Sự phát triển của trẻ ở tháng thứ 9 sau sinh

Khi bắt đầu bước vào giai đoạn 9 tháng tuổi, trẻ sẽ trở nên hiếu động và thích thú khám phá thế giới xung quanh hơn. Lúc này, trẻ phát triển về mọi mặt, từ khả năng vận động, thể chất, ngôn ngữ, cho đến cảm xúc, trí tuệ. Trẻ cũng trở nên linh hoạt hơn và bắt đầu biết cách điều chỉnh cảm xúc của bản thân. Vậy bà mẹ nên lưu ý những vấn đề gì trong giai đoạn phát triển này của trẻ, hãy đọc những điều tham khảo dưới đây và áp dụng vào việc chăm sóc em bé của bạn nhiều hơn nữa.

1. Sự phát triển của trẻ 9 tháng tuổi

Trẻ 9 tháng tuổi biết làm gì? Trẻ có thể bò, trườn, tập khụy gối, tập ngồi, thậm chí trẻ còn có thể chập chững biết đi. Đây là thời điểm hoàn hảo nhất để cha, mẹ có thể cho trẻ chơi những trò chơi kích thích trẻ vận động như xe đẩy, ngựa bập bênh... Đây cũng là thời điểm tuyệt vời để kích thích khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ bằng cách cho trẻ tiếp xúc với các đồ chơi có nhạc, các bức tranh đầy màu sắc... Dưới đây là một số sự phát triển về thể chất và trí não mà trẻ 9 tháng tuổi có thể đạt được.

1.1 Về thể chất

  • Trẻ có thể tự đứng lên ngồi xuống.
  • Trẻ có thể trườn hoặc bò trên sàn nhà, một số trẻ có thể có kiểu bò độc đáo như chỉ trườn bằng một chân.
  • Lấy các loại thức ăn bằng tay và có thể ăn.
  • Tự lấy những món đồ chơi hoặc đồ vật ưa thích.
  • Biết vẫy tay, vỗ tay hoặc cầm hai vật đập vào nhau.
  • Biết dùng ngón tay để chỉ đồ vật.
  • Có khả năng chơi một số đồ chơi xếp hình đơn giản hoặc xếp chồng đồ vật với nhau.

1.2 Về khả năng ngôn ngữ

  • Có thể bập bẹ hoặc bắt chước nói một số từ đơn giản như mama, papa.
  • Bắt chước được tiếng ho của người lớn, dùng đầu lưỡi để phát ra tiếng kêu.
  • Có thể nói một số từ đơn giản nhưng chưa chuẩn xác. Ví dụ như trẻ không đồng ý việc gì đó nó có thể vừa khóc vừa nói “không”, đồng thời xua tay.

1.3 Về trí não

  • Trẻ có thể quan sát tốt các loại màu sắc.
  • Có một sở thích cụ thể nào đó, và có thể thích hoặc không thích ăn một loại thực phẩm nào đó.
  • Tò mò, thích khám phá sự vật xung quanh, cách mà các đồ vật hoạt động.
  • Có thể nhớ vị trí của một số đồ vật trong nhà, trẻ sẽ kiên trì hơn trong việc tìm kiếm (hoặc thậm chí là khóc đòi) khi phát hiện đồ vật đột nhiên biến mất.
  • Có thể bày tỏ một số cảm xúc như: vui thích, lo lắng, buồn rầu, chia ly...
  • Trẻ sẽ tỏ ra vui thích khi nhìn thấy mẹ và những người thân thuộc xung quanh.
  • Trẻ cũng có thể phân biệt được những người lạ mặt (ví dụ như khi ông bà đến thăm hoặc bảo mẫu mới) và tỏ ra cảnh giác, sợ hãi khi tiếp xúc với họ - vốn là biểu hiện của hành vi sợ người lạ.
  • Khi người lớn dùng tay chào, tạm biệt, bé có thể bắt chước lại được, có thể dùng tay để chào, tạm biệt lại.

Trẻ sơ sinh phát triển theo từng giai đoạn nhất định
Trẻ sơ sinh phát triển theo từng giai đoạn nhất định

2. Chế độ chăm sóc cho trẻ 9 tháng tuổi

Ở tháng thứ 9 bé trai sẽ có chiều cao trung bình là 72,7cm, cân nặng khoảng 9,3kg. Bé gái sẽ có chiều cao trung bình là 71,3cm, cân nặng trung bình khoảng 8,8 kg

Ở độ tuổi này trẻ sẽ cần khoảng 750 calo đến 900 calo mỗi ngày. Một nửa trong số đó, khoảng 400 đến 500 nên đến từ sữa mẹ, tương đương với khoảng 720 ml sữa mẹ mỗi ngày. Trẻ 9 tháng tuổi vẫn rất thích bú sữa mẹ, vì thế hãy cho trẻ bú khi mẹ có thể, hoặc khi trẻ sợ hãi, khóc...

