrate-Phosphate-Dextrose) thay thế ACD.
Đến những năm cuối thế kỷ XX, dung dịch bảo quản máu dài ngày hơn (35-42 ngày) CPD-A (Citrate- Phosphate-Dextrose-Adenine) đã được sử dụng. Như vậy sự phát triển của các chất chống đông đã góp phần làm cho truyền máu an toàn hơn và phát triển thành các Ngân hàng máu có khả năng trữ máu: CPD giữ máu 21 ngày; CPD-A1 bảo quản được 35 - 42 ngày ở nhiệt độ 2 - 60C.
Cho tới nay chất chống đông và khả năng nuôi dưỡng hồng cầu, tiểu cầu của chất chống đông vẫn đang là vấn đề hấp dẫn các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực an toàn truyền máu.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Bộ môn Huyết học-Truyền máu, đại học Y Hà nội (2014). Bài giảng Huyết học-Truyền máu (Sau đại học). Nhà xuất bản Y học.
- Trang web của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương: nihbt.org.vn
- Trang web của Bệnh viện Truyền máu, Huyết học Thành phố Hồ Chí Minh: bthh.org.vn
- Nguồn tin:
- THE HISTORY OF BLOOD TRANSFUSION AND BLOOD TRANSFUSION MEDICINE. bloodbook.com/trans-history.html.
- The History of Blood Banking.