Sự phát triển của trẻ sơ sinh sinh ra ở tuần thứ 37

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Nha Trang.

Trẻ sơ sinh được sinh ra ở tuần thai 37 được xem là trẻ sơ sinh đủ tháng sớm (early-term). Mặc dù bên ngoài, trẻ sơ sinh đủ tháng sớm gần giống với những trẻ sinh đủ tháng nhưng chúng có những nguy cơ mắc các vấn đề sức khỏe cao hơn. Một trẻ sinh ra ở tuổi thai 37 tuần sẽ có sự phát triển như thế nào?

1. Thai đủ tháng là gì?

Thời gian mang thai bình thường kéo dài khoảng 40 tuần (280 ngày) kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối cùng (còn gọi là kinh chót) cho đến ngày dự sinh. Ngày dự sinh của thai phụ là ngày mà bác sĩ dự đoán thai phụ sẽ sinh dựa theo siêu âm ba tháng đầu hoặc kinh chót.

Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (còn gọi là ACOG) và Hiệp hội Y học Bà mẹ-Thai nhi (còn gọi là SMFM) định nghĩa mang thai đủ tháng (full-term) là một thai kỳ kéo dài từ 39 tuần 0 ngày đến 40 tuần 6 ngày. Điều này có nghĩa là thai kỳ của sản phụ có thể dao động trong 1 tuần trước ngày dự sinh đến 1 tuần sau ngày dự sinh. Trẻ sinh đủ tháng sẽ có tình trạng sức khỏe tốt nhất nhất so với trẻ sinh sớm hơn hoặc muộn hơn.

ACOG và SMFM phân loại những thai kỳ đủ tháng như sau:

  • Đủ tháng sớm (early-term): thai nhi được sinh ra trong khoảng 37 tuần 0 ngày đến 38 tuần 6 ngày.
  • Đủ tháng (full-term): thai nhi được sinh ra trong khoảng 39 tuần 0 ngày đến 40 tuần 6 ngày.
  • Đủ tháng muộn (late-term): thai nhi được sinh ra trong khoảng 41 tuần 0 ngày đến 41 tuần 6 ngày.
  • Thai quá ngày (post-term): thai nhi được sinh ra sau 42 tuần 0 ngày.

Trước đây, một thai kỳ bình thường có thể kéo dài từ 37 đến 42 tuần được gọi là thai đủ tháng. Các bằng chứng trước đây cho rằng khoảng thời gian 5 tuần này là thời điểm an toàn cho hầu hết các thai nhi chào đời. Vào năm 2013, ACOG và SMFM đã cập nhật các định nghĩa về mang thai đủ tháng vì nghiên cứu cho thấy rằng mỗi tuần của thai kỳ đều quan trọng đối với sức khỏe của thai nhi. Có rất nhiều yếu tố quan trọng có thể xảy ra với thai nhi trong vài tuần cuối của thai kỳ. Ví dụ, não và phổi của thai nhi vẫn tiếp tục phát triển.

Các nghiên cứu cho thấy những em bé được sinh ra trong khoảng thời gian 37 tuần 0 ngày đến 38 tuần 6 ngày (thai đủ tháng sớm) có nguy cơ mắc các bệnh lý nhiều hơn so với nhóm được sinh ra đủ tháng (sau 39 tuần). Một trong những nguyên nhân đó chính là sự chưa thật sự trưởng thành của các cơ quan ở những em bé này.


Trẻ sơ sinh được sinh ra ở tuần thai 37 được xem là trẻ sơ sinh đủ tháng sớm (early-term)
Trẻ sơ sinh được sinh ra ở tuần thai 37 được xem là trẻ sơ sinh đủ tháng sớm (early-term)

2. Trẻ sơ sinh sinh ở tuần 37 có nguy cơ gì?

Trẻ sinh từ 37 đến 38 tuần mặc dù được tính là thai đủ tháng nhưng được xếp loại là đủ tháng sớm vì những em bé này vẫn chưa thật sự trưởng thành hoàn chỉnh các cơ quan đặc biệt là não bộ và hô hấp. Những trẻ sơ sinh đủ tháng sớm nhìn bề ngoài rất giống những trẻ sinh đủ tháng, tuy nhiên chúng vẫn sẽ có những nguy cơ phải đối mặt nhiều hơn so với những trẻ đủ tháng thật sự.