Một trong những sự thay đổi khi trẻ được 9 tháng tuổi là thứ tự mẹ cung cấp thực đơn cho bé. Trước đây mẹ thường cho trẻ bú sữa mẹ hoặc sữa công thức rồi mới cho trẻ ăn dặm, nhưng khi trẻ 9 tháng tuổi mẹ có thể cho trẻ ăn dặm trước rồi cho trẻ bú sau.

Đến 9 tháng tuổi, đa số các bé đều ngủ suốt đêm và hai đến ba giấc trong ngày, mỗi giấc kéo dài từ một đến hai giờ mỗi lần. Các yếu tố như bệnh tật, mọc răng và quá trình tăng trưởng có thể gây ra rối loạn tạm thời trong giấc ngủ. Các bà mẹ đừng nản lòng nếu trẻ trải qua một số vấn đề về rối loạn giấc ngủ tạm thời. Ngoài ra mẹ nên kiên định trong việc tập thói quen đi ngủ của trẻ bằng cách:

  • Cho trẻ ngủ riêng, ở cũi, giường hoặc đệm.
  • Tuân thủ giờ đi ngủ hằng ngày để trẻ biết giờ ngủ của mình.
  • Không để trẻ rơi vào giấc ngủ trong lúc trẻ đang bú và bú chưa no
  • Bắt đầu giờ ngủ bằng tâm trạng thoải mái: ăn no, vệ sinh sạch sẽ, quần áo rộng thoáng, nhiệt độ phòng mát. Mẹ hãy xoa lưng hoặc vỗ mông trẻ theo nhịp điệu, đến khi trẻ chìm vào giấc ngủ.

Cha mẹ có thể đặt con ngủ trong cũi riêng và duy trì thói quen ngủ của trẻ
Cha mẹ có thể đặt con ngủ trong cũi riêng và duy trì thói quen ngủ của trẻ

3. Sức khỏe cho trẻ 9 tháng tuổi

Mẹ hãy tham khảo lịch tiêm chủng để biết trẻ 9 tháng tuổi cần tiêm phòng những bệnh gì.

Bà mẹ nên kiểm tra cân nặng, chiều dài và chu vi vòng đầu của trẻ thường xuyên để theo dõi sự tăng trưởng của trẻ.

Thảo luận về chế độ ăn, sự tăng trưởng, các vấn đề thường gặp của trẻ ở giai đoạn này như: kiểu ngủ, cai sữa, mọc răng, sợ hãi khi gặp người lạ với bác sĩ nhi khoa và chuyên gia tư vấn dinh dưỡng.

4. An toàn cho trẻ 9 tháng tuổi

Trẻ 9 tháng tuổi rất tò mò, hiếu động, thích khám phá mọi sự xung quanh, vì thế hãy xây dựng một “ngôi nhà an toàn” cho em bé của bạn:

  • Lắp đặt dây điện, ổ cắm, phích cắm an toàn cho trẻ.
  • Có cửa, cổng, hàng rào chắc chắn, độ cao phù hợp với lứa tuổi của trẻ em.
  • Cửa sổ phải có chấn song, các thanh dọc chắc chắn và khoảng cách đảm bảo trẻ không chui qua được.
  • Các loại thuốc nên đặt trong tủ đựng thuốc và ở vị trí ngoài tầm với của trẻ.
  • Dao, kéo và các vật sắc nhọn dùng để cắt cần để ngoài tầm với của trẻ.
  • Vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ.
  • Không cho trẻ chơi các đồ chơi nhỏ hoặc các vật nhỏ dễ nuốt.

Khi trẻ bước vào tháng thứ 9 sau sinh, trẻ đã rất hiếu động và muốn khám phá thế giới xung quanh. Một số trẻ còn có thể vịn đứng và tập những bước đi đầu tiên. Vì thế các bậc cha mẹ cần nắm rõ cột mốc phát triển cũng như cách chăm sóc để trẻ có sức khỏe tốt nhất.

Khi trẻ có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, cha mẹ có thể đưa trẻ đến hệ thống Y tế Vinmec để được khám và điều trị kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: whattoexpect.com; Verywellfamily.com

XEM THÊM:

Chia sẻ
Câu chuyện khách hàng Thông tin sức khỏe Sống khỏe