Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS. Bác sĩ Vũ Thị Duyên - Bác sĩ Thận - Nội tiết, Khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.
Sỏi thận san hô là bệnh lý không thường gặp thường xuyên nhưng bệnh có những triệu chứng không rõ ràng nên thường khó phát hiện. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì sỏi san hô có thể làm hỏng thận như viêm thận, ứ nước bể thận rồi ứ mủ thận cuối cùng dẫn đến suy thận và tình trạng nhiễm trùng đường tiểu rất hay xảy ra có nguy cơ nhiễm khuẩn huyết đe dọa tính mạng của con người.
1. Sỏi san hô là gì?
Sỏi san hô (tên tiếng anh là Staghorn Calculi) dùng để chỉ những viên sỏi phân nhánh lấp đầy toàn bộ hoặc một phần của bể thận và đài thận. Loại sỏi này thường được cấu tạo từ struvite (magie amoni photphat) và / hoặc apatit canxi cacbonat. Những viên sỏi này thường được gọi là “sỏi nhiễm trùng” vì chúng có liên quan chặt chẽ đến nhiễm trùng đường tiết niệu do các loại vi khuẩn có khả năng phân giải ure thành amoni. Đặc điểm của sỏi san hô là sỏi chỉ ở đài của bể thận chứ không xuất hiện ở những vị trí khác như bàng quang hoặc niệu quản. Trên phim chụp X- quang có thể nhìn thấy sỏi san hô có hình ảnh sỏi giống như gạc của con nai.
Sỏi san hô nhỏ có thể phát triển nhanh chóng trong khoảng thời gian từ vài tuần đến vài tháng thành những cục sỏi lớn ở đài thận và toàn bộ bể thận. Nếu không được điều trị kịp thời thì có thể dẫn đến suy giảm chức năng thận và bệnh thận giai đoạn cuối. Ngoài ra chính loại sỏi này rất thuận lợi cho nhiễm trùng đường tiết niệu nên có nguy cơ rất cao phát triển nhiễm trùng huyết. Vì vậy hầu hết bệnh nhân cần điều trị phẫu thuật dứt điểm càng sớm càng tốt để tránh được các biến chứng này là tốt.
2. Triệu chứng của sỏi thận san hô
Sỏi san hô có nhiều điểm khác biệt so với sỏi thận thông thường. Sỏi san hô có triệu chứng không đặc hiệu nên thường bệnh nhân chỉ phát hiện ra bệnh tình cờ qua chụp X-quang hoặc siêu âm thận tiết niệu. Loại sỏi này rất ít khi gây nên cơn đau quặn thận điển hình ngay cả khi kèm với nhiễm trùng có thể tạo ra triệu chứng. Nó cũng có thể không xuất hiện triệu chứng điển hình của viêm bàng quang như: bệnh nhân thường đi tiểu nhiều lần, tiểu dắt. Những dấu hiệu thường gặp là cảm giác mệt mỏi, sút cân, chán ăn và đi tiểu sậm màu, đôi khi có thể gây ra nhiễm trùng thận với triệu chứng đau lưng, sốt cao và bắt đầu tiểu đục vv..
3. Điều trị sỏi san hô trong thận
Sỏi san hô cần được điều trị bằng phẫu thuật thường là PCNL (phẫu thuật cắt thận qua da) +/- ESWL (tán sỏi bằng sóng xung kích ngoài cơ thể) và phải loại bỏ toàn bộ viên sỏi kể cả những mảnh vỡ nhỏ, vì nếu không những mảnh vụn sót lại này hoạt động như một ổ chứa nhiễm trùng tái phát và sẽ hình thành sỏi tái phát. Thông thường để lấy được hết sỏi san hô phân nhánh phức tạp bệnh nhân phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật lớn.
Nếu không được điều trị càng sớm càng tốt chính sựu ứ đọng của sỏi sẽ dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu mãn tính và cuối cùng có thể tiến triển thành viêm thận u hạt vàng (Xanthogranulomatous pyelonephritis).
Sỏi san hô là một căn bệnh nguy hiểm và cần điều trị sỏi san hô càng sớm càng tốt khi phát hiện mắc bệnh. Hiện nay với sự đầu tư về trang thiết bị hiện đại cùng đội ngũ y bác sĩ giàu chuyên môn, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec đang có thế mạnh và điều trị thành công cho rất nhiều trường hợp mắc các bệnh về đường Tiết niệu trong đó có tình trạng sỏi san hô. Vì thế khi có dấu hiệu khởi phát bệnh, bệnh nhân nên đến trực tiếp bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, tư vấn về hướng điều trị tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.