Hiện nay, tỉ lệ thai đủ tháng sớm (thai 37–38 tuần) có xu hướng gia tăng lên và góp phần đáng kể vào việc giảm mặt bằng chung của tuổi thai của trẻ sơ sinh lúc sinh. Ở Mỹ, tuổi thai trung bình khi sinh đã giảm từ 40 tuần tuổi năm 1994 xuống còn 39 tuần tuổi thai năm 2004.

Thai đủ tháng sớm có liên quan đến việc gia tăng tỷ lệ bệnh như hội chứng suy hô hấp, thở nhanh thoáng qua ở trẻ sơ sinh và cần phải sử dụng máy thở, cũng như tăng nguy cơ tử vong trẻ sơ sinh ở tuần thứ 37 so với trẻ sơ sinh đủ tháng. Vì lý do này mà cả Hiệp hội Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG) và Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đều lựa chọn xác định thai đủ tháng ở tuần thai 39 tuần để giảm nguy cơ có kết quả bất lợi ở trẻ sơ sinh sinh trước khi đủ tháng (tuổi thai 39–40 tuần).

Có rất ít bằng chứng liên quan đến tỷ lệ mắc các biến chứng lâu dài ở nhóm thai đủ tháng sớm này, đặc biệt là ảnh hưởng đến chức năng nhận thức. Trẻ sinh ra ở tuổi thai càng cao có liên quan đến việc càng ít có nguy cơ cần phải có một chế độ chăm sóc và giáo dục đặc biệt tại trường học. Những nghiên cứu cho thấy trong những trẻ sinh ra có tuổi thai đủ tháng có liên quan đến sự phát triển thần kinh tốt hơn, dựa trên các bằng chứng hình ảnh cộng hưởng từ (MRI).

Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những trẻ sơ sinh đủ tháng sớm này có nguy cơ xuất hiện các kết cục bất lợi cao hơn đáng kể so với nhóm đủ tháng. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng sinh bằng phương pháp mổ lấy thai chủ động ở tuổi thai này làm gia tăng những nguy cơ bất lợn lên cao hơn, từ 9,7% nguy cơ nhập viện chăm sóc đặc biệt sơ sinh (NICU) khi được sinh ngả âm đạo lên 19% khi sinh bằng phương pháp mổ lấy thai. Một số vấn đề mà trẻ sơ sinh 37 tuần có thể gặp phải, bao gồm:

  • Khó cho con bú (có thể ngậm không tốt, không thể phối hợp bú và nuốt, khó ngủ)
  • Tăng cân kém và dễ bị tiêu chảy
  • Các vấn đề về hô hấp (chậm hấp thu dịch phổi, dễ bị ngưng thở)
  • Dễ bị hạ thân nhiệt
  • Dễ bị các bệnh lý nhiễm trùng.
  • Vàng da (hai phần trăm trẻ đủ tháng bị vàng da, so với 18 phần trăm trẻ đủ tháng sớm)

Một số vấn đề mà trẻ sơ sinh 37 tuần có thể gặp phải như vàng da, tăng cân kém,...
Một số vấn đề mà trẻ sơ sinh 37 tuần có thể gặp phải như vàng da, tăng cân kém,...

Những trẻ sơ sinh này cần được theo dõi một cách nghiêm ngặt hơn. Chúng có gấp đôi nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, vì trẻ không có nhiều sức mạnh cơ bắp trong việc hỗ trợ hô hấp, không có nhiều chất béo trong cơ thể nên dễ bị hạ đường huyết và hạ thân nhiệt.

Bên cạnh đó, những trẻ sơ sinh này nhìn bề ngoài có thể khỏe mạnh nhưng chúng có những khác biệt nhỏ so với những đứa trẻ đủ tháng. Nghiên cứu cho thấy có thể có nguy cơ chậm phát triển nhận thức và cảm xúc.

Trong những ngày đầu, điều quan trọng để chăm sóc những trẻ sơ sinh đủ tháng sớm là nhận biết nguy cơ trẻ bú không tốt và tìm sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn về sữa nếu bạn đang cho con bú. Có thể cần phải bơm sữa hoặc cho ăn bằng ống hoặc đường tĩnh mạch. Lượng đường trong máu và nồng độ oxy của em bé phải được theo dõi. Sau khi mẹ và bé xuất viện, có thể thường xuyên thăm khám, theo dõi và cha mẹ nên được hướng dẫn những dấu hiệu nguy hiểm và đưa đi khám bác sĩ ngay.

Trắc nghiệm: Thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng?

Đặc điểm bên ngoài của trẻ sơ sinh đủ tháng được thể hiện qua các tiêu chuẩn như: Cân nặng, chiều dài và hình thể. Theo dõi bài trắc nghiệm dưới đây sẽ giúp các bậc cha mẹ hiểu thế nào là trẻ sơ sinh đủ tháng, qua đó có thể đánh giá tổng trạng sức khỏe và sự phát triển của bé yêu nhà mình.

Nội dung trắc nghiệm được tham vấn chuyên môn cùng Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa, Ma Văn Thấm , chuyên khoa Nhi , Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

Ma Văn Thấm
Ma Văn Thấm
Thạc sĩ, Bác sĩ y khoa,
Nhi
Phòng khám Đa khoa Quốc tế Vinmec Dương Đông(Phú Quốc)

3. Chăm sóc trẻ sơ sinh sinh ở tuần 37

Vì trẻ sơ sinh sinh ra lúc 37 tuần vẫn còn có nguy cơ gặp phải các biến chứng của việc chưa trưởng thành các cơ quan trong cơ thể. Vì vậy, trẻ hoàn toàn có khả năng được điều trị tại NICU, tuy nhiên tỷ lệ này ít hơn nhiều so với những trẻ sinh non tháng. Điều này phụ thuộc vào trọng lượng khi sinh của trẻ và sức khỏe tổng thể của chúng. Những trẻ được sinh ra từ những bà mẹ hút thuốc, uống rượu hoặc lạm dụng thuốc có nhiều khả năng bị sinh non và có nhiều vấn đề về sức khỏe hơn ngay từ khi mới sinh. Những trẻ có các triệu chứng của đường hô hấp như hội chứng chậm hấp thu dịch phổi có thể cần phải can thiệp hỗ trợ hô hấp trong một thời gian đầu.

Việc điều trị ban đầu cho trẻ sơ sinh đủ tháng sớm có nhẹ cân bắt đầu bằng việc chăm sóc trẻ tại NICU của bệnh viện. Những trẻ sơ sinh này có thể bị suy giảm hệ thống miễn dịch và dễ mắc bệnh hơn trẻ sinh đủ tháng thật sự. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ nhận được các kháng thể từ sữa mẹ và có thể dễ dàng tránh được bệnh tật hơn.

Sau khi trẻ được xuất viện, điều quan trọng là phải cho trẻ ăn thường xuyên để giúp con tăng cân. Đưa trẻ đến khám với bác sĩ nhi khoa để giúp theo dõi sự tăng trưởng và phát triển của trẻ, cần lưu ý đến các mốc phát triển mà trẻ cần đạt được. Nếu trẻ có các biến chứng lâu dài, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ chuyên khoa để điều trị và quản lý tình trạng này được tốt nhất.


Sau khi trẻ được xuất viện, điều quan trọng là phải cho trẻ ăn thường xuyên để giúp con tăng cân
Sau khi trẻ được xuất viện, điều quan trọng là phải cho trẻ ăn thường xuyên để giúp con tăng cân

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa trẻ đến hệ thống Y tế Vinmec để được khám và điều trị kịp thời.

Nguồn tham khảo: ncbi.nlm.nih.gov/

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe